Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Tôi ủng hộ ông Trần Ngọc Thêm

 

Tôi ủng hộ ông Trần Ngọc Thêm

Chu Mộng Long

23-11-2021

Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có lần đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng nhiều trí thức và dư luận kêu làng. Ông Nhạ không đủ kiến thức và bản lĩnh để bảo vệ quan điểm.

Lỗi cũng bởi một phần ông Nhạ có nhiều phát ngôn tuỳ tiện, như chuyện giáo viên hầu rượu quan “chỉ là vui vẻ tí”, sinh viên không được bán dâm quá bốn lần, học phí thấp thì khó đòi hỏi chất lượng cao… Đến khi ông nói đúng thì bị phản ứng như khi ông nói sai.

Còn ông Trần Ngọc Thêm do ba phải trong vụ án đạo văn của Nguyễn Đức Tồn nên mất uy tín, chứ tôi thì vẫn cho ông là người thông minh, hiểu biết và rất tiến bộ. Nhất là các quan điểm về giáo dục. Tôi từng thích ông khi dám phản biện cái gọi là “con ngoan, trò giỏi”. Ngoan để dễ dạy bảo, dễ sai khiến, biến trẻ em thành công cụ? Tôi từng đặt câu hỏi, rằng mỗi cháu ở mầm non bị cô giáo “đặt đâu ngồi đó” rồi phát cho cái phiếu “bé ngoan Bác Hồ”, vậy Bác Hồ có thuộc loại ngoan như vậy không? Nếu ngoan kiểu đó thì sao Bác lại phải đi làm cách mạng giải phóng dân tộc và đòi hỏi tự do?

Xem giáo dục là “trồng người” như ‘trồng cây”, đúng là tư duy lợi ích của nông nghiệp. Quản Trọng khi dùng khái niệm này để khuyên vua Tề sử dụng nhân tài như một thứ công cụ phục tùng cho lợi ích bá quyền của nước Tề. Còn “Lễ” thì rõ ràng là tư duy đặc sệt của Nho giáo. Gốc Khổng Tử lấy phép tắc nhà Chu làm khuôn mẫu để quy tất cả các chư hầu về phục tùng vô điều kiện Thiên triều; từ đó thiết lập quan hệ tôn ti, kẻ dưới hầu hạ bề trên như những kẻ nô lệ.

Đó là chưa nói Lễ hiện nay còn biến thái sang điếu đóm, quà cáp – một thứ nhân cách đê tiện: luồn cúi, nịnh bợ, hối lộ.

Ai cũng thấy khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” hoàn toàn mâu thuẫn đến đá lộn với khẩu hiệu: “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng vẫn giả câm giả điếc, thậm chí ủng hộ cái thứ Lễ đặc sệt Nho giáo. Vì sao? Vì cái thứ Lễ ấy mang lại lợi ích ích kỷ của người lớn hơn là lợi ích của trẻ em.

Tâm lý người Việt cố hữu đến mức ai cũng muốn có kẻ hầu hạ, điếu đóm cho mình, nên nói đến Lễ là yêu như yêu vàng và khư khư giữ lấy như bảo vật quốc gia.

Đổi mới giáo dục mà không triệt để, nửa dơi nửa chuột, đổi mới một hồi vẫn quay về thời trung cổ thì là nền giáo dục phản động!

Nhiều người ném gạch đá vào đầu Trần Ngọc Thêm dữ dội. Bài này tôi hứng một phần cho ông Thêm. Hoan hô ông Thêm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.