Chuyên gia Anh kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang tại hội thảo Biển Đông
22/11/2021
Tại một hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức, ông Bill Hayton, một chuyên gia người Anh, đã kêu gọi Bộ Công an Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Ông Hayton cho rằng việc chấp nhận các tiếng nói độc lập trong nước sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam.
Ông Hayton cho VOA biết rằng khi ông phát biểu trực tuyến hôm 18/11 tại Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 13, ông đã đăng chân dung của bà Phạm Đoan Trang sau phần trình bày của mình và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà.
Chuyên gia Bill Hayton đăng chân dung bà Phạm Đoan Trang và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà hôm 18/11/2021. Photo by Bill Hayton.
Ông Bill Hayton phát biểu trực tuyến tại hội thảo 18/11/2021. YouTube South China Seas Studies.
Viết cho VOA qua email, ông Bill Hayton, chuyên gia cao cấp, Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Chatham House có trụ sở tại London, thuật lại lời kêu gọi của ông tại hội thảo:
“Tại thời điểm này, tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc nghiên cứu độc lập và lý do tại sao các chính phủ nên bảo vệ quyền của người dân về các ý kiến khác biệt.
Tôi muốn Bộ Công an hiểu rằng Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiều hơn nếu nước này ngừng bắt giam những người dũng cảm như Phạm Đoan Trang.
Ông Bill Hayton
“Vào thời điểm này năm ngoái, tôi đã được mời tham gia hội nghị này, nhưng tôi từ chối tham dự vì Bộ Công an Việt Nam vừa bắt nhà báo dũng cảm của Việt Nam Phạm Đoan Trang. Một năm sau, bà Trang vẫn còn ở trong tù, đối mặt với những cáo buộc vô lý.
“Hôm nay tôi trình bày về vấn đề lịch sử, nhưng tôi muốn Bộ Công an hiểu rằng Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiều hơn nếu nước này ngừng bắt giam những người dũng cảm như Phạm Đoan Trang”.
Chân dung bà Phạm Đoan Tranh xuất hiện trên màn hình trong phiên 4 của cuộc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông hôm 18/11/2021. Photo Facebook Lê Kiên Cường.
Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề: “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn” được Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) tổ chức vào hai ngày ngày 18 và 19/11 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, cả trực tiếp và trực tuyến.
DAV trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, nơi đào tạo, nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ ngoại giao Việt Nam.
VOA đã liên lạc DAV và Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến của hai cơ quan này về phát biểu của ông Hayton, nhưng chưa được phản hồi.
Kênh YouTube South China Sea Studies của DAV hôm 21/11 có đăng lại phần trình bày của chuyên gia Hayton ngày 18/11 với tựa đề “1899: Khi Trung Quốc từ chối trách nhiệm đối với Hoàng Sa”, trong đó ông nêu bằng chứng mới cho thấy triều đình nhà Thanh của Trung Quốc phủ nhận việc họ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trước thế kỷ XX. Tuy nhiên, phần ông nói về Phạm Đoan Trang đã bị kênh này cắt đi.
Trang South China Sea News, một tổ chức phi chính phủ ở Đức, viết trên Twitter cảm ơn ông Hayton vì “đã lên tiếng các nghiên cứu và tiếng nói độc lập”. Tổ chức này bày tỏ sự đồng tình với ông Hayton rằng “việc chấp nhận các ý kiến độc lập sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam”.
Bà Phạm Đoan Trang, tác giả của sách “Chính trị Bình dân”, bị bắt hồi tháng 10/2020 ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện bị tạm giam ở Hà Nội với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 trong Bộ luật Hình sự 1999.
Ông Hayton, cựu phóng viên của BBC, từng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà báo độc lập khác.
Ngay sau khi bà Đoan Trang vừa bị bắt, ông Hayton quyết định không tham dự Hội thảo khoa học về Biển Đông của DAV lần thứ XII diễn ra vào tháng 11/2020, nhưng ông kêu gọi Đại sứ châu EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nêu vấn đề Phạm Đoan Trang tại sự kiện này. Ông viết trên Twitter: “Xin Đại sứ trình bày với hội nghị rằng có mối liên hệ giữa cách đối xử của Việt Nam với những người như Phạm Đoan Trang và sự sẵn lòng của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam”.
Tương tự, ông David Hutt, một ký giả tự do người Anh, cũng đề cập đến nhà báo Phạm Chí Dũng và Phạm Đoan Trang tại phiên thảo luận về vai trò của truyền thông và tranh chấp Biển Đông tại Hội thảo Biển Đông vào năm ngoái của DAV, theo trang Twitter của ông Hayton và ông Hutt.
Vào cuối tháng 10/2021, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền ra thông cáo nói rằng Điều 88 trong Bộ luật Hình sự 1999 mà Việt Nam áp dụng để truy tố bà Phạm Đoan Trang là điều luật “được định nghĩa một cách mơ hồ và vi phạm các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền”.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền rút bỏ những điều luật vi phạm quyền tự do về bày tỏ ý kiến và biểu đạt như vậy”, các chuyên gia LHQ cho biết.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.