Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Cảnh báo thực trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền hành nghề luật sư

 

Cảnh báo thực trạng xâm phạm nghiêm trọng quyền hành nghề luật sư

Ngô Anh Tuấn

16-11-2021

Chiều nay, ngày 16/11/2021, tôi cùng thân chủ đi xuống xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, theo lời mời của Công an xã này về vụ việc mà thân chủ tôi trình báo trước đó.

Tới giờ làm việc, một người đàn ông bước ra, anh ta mặc quần xanh, áo thun đen, không có phù hiệu gì, trông không giống một cán bộ công an đi tiếp dân nhưng để giữ phép lịch sự cần thiết, tôi trình thủ tục luật sư, gồm giấy mời luật sư, giấy giới thiệu của văn phòng, thẻ luật sư để người này kiểm tra trước khi bắt đầu vào công việc. Thế nhưng, ngay lập tức anh ta xua tay, phớt lờ không xem và trả lời thẳng rằng hôm nay tôi chỉ làm việc với bà G (thân chủ tôi) chứ không làm việc với luật sư nên mời luật sư ra.

Tôi giải thích là tôi đi để bảo vệ thân chủ, các anh không cần tôi nhưng thân chủ cần nên mới phải mời tôi; pháp luật cũng không cấm tôi ngồi chứng kiến buổi làm việc này; lâu nay tôi vẫn làm việc như thế thường xuyên nên anh cứ để tôi ngồi cùng thân chủ vì nó không ảnh hưởng gì tới công việc của anh cả. Điều gì pháp luật không cấm thì chúng tôi được quyền làm.

Tuy vậy, người phụ trách vẫn không đồng ý và nhất quyết yêu cầu luật sư phải ra khỏi phòng làm việc. Lúc này, tôi bực mình đứng lên nói to rằng anh đã hành xử cứng nhắc, không đúng luật, anh nên đọc lại luật. Anh ta trả lời ngay rằng không làm việc với luật sư là không làm việc! Tôi không cần phải đọc luật. Thế nên tôi cũng nói luôn là vậy thì anh sẽ rất dốt.

Sau đó, anh ta lớn tiếng gọi ngay một công an viên khác vào tận nơi kéo tôi đứng dậy, đưa tôi ra khỏi nơi làm việc. Thân chủ thấy tôi bị đưa ra khỏi nơi làm việc nên cũng đứng dậy ra về thì được thuyết phục quay lại để làm việc.

Đỉnh điểm của câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, khi tôi ra khỏi phòng làm việc, tôi đề nghị gặp Trưởng Công an xã để có ý kiến ngay về hành vi của người cán bộ nêu trên thì mấy người khác xúm lại đẩy tôi ra xa hơn, không cho tôi được đi đâu nữa. Trong những người này, người “nhiệt tình” nhất chính là người đã kéo tôi từ phòng làm việc ra: ngoài việc nắm tay, xô đẩy, không cho tôi ý kiến gì nữa, anh ta còn ghé tai tôi nói và nói: “Địt mẹ mày”!

Tôi vô cùng ngỡ ngàng, bức xúc nhưng vẫn giữ bình tĩnh để không rơi vào bẫy, để họ tìm cách xử lý mình. Tôi có hỏi anh ta rằng anh là công an hay là xã hội đen vậy? Anh ta hằm hằm mặt và liên tục đẩy tôi khoảng 25-30m từ sân ra tới tận cổng công an xã Thanh Khương và đóng cửa lại.

Một sự việc vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng khi mà tôi đi cùng người có đơn trình báo thôi mà người ta cũng cố làm khó để tìm mọi cách loại bỏ tôi ra – đây không chỉ là điều bất thường trong một vụ việc cụ thể, mà là một điểm nhấn điểm tô thêm cho thực trạng “sợ” sự có mặt của luật sư trong các vụ việc, dẫn tới việc can thiệp, xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền hành nghề hợp pháp của luật sư đã diễn ra lâu nay được nhiều người phản ánh.

Tôi đang soạn đơn kiến nghị và gửi kèm các văn bản tài liệu kèm theo gửi lên công an huyện Thuận Thành, và công an tỉnh Bắc Ninh để làm rõ sự việc để xử lý những cán bộ đã có những hành vi sai trái. Bên cạnh đó, tôi cũng gửi đơn tường trình sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam để lãnh đạo Liên đoàn nắm bắt rõ hơn về thực trạng hành nghề luật sư và đưa ra các giải pháp thực tế, hiệu quả hơn để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của đồng nghiệp.

Tôn trọng thỏa thuận với một số khách hàng, tôi đã cố nhẫn nhịn và lựa chọn giải pháp im lặng, hạn chế va chạm trong một thời gian khá dài nhưng điều đó không có nghĩa là tôi buông tay, chấp nhận thỏa hiệp với những sai trái, bất công trên còn đường hành nghề. Hoàn toàn không phải vậy! Tôi sẽ giữ đúng bổn phận của người luật sư và phẩm giá của một luật sư đàng hoàng cho tới ngày cuối cùng, khi tôi còn giữ tấm thẻ luật sư trên tay. Mọi hành vi sai trái, xâm phạm quyền hành hợp pháp của tôi và đồng nghiệp, tôi sẽ sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng…

P/s: Tôi đã xác minh được tên, họ của người đã “mời” tôi khỏi phòng làm việc; còn người khoác áo công an xã có hành xử như xã hội đen kia, để cấp trên họ tự tìm danh tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.