Nhân ngày 20 tháng 11, nhớ học trò, nhớ trường, nhớ lớp (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 121)
Tương Lai
“Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ…”.(Nguyễn Du)
Trong lá thư ngày 5.11.2010 gửi học sinh Chu Văn An niên khóa 1954-1955 tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra trường, tôi có viết: “Dù muốn dù không chúng ta đã cùng lên một chuyến tàu lịch sử. Một chuyến tàu không có vé khứ hồi. Những sân ga rồi đây chúng tacòn có sức lướt qua, những nhà ga chúng ta sẽ đáp xuống, có thể có những bóng dáng quen thuộc, nhưng không là những nơi chúng ta đã từng đến. Thế giới đã thay đổi. Con đường phía trước chưa có bản đồ. Những kinh nghiệm có sẵn không còn đủ cho hành trình đi về phía trước. Những lời răn dạy cũ kỹ theo kiểu kinh nhật tụng lảm nhảm, đang gây khó chịu, không phải vì tuổi già khó tính, mà vì sức trẻ trong tư duy của mỗi chúng ta…”.
Cũng không hiểu tại sao tôi lại chọn con tàu, sân ga, và nhà ga để nói về lớp trẻ từng là học sinh của tôi cách nay gần 70 năm khi tôi đã chạm ngưỡng 87 như ai đó viết “Hẳn là thầy cũng già thôi / Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em”.
Chuyện ấy bình thường như một vòng quay của số phận. Nhưng để nói lên một cách mạnh mẽ hơn, trầm lắng hơn tôi đọc thấy trong thơ Tế Hanh:
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau.
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau
…Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề;
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ;
Lòng của người đi réo kẻ về.
Kẻ về không nói bước vương vương…
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương
Nhưng tại sao lại “thương” những con tàu? Có lẽ cũng chẳng mấy cần đến một sự phân tích ngọn ngành, mà chỉ cần cảm nhận. Vì bài thơ làm năm 1938, mà tác giả thì đã khuất núi. Cảm nhận như Nguyễn Bính nhìn con tàu chuyển bánh
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
Nhà thơ tài hoa đã khắc hoạ lên một hình ảnh ngôn ngữ thơ tuyệt vời, có một không hai trong thi ca:
“Một mình làm cả cuộc phân ly”
Cuộc “phân ly” giữa Thầy và Trò là một tất yếu của cuộc đời nhằm đẩy cuộc sống đi tới. Không có cuộc phân ly ấy, thì làm sao có sự phát triển. Mối gắn bó và kết hợp giữa thầy và trò là nhằm đẩy tới sự phát triển ấy. Phát triển của mỗi người, phát triển của trí tuệ, phát triển của xã hội, phát triển của dân tộc. Cho nên phân ly là để phát triển, muốn phát triển thì phải phân ly, đó là biện chứng của cuộc sống.
Ấy vậy mà
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về
Phải chăng đó cũng là tâm trạng dễ hiểu. Toa tàu chuyển bánh. Thế hệ học sinh, sinh viên mới đã trưởng thành đang lên đường, băng băng tiến về phía trước. Người thầy tóc bạc, chân run vui mừng đưa tiễn họ cố nén xúc động nhưng không sao giấu được nỗi buồn phân ly để rồi “Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương”.
Nhớ muôn phương, đúng vậy. Khi “Một mình làm cả cuộc phân ly” thì người thầy sẽ còn lại những gì, nếu không là trong sâu thẳm tâm tư nỗi hoài niệm những thế hệ học trò đã đi về những chân trời mới. Tế Hanh nói rất hay “ngơ ngẩn nhớ”. Đã là hoài niệm thì thường là phảng phất tâm thế buồn, đơn giản thế thôi. Có những học sinh, sinh viên khi gặp lại tôi không nhớ nổi tên, chỉ nhớ nét mặt vì gần nửa thế kỷ trôi đi, trên những dặm đường chiến đấu, bao nhiêu nước chảy qua cầu, vì vậy mà càng bối rối, càng xúc động để ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
Tại cuộc gặp học sinh Chu Văn An có những người từng “rách tả tơi… đôi giày vạn dặm, bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” trên những chặng đường chiến tranh, đau thương, mất mát, giằng xé để rồi may mắn sống sót trở về. Họ ngồi đó, bình thản kể về những ngày đã qua, giọng họ chỉ trầm lại khi lặng kể về những người vĩnh viễn không có những buổi gặp mặt nghĩa tình như thế này. Những điều đó có thể đã viết thành sách như Người con trai Hà Nội của Đặng Quang Ngọc, học sinh Chu Văn An niên khoá 1954-1955 kể về những nẻo đường đất nước mà anh đã đi qua, những sức bật để vượt lên chính mình, những đồng đội đã nằm xuống…
Cũng lại có những chuyện cảm động không thể ngờ được. Duyên do là Vân Hiền biết tôi vừa ra Hà Nội đã tổ chức một buổi gặp mặt những bạn cùng lớp. Khi ra về, một cô đứng ngay cửa nắm lấy tay tôi khóc: “Thầy ơi, giá thầy ra sớm được một tuần thì mẹ em cũng được an ủi trước khi nhắm mắt, mẹ em vừa qua đời”. Tôi sững sờ lúng túng không biết nói gì. Vân Hiền giải thích: “Thầy ơi, D… là con gái của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường trong câu chuyện Thầy vừa kể đấy ạ”. Thì ra là vậy. Gốc gác của tiếng khóc trách móc ấy là khi trả lời câu hỏi của một học sinh tình cờ có đọc “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” đòi tôi kể lại chi tiết hơn về vị luật sư nổi tiếng và đầy khí phách ấy và tôi đã viết về lời trách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Sao tôi không đưa ông đến thăm Luật sư, ít nhất cũng là để biểu tỏ một tấm lòng trân trọng với một nhà trí thức nổi tiếng đã mạnh dạn nêu lên những thiếu sót của lãnh đạo, phê phán những sai lầm về một số chủ trương, chính sách… khi tôi là Thành viên của Tổ Nghiên cứu và Đổi mới của Thủ tướng do ông mời vào. Lúc bấy giờ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn ở Hà Nội (câu chuyện khá dài, tôi đã có dịp tóm tắt nêu lên trong “Mênh mông thế sự…” cách nay đã lâu).
Tôi cũng còn bị bị ông Sáu Dân trách nhiều chuyện nữa như chuyện không đưa ông đi thăm anh Nguyễn Khải trước khi mất… chứ không phải chỉ một chuyện trên, để hôm nay tôi bị chính cô học trò của mình khóc trách mắng.
Nhưng có lẽ nỗi đau tê tái hơn là nỗi đau đúng ngày hôm rồi, khi tôi gõ phím viết bài “Nhớ học trò, nhớ trường, nhớ lớp” sau khi đi viếng Độ về. Anh là người học sinh tôi yêu quý nhất, người học trò đã gắn bó với tôi 66 năm trời. Vợ tôi vẫn còn giữ được bức thư Độ viết cho tôi cách nay nửa thế kỷ, khi đang du học nước ngoài: “Em phê bình Thầy, tại sao Thầy lại xưng “tôi” với em, em mãi mãi là học trò của Thầy và Thầy mãi mãi là Thầy của em”. 66 năm qua, Độ đã làm như thế. Độ từng nói với tôi và tôi đã đưa lên Mênh mông thế sự, cũng đã in vào sách: “Tâm nguyện của em là khi nằm xuống sẽ để lại được cho đời hai cơ sở trường học xứng tầm ở hai đầu đất nước. Em muốn mời thầy đến thăm cơ sở mới xây của em để thầy vui”. Vợ tôi trách: “Em không được đi viếng để nhìn mặt lần cuối cậu ấy, nhưng nhắm mắt lại cũng cứ rõ mồn một gương mặt Độ”. Câu đầu tiên khi gặp Độ là lời khuyên không nên ham công tiếc việc quá phải chú ý đến sức khoẻ. Khi biết Độ có biểu hiện không ổn về sức khoẻ, tôi nhiều lần khuyên Độ phải kiên quyết bỏ bớt cơ sở đang xây ở phía Bắc, chuyển cho người khác làm. Cả gia đình tôi đều quý mến Độ. Khi thấy tôi nhất định gạt bỏ lời can ngăn không cho đi viếng người học trò đã gần 70 năm gắn bó, con gái tôi cầu cứu đến cô Liễu chăm sóc tôi khi đi…
Nhân kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) có một chuyện cũng vui vui là tình cờ, tôi lại gặp ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên là Phó Tổng thống của Chính quyền Sài Gòn để có cuộc đàm đạo khá thú vị. Duyên do là Hiệu trưởng trường Chu Văn An năm ấy là học trò cũ của tôi, thấy tôi đang ở sân trường liền chạy ra kéo tôi vào phòng Hiệu trưởng: “May quá thầy ơi, em đang lúng túng, thầy cứu em với, thầy ngồi đây để cùng chúng em tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ đến thăm trường cũ nhân kỷ niệm 100 năm. Tôi giãy nảy chối từ: “Ơ sao lại thế, mình có phải là cán bộ ngoại giao đâu, mình cũng chẳng quen ông ấy thì nói chuyện gì, với tư cách gì? Các cậu thì khác, là người trong cuộc, là chủ nhà, thiếu gì chuyện để nói”. Hải vẫn kiên quyết níu tôi lại: “Thầy cứ ngồi với chúng em, có gì nói đỡ cho em vài câu, em van thầy”. Bí quá, không nỡ từ chối, tôi đành ngồi lại, cũng chưa biết nên nói gì.
Khi thấy Hải và những bạn chủ nhà hơi lúng túng, vụt nhớ lại chuyện anh Huỳnh Tấn Mẫm đã kể, tôi đành gỡ bí: “Thưa ông, ông không biết tôi, nhưng tôi thì đã biết ông qua báo chí trong nước và quốc tế và qua các bạn tôi từng tiếp xúc với ông ở Sài Gòn trước 75”. Ông Kỳ ngắt lời “Biết tôi là kẻ bại trận chứ gì. Thua thì cứ nói thẳng là thua. Quanh co làm gì cho mệt. Tôi về đây để nói lên điều ấy, ở Sơn Tây quê tôi, tôi cũng nói điều ấy, có gì mà phải giấu, mà có giấu được đâu?”.
Tôi vội nói: “Không, tôi không hỏi điều ấy, mà hỏi làm gì, càng không nên hỏi khi ông đến thăm lại mái trường xưa, đứng dưới tán cây cổ thụ đã chứng kiến bao nhiêu cuộc bể dâu. Ở đây, tôi muốn nhắc lại việc ông đã cứu người bạn thân của tôi, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm. Cuộc giải thoát cho Mẫm đang bị vây trong chùa, sau đó là cuộc rượt đuổi giữa xe cảnh sát và xe Jeep của ông phái đi cứu Mẫm trên đường phố Sài Gòn trước khi xe cứu Mẫm chạy thẳng vào cửa dinh Phó Tổng thống”. Mẫm cười với tôi: “Dân Sài Gòn kháo nhau: ‘Cứ như được xem phim hành động’”. Mọi người cười ồ, thích thú. Ông Kỳ cũng cười khoái chí.
Đáng tiếc là sau hôm tôi gửi tặng Việt Phương tấm ảnh chụp anh và tôi ở sân trường vào đúng hôm kỷ niệm và rồi anh phải về trước. Anh đã chép tặng tôi bài thơ rất hay về sân trường, bài thơ có tên là “Xin” sau đó in vào tập thơ “Lan” xuất bản năm 2013 nên hôm ấy tôi chưa có để đọc cho mọi người nghe, chắc là cũng gợi xúc cảm cho vị khách phương xa và các bạn chủ nhà.
Người ơi
Chẳng dám nói gì
Nhờ cây, nhờ cỏ thầm thì giùm cho…
…Nhờ niềm vui ở sân trường
Nỗi đau dọc những chặng đường dấn thân
Trời như bảng lảng bâng khuâng
Đất như phóng khoáng lâng lâng gió lùa
Mưa bay trong nắng giao mùa
Người ơi, xin gửi giọt mưa nhắn lời
Hình ảnh sân trường luôn là một biểu tượng lay động cảm xúc với những học sinh nhớ về chốn cũ của một thời trai trẻ. Trở về thăm trường xưa, Xuân Diệu nghe ra “Trống sân trường văng vẳng đánh – mười năm”.Còn Huy Cận thì lại cảm thấy
Trong sân trường hướng dạo giữa Đào viên
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Duy cũng là “Trên sân trường”:
…Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng
tôi không chơi đáo vì không có tiền
Có tiền tôi cũng không chơi
vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền
Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn
con sông có bóng con thuyền thả câu.
Bài này Nguyễn Duy viết từ năm 1960 khi đang là học sinh, lời thơ mộc mạc, cảm động, hứa hẹn một tài năng. Còn tác giả của cuốn sách Người con trai Hà Nội người có mặt trong buổi gặp mặt học sinh Chu Văn An niên khoá 1954-1955 tôi vừa kể thì “Trở lại thăm trường, một trong những mơ ước của anh ngày còn ở chiến trường. Vẫn con đường Thuỵ Khuê quen thuộc và cánh cổng trường xưa… Đứng lặng một lúc lâu giữa sân trường rồi Quang men theo ra bờ Hồ Tây, nơi có nhà bát giác cổ kính được xây theo kiểu Pháp nhìn xuống bờ hồ nay được xây bao lại… để đứng khá lâu với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong gió chiều lồng lộng”.
Còn tôi, sau khi được “giải phóng” khỏi cuộc tiếp khách bất đắc dĩ vừa kể, tôi ra sân trường gặp học sinh cũ, tay bắt mặt mừng, song cũng không tránh khỏi tâm trạng “bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn”. Sau khi cùng nhau chụp ảnh, tôi lang thang khắp ngõ ngách trường cũ tìm lại những bóng dáng chưa mờ phai, trèo lên ngôi nhà bát giác, nơi tôi đã ở ba năm lúc “tiếp quản” cùng hai anh Phan Vịnh và Khắc Anh trong căn phòng ở góc nhà bên cạnh phòng của các anh khác (hình như là anh Thiêm…).
Tôi gặp nhóm Gia Hảo cũng đang lang thang ở đó. Nhờ Hảo bấm máy chụp tôi đứng nơi cách nay gần 70 năm (tấm ảnh này tôi đã đăng trong bài Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội ở Mênh mông… số trước). Sau đó tôi tìm đến nhà cụ Phú, người đánh trống trường thuở ấy thì cụ mất đã lâu rồi, ngôi nhà chuyển đổi chức năng sử dụng đã đập đi xây lại, con cháu chuyển đi xa, không còn ai biết.
Cụ Phú ở Chu Văn An, Cụ Lộng, Bà Tính ở trường Trưng Vương, những người đánh trống trường, người giữ nhịp cho mạch sống của nhà trường từ năm này sang năm khác, âm thầm lặng lẽ và đúng giờ, không lỡ một nhịp. Giờ đây các Cụ đã là “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?” (Thơ Vũ Đình Liên)
Liệu trong lịch sử trường, có ai đó nhớ mà ghi tên các cụ không? Lé loi hy vọng chắc là có! Bởi lẽ, nếu tự lắng nghe trong sâu thẳm tâm hồn sẽ thấy ra
Trường xưa không nhìn mà vẫn thấy,
Mãi dội trong tim tiếng trống vào. (Thanh Lương)
Dội trong tim tiếng trống là vang bóng của hoài niệm, đồng thời có những điều không phải là hoài niệm mà là cơ duyên của số phận. Có những người là học trò của tôi, sau đó là thầy cô giáo dạy con gái tôi như cô Kim Ngân ở trường Trưng Vương, như thầy Vũ Hữu Bình dạy chuyên toán lớp con trai tôi học.
Vợ tôi kể lại chuyện cô Bích Ba mà bà ấy thiết tha mời dạy kèm cho một nhóm học sinh, trong đó có con gái tôi. Bích Ba là học sinh luôn có điểm Văn cao nhất lớp. Một hôm Mẹ tôi nằm ở phòng trong, chỉ cách một tấm màn che, nghe cô giáo giảng bài. Khi lớp học kết thúc, Bà Nội cháu trầm trồ với con dâu: “Con mời được cô giáo quý quá, cô giảng bài rất hay, phân tích rất giản dị. nhưng rất cuốn hút”. Vợ tôi sung sướng khoe: “Cô ấy là học trò của bố cháu Hằng đấy ạ”. Mẹ tôi cười: “Thảo nào”! Đó là một khoảnh khắc Bà Cụ mãn nguyện về công phu nuôi dạy con trai của mình. Mẹ tôi là cả một kho truyện cổ tích và tục ngữ, ca dao; Cụ cũng biết qua loa tiếng Pháp do học lỏm của Cụ thân sinh tôi. Cụ rất nghiêm khắc trong việc theo dõi tôi đọc sách, giảng giải những điều tôi không hiểu. Thế là mấy thế hệ kế tiếp nhau trong “vòng quay của số phận”: mẹ tôi dạy tôi, tôi dạy học trò tôi, học trò của tôi dạy con tôi.
Sophocles nói: “Số phận có quyền năng kinh khủng. Bạn không thể trốn thoát nó bằng sự giàu sang hay đấu tranh. Không thành trì nào ngăn được nó bên ngoài, không con tàu nào chạy trốn được nó”. Có thể có những điều cần suy nghĩ về sự khẳng định của kịch tác gia của thành Athene, song cũng cảm nhận đựợc triết lý của ông, một trong ba nhà viết bi kịch vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại. Chính triết lý về số phận của ông đã làm sâu sắc thêm luận điểm tuyệt vời của James Allen: “Gieo một hành động, và bạn gặt một thói quen. Gieo một thói quen, và bạn gặt tính cách. Gieo một tính cách, và bạn gặt vận mệnh”. Tính cách kiên cường, bất khuất cùng với lý tưởng cao quý của Antigone – nhân vật bất hủ trong bi kịch của Sophocles – khẳng định sức mạnh của con người vươn lên chống đối lại bàn tay nghiệt ngã của số mệnh.
Vì thế tôi luôn tự hào về “nghề Thầy”. Có thể nói chặng đường đời tôi dạy học, từ cấp hai cho đến cấp ba rồi đại học, đã để lại trong tôi những kỷ niệm ấm lòng. Giờ đây khi đã ở vào chặng xế chiều của cuộc đời, những học sinh cũ luôn là nguồn vui lớn của tôi về tình cảm của học trò, những người đã là U80, U70, một vài người đã là U90, tôi xem họ như những người bạn thân tình. Chúng tôi chia sẻ với nhau những vấn đề về sức khoẻ, về thời cuộc, những suy tư về cuộc đời…
Mỗi người có cách suy nghĩ riêng về tôi. Có người thích thú bình luận và giục giã tôi viết những gì họ đã đọc được trên mạng và tỏ ra tiếc cho tôi là đã không đưa được lên báo chính thống, nhưng cũng có người phản bác lại ý kiến đó, khuyên tôi giữ vững quan điểm của mình và cứ viết như đã từng. Cảm động nhất như cô Phương, cứ mỗi lần đến thăm thầy thì câu thiết tha nhất là: “Thầy ơi, thầy đừng viết nữa, sức khoẻ thầy xuống lắm rồi, thầy nghỉ ngơi, vui với con cháu. Em lo lắm”. Tôi rất cảm động, trả lời: “Viết cũng là một lý do tồn tại của tôi đấy em ạ. Ngồi một chỗ càng chóng chết hơn. Thỉnh thoảng các em đến chơi là tôi khoẻ thêm, sống dai hơn đấy”. Mọi người đều cười ồ.
Nhân 20 tháng 11 – ngày nhà giáo – năm 2020, Độ đem biếu thầy một cây bàng Trường Sa quả vuông mà anh đã tỉ mẩn ươm từ quả vuông ấy thành một cây con trồng trong cái chậu có hình ông Tiên ngồi đọc sách rất đẹp. Tôi trang trọng đặt chậu cây “bão táp” (một tên gọi của cây bàng Trường Sa) của người học trò từng gắn bó hơn nửa thế kỷ ấy lên bàn làm việc của mình với tâm niệm rằng làm sao theo được bản lĩnh của cái cây hiên ngang đứng trước sóng gió bão táp của cuộc đời. Khi cây bàng lớn lên, cái chậu cảnh không còn đủ cho cây phát triển, phải trồng vào chậu lớn hơn đặt trước ban công. Vào những lúc gió mạnh, căn hộ ở tầng 16 của tôi phải đóng chặt cửa vẫn nghe gió rít. Ngồi ở phòng làm việc nhìn qua cửa kính thấy tán lá cây vững vàng hứng gió, càng ngộ ra một điều: Sức sống không đương với sự bó buộc, gò ép. Cây non không thể phát triển – cho dù là “cây phong ba” hay “cây bão táp” – đều lụi tàn nếu không đủ đất sống!
Một con người, một dân tộc cũng vậy. Thì chẳng phải là dân tộc ta đã từng hiên ngang đứng vững trước nanh vuốt của đế quốc Nguyên Mông mà vó ngựa của chúng từng xéo nát bao vùng lãnh thổ, quốc gia từ Á sang Âu, sang đến mép Hắc Hải; ba lần chúng xâm lược nước ta đều bị quân dân ta đánh cho tan tác đó sao? Nếu đối chiếu tương quan thế lực giữa quân dân đời Trần thế kỷ XIII với thế và lực của đế quốc Nguyên Mông thì quả là trứng chọi đá. Thế mà ông cha ta vẫn giữ được sơn hà lúc nguy biến, dám lấy ít địch nhiều, để cuối cùng đi đến thắng lợi. Thậm chí lần xâm lược thứ ba chúng kéo đến 30 vạn bộ binh, kỵ binh và thuỷ binh chia làm ba đường tiến công, nhưng với bản lĩnh và tầm nhìn của một nhà chiến lược, Trần Hưng Đạo đã tâu với vua Trần Nhân Tông “Năm nay đánh giặc nhàn”.[*]
Và, lại đối chiếu với thế và lực của đất nước ta đang ở trong bối cảnh của thế kỷ XXI mà Nguyễn Phú Trọng huênh hoang tuyên bố “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay” thì bản lĩnh, khí phách thể hiện trong chủ trương, đường lối chiến lược chống kẻ thù truyến kiếp thế nào, mọi người đều thấy rõ. Xét đến cùng, đó là đường lối bảo vệ quyền lực đã chiếm được của một nhóm người quyết duy trì thể chế độc tài phản dân chủ được khoác ra ngoài cái áo mị dân “còn đảng thì còn mình”, dùng bạo lực để bảo vệ quyền lợi của họ, một “giai cấp mới”. Vì vậy mới hèn nhát thần phục Băc Kinh – chỗ dựa của chúng – cam chịu áp lực và sự thao túng của Tập Cận Bình, hậu duệ của những “thiên triều” từng xâm lược nước ta kể từ Đường, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh.
Đó cũng là lý do mà tôi trả lời về sự lo lắng của cô học trò yêu quý (nay đang bận rộn chăm sóc cháu nội và cháu ngoại) quan tâm đến sức khoẻ, bệnh tật và tuổi tác, đã chân tình khuyên “đừng viết nữa thầy ơi”. Không viết thì làm gì đây để thể hiện lòng yêu nước, khát vọng về tự do và góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung. Trong cuốn tự truyện mà tác giả là học trò của tôi ở Chu Văn An tặng tôi, có viết: “Trong số hơn sáu trăm con người – những đứa con trai của Hà Nội ra đi ngày ấy, giờ chỉ còn mấy chục người trở về… Bao nhiêu khuôn măt, bao nhiêu hình ảnh, ánh mắt nụ cười thân thương của bao nhiêu cuộc đới và số phận đã không trở về. Hầu hết họ còn rất trẻ. Giờ đây nhiều người trong số họ đã yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn… nhưng chắc chắn không ít người còn nằm lại trên những mảnh đồi, trong khe suối, giữa những hang sâu rải rác của đại ngàn Trường Sơn” (tr.209). Trong đó có những học trò của tôi. Tôi còn nợ họ, nợ ông, bà, cha mẹ họ và có thể cả những cô gái trẻ tiễn họ ra đi với bao lời hứa hẹn. Tôi cần phải làm gì đây? Ít nhất cũng phải sống sao cho xứng đáng với những điều tôi đã từng nói với họ từ bục giảng hoặc giữa hội trường của những buổi nói chuyện mà tôi từng“cao đàm khoát luận”về lý tưởng, về dấn thân trong cảm hứng đạo đức học, mỹ học. Và họ lắng nghe tôi với ánh mắt sáng rực và nét mặt tin yêu, cảm phục.
Chẳng nhẽ chỉ biết ngửa mặt lên trời mà “cảm hoài”: “Thế sự du du nại lão hà” (việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào) như người tráng sĩ thời Hậu Trần ở vào buổi chiều tàn của một vương triều mà đã có thời tinh thần “Đông A” là biểu tượng của khí phách vào buổi bình minh vương triều Trần. Vả chăng, người tráng sĩ băn khoăn và dằn vặt về thế sự ấy cũng đâu có chịu ngồi yên, thù nước chưa trả được mà đầu đã bạc, bao phen mang kiếm báu mài dưới ánh trăng (Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma). Tôi không có kiếm, mà nếu có thì sức tàn lực kiệt rồi cũng không cầm nổi, tôi chỉ có thể cầm bút.
Thật ra cảm khái về tứ thơ của Đặng Dung trong tôi đã có từ rất lâu, lâu lắm, từ hồi mẹ tôi đưa cho tôi đọc cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim có chép bài ấy. Sau này đọc sách, tôi hiểu thêm lời bình của Lý Tử Tấn – danh sĩ triều Lê: “phi hào kiệt chí sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hay người hào kiệt, không thể viết được như vậy). Rồi cách nay dễ hơn nửa thế kỷ, trong một buổi nói chuyện về Mỹ học với một lớp tập huấn về Sân khấu Kịch, tôi có nói về mối “cảm hoài” trong cảm hứng suy tư về thời gian mênh mông, “thế sự du du”, không gian cũng mênh mông “vô cùng thiên địa”, rồi khát vọng của người anh hùng “hữu hoài phù địa trục” những mong xoay trục quả đất, và cái khí phách “vô lộ vãn thiên hà” kéo sông trời xuống mà rửa sạch giáp binh. Đó là cảm hứng bi hùng được gợi lên từ tứ thơ của người tráng sĩ thời tao loạn đang cháy bỏng ngọn lửa yêu nước và ý chí quật cường. Cảm hứng đó khiến tôi nảy ra ý định đặt tên cho những bài tản văn chính trị tôi viết hàng tuần là “Mênh mông thế sự” đi kèm với một bản “Điểm tin đáng đọc”
Nhằm đáp ứng đòi hỏi thông tin nhiều chiều của những bạn thân không thạo sử dụng máy tính. Sau này tôi thêm mấy chữ “Để gió cuốn đi” là lấy cảm hứng từ ca từ và nhạc điệu Trịnh Công Sơn trong bài “Để gió cuốn đi”. Tôi không có tài năng gì nổi bật, chỉ có một tấm lòng, tấm lòng ấy gửi gắm trong những bài viết để gió cuốn đi, vô tình đậu lại ở đâu đó, ai nhặt được, nếu thích thì đọc, không thì vứt đi, chẳng vướng víu gì, cũng chẳng phải đi “bán dạo”, cũng chẳng phải cầu luỵ ai, thế thôi.
Một năm trở lại đây, do tình trạng sức khoẻ, “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” không ra được đều kỳ mà tuỳ thuộc vào khả năng ngồi trước máy tính. Chỉ vậy.
Và tôi chỉ vào gói táo mà các học trò đem đến: “Cầm bút và cầm táo, lại không phải táo vợ mua, mà là táo của học trò cho nhân ngày “quốc tế (không phải là hiến chương) mà hiến táo các nhà giáo” càng nhiều càng tốt. Thế là mọi người cười xoà vui vẻ, khỏi thắc mắc, cự nự gì nữa”.
Tôi đọc cho học trò của tôi nghe ba câu thơ tôi tâm đắc trong bài thơ bốn câu “Thu nhật ngẫu thành” của Nguyễn Tử Thành thời Trần để tiễn khách:
Đứng một mình, ngọn gió tây thổi bay mái tóc
Năm tháng lừng lững trôi đi, không giữ được
Trước sai, nay đúng, chỉ lòng mình biết.*
秋日偶成 Thu nhật ngẫu thành
千村木葉盡黃落,Thiên thôn mộc diệp tận hoàng lạc,
獨立西風拂鬢絲。Độc lập tây phong phất mấn ti.
歲月堂堂留不得,Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc
昨非今是只心知。Tạc phi kim thị chỉ tâm tri.
阮子成 Nguyễn Tử Thành
Ngày 14.11.2021
T. L.
Chú thích ảnh:
1. Mùa đông đã về, Hồ Gươm Hà Nội mù sương, tĩnh lặng và cô đơn (Ảnh trên mạng).
2. Đoàn tàu rời ga. Sân ga vắng vẻ.
3. Vợ chồng tôi tiếp hai học sinh từng gắn bó với chúng tôi suốt 66 năm. Từ trái sang: Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Văn Lang (vừa qua đời ở tuổi 76 ngày 9.11.2021), vợ tôi, Trương Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y Tế TPHCM, và Tương Lai.
4. Gặp mặt học sinh Chu Văn An niên khoá 1954-1955 tại nhà Nguyễn Gia Hảo-Phạm Chi Lan nhân tôi có mặt ở Hà Nội dự một cuộc Hội thảo khoa học. Tác giả của “Người con trai Hà Nội” mặc áo trắng ngồi hàng ghế bên phải, Tương Lai ngồi giữa. (Ảnh chất lượng kém, bị mờ)
5. Mấy học sinh Trường Trưng Vương, trường 10+3 tiếp tôi nhân dịp tôi ra Hà Nội thăm mộ Mẹ tôi.
6. Anh Việt Phương (bên trái) và tôi tại sân trường Chu Văn An nhân kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi, nơi anh Việt Phương học để thi Tú tài năm 1944 trước khi bị Pháp bắt.
7. Bút tích của anh Việt Phương trên trang đầu tập thơ anh đề tặng tôi.
8. Mẹ tôi bế cháu nội, con trai tôi.
9. Tượng Sophocles
[*] Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr 5.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.