Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức khi để dự án Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ và đội giá hơn 300 triệu USD.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông, UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 2 năm. Ảnh: Bá Đô.
|
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đường sắt - đại diện chủ đầu tư, quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh. Việc chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài và tăng chi phí lớn.
Cụ thể, nhà ga từ 2 tầng được nâng lên 3 tầng để thêm phòng chức năng tại tầng 2, nhằm giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng và để mỗi nhà ga có thêm cầu vượt cho người đi bộ. Việc điều chỉnh này giúp giảm được 43 triệu USD chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng lại khiến tổng chi phí tăng 84 triệu USD (mức tăng do trượt giá và thay đổi quy mô).
Khu vực depot tàu điện tại quận Hà Đông có nền đất yếu ở độ sâu từ 2 m đến 3 m song trước đó, đơn vị tư vấn đã không có phương án xử lý. Khi triển khai, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý nền đất với chi phí là 13 triệu USD. Công tác giải phóng mặt bằng chậm chạp cùng với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật kéo dài cũng khiến các hạng mục này tăng chi phí, nên chủ đầu tư đề nghị bổ sung 88 triệu USD.
Cùng với nhiều hạng mục khác phải thay đổi như điều chỉnh đường tránh quốc lộ 6, vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, chi phí đào tạo, địa điểm đúc bãi dầm và phương án lao lắp dầm... đã làm tăng chi phí dự án hơn 10 triệu USD.
Biến động về giá nguyên vật liệu, chế độ chính sách trong các năm cũng được đánh giá là chưa chính xác nên Ban quản lý dự án đường sắt đã đề xuất bổ sung kinh phí 95 triệu USD.
Tổng cộng, dự án tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ Giao thông kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
Sau khi trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh đầu tư, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã có văn bản mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm tra, nhằm chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định quản lý đầu tư; xử lý những vướng mắc và ngăn chặn sai sót trọng yếu có thể gây thiệt hại cho Nhà nước.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng, tương đương hơn 552 triệu USD (thời giá năm 2008), trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD, thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013.
Sau khi điều chỉnh thời gian, Bộ Giao thông đưa ra tiến độ chạy thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông từ tháng 1/2015 và chính thức khai thác từ tháng 6/2015.
Đoàn Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.