Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Một năm sau quyết định về “danh mục bí mật độ tuyệt mật của đảng” có hiệu lực…

 

Một năm sau quyết định về “danh mục bí mật độ tuyệt mật của đảng” có hiệu lực…

Trương Nhân Tuấn

2-11-2021

Một năm sau khi Quyết định 1722/QĐ/TTGcủa Thủ tướng có hiệu lực, từ ngày 3 tháng 11 năm 2020, ta có thể kiểm chứng lại trên mặt báo chí: Sự im lặng toàn diện trên các vấn đề thuộc phạm vi an ninh quốc gia, như các vấn đề về biên giới, về chủ quyền lãnh thổ, hải đảo cũng như về hải phận quốc gia…

Quyết định về “danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật của đảng” đã “khóa miệng” tất cả.

Danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật của đảng” gồm có các “quyết định, kết luận, báo cáo, kế hoạch, đề án, phương án, tờ trình, công văn của Trung ương Đảng về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại của đảng CSVN với các đảng, các nước lớn, các nước láng giềng về vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của VN“.

Câu “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” từ nay cần phải xét lại. Mọi ý kiến của dân về các quyết định của đảng, nếu có liên quan đến chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia hay lãnh thổ biên giới, ngay cả khi các quyết định này làm thiệt hại lãnh thổ, hải phận hay tổn thương đến chủ quyền quốc gia. Người dân nào muốn “biết”, muốn “bàn”, muốn “kiểm tra” đều có thể vô tù.

Theo tôi đây là một quyết định cực kỳ nguy hiểm. Thứ nhứt, vì Quy định này vi phạm Hiến pháp.

Điều 4 khoản 2 Hiến pháp quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Câu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” truyền kỳ trong dân gian và trong hàng ngũ đảng viên không biết có từ bao nhiêu đời rồi. Câu này phản ảnh tinh thần của khoản 2 Điều 4 Hiến pháp: nhân dân có quyền “giám sát” những sinh hoạt của đảng.

Quyết định 1722/QĐ/TTG của Thủ tướng vì vậy vi hiến, vì đã tước quyền giám sát của nhân dân.

Ai chịu trách nhiệm về hành vi vi hiến này?

Thứ hai, về tư cách pháp nhân của đảng CSVN.

Rà soát lại từ nội dung Hiến pháp đến các văn bản, các bộ luật, các nghị định dưới luật v.v… của nước CHXHCNVN, ta không hề thấy bất kỳ điều luật nào, quy định nào… có mang một định nghĩa về “tư cách pháp nhân” của đảng CSVN trước pháp luật.

Điều 4 khoản 1 Hiến pháp quy định, đảng CSVN “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Điều 4 khoản 3 quy định “các tổ chức của đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp chỉ quy định “đảng viên” và “các tổ chức của đảng” phải “hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật” mà thôi. Mà “đảng viên” và các “tổ chức của đảng” không phải là đảng.

Nói rằng “đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình”. Vấn đề là, “nhân dân” là ai?

Ý chí của nhân dân trong một quốc gia thể hiện qua Hiến pháp và luật pháp. Một cá nhân, một tổ chức chính trị, một xí nghiệp sản xuất… trong một xã hội đều có “tư cách pháp nhân”. Tức là những người, những tổ chức, xí nghiệp… này có “trách nhiệm trước pháp luật”.

Nhân dân là tất cả nhưng cũng không là ai cả. Chịu trách nhiệm trước nhân dân là không chịu trách nhiệm về bất cứ chuyện gì.

Lịch sử đảng CSVN từ khi thành lập (3-2-1930) đến nay trên 7 thập niên. Đảng này đã phạm vô số sai lầm gây chết chóc, đỗ vỡ cho hàng chục triệu người. Có một số lần đảng “sửa sai”. Nhưng tuyệt đối không có lần nào đảng “chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Đảng CSVN vì vậy là một tổ chức chính trị vô trách nhiệm trước pháp luật. Đảng CSVN không có tư cách pháp nhân.

Đảng nắm hết mọi quyền lực quốc gia mà không có một cơ quan hay một định chế pháp lý nào kiểm soát những hành vi của đảng.

Bây giờ lại thêm Quyết định 1722 của Thủ tướng. Mọi ý định, mọi hành vi, mọi kế hoạch của đảng về các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo lại được pháp luật quốc gia bảo mật ở chế độ cao nhứt.

Điều này cực kỳ nguy hiểm. Đảng có thể bán đất nhượng biển hay đưa đất nước vào vòng lệ thuộc ngoại bang mà đảng không có bất cứ một trách nhiệm nào trước pháp luật.

Thứ ba, Trung ương đảng có phải là một “tổ chức của đảng” hay không ?

Quyết định 1722 quy định các đặc quyền chỉ dành cho Trung nương đảng. Dĩ nhiên Trung ương đảng, ngay cả khi vị trí của bộ phận này ở đầu não của đảng, thì nó vẫn chỉ là một tổ chức của đảng. Tức là Trung ương đảng vẫn phải làm việc theo “hiến pháp và pháp luật”.

Trung ương đảng, một bộ phận của đảng, ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình, còn phải chịu sự kiểm sát của nhân dân, như nội dung của khoản 2 Điều 4 Hiến pháp.

Quyết định 1722/QĐ/TTG như vậy vừa mâu thuẩn với luật, vừa vi hiến.

Một năm đã qua ta đã thấy công an, tức bộ phận thi hành luật, đã áp dụng triệt để Quyết định này. Báo chí truyền thông, người dân… tuyệt đối im lặng về các hành vi, các ý định… của đảng đối với mọi vấn đề của đất nước.

Ta có thể kết luận là, cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” không phải là một nhà nước (State-Etat, Quốc gia) được xây dựng trên luật lệ (Etat de Droit).

Câu hỏi đặt ra, Quyết định này ban bố nhằm mục đích gì?

Che dấu ở chế độ “tuyệt mật”, ngay cả ở mức độ “tờ trình”, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo… đảng CSVN muốn làm gì, hay có ý định làm gì?

Về an ninh quốc gia, ta thấy sự cạnh tranh chiến lược giữa hai đại cường Mỹ và TQ khởi động từ khoảng một năm nay. Việc này gây ra những áp lực kinh tế, chính trị… trầm trọng lên các quốc gia, như buộc phải “chọn phe”, khiến các quốc gia ASEAN lâm vào cảnh lúng túng. Trên đe dưới búa, ASEAN chia rẽ, mỗi bên suy nghĩ mỗi hướng vì lợi ích kinh tế và chiến lược.

Khu vực Ấn độ – Thái bình dương hiện gồm khoảng 50% dân số thế giới và nắm khoảng 40% GDP thế giới. Sự năng động về kinh tế của các quốc gia TQ, Ấn độ, Nhật, Nam hàn, Indonesia… (và có thể Mã lai, Thái lan, VN sau này) sẽ đưa GDP khu vực vượt qua Châu Âu và Mỹ chỉ vài năm tới (trước năm 2030). Thái độ của Mỹ ta đã biết rõ. Là sẽ cạnh tranh với TQ, không để TQ qua mặt. Còn thái độ của Châu Âu? Khối này sẽ sống chung hòa bình với sự trỗi dậy của TQ hay là đứng về phía Mỹ để giữ tư thế của mình?

Tiến bộ khoa học kỹ thuật của TQ giúp cho quốc phòng của nước này có những bước “nhảy vọt” ngoạn mục. Vụ thử hỏa tiễn “siêu thanh” (Match 5) ngoài khí quyển của TQ mới đây, mặc dầu Bắc Kinh đính chính là “không có”. Nhưng việc đó đã dấy lên những lo ngại cho quan chức Mỹ. Ta cũng thấy TQ cho phát triển lực lượng hải quân với vận tốc kinh người. Mỗi năm TQ đóng tàu chiến tổng cộng trọng tải nhiều hơn toàn bộ hạm đội của Pháp. TQ cũng áp dụng tự động học (robotique) và truyền thông 5G cho quốc phòng, qua các drone bay trên không, lặn dưới biển… thứ có khả năng nhiễu loạn thông tin trên máy bay, tàu chiến, tàu ngầm của địch thủ. TQ còn cho chế tạo các robot thông minh nhân tạo (AI), mang các loại vũ khí có khả năng tự quyết định việc có nổ súng hay không…

Ngoài ra quan hệ Đài Loan và Bắc Kinh từ hơn năm nay căng thẳng trở lại. Nhiều tuyên bố mang chất “diều hâu” của tập Cận Bình về khả năng “giải phóng Đài Loan bằng vũ lực”. Mỹ đối phó lại bằng những biện pháp “phòng ngừa”, như bán vũ khí tự vệ cho Đài Loan và cho thành lập Liên minh AUKUS.

Không nghi ngờ khả năng của TQ có thể chiếm Đài Loan vài năm tới. TQ có thể mở mặt trận “phi qui ước” với những loại vũ khí “chưa xác định lớp lang” như vừa nhắc trên để chế ngự các tuyến phong thủ của Đài Loan. TQ cũng có thể áp dụng biện pháp chiến tranh tương tự, cho drone, cho robot đánh phá hệ thống phòng thủ của VN (và Phi, Mã lai…) để chiếm trọn các đảo ở TS.

Trong khi liên minh Anh, Úc, Mỹ mới thành hình, dĩ nhiên có mục tiêu bao vây TQ (và bảo vệ Đài Loan?). Từ miệng của TT J. Biden nói với TT M. Macron hôm trước bên lề G20 ở Ý, cho thấy có sự vụng về trong việc khai triển AUKUS.

Khối ASEAN vốn lỏng lẽo nay càng chia rẽ. Một bên Singapore và Phi chính thức ủng hộ AUKUS. Một bên Mã Lai và Indonesia ra mặt chống đối AUKUS. Nhìn bản đồ Ấn Độ – Thái Bình dương, ta thấy, khu vực ASEAN là “trung tâm”. AUKUS có thể biến các nước ASEAN đối đầu với nhau, khi xung đột hai bờ eo biển Đài Loan bùng nổ.

ASEAN trở thành “chiến trường”, trên cái nhìn địa chiến lược từ liên minh AUKUS.

TT Biden nói “vụng về” trong việc khai triển AUKUS là thể hiện đúng sự thật.

Đặc biệt liên quan đến VN. Vấn đề chủ quyền biển đảo, hải phận quốc gia qua “cuộc chiến công hàm”, xảy ra ở Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa từ cuối năm 2019.

VN đã bị TQ “loại khỏi vòng chiến” vì đến nay VN không phản biện được công hàm CML/42/2020 ngày 17 tháng 4 năm 2020 của TQ nộp lên văn phòng TTK LHQ. Nội dung công hàm này TQ cho rằng VN đã bị “estoppel”. TQ cho rằng VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa qua công hàm 14 tháng 9 năm 1958, cũng như thể hiện qua nhiều bằng chứng khác như sách giáo khoa, bản đồ, báo chí v.v… VN bây giờ không thể “nói ngược”.

Thông lệ quốc tế, trước một vấn đề có liên quan đến quốc gia, buộc quốc gia phải lên tiếng, thì sự im lặng của quốc gia trong việc này có nghĩa là sự đồng thuận của quốc gia trên vấn đề đó.

Một năm rưỡi đã qua, VN hoàn toàn “im lặng” trước cáo buộc này của TQ. Sự im lặng của VN phải chăng đảng CSVN muốn trả lại các đảo Trường Sa lại cho TQ đồng thời nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa, đúng như cam kết của công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng?

Hay là đảng muốn che đậy quyết định “khai thác chung nhưng chủ quyền thuộc TQ” ở các vùng thềm lục địa của VN, như ở bãi Tư chính?

Quyết định 1722/QĐ/TTG của thủ tướng để làm gì, nếu không phải là để bịt miệng người dân trước các “âm mưu” chuyển nhượng chủ quyền về lãnh thổ và quyền chủ quyền hải phận quốc gia cho TQ?

Ngoài ra còn vấn đề căng thẳng Mỹ-Trung. Việt Nam là quốc gia “trái độn” chịu sức ép của cả hai bên. Mọi quyết định hấp tấp của đảng CSVN về việc “chọn phe”, hay việc ủng hộ hay không ủng hộ AUKUS, đều có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến sự an nguy của hàng trăm triệu con dân nước Việt.

Theo phe TQ, hay theo Mỹ, VN đều trở thành mục tiêu tấn công, thành “chiến trường” của phe đối nghịch.

Thế “lưỡng nan” của VN cần phải bình tĩnh tháo gỡ, bằng một sự “đồng thuận” cấp quốc gia, một thứ “hội nghị Diên hồng”, chớ không phải thuần túy do một quyết định của đảng.

Lần nữa cho thấy, sự nguy hiểm của Quyết định 1722 nhằm “bịt miệng” người dân. Đất nước Việt Nam là của dân tộc Việt Nam chớ không phải của riêng đảng CSVN. Đảng CSVN là “đầy tớ” của 100 triệu người dân Việt Nam không phải những người dân này là nô lệ của đảng.

Quyết định 1722/QD/TTg còn hiệu lực là nguy cơ đảng CSVN sẽ tham gia vào chiến tranh mà lãnh thổ Việt Nam là chiến trường. Quyết định 1722/QD/TTg còn hiệu lực là Việt Nam còn cận kề với đe dọa mất đất, mất biển…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.