Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Mở cửa rồi, du lịch vẫn chưa hết khó

 

Mở cửa rồi, du lịch vẫn chưa hết khó

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

The LEADER - Bớt dịch, du lịch gặp khó, không phải vì kinh tế cạn kiệt mà bởi ảnh hưởng bởi những cung cách quản lý cũ.

Sau mấy tháng phong tỏa, tù túng, ngột ngạt, bi quan và hy vọng, bỗng sớm ngày 1/10, rào chắn, dây giăng, chốt chặn biến mất. TP.HCM vỡ òa niềm vui giải phóng khỏi tư duy chống dịch cực đoan. Cuộc sống bật dậy như lò xò nhưng chỉ hộ cá thể bung mạnh. Các doanh nghiệp vẫn loay hoay vì những quy định bất nhất kiểu sáng nắng, chiều mưa, mỗi nơi một kiểu.

Phong tỏa, mọi người dễ chấp nhận khó khăn. Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị mọi thứ chờ mở cửa. Đi làm lại, chưa kịp phấn khởi đã đối mặt với đủ thứ khó khăn mới. Mấy tháng bị giam lỏng, cuồng chân, ai cũng muốn sổ lồng bay nhảy như chim sợ cành cong, muốn bay ngay nhưng phải dòm ngang ngó dọc.

Bớt dịch, du lịch gặp khó, không phải vì kinh tế cạn kiệt mà bởi những cung cách quản lý cũ. Hoặc máy móc như robot; hoặc đẻ ra đủ thứ quy định phi lý, làm khó lẫn nhau. Dịch bệnh làm khổ con người một, con người làm khổ nhau gấp đôi. Báo chí toàn đưa tin, chỗ này đón khách, chỗ kia mở cửa nhưng thực tế không hẳn vậy. Doanh nghiệp phải nghe ngóng, cập nhật thông tin các địa phương từng ngày.

Các nước mở cửa du lịch đơn giản, khẩn trương kiểu “Nhanh và an toàn”. Việt Nam, phức tạp hóa, cứ đủng đỉnh kiểu “Chậm mà chắc”. Việc người dân đi lại thăm thân, nuôi bệnh, khám chữa bệnh cũng rất gian nan, nói chi du lịch. Dù tiêm đủ 2 liều, vẫn phải có giấy xác nhận test Covid âm tính, kể cả trẻ sơ sinh. Tới nơi, tùy vùng, phải cách ly tại gia cả tuần trở lên.

Nhiều tỉnh vẫn chống dịch kiểu cũ, suốt ngày truy vết, xét nghiệm. Cứ F0, F1 là cách ly tất, bất kể có triệu chứng hay không, nhốt chung vào các khu dã chiến. Có bệnh viện dã chiến tới 37.000 giường. Có lẽ đây là bệnh viện lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Làm sao chăm sóc nổi. Rồi thuốc men, ăn uống, vệ sinh và không khí dành cho người bị cách ly lẫn y bác sĩ.

Buýt đường sông Sài Gòn tái hoạt động từ 16/10 nhưng ngày 20/10 du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc vẫn chưa thể xuất bến. Khu nuôi khỉ hoang dã và Rừng Sác Cần Giờ chưa đón khách du lịch. Tây Ninh tiên phong mở cửa, kết nối với du lịch thành phố. Ngoài 5K triệt để, du khách, hướng dẫn viên, tài xế phải có xét nghiệm âm tính, chích đủ 2 mũi, qua các chốt phải khai báo di chuyển nội địa, trình app Sổ sức khỏe điện tử… còn hơn cả đi du lịch nước ngoài trước đây.

Vô lý nhất là xe vận chuyển phải có code QR của Sở Giao thông vận tải nơi đi và đến; dù đã có đủ giấy đăng kiểm, hợp đồng, hộp đen, camera hành trình... Quy định này nghe nói không có văn bản. Thêm quy định là thêm thủ tục, phải chạy, rồi cậy nhờ xin – cho. Có doanh nghiệp chạy được hàng trăm mã code. Mở cửa, xe vẫn chết vì không thể cho thuê.

Làm công văn xin cấp mã code xe, không thấy hồi âm. Điện thoại hỏi sở, sở bảo “Quy định này không còn hiệu lực”. Sắp tới ngày lên đường, TP.HCM bỏ code QR xe nhưng chưa biết các tỉnh thế nào. Hỏi các chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh cũng cà lăm vì không nắm được. Mấy doanh nghiệp cố chạy mã code xe để ưu tiên, giờ vô dụng.

Vận chuyển chỉ cho phép 50% nên giá thành đẩy lên gấp đôi, kể cả quản lý, dịch vụ. Trong khi các điểm tiêm chủng, làm căn cước công dân gắn chip; người dân chen chúc, không đảm bảo giãn cách. Chẳng lẽ phòng chống dịch với dân khác với du khách? Du lịch nội địa đơn giản, còn nhiêu khê cỡ đó, làm sao tính chuyện đón khách quốc tế.

Du lịch có thể đi một mình nhưng không thể ngồi một chỗ, trừ du lịch ảo. Du khách ngại đi xa, sợ dịch bùng phát, bị giam lỏng; cứ đi gần, vừa đi vừa nghe ngóng. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường và du lịch cũng phải thích nghi, chơi chung với virus. Người TP.HCM không hoảng sợ, thậm chí hoảng loạn với virus vì biết cách phòng chống hiệu quả.

Du lịch là loại kháng sinh tích cực, cải thiện cuộc sống tinh thần, giúp con người tăng sức đề kháng chống lại Covid-19 và các loại bệnh tật khác. Không sợ, không có nghĩa là chủ quan kiểu “Điếc không sợ súng”, mà vì đã “Biết dịch, biết ta”. Vì biết rõ “Ta – Địch” nên càng phải đề cao cảnh giác. Đi đâu và làm gì cũng phải thủ sẵn vũ khí phòng thân – “Tiêm đủ 2 liều vaccine đúng chuẩn và thực hiện 5K triệt để”.

Tâm lý lạc quan, tinh thần phấn chấn, cơ thể khỏe mạnh thì “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” du lịch. Nhà nước đã và đang nỗ lực hết mình để trang bị đủ “khí tài hiện đại” (tiêm chủng vaccine) cho từng người dân. Là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch chỉ hồi sinh thật sự khi các ngành khác hoạt động bình thường.

Sau mỗi chuyến du lịch, thấy thế giới quanh ta nhỏ hơn một chút và kiến thức mình lớn thêm một chút. Mấy chục gắn bó du lịch, tôi “Chưa từng gặp ai hay đi đến một vùng đất nào mà chưa học được điều gì đó”. Cuộc sống là những chuyến đi, còn đi là còn sống, còn sống là còn đi.

Virus Covid-19 và các biến thể, là loại dịch bệnh mới, dù nguy hiểm đến mấy, cũng không thể chiến thắng con người. Chúng sẽ chung số phận với vô số virus các dịch bệnh khác, bị con người khống chế, hậm hực sống chung, chờ cơ trở mặt nhưng con người biết phải làm gì để vô hiệu chúng.

Cần kíp phải có chương trình hành động, phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng thống nhất, không để các địa phương, các ngành “Mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Không chịu thay đổi cách làm thì phải thay đổi người làm vậy.

N.V.M.T.

Nguồn: The Leader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.