Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Hoa Kỳ và Tổng thống Ngô Đình Diệm (Phần II)

 

Hoa Kỳ và Tổng thống Ngô Đình Diệm (Phần II)

Đỗ Kim Thêm

16-11-2021

Tiếp theo phần I: Thành quả xây dựng ban đầu của Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1954-1960. 

Phần II: Cơ cấu viện trợ của Mỹ và chính quyền Việt Nam

Sở dĩ xã hội miền Nam biến đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy, phần lớn là do viện trợ của Mỹ đóng góp đầy hào phóng.

Cơ cấu viện trợ Mỹ

Ngay từ buổi đầu, Mỹ tỏ ra kiên quyết giúp cho Việt Nam thoát bỏ mọi dấu vết của chế độ thực dân Pháp. Thể hiện đầu tiên là ngày 23 tháng 10 năm 1954 Tổng thống Dwight D. Eisenhower gửi công hàm cho Thủ tướng Diệm biết là từ nay Việt Nam sẽ nhận viện trợ Mỹ trực tiếp, nghĩa là không còn phải thông qua cơ chế chuyển giao trung gian của Pháp như trước.

Đúng như lời hứa hẹn của Tổng thống Eisenhower, sau ngày 26 tháng 10 năm 1955, khi chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa khai sinh, Washington đã viện trợ ào ạt. Từ năm 1955 đến năm 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhận được tổng cộng 1 tỷ 447 đô la, ngoài ra, còn có thêm 508 triệu đô la thuộc viện trợ quân sự.

Nếu tính tiền viện trợ theo đầu người, thì Việt Nam là một trong những nước hưởng mức viện trợ cao nhất từ Mỹ. Bằng chứng là 80% ngân sách quốc gia và kinh phí quốc phòng được trang trải bằng tiền viện trợ Mỹ.

Để thực thi các chương trình viện trợ, không phải chỉ việc chuyển tiền, mà nhiều chuyên gia Mỹ bắt đầu đến Việt Nam để làm việc.

Văn hoá

Trong phạm vi phổ biến văn hoá, Mỹ đã thiết lập tại Sài gòn, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ các “Trung tâm Văn hoá Việt Mỹ”, nơi đây sẽ giảng dạy lịch sử Mỹ và Anh ngữ nhằm mục đích mang lại kiến thức tổng quát và gây ý thức về tinh thần quốc gia cho miền Nam.

Do CIA uỷ nhiệm, Đại học Michigan gởi đến hơn 50 chuyên gia để giúp miền Nam cải tổ cơ cấu hành chánh.

Kinh tế

Một trong những chương trình viện trợ kinh tế quan trọng nhất là viện trợ thương mại hoá, (Commercial Import Program, CIP). Cụ thể là Mỹ cấp đô la viện trợ cho chính phủ Việt Nam, tỷ giá được định bằng phân nửa giá tiền Việt theo hối suất trên thị trường chính thức.

Hưởng lợi trong biện pháp này là khoảng trên 20.000 doanh nghiệp có được giấy phép nhập cảng hàng Mỹ. Khi doanh nghiệp mua hàng, họ trả bằng tiền Việt cho Ngân hàng Quốc gia với giá rẻ phân nửa và cũng được miễn thuế doanh nghiệp. Giới công chức kinh tế và doanh nghiệp hợp tác sinh ra tham nhũng có hệ thống, dĩ nhiên, dân thành phố cũng hưởng lợi khi mua được hàng ngoại tốt và rẻ.

Nhìn chung, nhờ hàng tiêu dùng từ ngoại quốc nhập tràn ngập thị trường làm cho thương mại nội địa phát triển vượt bực và mức sống vật chất của dân thành phố được cải thiện.

Nhưng mặt trái của viện trợ là không gây khuyến khích cho cơ cấu sản xuất nội địa phát huy, do đó, không tạo ra tương xứng với tiềm năng kinh tế và phát triển thực lực sản xuất; cuối cùng, một tinh thần ỷ lại vào viện trợ Mỹ phát sinh.

Năm 1961, Milton Taylor, Kinh tế gia Mỹ phát hiện vấn đề “phồn vinh giả tạo” và cảnh báo viện trợ Mỹ là trở ngại cho việc phát triển kinh tế quốc gia trong trường kỳ.

Quân sự

Nhưng trọng điểm trong chương trình viện trợ phát triển là quân sự, nhất là trong lĩnh vực huấn luyện binh sĩ và trang bị vũ khí. Việt Nam chính thức thu hồi chủ quyền chỉ huy quân đội vào ngày 26 tháng 4 năm 1956, đó cũng là ngày người lính viễn chinh cuối cùng của Quân đội Pháp do tướng Jacquot chỉ huy rời khỏi Sài Gòn.

Trước đó, Nhóm Cố vấn và Viện trợ Quân sự Mỹ (Military Assistance and Adisory Group, MAAG) đã được thành lập với 360 nhân viên, nay tăng cường lên đến 700. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là lo phân phối quân cụ viện trợ và huấn luyện binh sĩ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

MAAG giúp cho QLVNCH cải thiện về mặt tổ chức và trang bị. Từ một quân đội với 250.000 binh sĩ và trang bị lỗi thời do Pháp để lại, nay được thu hẹp thành một lực lượng khoảng 150.000 quân với vũ khí hiện đại, được phân chia lại thành các đơn vị nhỏ hơn nhưng trở nên tinh nhuệ. Quân phục, quân xa, thiết giáp và vũ khí, tất cả đều thay mới và được Mỹ cung cấp toàn bộ.

Đầu năm 1960, các lực lượng chiến đấu chuyên môn như Thuỷ quân Lục chiến, Thám báo, Nhảy dù, Hải quân và Không quân lần lượt ra đời. Đại học Võ bị Quốc gia Đà Lạt được thành lập theo mô hình trường West Point của Mỹ. Nhìn chung, QLVNCH là một mô hình thu hẹp theo Quân lực Mỹ.

Hầu hết các giới chức quân sự Mỹ đều có nhiều kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên, do đó, trên bình diện chiến lược, họ có nhận định chung là miền Nam đang sống trong bối cảnh tương tự, có nghĩa là bị miền Bắc đe doạ xâm lăng, ngày lực lượng chính quy của Bắc Việt vượt vĩ tuyến 17 tràn vào miền Nam sẽ không còn xa. Để đối phó, Mỹ phải phác hoạ mô hình cho QLVNCH là trong tư thế chuẩn bị một cuộc chiến tranh quy ước.

Nhưng cho đến năm 1958, tất cả các tiên đoán đều sai lạc. Với việc trang bị trong mức độ quy mô lớn cho trận địa chiến, khả năng tác chiến của QLVNCH tỏ ra không phù hợp cho một cuộc đấu tranh du kích đang bắt đầu. Sai lầm này còn kéo dài khi miền Nam thiếu chuẩn bị đấu tranh chính trị tại thành phố và tranh thủ nhân tâm tại nông thôn.

Trong khi Mỹ lo xây dựng quân đội cho Miền Nam, sự dị biệt về văn hoá của các giới chức Mỹ-Việt trở thành vấn đề. Trở ngại chính là ngôn ngữ và các thành kiến. Hầu hết các sĩ quan Mỹ không thông thạo Pháp ngữ, trong khi đa số sĩ quan Việt do Pháp đào tạo không diễn đạt được bằng Anh ngữ; lính Mỹ chê trách lính Việt là không hiếu học để thích nghi, lính Việt cáo buộc lính Mỹ là có thái độ trịch thượng như thực dân Pháp. Hai phía khó có được một sự thông cảm toàn diện qua đối thoại và không phải bất đồng nào cũng có thể giải quyết qua thông dịch viên. Qua thời gian, các dị biệt càng nhiều hơn.

Không phải chỉ trong quân đội là có vấn đề; ngay cả ông Diệm cũng chống đối việc Mỹ hoá toàn diện một khuôn khổ hợp tác. Không phải chỉ có Tổng thống Eisenhower, mà về sau Tổng thống Kennedy cũng không thể tạo áp lực cho ông Diệm tuân phục Mỹ một cách dễ dàng như nhiều sử gia miền Bắc mãi cho đến nay vẫn còn lầm tưởng. Do đó, cơ cấu chính quyền Việt Nam cũng còn có những khó khăn khác.

Cơ cấu chính quyền Việt Nam

Hành chính

Ngày 7 tháng 7 năm 1954, nội các đầu tiên được thành lập. Lĩnh vực quan trọng nhất đầu tiên là tài chính, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thu hồi chủ quyền tiền tệ bằng cách phát hành tiền Việt Nam (đồng) để lưu hành thay cho tiền Đông Dương.

Các cơ cấu hành chánh quốc gia cũng lần lượt ra đời. Viện Phát hành, Sở Hối đoái, Cơ quan Hàng không, Khí tượng, Đại học bắt đầu đi vào hoạt động.

Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 10 năm 1955, ngày 29 tháng 10 năm 1955 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Quốc hội chấp nhận Hiến pháp đầu tiên vào ngày 26 tháng 10 năm 1956.

Về mặt hình thức, miền Nam bắt đầu có một chế độ tự do dân chủ. Tổng thống được dân chúng bầu ra trong một cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp và kín; cơ quan Hành pháp sinh hoạt biệt lập với Lập pháp và Tư pháp; Dân quyền và Nhân quyền được Hiến pháp bảo vệ.

Trong nhiều năm bôn ba nơi hải ngoại và tiếp xúc với nhiều chính giới phương Tây, dĩ nhiên, ông Diệm hiểu rõ về phương cách vận hành của các nguyên tắc dân chủ. Ý tưởng cao đẹp của ông dành cho tương lai của đất nước cũng thể hiện rõ khi tuyến bố:

Chúng ta quyết tâm xây dựng Quốc gia Việt Nam trên những nền tảng mới. Lấy nhân dân là cương vị, lấy tự do dân chủ là phương châm, lấy công lý xã hội làm tiêu chuẩn”.

Nhưng thực tế khác hẳn lý thuyết. Trong bước đầu, ông Diệm là một tổng thống dân cử nên vẫn còn che giấu mầm móng độc tài. Qua thời gian và phong cách lãnh đạo, ông phản ảnh quan điểm điều hành một quốc gia dân chủ sơ sinh theo kiểu quân chủ trong thế kỷ XIX. Vấn đề có nhiều lý do để giải thích.

Đầu tiên là cá tính. Vốn xuất thân là quan lại trong triều Nguyễn, lại thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh và Thiên Chúa giáo, ông Diệm tự nhận mình là người do thiên mệnh ban xuống để lo trị nước, an dân. Ông pha trộn mọi suy nghĩ cai trị qua lý thuyết “Nhân Vị” và “Duy Linh” của ông Ngô Đình Nhu, em của ông, cũng là Cố vấn, đề ra. Đây là một phần lý thuyết trong tác phẩm Manifeste au service de Personalisme (1936) theo trường phái tư duy của triết gia Pháp E. Mournier (1905-1950); nhưng thật ra, ông Nhu cũng không thể hoàn chỉnh học thuyết này cho bối cảnh giao thời của Việt Nam.

Theo suy nghĩ của ông Diệm, người mà Robert Shaplen gọi ông là tín đồ Khổng giáo cuối cùng của Việt Nam, người dân làm chủ vận mệnh đất nước và có quyền tự do chọn lựa nhà lãnh đạo, nhưng cũng phải mang tinh thần tuân phục “đấng bề trên” như trong xã hội phong kiến.

Suy luận này thể hiện rõ khi ông Diệm tranh luận với Lansdale về hoạch định quốc sách để thu phục nhân tâm. Theo Lansdale, cải tiến dân sinh là quan trọng nhất; ngược lại, ông Diệm cho là thiên mệnh giúp cho ông an dân trị nước, dân chúng sẽ ý thức điều này và tỏ lòng biết ơn, do đó, họ sẽ tuân phục sự lãnh đạo của ông.

Sau đó là vấn đề cơ cấu nhân sự cho chế độ. Hậu quả trong lối suy nghĩ của ông Diệm là tín nhiệm cá nhân là chính và các chức vụ then chốt trong chính quyền chỉ giao cho thân nhân hay cận thần trung thành nắm giử. Từ đó, danh từ “Ngô triều” phát sinh để ám chỉ chế độ do gia đình trị.

“Ngô triều”

“Ngô triều” thường được nhắc đến điển hình là Ngô Đình Luyện, em của ông, làm Đại sứ tại Anh; Ngô Đình Thục, Tổng Giám Mục, anh của ông, phụ trách về phát triển Thiên chúa giáo, một trụ cột chính để lo củng cố cho chế độ. Ngô Đình Cẩn, người em út trong gia đình, được xem như lãnh chúa cai trị toàn miền Trung.

Gia đình Ngô Đình Diệm: Nguồn: Ảnh xưa

Vì ông Diệm vẫn còn độc thân, nên Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu, em dâu, đóng một vai trò trong mọi việc giao tế phụ nữ trong và ngoài nước. Ông Trần Văn Chương, thân phụ của bà Nhu được ủy nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ. Ảnh hưởng mạnh nhất bên cạnh ông Diệm là Ngô Đình Nhu. Trong vai trò Cố vấn Chính trị, ông Nhu là linh hồn cho tổ chức Phong trào Cần lao Nhân Vị, một tổ chức ngoại vi nhằm huy động ủng hộ chính trị cho chế độ. Trong khi ông Nhu theo dõi và tìm cách ngăn mọi thế lực đối lập thành hình thì Phong trào hoạt động theo như tình báo trá hình.

Để bảo vệ thanh danh cho Ngô triều, một số người “hoài Ngô” cho đến nay vẫn còn lập luận ngược lại. Ông Diệm là mẫu người biết tôn trọng nhân tài, quan hệ tôn giáo, vùng miền và gia thế không phải là yếu tố chính để cho ông thu dụng.

Cụ thể là Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ là người An Giang, miền Nam, theo Phật Giáo, Bộ trưởng Vũ Văn Mẫu là người Bắc theo Phật giáo, nhiều bộ trưởng khác cũng theo Phật giáo, hai lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia và An ninh Quân đội cũng theo Phật giáo. Thí dụ này là đúng trong thời kỳ đầu khi uy thế của Ngô triều chưa tác động.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục ngày càng nhiều trong chính trường, việc cải đạo sang Công giáo trong giới công chức, cán bộ và quân nhân là một phong trào lan rộng với hy vọng được thăng quan tiến chức nhanh hơn. Kể cả nông dân miền Nam vô sản cũng bị ảnh hưởng trong trào lưu này. Họ chỉ được cấp đất canh tác khi theo đạo.

Về sau, Ngô triều trở thành một mô hình cai trị dựa trên quan hệ gia tộc và giới cận thần trung thành.

Quân đội

Trên lý thuyết, Tổng thống Diệm rất có ý thức về vai trò quan trọng của quân đội và tinh thần đoàn kết quân dân trong việc xây dựng đất nước. Trước quân đội, ông đã từng tuyên bố:

“Dân muốn thì quân nghe, quân làm thì dân giúp. Tình đồng bào và quân đội quả là tình cá nước. Quân dân nhất trí là nền tảng của chính nghĩa”.

Nhưng khi Tổng thống Diệm nắm toàn bộ quyết định về nhân sự trong tổ chức hành chánh, thì trong việc xây dựng quân đội quốc gia, ông cũng không thể làm khác hơn. Do đó, ông gây ra nhiều khuyết điểm trong việc xây dựng lực lượng nồng cốt để bảo vệ cho miền Nam.

Khi tướng lãnh có khả năng lãnh đạo, nhưng có dấu hiệu bất hoà hay nguy hiểm cho chế độ, ông Diệm tìm cách vô hiệu hoá bằng cách giao các chức vụ hình thức. Trường hợp như Trung tướng Dương văn Minh, có lúc được phong làm Tư lệnh chiến trường, nhưng thật ra không có binh sĩ và trách nhiệm chỉ huy.

Nỗ lực xây dựng lực lượng Cảnh sát Quốc gia cũng lâm cảnh tương tự. Tổng thống Diệm cũng quyết định về đường lối và nhân sự dựa trên các quan điểm trung thành cá nhân hơn là theo nhu cầu cần thiết khách quan.

Các lực luợng tự vệ tại các địa phương thường kém về mặt trang bị và hệ thống phân quyền không rõ ràng, đôi khi các hoạt động cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của trung ương, nên không thể phát huy hiệu năng.

Vì không thể phát triển tinh thần huynh đệ chi binh, nên quân đội không thể đạt được ý thức đoàn kết để bảo quốc an dân, chỉ được xem là một phương tiện duy trì quyền lực của một vị tổng thống bị cáo buộc là do Mỹ viện trợ và hướng dẫn.

Kể từ năm 1960, cơ cấu quyền lực của Ngô triều trở nên vững chắc và bộ máy bắt đầu bị các cận thần lũng đoạn. Một hậu quả không thể tránh được là chế độ bắt đầu có những biểu hiện suy thoái, mà ông Diệm, dù tài năng và đức độ đến đâu, cũng không thể kiểm soát sự vận hành của toàn bộ guồng máy, cụ thể là tình trạng an ninh nội chính bất ổn, nông dân bất mãn, trí thức chống đối và quân đội âm mưu đảo chánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.