Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Phản biện về dạy thêm, học thêm

 

Phản biện về dạy thêm, học thêm

Nguyễn Đình Cống

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại: "Việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm".

Nghe qua thì thấy có thể chấp nhận, nhưng xét kỹ thấy sai về cơ bản. Cái sai ở đây là ghép dạy thêm và học thêm vào với nhau. 

Để bàn cho ra nhẽ thì cần thống nhất định nghĩa khái niệm dạy thêm và học thêm. 

Từ Điển Bách Khoa Việt Nam (1) cũng như Từ Điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên (2) không có mục từ dạy thêm, học thêm [có mục Dạy học nhờ máy tính, Học tập, Học thuyết trong (1) và Dạy học, Học tập, Học thuật trong (2)]. 

Tôi đưa định nghĩa như sau:

Dạy thêm là việc giáo viên đương chức dạy môn học cho học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường và có nhận học phí. (nếu không nhận học phí thì đó là phụ đạo ngoài giờ).

Học thêm là việc học xảy ra ngoài việc học theo chương trình chính khóa ở nhà trường.

Như vậy việc học thêm rất đa dạng, cho nhiều đối tượng. Vị nào, bạn nào chưa đồng ý với định nghĩa trên thì xin nêu ra để thảo luận.

Việc dạy thêm kéo theo việc học thêm. Không thể có dạy thêm nếu không có học thêm. Nhưng khi không có việc dạy thêm thì người ta vẫn có thể học thêm nhiều thứ, nhiều cách.

Rất cần nghiêm khắc trong việc cấm dạy thêm vì phần nhiều việc này ẩn chứa tiêu cực, thậm chí vi phạm đạo lý. Trong khi đó lại cần khuyến khích việc phụ đạo riêng, giúp đỡ riêng cho những học sinh cần đến.

Học thêm có hai dạng chủ yếu. Một là vì yếu kém, chưa nắm được bài học chính khóa tại trường nên cần học lại để hiểu bài. Hai là học thêm những điều mới để mở mang trí tuệ, tăng khả năng. Như vậy thì không nên cấm học thêm. Cấm là cấm học trong các lớp dạy thêm. Việc cấm này là thừa khi đã cấm được việc dạy thêm.

Nếu có ai đưa thông tin ra nước ngoài rằng ở Việt Nam cấm triệt để việc học thêm thì thế giới sẽ vô cùng ngạc nhiên và công phẫn.

Thế mà mấy chục năm nay người Việt quen ghép dạy thêm, học thêm thành một cụm từ vững chắc, thành một khái niệm không thể phân chia. Ghép và dùng từ như thế chứng tỏ sự thiếu chặt chẽ, tạo thói quen hồ đồ. Mong rằng từ Bộ Giáo dục, từ lãnh đạo cấp cao, từ thông tin đại chúng nhận ra điều này và sửa đổi cách dùng để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.