Người Tân Cương bị bắn tại chỗ sau khi bị trả về Trung Quốc
Cảm xúc của cộng đồng đúng là rất trái chiều sau sự việc “người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh” hôm kia. Phần lớn tâm lý số đông của mọi người là căm phẫn trước mất mát của lực lượng biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.
Vậy từ khía cạnh pháp luật quốc tế, chúng ta nên nhìn sự việc trên như thế nào? Trước mắt chúng ta cần xác định họ là ai, những người nước ngoài xâm nhập lãnh thổ quốc gia Việt Nam với mục đích xấu nào đó, hay đó là những người tị nạn thông thường. Có ý kiến cho rằng nhóm người này là “thám báo” được cử sang ta, và khi bị trả về, đã gây đổ máu. Sâu xa hơn, cũng xuất phát từ tư tưởng này, người ta cho rằng đây phải chăng là phép thử của nhà cầm quyền Trung Quốc thăm dò chính sách đối ngoại của ta đối với “vấn đề Tân Cương” của Trung Quốc…
Phải cảm ơn một người bạn trên Facebook về một câu chuyện sau:
Nhà văn Nguyên Hồng kể:... Nhưng trong bữa ăn khoái khẩu hôm ấy anh chỉ lẳng lặng uống. Sau mỗi miếng nhắm anh chống đũa, tư lự. Có vẻ anh buồn.- Bên Tàu loạn to. Nhiều người chạy sang ta, chạy loạn hay là chạy chính phủ không biết, trông tội lắm. - anh nói, giọng rầu rầu - Mình ở Hải Phòng lâu, các cậu biết đấy, cả thời trẻ mình sống lẫn với người Hoa, mình có cảm tình đặc biệt với người Hoa. Họ chăm làm, tử tế... Trông những người chạy loạn gày còm, đen đủi, nhếch nhác, mình thương quá. Họ tưởng mình cũng là công an, quỳ xuống mà lạy, nước mắt lã chã. Họ xin đừng đem họ trả Trung Quốc, đem trả họ sẽ bị giết hết, họ nói thế. Mình can mấy cậu công an, bảo từ từ để xem thế nào đã, nhưng luật biên giới là thế, không trả không được. Những người Hoa kia lăn lộn, kêu khóc ầm ĩ, phải lôi xềnh xệch sang bên kia... Thảm lắm!- Rồi sao? - chúng tôi hỏi.- Đồn biên phòng ta cách đồn bên kia có một quãng. Lát sau, mình vẫn ngồi đấy, nghe phía bên kia có tiếng súng nổ. Hôm sau, những người khác chạy sang nói mấy người bị trả về bị bắn chết hết, bắn tại trận...
Chắc Trung Quốc chẳng cần phải “thử” ta làm gì, chúng ta vốn cũng có truyền thống trả lại người tị nạn chạy từ Trung Quốc sang từ mấy chục năm nay rồi. Nếu không trả lại, bị quy kết là “can thiệp công việc nội bộ” ngay lập tức.
Vậy thì trước mắt chúng ta hãy nhìn từ giả thuyết họ là những người tị nạn. Trong hệ thống văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia có “Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế” bao gồm “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, và “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” – trong đó hai Công ước sau đòi hỏi các quốc gia tham gia chúng phải thông qua và gia nhập. Ở đây chúng ta cần quan tâm đến “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” – theo thống kê các nước tham gia, thì Trung Quốc là nước tham gia ký, nhưng chưa thông qua, và cũng chưa biết đến bao giờ thì thông qua (nghĩa là ngoài đặc khu Hồng Kông, còn thì Trung Quốc chưa chịu ràng buộc của Công ước này), còn Việt Nam thì không có trong danh sách chưa thông qua, nghĩa là đã tham gia rồi.
Công ước là sự thể hiện cụ thể hơn của “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” trong đó có một nguyên tắc cơ bản là “Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở” (điều 13) và “Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.” (điều 14).
Như vậy dù thế nào chăng nữa, thì những người Tân Cương vừa xâm nhập lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp thì đã vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và thuộc quyền tài phán theo pháp luật của Việt Nam. Nếu như kết quả điều tra cho thấy đó đúng là những người tị nạn chính trị người Tân Cương bị đàn áp (không thuộc trường hợp “Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc” cũng của điều 14 trên đây) thì chúng ta cần tuân thủ nghĩa vụ quốc tế - tức là với “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” mà Việt Nam là thành viên – đối xử với họ đúng theo những nguyên tắc mà cộng đồng quốc tế vẫn hằng tuân theo đối với những người tị nạn chính trị từ trước đến nay: tạo cho họ điều kiện tạm sinh sống và đệ đơn lên Liên Hiệp quốc để tìm nơi tị nạn tại một nước thứ ba…
Còn nếu họ đúng là “thám báo”, càng không thể được trao trả về nhanh chóng ngay trong ngày như thế - mà cần phải điều tra ngọn ngành xem người của “Hoa Nam tình báo cục” hay của ai, cử đi đâu, làm gì, nhiệm vụ thế nào, liên lạc với ai…
Điều đó cũng nói lên một điều, bất luận họ là những người tị nạn hay “thám báo”, việc trả về ngay lập tức đã chỉ rõ: hành xử của phía Việt Nam ta đã gián tiếp tuyên bố việc từ bỏ chủ quyền quốc gia trong thi hành quyền tài phán đối với nhóm người trên.
Bằng vài nhận xét như vậy, mình cũng muốn nhắn gửi tới những người đang hô hét “Đánh bỏ mẹ bọn Tàu đi!” rằng, chúng ta yêu Tổ quốc của chúng ta, cũng có nghĩa là chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Các bạn đang mờ mắt về lòng căm thù với “Tàu” mà quên đi rằng, chủ quyền quốc gia mới là cao nhất, và trong trường hợp “vụ Bắc Phong Sinh” này, hành xử của phía ta, chính là vi phạm chủ quyền quốc gia đấy. Việc vi phạm không chỉ từ phía nước ngoài, mà cũng có khi từ cả phía ta nữa.
Xin không bàn sâu về giả thuyết đó là những người buôn ma túy đi vào nước ta. Xin lỗi, buôn ma túy mà mặc kiểu người Hồi giáo đi khơi khơi như thế ấy à… Công an ta chưa bắt thì mấy ông buôn ma túy Việt Nam hàng xịn họ cũng chẳng để yên…
P.S. Đoạn này lúc trước cân nhắc nhưng lại thôi không viết (để bà con Facebook bình luận), nhưng nay lại thấy cần, không thì không hết được ý. Tất nhiên việc các bên hành xử còn theo các hiệp ước song phương được Việt Nam ta ký kết với các nước khác về hỗ trợ tư pháp… trong trường hợp này, nhất là khi Trung Quốc chưa tham gia Công ước quốc tế, thì ưu tiên giải quyết theo Hiệp ước song phương (mà ở đây chúng ta chưa rõ nội dung của nó ra sao).
Theo phương án này, Trung Quốc có quyền đưa ra yêu cầu trao trả, và trong trường hợp đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu: những người Tân Cương này là công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, những người này không thuộc diện tị nạn chính trị mà là các tội phạm hình sự… là thuộc về phía Trung Quốc. Khi đó Việt Nam ta có quyền xác minh lại tính xác thực của những thông tin trên và chỉ trả người về khi những thông tin đó là chính xác và đúng pháp luật quốc tế. Bản thân việc trao trả về cũng phải có thủ tục, nghi thức của nó chứ không phải hành xử lúi xùi. Hôm qua “một ông anh” kể hôm lễ đổ bê tông hai cột mốc biên giới 1116 ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn có đại diện hai Bộ ngoại giao, cũng có diễn ra một sự kiện phía Trung Quốc trao trả lại người, một cô gái cho phía ta. Họ đi một đoàn có đại diện nhiều cơ quan, ngoại giao có, quân sự có, cả y tế cũng có… và tiến hành rất nghiêm cẩn. Ta thì cứ luộm thà luộm thuộm…
P.S. Đoạn này lúc trước cân nhắc nhưng lại thôi không viết (để bà con Facebook bình luận), nhưng nay lại thấy cần, không thì không hết được ý. Tất nhiên việc các bên hành xử còn theo các hiệp ước song phương được Việt Nam ta ký kết với các nước khác về hỗ trợ tư pháp… trong trường hợp này, nhất là khi Trung Quốc chưa tham gia Công ước quốc tế, thì ưu tiên giải quyết theo Hiệp ước song phương (mà ở đây chúng ta chưa rõ nội dung của nó ra sao).
Theo phương án này, Trung Quốc có quyền đưa ra yêu cầu trao trả, và trong trường hợp đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu: những người Tân Cương này là công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, những người này không thuộc diện tị nạn chính trị mà là các tội phạm hình sự… là thuộc về phía Trung Quốc. Khi đó Việt Nam ta có quyền xác minh lại tính xác thực của những thông tin trên và chỉ trả người về khi những thông tin đó là chính xác và đúng pháp luật quốc tế. Bản thân việc trao trả về cũng phải có thủ tục, nghi thức của nó chứ không phải hành xử lúi xùi. Hôm qua “một ông anh” kể hôm lễ đổ bê tông hai cột mốc biên giới 1116 ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn có đại diện hai Bộ ngoại giao, cũng có diễn ra một sự kiện phía Trung Quốc trao trả lại người, một cô gái cho phía ta. Họ đi một đoàn có đại diện nhiều cơ quan, ngoại giao có, quân sự có, cả y tế cũng có… và tiến hành rất nghiêm cẩn. Ta thì cứ luộm thà luộm thuộm…
Tìm hiểu về “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.