Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

Chạnh lòng …

 

Chạnh lòng …

GS-TS Trần Hồng Quân

Bài viết của Cựu Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2020, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhưng ông chỉ thấy chạnh lòng, nghĩa là ở dưới mức vô cảm một bậc, trong khi thực tế phải làm cho người ta nát lòng, bởi cái cách quản trị rừng “xã hội chủ nghĩa” kiểu này là vô phương cứu vãn. Thì biết làm thế nào được, ông Trần Hồng Quân trước sau cũng chỉ là người cộng sản như mọi người cộng sản khác đang thản nhiên trên chiếc ghế quyền lực ở Việt Nam. Bước xuống khỏi ghế có thêm được một chút chạnh lòng, thế cũng đã may mắn lắm rồi, dù chẳng làm nheo được một sợi lông my những kẻ đang ngồi trên ghế.

Bauxite Viêt Nam


Có thể là hình ảnh về 5 người, ngoài trời và câyCó thể là hình ảnh về 1 người, ngoài trời và cây


RỪNG (1)

Năm 1984 tôi đi thăm khu rừng mà Đắc lắc cho trường Đại học Tây nguyên làm cơ sở nghiên cứu và thực tập cho ngành Lâm nghiệp. Đi bằng xe Jeep quân dụng. Cây rừng dầy đặc kín khung trời, toàn cây to vài người ôm không xuể. Đến một con suối, chúng tôi xuống thưởng ngoạn, dấu chân voi rừng to đến ngạc nhiên. Tôi gang tay đo thử. Đồng chí bảo vệ người dân tộc bất ngờ ra lệnh phải lên xe. Anh lên đạn khẩu tiểu liên cầm theo. Có mùi khét của hổ. Con suối là nơi nhiều thú rừng đến uống nước. Kể cũng hơi sợ nhưng thấy rừng mà mê.

Đi thêm vài nơi, các anh giới thiệu bao nhiêu sản vật rừng quý giá. Ngay loại cây thấp thấp giống như cây ngải, cây gừng ta hay trồng ở đồng bằng mà xe chúng tôi chạy ào lên đều là cây sa nhân quý giá. Ôi, rừng của ta thật tuyệt biết bao. Sau này Đại học Tây nguyên phải trả lại khu rừng ấy.

Năm 2018, lần gần nhất tôi có dịp lại lên Tây nguyên, đi dọc đường 14 không còn thấy rừng đâu. Nhìn quanh toàn đồi núi trọc một màu xám. Mãi mới thấy một dãy núi xa xa còn xanh thảm rừng. Chúng tôi buộc miệng: Chỉ thấy địa phương ấy là giữ rừng giỏi, thật đáng khen. Người dẫn đường cười: "Thưa đó là đất Campuchia ạ"!

RỪNG (2) 

Hàng trăm tấn đất mặt sẽ bị xói mòn trong một năm trên một hecta.

Năm 1987 tôi có việc đi châu Phi. Khi bay qua một vùng hoàn toàn không có màu xanh, chỉ xám và đỏ gạch, bạn tôi giải thích rằng đất nước này trong lịch sử là một quốc gia có rừng bạt ngàn, nhiều gỗ quý. Thực dân châu Âu sang xâm chiếm và khai thác triệt để. Không còn rừng, đất màu bị xói mòn làm trơ ra toàn sỏi đá. Các nhà khoa học cho rằng, 500 năm nữa cũng khó phục hồi để trồng trọt được. Còn rừng thì mất vĩnh viễn. 

Rừng ở Việt nam bị phá như ta đã biết. Nhìn ảnh vệ tinh, không thể chối cãi được. Dạo này lũ lụt, lở đất ở Miền Trung gây ra bao cảnh tang thương như gióng một tiếng chuông báo động vang dội trời đất và rung chuyển cung đình.

Nhưng đó chỉ là phần nổi. Còn phần chìm là sự xói mòn thầm lặng lớp đất mặt nhiều dinh dưỡng khi không còn thảm thực vật làm chiếc áo bảo vệ. Cứ năm này qua năm khác ta sẽ chỉ còn lại đất gốc sỏi đá nghèo nàn như đất nước nói trên.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra rằng ở độ dốc từ 5-8 độ, với lượng mưa hàng năm 1.905mm, trên 1ha nương rẫy sẽ bị bị rửa trôi 95,1 tấn đất, trên đất trồng ngô bị rửa trôi 105,7 tấn, trên đất trồng cà phê được hai tuổi bị trôi 69,2 tấn. Trong khi đó, với 1ha đất rừng nguyên sinh, lượng đất bị rửa trôi chỉ dưới 6 tấn, còn đất rừng tái sinh là 12 tấn (vùng có rừng, lá cây rụng xuống bù đắp một phần lớn) 

Xin nhắc lại đó chỉ là trong một năm. Trong 10 năm thì 1 ha bị trôi hàng ngàn tấn đất mặt. Bạn hình dung đi, tương lai sẽ ra sao? Có đáng lo không? 

Nhiều người có trách nhiệm trực tiếp mà phát biểu như nói chuyện vô can, không chút sốt ruột.

RỪNG (3)

Vui chuyện người, buồn chuyện mình

Có lần tôi thăm Tiệp Khắc vào 1984 hay 1985 gì đó, không còn nhớ. Ngoài chương trình làm việc, họ cho tham quan một lâu đài cổ xưa. Xe đi theo những con đường quanh co trong rừng mà các nhà quý tộc xưa đi bằng xe ngựa. Rừng nguyên sinh rất đẹp. Tòa lâu đài nguy nga thật yên bình như mơ màng ngủ trong rừng. 

Rất nhiều kỷ vật liên quan đến rừng của các quý tộc xưa được chưng bày. Đến giờ nhất định lại có đội lính kèn ăn mặc như người cổ xưa ra thổi một điệu nhạc vang vọng vào khu rừng tạo một cảm giác như ta đang lạc vào chuyện cổ tích.

Tôi rất cảm xúc trước cảnh tượng này. Và thấy lạ lùng về sự tồn tại một khu rừng như vậy trong một quốc gia mà ngay đầu thế kỷ 20 đã là nước công nghiệp đứng thứ 7 thế giới. Ở đây hiện đại hóa không hề là kẻ phá hoại rừng xanh. Tôi tò mò hỏi sự suy nghĩ của họ.

Bạn cho biết Tiệp Khắc hết sức coi trọng việc bảo vệ rừng. Bộ Thủy lợi và Lâm nghiệp là một. Họ coi rừng là yếu tố điều tiết nguồn nước quan trọng nhất. 

Họ luôn duy trì rừng ở mức chiếm 65% diện tích quốc gia. Ngay với rừng trồng cũng có quy định nghiêm ngặt khi khai thác. Mỗi lần chỉ được đốn hạ từng băng rừng với độ rộng chỉ tương đương chiều cao trung bình của cây trưởng thành. Không được rộng hơn, xong phải trồng lại sớm nhất. Các băng cây cao hai bên che chở cho băng cây con mới trồng. Cứ thế mà luân phiên.

Người dân rất coi trọng bảo vệ rừng và cả thú rừng. Đi trên các con đường xuyên rừng ở châu Âu ta hay gặp bảng cảnh báo thú rừng để xe tránh làm thiệt hại. Ở đây cũng vậy.

Có điều thú vị là ở Tiệp Khắc dạo đó muốn thi vào ngành Lâm nghiệp thật không dễ, đó là một ngành đặc biệt hấp dẫn vì làm việc ở các trạm chăm sóc rừng như đi nghỉ mát quanh năm. Ở Liên xô cũng vậy.

Nhìn việc của bạn, tôi chạnh lòng nghĩ đến những chuyện về rừng của ta.

T. H. Q. 

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.