Việt Nam: Linh hồn trẻ thơ và những nấm mộ không tên
Nghĩa trang Đồng Nhi dành cho các hài nhi bị chối bỏ tại núi Hòn Thơm, Khánh Hòa do ông Tống Phước Phúc xây dựng. |
Thứ tư 26 Tháng Ba 2014
Theo báo chí Việt Nam, mới cách đây ba ngày, một người dân tại xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội khi ra mương thả vịt đã vớt được một chiếc hộp carton trong có đựng một xác thai nhi nữ. Cùng với một số người dân địa phương chôn cất bé gái xong, chưa kịp hoàn hồn thì một tiếng đồng hồ sau ông lại phát hiện thêm một hộp carton nữa - lần này là một thai nhi nam cũng đã chết, và ông lại đem đi chôn.
Những cái tin tương tự xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong nước, khi thì một người lượm rác, khi thì một người đi đường tìm thấy một xác thai nhi bỏ rơi đâu đó. Đã trở thành chuyện thường ngày, ít được ai chú ý, khi Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về tỉ lệ nạo phá thai.
Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, tại Việt Nam mỗi năm có 1,2 đến 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, và cũng có bằng ấy bào thai bị phá bỏ. Điều đáng ngại là tỉ lệ vị thành niên phá thai ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Sản bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các thiếu nữ đi phá thai có tuổi đời ngày càng trẻ, bất chấp các nguy cơ cho sức khỏe khi phá thai. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng tâm lý về sau này.
Tình trạng phá thai ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều chứ chưa có giảm đâu, và giới trẻ chiếm tỉ lệ khá cao. Trước đây tuổi khoảng chừng trên 18 chiếm cũng nhiều, nhưng bây giờ tuổi vị thành niên 15, 16 cũng có. Tôi nghĩ là do cách sống, du nhập văn hóa phương Tây chẳng hạn, hay những hình ảnh, phim trên mạng giới trẻ xem một cách không chọn lọc. Việc ngừa thai cũng không được áp dụng một cách rộng rãi.
Đặc biệt số phá thai nằm trong nhóm dân trí thấp như công nhân, nhất là công nhân ở quê lên làm việc. Xa nhà, sống tập thể, rồi những ngày nghỉ lễ, Chủ nhật nam nữ tập trung gần gũi dễ làm cho có thai. Mấy em đó lại không hiểu biết cách ngừa thai, cũng không hề biết ảnh hưởng của việc phá thai như thế nào. Cho nên nhóm dân trí thấp thì tình trạng này nhiều. Còn những người hiểu biết thường tỉ lệ phá thai thấp.
Tuổi càng trẻ mà phá thai thì nguy cơ về chuyện sinh sản sau này khá cao. Những nguy cơ của việc bỏ thai có thể là: sót nhau, nhiễm trùng, thủng buồng tử cung hoặc hiếm muộn về sau. Đó là chưa kể những nguy cơ nặng nề nữa. Thí dụ có những em vị thành niên không biết mình có thai, đến khi thai lớn 17, 18 tuần chẳng hạn, lúc đó gia đình mới phát hiện, tha thiết xin bỏ thai. Việc bỏ thai to như vậy rất là nguy hiểm. Cũng có một số trường hợp vì những lý do đặc biệt mà phải bỏ thai, thì ảnh hưởng lên em bé rất là nặng nề.
Còn giả sử không phá thai đi nữa mà để đẻ ra, còn là gánh nặng cho xã hội và cho gia đình. Các em nhiều khi không muốn nuôi con, hoặc không có điều kiện chăm sóc em bé. Còn nuôi thì việc nuôi nấng không được như ý muốn. Và tương lai của các em vị thành niên có thai thì các em ấy không học hành tới nơi tới chốn, có nghề nghiệp ổn định, vấn đề kinh tế tài chính về sau không thuận lợi lắm. Cuộc sống sau này của các em không phải là tốt. Cho nên việc phá thai như vậy ảnh hưởng khá lớn đến tương lai của các em đó.
Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, biện pháp phá thai nội khoa được dùng rộng rãi hơn trước đây. Một điểm khác biệt nữa so với thời trước, là có linh hoạt hơn trong việc phá các bào thai to đối với các trường hợp đặc biệt, vì sự an toàn của thai phụ.
Nếu biết có thai sớm, tuổi thai dưới 7 tuần thì biện pháp thường là phá thai bằng thuốc, tức phá thai nội khoa. Trong bệnh viện, phá thai nội khoa như vậy có thể áp dụng tới tuổi thai 9 tuần – 9 tuần vô kinh tính từ ngày kinh đầu tiên tới ngày phát hiện có thai. Phương pháp phá thai nội khoa này có ưu điểm là không làm tổn thương lòng tử cung như phá thai ngoại khoa là nạo phá thai. Khi dùng những dụng cụ như vậy có thể làm cho lủng buồng tử cung hoặc nhiễm trùng, xây xát, ảnh hưởng tới tử cung nhiều hơn.
Tuy nhiên phá thai nội khoa cũng không hẳn là tốt: có thể làm cho lượng máu ra nhiều hơn, kéo dài nhiều ngày hơn, và cũng có nguy cơ nhiễm trùng. Cũng có một số chống chỉ định đối với phá thai nội khoa, thí dụ có một số người bị bệnh tuyến thượng thận, hoặc bệnh tim mạch hay bệnh suyễn cũng không được sử dụng. Và một tác dụng phụ của nó là đau bụng. Có người đau bụng dữ dội, hoặc có khi xuất huyết ồ ạt phải vô viện cấp cứu.
Một điểm khác biệt nữa so với trước, là mình nâng tuổi thai lên đối với phá thai ngoại khoa. Hồi trước 12 tuần thôi, bây giờ có thể tuổi thai lớn hơn, từ 12 đến 18 tuần. Không phải là khuyến khích việc phá thai to như vậy, nhưng đã mở rộng tuổi thai trong việc phá thai ngoại khoa cho những trường hợp đặc biệt.
Tại vì trước đây khi hạn chế tuổi thai thì những em phá thai trên 12 tuần ra ngoài làm chứ không vô bệnh viện, không vô hệ thống y tế của Nhà nước. Thành ra tai biến của phá thai ngoại khoa rất lớn. Do đó Bộ Y tế mới chủ trương mở rộng tuổi thai có thể phá được.
Một nữ hộ sinh cho biết, cách đây hơn một chục năm, vì ý thức kém nên nhiều phụ nữ thường để đến khi thai được nhiều tuần tuổi mới đến bệnh viện xin phá bỏ. Cô tả lại những hình ảnh khủng khiếp đối với những bào thai bị tước mất quyền sống.
Bây giờ người ta phá thai sớm lắm, chứ không trễ như hồi xưa nữa. Với lại hồi xưa phải lên bàn hút ra, bây giờ có loại thuốc uống để tống ra, cho nên không ghê gớm như xưa.
Hồi xưa để thai to lắm, tới gần năm, sáu tháng mới phá. Thậm chí có những đứa sanh ra nặng ký mốt, ký hai, còn 8, 900 gram là chuyện bình thường. Phá thai to thì người ta phải đặt túi nước gọi là cô-vắc để kích thích sự chuyển dạ, sanh bé ra. Có những đứa sanh ra vẫn còn sống, biết khóc oe oe, có bé trai còn tiểu bắn cầu vồng lên luôn.
Khi lấy thai ra, để nằm đó đợi cho chết hẳn rồi mới đem đi. Có những đứa vài tiếng sau chết, có những đứa sống dai lắm, khóc oe oe như mèo kêu. Còn bây giờ dân trí cao hơn, biết đi phá sớm nên đỡ hơn, ít có phá thai to như ngày xưa, với lại bệnh viện cũng ít làm lắm.
Khi phá thai to, người ta gắp ra từng phần – cánh tay, cẳng chân, thậm chí dùng kềm bóp bể sọ. Ghê lắm! Bây giờ không còn những sự khủng khiếp như vậy nữa.
Có những cô gái lỡ lầm tự sinh con rồi tự giết hại giọt máu của mình đem vứt đi, những thai nhi bị phá bỏ tại các cơ sở y tế thì bị coi như rác y tế. Có một người đàn ông ở Khánh Hòa đưa vợ đi sanh, khi nhìn thấy xác một bé sơ sinh bị bỏ rơi đã không nén được xúc động, xin bệnh viện mang về chôn cất. Sau đó, ông mua một mảnh đất trên núi Hòn Thơm, tiếp tục đến các bệnh viện xin xác các thai nhi đem về chôn tại đây.
Tiễn đưa các hài nhi về với đất. |
Từ năm 2004 đến nay, đã có đến 10.500 sinh linh bé bỏng được hương khói tại nghĩa địa Đồng Nhi này. Người đàn ông tốt bụng ấy chỉ là một thợ xây bình thường – ông Tống Phước Phúc, cư ngụ tại số 56/3 Phương Sài, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Ông Tống Phước Phúc kể lại:
Khánh Hòa là một thành phố du lịch đông khách thập phương, rồi những chị em tụ về đất Nha Trang làm ăn, trong đó tình trạng sống chung trước hôn nhân quá nhiều nên mới có chuyện phá thai.
Tôi làm việc này từ ngày 13/07/2004 đến giờ. Ngày đầu tiên đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, tôi thấy người ta vứt bỏ những thai nhi. Mình là người Công giáo, thấy đó cũng là một linh hồn, một con người. Mình muốn cho các cháu có một nấm mồ ấm cúng, nên về đi mua đất rồi lập nghĩa trang riêng cho các cháu. Đã làm hơn mười năm nay.
Lúc đầu năm 2004 phải đi tới từng cơ sở y tế để xin. Mười năm qua thì ai cũng biết rồi, bây giờ chỉ cần một cú điện thoại là đi tới lấy bất kể ngày hay đêm. Lúc nào cũng sẵn sàng cái điện thoại, không bao giờ để hết pin. Từ đó mình làm nhân rộng ra thì mới có được nhiều nghĩa trang của thai nhi.
Nghĩa trang đặt trên núi Hòn Thơm, mình mua năm 2004 giá 10 triệu, lúc bấy giờ cũng hơn cây vàng, để dành cho các cháu. Mình chôn thì những trẻ chưa thành hình được đưa vào cái niêu đất, lấy silicon đóng lại. Những đứa đã hình thành, có chân tay – thai nhi trên ba tháng, thì mình đóng một cái quách để chôn các cháu. Mộ thì xây hộc, bỏ các cháu vào rồi lấp xi măng lên. Vì mình làm nghề xây dựng nên tự tay mình làm hết.
Tính đến ngày hôm nay là 10.500 mộ. Mình là người Công giáo nên khi mang về tự đặt tên thánh cho các cháu thôi, hy vọng lòng thương xót của Chúa sẽ thứ tha hết mọi lỗi lầm của cha mẹ. Có những đứa khi mình đem về chân tay bị cắt ra từng khúc vì hút không ra được, nhiều cảnh rất thương tâm. Mình coi tất cả như là con mình hết.
Như ngày hôm nay mình đem về để ngay trên bàn thờ đây là được mười hai cháu, chuẩn bị mai đi chôn.
Không chỉ chôn cất thai nhi, người tín đồ Công giáo này còn sẵn sàng nuôi dưỡng các cô gái lỡ mang bầu muốn phá thai, thuyết phục các cô ở lại nhà mình để sinh con thay vì phá bỏ. Ông cũng sẵn lòng nuôi dưỡng các cháu bé được sinh ra, khi nào người mẹ có sinh kế ổn định muốn nhận lại con thì ông sẽ trao lại. Cho đến nay, đã có hơn 100 em bé được chào đời thay vì phải chết tức tưởi, và nhà ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con.
Trong khoảng thời gian mình đang làm năm 2004, mình thấy những người mẹ trẻ có ý định vứt bỏ con thì mình khuyên không nên bỏ. “Khó khăn thì về ở với chú, chú nuôi cho! Từ 2004 tới giờ mình nuôi hơn một trăm người mẹ lầm lỡ tại nhà mình để chờ ngày sinh con. Đã có hơn một trăm đứa trẻ sinh ra tại 56/3 Phương Sài.
Khi đem về nuôi, mình chỉ khuyên một điều là con về sống ở giữa đời thường, con thấy những chị em giống như con thì con cứ giới thiệu tới với chú, là con đã giúp cho đứa bé khỏi chết oan. Thì đó, cứ truyền miệng đi cho tới ngày hôm nay.
Hiện đang còn năm cô gái trẻ đang chờ ngày sinh nở tại mái ấm của Phúc đây. Một phần các em sinh viên thì sợ nhà trường biết, sợ gia đình biết cho nên muốn bỏ những đứa bé đi. Mình cũng tạ ơn Chúa là các cô không đến với mình một lúc mười lăm, hai chục em, mà khoảng năm bảy em. Những em này đi thì năm, bảy em khác tới, coi như trong nhà mình lúc nào cũng có các bà bầu.
Cũng nhờ nguồn động viên lớn nhất cho mình là vợ và hai đứa con, ai cũng thương đám trẻ đó. Nếu mình không cứu sống thì đã trở thành những thai nhi mà hàng ngày mình phải liệm và chôn cất các cháu. Bây giờ những đứa trẻ này lớn rồi. Đứa lớn đã học lớp 4, nhỏ thì học mẫu giáo. Hè tới đây là tám đứa vô lớp 1 nữa. Lúc nào trong nhà mình cũng có trẻ đi lớp 1 hết.
Và cũng hơn năm chục người mẹ trẻ đã quay lại đón con về với gia đình rồi, sau thời gian đi làm ăn có tiền thì tới để nhận lại con, đi cùng với ông bà ngoại tới đón con về
Nỗi lo của ông Tống Phước Phúc hiện nay là tiền ăn học cho đám trẻ ngày càng nặng:
Mình nuôi cả trăm đứa rồi, những đứa nhỏ vẫn bi bô học mẫu giáo ở nhà. Rồi tới tuổi đi học thì mình xin đăng ký cho học trường công, sáng chở đi rồi chiều đón về. Bắt đầu từ lúc này mình hơi vất vả về chuyện học, vì ăn học ở Việt Nam phải tự lo hết việc đóng tiền. Thôi cũng cố gắng phú cho trời, cho Chúa, Mẹ lo cho các con.
Một trong những lý do khiến các cô gái mang bầu quyết định phá thai là do sợ dư luận, định kiến xã hội. Từ mười mấy năm qua, đã xuất hiện những “mái ấm”, tức các cơ sở xã hội để những thiếu nữ lỡ lầm có thể nương náu cho đến khi sinh con. Một trong những cơ sở đầu tiên là Mái ấm Mai Linh của dòng Nữ tu Bác Ái ở Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 2002, đến nay đã giúp 600 cháu bé được sinh ra làm người thay vì bị phá bỏ. Sơ Mađalêna kể:
Việc này chúng tôi, dòng Nữ tu Bác ái Vinh Sơn làm lâu rồi. Hồi trước chúng tôi có mấy sơ làm ở Từ Dũ, có một sơ chuyên tư vấn cho các em. Khi biết có ý định như vậy, thì mới nói nếu muốn giữ thai sẽ giúp tạo điều kiện. Hồi đó chưa có nhà riêng, phải đi mướn nhà trọ cho các em ở. Bây giờ có xây được một căn nhà cho các em rồi – hình như miếng đất đó có người cho – xây căn nhà cấp 4. Sau đó năm 2006 sửa lại.
Chúng tôi cho các em đóng góp một phần tiền ăn, chi phí sanh nở thì gia đình lo. Trường hợp nào khó khăn lắm thì chúng tôi miễn giảm tùy theo, còn nếu xác minh đúng thật là khó khăn thì giúp hoàn toàn từ A đến Z.
Bây giờ trong thành phố này rất nhiều mái ấm. Hồi xưa khi chỉ có chúng tôi thì đông lắm, có thể lên tới hai mươi mấy em ở đây, còn bây giờ đông nhất là mười một em - ra vào thay đổi, khi năm sáu, khi bảy tám em. Trong số của chúng tôi cho đến hiện tại đã có trên 600 ca rồi. Có đủ giới hết, học sinh có, công nhân có, và cỡ tuổi nào cũng có hết.
Về tình trạng phá thai hiện nay, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà nhận xét:
Số lượng phá thai nếu tính theo mỗi năm thì năm 2013 giảm so với năm 2012 tại bệnh viện Từ Dũ. Có nhiều lý do, trong đó có lý do năm tốt hay không tốt, như năm Thìn, Tỵ, Ngọ…Năm càng tốt thì số lượng người có thai càng nhiều, năm không tốt lỡ có thai người ta muốn bỏ thai nhiều. Tùy thuộc nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là ý thức của bản thân người phụ nữ.
Phá thai nhiều lần cũng có. Bây giờ việc quan hệ tình dục ở giới trẻ có vẻ “mở” hơn trước đây. Nhiều em quan hệ tình dục trong khi không có định hướng gì cho tương lai, nên số lượng bỏ thai cũng khá nhiều. Mỗi ngày ở khoa Kế hoạch gia đình có thể là tới 400 ca, không chỉ tuổi vị thành niên vì chưa thống kê lứa tuổi.
Chỉ riêng ở một bệnh viện mà số lượng phá thai trung bình mỗi ngày lên đến khoảng 400 ca, cho thấy tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam vẫn đang ở mức báo động. Cùng một ngày, có đến 12 thai nhi bất hạnh chờ được đem chôn cất, tại nhà ông Tống Phước Phúc…Liệu có bao giờ giảm bớt được thảm trạng này?
Tại các nước phát triển, các bà mẹ đơn thân không hề bị kỳ thị, mà còn được hưởng trợ cấp nuôi con. Những phụ nữ vì lý do nào đó muốn bỏ rơi đứa bé, thì tại Pháp có chế độ sinh con không cần để lại danh tính (né sous X). Ở Đức có những “hộp dành cho em bé” được sưởi ấm và có hệ thống báo động, để những người mẹ này có thể lặng lẽ đặt đứa bé sơ sinh vào, sau đó yên tâm rằng con mình sẽ được xã hội chăm sóc.
Có lẽ đối với Việt Nam, việc tăng cường giáo dục giới tính, thành lập mạng lưới tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên là những biện pháp cần thiết trước mắt. Để những nấm mồ vô danh của những hài nhi vô tội không còn mọc lên thêm mỗi ngày, những sinh linh được sinh ra, lớn lên và sống trọn kiếp người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.