Vị trí của kẻ ngoài rìa
Nhã Thuyên
Chọn một tối thư thả, tôi đọc một mạch luận án thạc sỹ của Nhã Thuyên. Để nghe cho hết một câu chuyện buồn mà Nhã Thuyên cố gắng giãi bày qua ngôn ngữ học thuật. Dù Nhã Thuyên cố gắng kìm giữ tình cảm, thái độ khách quan của người làm khoa học thì vẫn có thể tìm thấy sự trân trọng, yêu mến, ủng hộ nhóm thơ “Mở miệng”. Cô đã tạo được mối thâm tình tri kỷ giữa cô và đối tượng quán xét của cô, mà không để tình cảm lấn lướt. Và đồng thời, cô gắn người đọc vào tình cảm tri kỷ này…
Khi chọn viết về những Kẻ Bên Lề, Nhã Thuyên đã làm một việc là tự đẩy mình đi xa hơn đối tượng quan sát – bên rìa. Đọc và thấy Nhã Thuyên đã tự làm khó mình khi chọn một vị trí rất chông chênh để nhìn cho rõ đối tượng cô muốn tìm hiểu. Cô đã tự đẩy xa mình khỏi các chuẩn mực nghiên cứu thông thường của nhiều người trước đó: lựa chọn những cái cấm kỵ, cái không được phép. Chỉ những ai biết rõ bản thân mình, hiểu rõ việc mình làm và rất bản lĩnh mới dám chọn thế đứng chênh vênh bên rìa – nơi tưởng chỉ cần một cái chạm khẽ của quyền lực chính thống là có thể rơi tự do.
Trong luận án, ít thấy Nhã Thuyên phân tích những cảm xúc của mình về nhóm thơ Mở miệng, một điều thường thấy ở các nhà phê bình hay mắc phải. Cô lựa chọn cách nhìn khoa học, khách quan, sự thật để chiếu sáng một vùng tối hiếm hoi do bạo quyền chính thống bịt kín. Ở cái thế chông chênh với cơn đao búa quyền lực vung vít cho đến lúc này chưa chấm dứt, cô vẫn giữ được sự tỉnh táo cần thiết, sâu sắc cần thiết, vững vàng luận lý cần thiết để phân tích, chứng minh quan niệm của cô về nhóm thơ Mở miệng nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung. Nhã Thuyên chọn Cái Bên Lề làm điểm tựa cho quá trình nghiên cứu của mình, và vô hình chung, cô đã tháo cởi toàn bộ mối ràng buộc với quyền lực, nỗi sợ hãi, e ngại, giáo điều, khô cứng, sáo mòn, cũ kỹ… Những gì cô viết trong luận văn hoặc là cất lên tiếng nói, hoặc là im lặng, không có cách diễn giải khôn khéo, tránh đụng chạm. Cô đã tới bến bờ của tự do sáng tạo, lựa chọn.
Toàn bộ luận án của Nhã Thuyên có 114 trang, nếu gạt qua một bên những luận cứ trúc trắc của học thuật cần thiết để cô làm nền tảng nghiên cứu, phân tích, tôi có cảm giác được đọc một tuyên ngôn hoàn chỉnh của những con người sáng tạo yêu tự do, cần tự do, và quyết tâm giành tự do cho những sáng tác của mình. Những khao khát về chân lý, tìm tòi đến tận cùng bản chất của những cái đang là chính là chỗ đứng của Nhã Thuyên, khiến cô mong manh nhưng mạnh mẽ, vững vàng. Cái rìa nơi cô đang đứng có vẻ chông chênh kia không dễ gì bị đạp đổ, dù thực tế cô đã bị những kẻ u uất, vô minh trút hận lên số phận mình. Từ vị trí bên rìa, chắc chắn Nhã Thuyên không hề có tham vọng giật đổ cái trung tâm chính thống cổ hủ, giáo điều, xơ cứng, độc tài, quấn chặt về mình mọi đặc quyền, đặc lợi. Cô chỉ soi cái nhìn trong sáng, hồn nhiên minh triết trong sự sẻ chia, thấu hiểu với nhóm nhỏ người dù đã chọn Vị Trí Bên Lề mà vẫn bị người ta tìm cách xóa bỏ. Nhưng sáng tạo nghệ thuật thì không thể có cái này là trung tâm, cái kia là bên lề, và càng không có quyền lực nào xóa bỏ được… Tự bản thân mỗi sáng tạo nghệ thuật chính là trung tâm mà cá nhân đó xác lập cho mình. Tất nhiên ngoài tài năng, còn đòi hỏi sự dũng cảm của người nghệ sỹ, nhất là trong chế độ toàn trị.
Tôi đã tìm thấy trong cô giáo “mất dạy” Đỗ Thị Thoan, nhà văn Nhã Thuyên, nhà nghiên cứu phê bình Nhã Thuyên một tài năng lớn, một phẩm cách vô cùng cần thiết cho chặng đường xa ngái trong sáng tạo văn chương, một tài năng và tư cách hiếm hoi trong cái lờ nhờ, bế tắc, tăm tối, hèn mạt của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đương thời.
Âu cũng là hậu sinh khả úy. Để mà tin tưởng, lạc quan sống tiếp…
Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.