Sau đêm tưởng niệm…
19-11-2021
Đêm tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19, có lẽ cái giây phút tắt đèn, thắp nhang, gõ một hồi chuông và hồi hướng về những người đã khuất rồi qua màn hình, chấp chóa những con tàu nằm nơi bến cảng, tiếng còi kéo liên hồi; với tôi, đó là hai giây khắc lòng mình lắng lại.
Những con đường hoang vắng, những đứa trẻ mồ côi, những giọt nước mắt lặng rơi và những đoàn người đổ về thành phố, trợ lực, san sẻ… cùng âm thanh của tiếng chuông trôi theo dòng hoa đăng.
Và tiếng còi tàu từ bến cảng.
Tất cả ấy, hơn mọi lời dẫn dắt. Sự dẫn dắt đôi khi như thể chỉ là “người quan sát”, có cái lành lạnh của kẻ đứng bên rìa. Mà chẳng thể nói hộ, khóc giùm, đứng lên thay cho những người trong cuộc trĩu nặng mất mát, tang thương.
“Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”, chưa bao giờ, có lẽ trước cả đêm nay khi chứng kiến những con tàu nơi bến cảng, rồi tiếng còi kéo lên, tôi đã khắc khoải nhớ cái thanh âm mặc niệm ấy giữa trùng khơi Trường Sa. Hôm ấy, trên đường về Nhà Giàn DK1, đoàn chúng tôi thực hiện lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã nằm lại giữa biển. Nến. Hoa cúc. Và tiếng sóng.
Bỗng từ xa, con tàu Titan đứng lại, kéo từng hồi còi, trang nghiêm, mặc niệm.
Chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ tình đồng bào thấm sâu, quặn thắt đến từng giây khắc như thế. Tôi nhớ rõ, mình đã nhìn thật lâu, thật sâu dưới lòng biển thẳm. Màu xanh của nước hay trời, sao như thể có pha thêm cả màu máu của bao ngư dân Việt, lính biển Việt. Biết ơn thôi có đủ, cả lời xin lỗi vì họ đã chết cho bao người được sống.
Và đêm nay, như đã từng trải qua hơn 100 ngày, cái tình cảm tưởng chừng… không ruột rà, máu mủ ấy lại có lúc thảng thốt, bàng hoàng, đau xót. Để trong cái cúi đầu đưa tiễn, vẫn quay quắt một lời tạ tội dù biết lỗi không phải, không thể là mình, ở mình và cũng chẳng ai muốn, ai nỡ.
Nhưng rõ ràng, từng cái chết một, cho đến con số 23.476 người đã mất, dù muốn dù không, sự bất lực là có thật, cả sự thất bại lại càng rất thật. Để cái giá phải trả quá đắt. Nên, dưới cái cúi đầu thành kính ấy, không chỉ đau thương mà còn một lời nguyện cầu xin được lượng thứ.
Lượng thứ cho nhau để ngày sau, nếu dịch bệnh, tai ương có rình rập, đã có những bài học phải trả bằng học phí tang tóc.
Kể cả, những bài học đến từ rất muộn, như chiều nay, thông báo của Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. Một tiến sĩ y khoa, chuyên ngành dịch tễ lại nhận án kỷ luật ngay ngày tưởng niệm đồng bào mất vì đại dịch bệnh truyền nhiễm. Ngẫu nhiên thôi. Nhưng cũng là lẽ tất yếu, người được xem là có công gầy dựng hệ thống y tế cơ sở nhưng phải đến cơn đại dịch, phép thử cho hệ thống này mới thấy rõ, không thể đứng vững. Thì đừng trách vì sao tấn trò thuốc giả lại dễ qua mặt.
Sức khỏe của quốc dân đồng bào, nhìn qua một cơn đại dịch và trước nó, hỡi ôi, sao lại lắm “kháng kháng sinh” mất rồi như thế này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.