Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Chính quyền có thể bỏ tù Báo Sạch, nhưng không thể ngăn người dân biểu đạt lương tâm

 

Chính quyền có thể bỏ tù Báo Sạch, nhưng không thể ngăn người dân biểu đạt lương tâm

Thanh Ngọc

Nếu ai đó vì thực hành quyền tự do biểu đạt mà bị bỏ tù, bạn hãy vinh danh họ.

bao sach

Bốn thành viên nhóm Báo Sạch tại phiên tòa ngày 26/10. Ảnh: Cửu Long/ VnExpress.

Vào ngày hôm nay, 28/10/2021, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã tuyên án đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch sau ba ngày xét xử. Tổng mức án cho năm thành viên là 14 năm 6 tháng tù [1].

Tội của họ đơn giản là đã viết ra những bài báo không lọt tai, không tâng bốc, nịnh hót các quan chức chính quyền. Bản án này là một sự sỉ nhục không chỉ đối với năm người bị kết án mà còn với tất cả những ai ủng hộ chính quyền này.

Báo Sạch là một hiện tượng báo chí độc lập giữa môi trường ngôn luận đầy ngột ngạt của Việt Nam, nơi nhà báo được dạy rằng phải bảo vệ đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi bài báo chỉ trích chính quyền bị gỡ xuống trong tích tắc, nơi người dân bị chính quyền trả thù một cách công khai khi thực hiện quyền tự do biểu đạt.

Báo Sạch chắc chắn đã từng là hy vọng của những người đang tuyệt vọng đi tìm kiếm công lý. Đó là những gia đình tử tù, những thường dân bị bắt oan, những hộ dân bị chính quyền cưỡng chế đất đai.

Báo Sạch chắc chắn là nỗi khiếp sợ của những quan chức nhà nước, những người sở hữu những biệt phủ kín cổng cao rào, ảo tưởng không ai dám động đến họ.

Báo Sạch chắc chắn là đối thủ đã sửa lưng những tờ báo nhà nước trong các vụ việc nổi cộm, ngăn họ thao túng người dân.

Trong gần một năm qua, những điều trên đã biến mất. Người đi tìm kiếm công lý vừa có được hy vọng đã tuyệt vọng trở lại. Những quan chức với khối tài sản khổng lồ thở phào nhẹ nhõm. Các tờ báo nhà nước bớt đi một đối thủ đáng gờm, họ lại có thể viết mọi vấn đề theo quan điểm của nhà nước và giả vờ như đang phục vụ nhân dân.

Bốn thành viên của nhóm Báo Sạch (từ trái qua): Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh. Người bị bắt còn lại là Lê Thế Thắng. Ảnh: RFA.

Nhưng hơn hết, bản án của Báo Sạch là lời cảnh cáo của chính quyền dành cho bạn. Khi quan chức, đảng viên sai phạm, bạn không được phép chỉ trích, phản đối mà chỉ được góp ý, sử dụng câu chữ nhẹ nhàng, nếu không bạn sẽ bị buộc tội kích động người dân chống chính quyền.

Kịch bản này không chỉ xảy ra với những người làm báo. Vào tháng 6/2021, Chung Hoàng Chương, một người bán sim điện thoại tại Cần Thơ, đã lãnh án tù giam 18 tháng chỉ vì đăng những bài viết chỉ trích chính quyền trên Facebook cá nhân [2]. Nếu điều này xảy ra đối với một người bán sim điện thoại, không có lý do gì nó sẽ không xảy ra với chính bạn.

Tự do biểu đạt là quyền thể hiện lương tâm con người

Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn bức xúc trước một vấn đề xã hội. Đó có thể là tình cảnh những người công nhân chạy xe máy hàng nghìn cây số để về quê vì không trụ nổi ở TP. Hồ Chí Minh. Đó có thể là vụ việc đàn chó của một gia đình đã bị chính quyền ở Cà Mau tiêu hủy. Vì sao bạn bức xúc như vậy? Vì bạn có lương tâm.

Lương tâm không cho phép chúng ta quay mặt với những người đang cần giúp đỡ. Trong rất nhiều trường hợp, sự giúp đỡ đó chính là lên tiếng, yêu cầu ai đó phải có trách nhiệm, phải làm điều gì đó để cải thiện, để tình cảnh đó không xảy ra một lần nữa. Và để làm được điều đó, chúng ta kêu gọi những người khác cùng tham gia với mình. Việc này bắt đầu từ ý thức rằng chúng ta là một phần của xã hội. Đó chính là cội nguồn của việc thực hành quyền tự do biểu đạt, nhất là đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã làm thui chột lương tâm của chúng ta bằng cách đe dọa, trấn áp, bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ trích nhà nước bằng các điều luật của Bộ luật Hình sự.

Tôi tự hỏi chúng ta sẽ là một người như thế nào nếu không thể biểu đạt điều mà lương tâm đang đòi hỏi? Do không thể lên tiếng vì sợ bị chính quyền trả thù, chúng ta dần ít quan tâm hơn đến tình cảnh của những người khác trong xã hội. Làm như vậy, chúng ta sẽ thấy dễ chịu hơn đôi chút, nhưng thử nghĩ một xã hội thiếu vắng sự biểu đạt của lương tâm như vậy có làm bạn thấy an toàn hơn? Đó có phải là nơi đáng sống cho con cái, gia đình của bạn?

Tuy nhiên, tôi tin rằng những người bình thường vẫn có thể biểu đạt lương tâm của mình bằng nhiều cách để tránh những tổn thất không đáng có.

Có gì để hy vọng?

Bạn có thể thấy tuyệt vọng với những vụ án xét xử liên tiếp các nhà báo, người dân chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Tuy nhiên, đây cũng là hy vọng cho xã hội Việt Nam. Nó cho thấy lương tâm của chúng ta không sợ hãi trước những bản án tù.

Khi mãn hạn tù giam, người bán sim điện thoại Chung Hoàng Chương đã trả lời RFA rằng anh không hối hận về những việc đã làm dẫn đến án tù của mình. Chúng ta đang có nhiều Chung Hoàng Chương như vậy, cớ gì phải tuyệt vọng? [3]

Chung Hoàng Chương, hay còn gọi là Chương May Mắn. Ảnh: Facebook Chương May Mắn/ RFA.

Tự do không hề miễn phí. Nhiều đất nước đã phải trải qua tổn thất to lớn để giành lấy quyền tự do biểu đạt cho con cái của họ sau này. Ví dụ như Đài Loan.

Vào ngày 21/1/1989, Văn phòng Công tố của Tòa án Cấp cao Đài Loan ra lệnh triệu tập Trịnh Nam Dung, người sáng lập và điều hành Tuần san Thời đại Tự do, để điều tra về tội kích động người dân nổi loạn chống chính quyền. Trịnh Nam Dung (Cheng Nan-jung) khi đó được xem là một kẻ thù của chính quyền Quốc Dân Đảng do các hoạt động đòi dân chủ, đòi quyền tự do biểu đạt mạnh mẽ của mình [4].

Một tuần sau khi có lệnh triệu tập, Trịnh Nam Dung tuyên bố: “Quốc Dân Đảng chỉ có thể lấy được cái xác của tôi chứ không bao giờ bắt sống tôi được”. Ông Dung đã tử thủ trong văn phòng nhiều tháng trời cho đến ngày 7/4/1989. Hôm đó, ông đã châm lửa tự thiêu khi quân đội bao vây và tấn công văn phòng của mình. Từ năm 2016, ngày 7/4 được xem là Ngày Tự do Biểu đạt của Đài Loan để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh kiên cường của Trịnh Nam Dung [5].

Đến nay, văn phòng đã bị thiêu cháy cùng Trịnh Nam Dung trở thành một viện bảo tàng. Các đồ vật bị cháy được giữ nguyên. Người Đài Loan không bao giờ quên sự hy sinh của ông – một biểu tượng của việc thực hành và cổ vũ quyền tự do biểu đạt dù phải đón nhận cái chết.

Đám tang của Trịnh Nam Dung, người đã tự thiêu để đòi hỏi quyền tự do ngôn luận ở Đài Loan. Ảnh: ThePeoplenews.

Bạn không cần phải trực diện lên tiếng để chính quyền trả thù bạn. Bạn có thể ủng hộ những người dám can đảm lên tiếng, phê phán chính quyền, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội.

Bạn không cần phải đứng ra lập một tờ báo. Bạn có thể chọn trở thành độc giả của những tờ báo độc lập. Nếu bạn không thể viết báo, hãy cung cấp thông tin cho họ. Nếu bạn không thể cung cấp thông tin, hãy ủng hộ tài chính cho họ. Nếu bạn không thể ủng hộ tài chính, bạn có thể chia sẻ bài viết mà họ đăng tải. Nếu bạn không thể chia sẻ công khai, hãy chia sẻ hoặc kể bài viết đó cho người thân của mình.

Hiển nhiên bạn sẽ quan ngại đến độ khách quan của bài viết khi chia sẻ. Nhưng bạn đừng lo, vai trò của báo chí trước hết là khơi gợi các vấn đề quan trọng. Chính quyền nếu có liên quan phải có trách nhiệm giải thích, làm rõ vấn đề được khơi ra. Nếu bạn cho rằng báo chí độc lập không đưa thông tin khách quan, đa chiều nên không đáng để chia sẻ thì bạn đã rơi vào chiếc bẫy của chính quyền.

Ủng hộ báo chí độc lập, thực hành quyền tự do biểu đạt là con đường duy nhất để xây dựng một xã hội đáng sống, nơi mà mọi người có thể nâng đỡ lẫn nhau, không chịu bó tay trước những bất công xã hội.

Sau cùng, nếu chính quyền bỏ tù một người vì thực hành quyền tự do biểu đạt, bạn hãy vinh danh họ. Nhiều đất nước đã đi hết đường hầm tăm tối để thấy ánh sáng. Việt Nam rồi cũng sẽ như thế.

Chú thích:

1.  Bị cáo Trương Châu Hữu Danh bị phạt 4,5 năm tù. (2021, October 28). Vietnamnet. https://web.archive.org/web/20211028102142/https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/bi-cao-truong-chau-huu-danh-bi-phat-4-5-nam-tu-787622.html

2.  RFA. (2021, June 11). Chung Hoàng Chương mãn án tù: “Tôi không hối hận về những chuyện đã làm!”https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jailed-facebooker-released-not-regretting-for-what-had-been-done-06112021085611.html

3.  Xem [2]

4.  20010416_史詩未成‧唯待後續:十二年前鄭南榕的那把火. (2001). TWHistory. Retrieved 2021, from http://www.twhistory.org.tw/20010416.htm

5.  Lee, W. (2017, April 7). Taiwan marks Freedom of Speech Day. Taiwan News. Retrieved 2021, from https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3135498

T.N.

Nguồn: Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.