Vụ sát hại anh em nhà Ngô
4-11-2021
Ta đều biết diễn biến vụ đảo chính đầu tháng 11 năm 1963. Nhóm tướng lĩnh đứng đầu là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim đã lật Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu. Đó cũng là lúc nền Đệ Nhất Cộng Hòa kết thúc và tiếp theo là chuỗi ngày hỗn loạn với các cuộc chỉnh lý, đảo chính liên tục ở miền Nam.
Bài viết này chỉ tập trung vào vụ sát hại hai anh em nhà Ngô. Cuốn sách mình xem là khá hay về giai đoạn này là Misalliance (Liên Minh Sai Lầm) của Ed Miller lại không đi vào chi tiết vụ ám sát. Stanley Karnow có kể, nhưng thông tin đã cũ. Mới nhất, George Veith đã tổng hợp khá chi tiết về sự kiện này trong cuốn sách Drawn Swords xuất bản đầu năm nay.
Trước tiên, cần biết rằng cái chết của ông Diệm và ông Nhu là một sự kiện mà những kẻ tham gia đảo chính đều cảm thấy xấu hổ. Vì thế, họ không muốn nhắc tới, và thậm chí đã cam kết với nhau sẽ không tiết lộ danh tính người ra lệnh giết hai ông Diệm, Nhu.
Tuy vậy, như ta đã biết, nhiều người trong cuộc đã dần tiết lộ những điều họ biết. Nhiều ký giả, sử gia cũng đã theo đuổi cố tìm ra sự thật.
1. Ai là người ra lệnh giết?
Hầu hết cho rằng tướng Dương Văn Minh chính là người ra lệnh giết chết hai ông Diệm, Nhu. Nhưng thực tế, có thể đây là một quyết định tập thể.
Sau khi Dinh Gia Long thất thủ vào 6 giờ sáng ngày 2 tháng 11, Bộ Tổng tham mưu (nơi các tướng đảo chính tụ họp) nhận được một cuộc điện thoại. Đó là ông Diệm gọi từ Nhà thờ Cha Tam. Ông Diệm đồng ý đầu hàng và từ chức. Tướng Đôn liên lạc với phía Mỹ để sắp xếp máy bay chở ông Diệm đi lưu vong ngay.
Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại, tướng Minh họp các tướng lĩnh trên một ban công của tòa nhà Bộ Tổng tham mưu. Theo Hồi ký Đỗ Mậu, lúc một số người bàn bạc đem xét xử ông Nhu như thế nào, thì một tướng đề nghị giết luôn cả hai. Lou Conein của CIA cũng xác nhận chuyện này. Cần biết, chính Lou Conein đã có mặt ở Bộ Tổng tham mưu lúc đó, nhưng không lên ban công.
Như vậy, quyết định hạ sát hai ông Diệm, Nhu rõ ràng đã được nhóm tướng lĩnh đảo chính bàn bạc. Nếu Dương Văn Minh trực tiếp ra lệnh giết, thì đây nên được hiểu là một quyết định tập thể. Nếu không phải tất cả nhóm tướng tá ở đó thì ít nhất cũng một nhóm nhỏ những tướng chủ chốt đã đồng thuận với nhau.
Tác giả George Veith cho biết, chính Lou Conein cũng đã xác nhận chuyện này (quyết định tập thể) với nhân viên phụ trách chính trị của Đại sứ quán Mỹ lúc đó. Tướng Nguyễn Khánh cũng đã xác nhận với Veith. Nhưng tướng Khánh lúc đó đang ở Vùng II thì cũng xem như được nghe ai nói lại.
Sau khi họp ở ban công, một đoàn xe được lệnh chạy tới Nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn để đón hai ông Diệm, Nhu.
2. Cuộc hạ sát diễn ra như thế nào?
Tập hợp từ nhiều nguồn, ta thấy có những sĩ quan sau đây có mặt trong đoàn xe: Chuẩn tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, Đại úy Phạm Hòa Hiệp, Đại úy Nguyễn Văn Nhung.
Từ Nhà thờ Cha Tam, hai ông Diệm, Nhu bị các sĩ quan ép vào một thiết vận xa M113 trong đoàn xe. Xe đi tới đường rầy xe lửa (giao với đường Hồng Thập Tự) thì vụ ám sát xảy ra.
Theo tướng Trần Văn Đôn, tướng Mai Hữu Xuân cho biết Nghĩa và Nhung bắn vào xe, giết cả hai ông Diệm và Nhu. Tướng Xuân khi quay về đã nói với tướng Minh “nhiệm vụ hoàn thành”.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo, lúc đó có tham gia cuộc đảo chính, cho một nhân viên Đại sứ quán Mỹ biết là Thiếu tá Nghĩa đã bắn chết cả hai trong xe bằng một khẩu submachine gun. Nghĩa hành sự theo lệnh Mai Hữu Xuân.
Ngay sau đảo chính, Stanley Karnow phỏng vấn Thiếu tá Nghĩa. Nghĩa cho biết Nhung đâm Nhu bằng dao rồi dùng súng lục bắn vào đầu cả hai ông Diệm và Nhu. Cuộc phỏng vấn cho thấy Nghĩa đã có mặt bên trong xe (ý kiến của Veith).
Bài viết của chính Thiếu tá Nghĩa “Tường thuật về cái chết của Tổng thống Diệm” viết tầm cuối thập niên 1990 có thể tìm thấy trên archive. org. Nghĩa kể chi tiết về diễn biến khi đoàn xe đi từ nhà thờ về đến Bộ Tổng tham mưu. Ngay từ đầu Nghĩa chỉ lo việc bảo an cho đoàn xe và ngồi trên chiếc jeep đi đầu chung với Đại úy Hiệp. Đại úy Nhung đã nhân lúc dừng chờ xe lửa (qua khỏi bệnh viện Từ Dũ) để hạ sát hai ông Diệm, Nhu trong xe M113.
Một cuộc điều tra của đài NBC thực hiện năm 1971 kết luận Nhung là sát thủ duy nhất, và tướng Minh điện đàm cho Đại tá Lắm ở đường rầy xe lửa ra lệnh hạ sát. Tất nhiên ông Lắm không nhận.
Thông tin mới nhất do tác giả Veith cung cấp cho biết cả hai sĩ quan Nghĩa và Nhung đều được giao việc hạ sát (trái với lời kể của Nghĩa – hoàn toàn vô can). Ông Veith đã phỏng vấn một sĩ quan đang là tùy viên của tướng Lê Văn Kim lúc đảo chính. Sĩ quan này cho biết ông đã nói chuyện với cả Nghĩa và Nhung sau sự kiện. Đại úy Nhung cho biết Đai tá Lắm ra lệnh Nghĩa và Nhung sắp xếp hai vị Diệm, Nhu ngồi hai xe thiết vận xa khác nhau. Theo đó, Nhung sẽ giết Diệm, còn Nghĩa giết Nhu. Nhưng ông Nhu từ chối ngồi riêng và đi chung với ông Diệm. Theo vị sĩ quan tùy viên này, Nghĩa không muốn giết Nhu, nên lên ngồi trên xe jeep phía trước, để một mình Nhung hành sự. Vị sĩ quan tùy viên này chính là cố tướng Lê Minh Đảo.
Ngoài những nguồn thông tin trên, tướng Nguyễn Chánh Thi cũng đã tường thuật khá chi tiết vụ sát hại. Nên biết tướng Thi là người lãnh đạo đảo chính năm 1960 và thất bại, nên lúc đó không có mặt ở đó. Sau này, khi vụ “chỉnh lý” của tướng Khánh và tướng Khiêm diễn ra, Nguyễn Chánh Thi đọc được tờ khai tội của Đại úy Nguyễn Văn Nhung khi bị bắt trong trại Nhảy dù. Từ đó, ông Thi mới viết chi tiết về vụ sát hại trong hồi ký của mình. Nhưng cần biết rằng Đại úy Nhung sau khi “khai tội” thì đã bỏ mạng, vì bị tra tấn đến chết (nhưng được công bố là tự tử bằng dây giày). Như vậy, độ xác thực của tờ khai này tới đâu, có lẽ không cần bàn nhiều.
Vụ sát hại hai vị Diệm và Nhu rõ ràng đã gây chia rẽ nghiêm trọng nhóm tướng lĩnh đảo chính. Nhóm tướng trẻ hơn như Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu, v..v.. cho thấy sự bất mãn rõ rệt với nhóm tướng già như Minh, Đôn, Kim. Vì những tướng trẻ này không muốn Tổng thống Diệm bị giết. Sau đó, cuộc chỉnh lý của tướng Khánh, tướng Khiêm diễn ra, truất phế Hội đồng quân nhân cách mạng của tướng Minh, bắt đầu cho thời kỳ xáo trộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.