Về ba lời khuyên của cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá
Lời khuyên thứ 3, lời khuyên có thể là quan trọng nhất của ông cho con cháu: “không làm ông chủ, hãy làm thuê mà sống...”. Chao ôi! Nếu thế hệ trẻ hôm nay lại nhận những lời khuyên như thế từ bậc cha mẹ thân yêu của mình...
Vụ án bầu Kiên chấn động dư luận không chỉ vì liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, một “người hùng” trong giới kinh doanh ngân hàng, một “người hùng” trong làng “bầu sô bóng đá” mà còn liên quan đến ông Trần Xuân Giá – một chính khách nổi tiếng.
Rõ ràng ông Trần Xuân Giá không chỉ là một cựu quan chức cao cấp của nhà nước mà còn là một người đã từng có vai trò không nhỏ trên các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội của nước nhà, và đã thực sự là một chính khách góp phần không nhỏ vào tiến trình ra đời luật Doanh nghiệp – một Luật tiến bộ mang tầm nhìn cải cách kinh tế, tác động lớn vào phát triển kinh tế quốc gia.
Bầu Kiên và Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá
Tôi từng tôn trọng ông Trần Xuân Giá và từ trong tâm của mình tôi mong điều ông nói ông “hoàn toàn vô tội” là sự thật. Nhưng sự tôn trọng của tôi về ông đã bị mất đi khi đọc được “lời tâm sự” mới đây của ông trước phiên tòa, trên một tờ báo:
Lời tâm sự của ông như sau: “Tôi định hướng cho con cháu 3 điều không: 1. Không theo chính trị; 2. Không làm việc trong hệ thống nhà nước; 3. Không làm ông chủ. Hãy làm thuê mà sống. Nhưng muốn sống tốt thì phải giỏi chuyên môn để là người làm thuê giỏi, để được tôn trọng”.
Nếu lời tâm sự này xuất phát từ một người dân bình thường, có thể chấp nhận được. Nhưng, xuất phát từ một người từng có trách nhiệm với đất nước thì khó có thể chia sẻ.
Từ lời tâm sự trên của ông, nhiều người có thể cảm thông với ông vì bây giờ trước những cái gọi là “tai họa” ông đã thành thật với chính mình. Vâng, tôi cũng có thể cảm thông với ông về sự dám thành thật ấy.
Nhưng ở bình diện quốc gia, dân tộc thì tôi phản ứng trước thái độ của ông, nhất là trong tình cảnh vô vàn khó khăn này của dân tộc, của đất nước.
Chúng ta đang rất cần tuổi trẻ xả thân vì đất nước, tuổi trẻ phải giành lấy quyền nắm vận mệnh đất nước, vận mệnh tương lai của mình và của dân tộc, ấy vậy mà ông lại khuyên vậy, định hướng cho lớp trẻ con cháu ông: “Không theo chính trị” - tức không quan tâm bằng ý thức, tình cảm, trí tuệ, hành động vào con đường chính trị - con đường liên quan sống còn đến vận mệnh đất nước, giang sơn, giống nòi, phát triển hay tụt hậu, đói nghèo hay hạnh phúc, hèn kém hay hùng cường, nô dịch hay độc lập, chiến tranh hay hòa bình.
Chính trị là tất cả. Chính trị đâu chỉ như không ít người hiểu, ấn định ngấm ngầm hiểu đó là con đường tiến thân danh lợi quan chức nhà nước?
Dân tộc Việt này sẽ ra sao đây nếu con cái của các “tinh hoa cốt lõi đất nước” từ bỏ sứ mệnh làm chủ để can tâm và “tự hào” cái phận kẻ làm thuê – dù là kẻ làm thuê số 1?
Lời khuyên thứ hai: “Không làm việc trong hệ thống nhà nước”. Tại sao ông lại có thể khuyên con cháu mình tháo chạy khỏi các cơ quan nhà nước, khi chính các cơ quan công quyền đóng vai trò to lớn trong việc hành pháp, tư pháp, lập pháp và trong đó có những đơn vị quân đội, an ninh, nhận sứ mệnh bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân?
Lẽ ra ông phải khuyên ngược lại: “Đời cha, cha thấy cơ quan nhà nước có nhiều sai sót, các con hãy tình nguyện vào đó cống hiến không vì quyền lợi riêng mình mà vì quyền lợi đất nước, đấu tranh quyết liệt với cái xấu, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm giúp thay đổi hình ảnh các cơ quan nhà nước ấy”.
Vâng, lời khuyên ấy mới là lời khuyên của một người thực sự lo cho dân, cho nước. Thật ra tôi rất hiểu rằng, từ trải nghiệm của ông, có thể ông “ngộ’ ra nhiều sự thật, và có thể ông cảm thấy bất lực nên khuyên con cháu tốt nhất nên tránh xa nó ra.
Tôi biết, khi tôi phê phán quan điểm của ông, sẽ có không ít người nhân danh cái gọi là “thực tế khách quan” để bảo vệ ông thực ra cũng là để bảo vệ quan điểm của chính họ và “ném đá” vào tôi, coi tôi là một kẻ “mơ tưởng hão huyền” nào đó.
Tôi chấp nhận bị ném đá. Vì tôi nghĩ đến em trai tôi giữa tuổi 20 đã ngã xuống vì cái ước mơ: độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Vì tôi nghĩ đến hàng triệu người Việt đã phải đổ máu, đau khổ vì nhiều lý do khác nhau của sự phân ly, của ý nghĩa đích thực hai chữ “yêu nước”, và ý nghĩa đích thực hai chữ “cách mạng”. Một quốc gia không thể mạnh nếu được điều hành bởi một nhà nước rệu rã, một nhà nước mà người dân phải “tránh xa” được!
Một nước Việt của những người làm chủ thật sự, chứ không phải của những người làm thuê
Lời khuyên thứ ba, lời khuyên quan trọng nhất của ông cho con cháu:“Không làm ông chủ. Hãy làm thuê mà sống”. Chao ôi! Nếu thế hệ trẻ hôm nay lại nhận những lời khuyên có thể nói là bạc nhược ấy từ bậc cha mẹ thân yêu của mình.
Dân tộc Việt này sẽ ra sao đây nếu con cái của các “tinh hoa cốt lõi đất nước” từ bỏ sứ mệnh làm chủ để can tâm và “tự hào” cái phận kẻ làm thuê – dù là kẻ làm thuê số 1?
Lưu Trọng Văn
Ảnh: Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.