Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia và Lào, làm Việt Nam lo lắng

 

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia và Lào, làm Việt Nam lo lắng

World Politics Review

Tác giả: David Brown

Song Phan chuyển ngữ

1-11-2021

Từ trái sang: Hun Sen, Nguyễn Phú Trọng và Thongloun Sisoulith trong cuộc gặp gỡ cuối tháng 9, tại Hà Nội. Nguồn: VN Times

Cuối tháng 9, Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam, mời hai người đồng cấp Campuchia và Lào – là Hun Sen, thủ tướng Campuchia và Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Lào – đến Hà Nội để họp. Theo báo chí nhà nước, ba nhà lãnh đạo đã nói về sự hợp tác trong quá khứ và tương lai, và sự cần thiết có các quan hệ hiệu quả và gắn bó giữa đảng cầm quyền và chính phủ của ba nước.

Một bản tin sáo rỗng như vậy về một cuộc gặp mặt trực tiếp hiếm hoi, đã khiến một số người chau mày và châm mồi cho sự suy đoán. Viết cho Asia TimesDavid Hutt tường thuật rằng, “các nhà phân tích và quan sát coi cuộc hội đàm do Hà Nội chủ trì là một hành động quan trọng khi Việt Nam cố gắng khẳng định lại ảnh hưởng đối với hai đồng minh lịch sử vốn ngày càng ngã sang Trung Quốc trong những năm gần đây”.

Điều đó có vẻ hơi phóng đại nhưng cũng có thể, như Hutt gợi ý, Trung Quốc là con voi trong căn phòng lúc ba nhà lãnh đạo gặp nhau. Ngân hàng và doanh nhân Trung Quốc trở nên có quyền hành khủng khiếp ở cả Lào và Campuchia. Ông Trọng có thể đã đề xuất rằng, Việt Nam giúp duy trì một trạng thái cân bằng, có thể dễ kham hơn.

Nếu đúng như vậy, điều đó nói lên rất nhiều về Việt Nam, đã tiến đi bao xa trong vài thập niên qua. Bất chấp mọi khó khăn, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thành công và một cường quốc trong khu vực. Việt Nam đối với Lào và Campuchia giống như Trung Quốc đối với Việt Nam: Đông dân, thịnh vượng và hùng mạnh hơn rất nhiều.

Điều đó không phải luôn luôn như vậy. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, những người Marxist giáo điều vốn đã lèo lái phe họ giành chiến thắng miền Nam, do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đã không có khả năng tạo ra sự thịnh vượng. Mãi đến khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội mới quay lưng lại với tập thể hóa và nền kinh tế chỉ huy.

Một phần tư thế kỷ sau, mặc dù vẫn theo chủ nghĩa Marx-Lenin về chính trị, Việt Nam đã trở thành một bên tham gia ngày càng sâu rộng trong hệ thống thương mại toàn cầu, một cường quốc quân sự đáng gờm và là đối tác được săn đón trong các doanh nghiệp ở phạm vi khu vực và toàn cầu. “Chủ nghĩa xã hội thị trường”, tên của Hà Nội đặt cho hệ thống mà họ thiết lập vào thập niên 1990, sản xuất và lan toả của cải trong nước đủ đến mức những công dân đầy tham vọng ở Việt Nam nói chung thà gia nhập Đảng Cộng sản cầm quyền, hơn là lật đổ nó.

Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là láng giềng của họ. Đặc biệt, Trung Quốc ở phía bắc có dân số cao hơn Việt Nam gần gấp 15 lần và GDP bình quân đầu người cao gấp đôi tính theo sức mua.

Như mọi học sinh Việt Nam học ở trường trung học cơ sở, lịch sử dân tộc được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, lặp đi lặp lại và cuối cùng là thành công. Cho đến thế kỷ 19, kẻ xâm lược chủ yếu là Trung Quốc. Và mặc dù viện trợ từ đối tác Trung Quốc đã giúp Việt Nam đánh gục quân đội Pháp và sau đó là Mỹ trong cuộc đấu tranh giành độc lập và sau đó là thống nhất dài ba thập niên, nhưng quan hệ với Trung Quốc rất ít nồng ấm kể từ khi hai bên xảy ra cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1979.

Các nhà tuyên truyền của Trung Quốc thường nói tới Việt Nam như là một quốc gia “đồng chí và anh em”. Tuy nhiên, mê cuồng với “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng nghĩ tới Việt Nam như một chư hầu cũ, đã bị Hoa hoá không hoàn hảo, hơn nữa như là một chư hầu táo tợn. Chẳng hạn, nước này dám tranh chấp chủ quyền tưởng tượng của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ biển Đông. Và nước này đã trở thành một thỏi nam châm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Các nước láng giềng còn lại gồm Campuchia và Lào dọc biên giới, và bảy thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hoặc ASEAN, được cho là một sự thất vọng lớn đối với người Việt. Khối này khẳng định quyền đưa ra các quy tắc ở Đông Nam Á, thông qua nguyên tắc “trung dung”. Nhưng lại có một nguyên tắc khác, rằng tất cả các quyết định phải được thực hiện bằng sự đồng thuận, khiến ASEAN bất lực khi lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa.

Có năm nước ASEAN có yêu sách biển ở biển Đông, nhưng chỉ Việt Nam là có khuynh hướng đương đầu với Bắc Kinh. Campuchia, con rối trên thực tế của Trung Quốc trong các phiên họp kín của ASEAN, thường xuyên phủ quyết, thậm chí những tuyên bố hòa dịu, quan ngại đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Căng thẳng gia tăng kể từ năm 2009, khi Trung Quốc đưa ra một bản đồ sơ sài tại Liên Hiệp quốc và đòi “chủ quyền không thể chối cãi” đối với hơn 80% biển Đông. Kể từ đó, Bắc Kinh nỗ lực để tạo ra “thực tế trên mặt biển” qua việc củng cố các đảo nhân tạo và triển khai các đội tàu đánh cá khổng lồ vào các vùng biển mong manh về sinh thái, và cũng qua việc quấy rối các tàu thăm dò dầu khí đang khảo sát trên thềm lục địa của Việt Nam.

Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế đã đứng về phía Philippines trong một vụ kiện do Manila đưa ra, phán quyết rằng Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với các bãi đá và đảo nhỏ trong vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh không chấp nhận tham gia vào quá trình tố tụng, cũng như không công nhận quyết định này.

Trong khi đó, kể từ năm 2000, ASEAN đã tiếp tục đàm phán về một “bộ quy tắc ứng xử” với Trung Quốc cho các cuộc đụng độ hải quân ở biển Đông, nhưng không mang lại nhiều kết quả.

Một vấn đề có tầm quan ngại to lớn khác của Việt Nam là việc quản lý nước ở lưu vực sông Mekong, nơi một thảm họa sinh thái đang diễn ra. Hà Nội đã thúc giục ASEAN tạo ra một khuôn khổ khu vực cho các vấn đề Mekong, nhưng các thành viên “ngoài biển” của nhóm đã từ chối tham gia. Việc không thúc đẩy lợi ích sống còn của các thành viên “đất liền”, càng cho thấy sự trống rỗng trong tuyên bố thiết lập chương trình nghị sự khu vực của ASEAN.

Cũng như với biển Đông, Trung Quốc là nước chuyên phá rối dọc theo sông Mekong. Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc xây dựng các con đập trên đầu nguồn của sông này ở Trung Quốc – nơi nó được gọi là Lancang – và ở Lào, trên nhiều phụ lưu của nó. Bị quyến rũ bởi khái niệm trở thành “bình cung cấp điện của Đông Nam Á”, Lào mong muốn sản xuất và xuất khẩu năng lượng thủy điện, thậm chí xây dựng thêm các con đập trên dòng chính sông Mekong.

Đối với Campuchia, việc ngăn chặn lũ lụt hàng năm của sông Mekong đã tàn phá ngành thủy sản ở hồ Tonle Sap, nơi từng cung cấp 2/3 lượng protein động vật trong các bữa ăn của người dân nước này. Cả Campuchia lẫn Việt Nam đều không thể dựa vào lũ lụt hàng năm trong việc mang phù sa bồi đắp ruộng lúa và vườn cây ăn trái hay, ở Việt Nam, đẩy lùi xâm nhập mặn.

Trong khi đó, việc Trung Quốc tóm lấy nền kinh tế Lào và Campuchia nên là một câu chuyện cảnh giác cho tất cả các nước ASEAN. Cả hai sẽ trở thành những quốc gia thất bại nếu họ không được trợ giúp bởi các khoản vay và viện trợ phát triển quốc tế, nhưng chính các khoản vay tư nhân, chủ yếu là của doanh nhân Trung Quốc, là điều khiến Hà Nội lo lắng nhất. Một báo cáo từ năm ngoái, ước tính rằng 45% GDP hàng năm của Lào hiện nay là để trả chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc xây dựng, gồm hàng chục con đập,một tuyến đường sắt từ Vân Nam đến Viêng Chăn và vô số các khoản đầu tư khác, nếu không phải điều gì khác, nó đã tạo cơ hội cho các quan chức chính phủ thu lợi bất chính.

Mặc dù chưa đến mức đáng báo động trước các lợi ích của Trung Quốc, Campuchia cũng đáng lo ngại không kém đối với Hà Nội vì từ thời xưa, quan hệ song phương luôn căng thẳng. Người Campuchia coi Việt Nam là kẻ thù lịch sử tham lam, tiếp tục có mưu đồ trên lãnh thổ Campuchia. Giờ đây, việc nhượng quyền khai thác mỏ, khai thác gỗ và đặc quyền hải cảng cho hải quân Trung Quốc đều góp phần ràng buộc Phnom Penh với Bắc Kinh.

Cuộc gặp gần đây của ba nhà lãnh đạo có thể chuyển thành một bước có ý nghĩa đối với sự gắn bó mang tính xây dựng hơn của Việt Nam đối với cả Lào lẫn Campuchia. Làm cho điều đó xảy ra thì khó khăn hơn.

Có nhiều tiềm năng cho việc vạch kế hoạch hợp tác về bảo vệ môi trường ở lưu vực sông Mekong. Việt Nam cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai công nghệ năng lượng tái tạo. Với Campuchia, quốc gia đang tìm kiếm đường biên giới an toàn, Việt Nam có thể ưu tiên các cuộc đàm phán nhằm hoàn thành việc phân giới. Đối với Lào, quốc gia muốn có một lối thoát ra biển Đông, một tuyến đường được cho là đã được thoả thuận cho các kết nối đường bộ và đường sắt đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Điều đó khiến Trung Quốc vẫn còn là nguồn cơn đau đầu cho Hà Nội. Về mặt chính thức, Trung Quốc và Việt Nam mô tả mối quan hệ của họ là “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, có nghĩa là hai nước thực sự có những lợi ích chung quan trọng. Đặc biệt, hai nước đang có giao thương song phương mạnh mẽ và sự kết hợp chặt chẽ của các chuỗi cung ứng xuyên biên giới, sản xuất hàng hóa tiêu dùng khắp nơi trên thế giới.

Chính quyền của hai nước này cũng có chung một triết lý quản trị. Cũng giống như ở Trung Quốc, quyền lực ở Việt Nam được nắm giữ bởi một đảng theo chủ nghĩa Lenin, khẳng định có sự sáng suốt và đức độ vượt trội, và do đó đòi hỏi sự trung thành hoàn toàn.

Để giữ cho quan hệ Trung – Việt bền vững, điều quan trọng nhất ở đây là sự tự kiềm chế của Việt Nam đối với môi trường an ninh khu vực, đặc biệt là cái gọi là “bốn không” trong nền tảng chính sách quốc phòng của Hà Nội: không liên kết với nước này để chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Nhưng làm trầy bề mặt thì bức tranh trở nên kém bóng láng hơn. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thích mô tả Việt Nam và Trung Quốc như những người bạn thân thiết, đồng ý về mọi thứ, ngoại trừ biển Đông – và có thể kềm chế những khác biệt đó. Theo Bắc Kinh, vấn đề là sự can thiệp của nước ngoài – hay nói cách khác là của Hoa Kỳ và các đồng minh, với các cuộc tập trận “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “tự do hàng hải”.

Các quan chức Việt Nam tỏ ra tôn trọng nhưng ít nhiệt tình khi gặp các đối tác Trung Quốc. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của quan hệ song phương và nhắc đi nhắc lại sự sẵn sàng trong việc duy trì trao đổi y kiến song phương ở tất cả các cấp. Nhưng điều đáng lo ngại nhất theo cái nhìn của Hà Nội là, sự tự tin thái quá về phía Trung Quốc và khả năng Bắc Kinh có thể nhầm lẫn sự tuân phục của Hà Nội là thiếu kiên quyết.

Hà Nội hiểu rõ hệ lụy của việc Trung Quốc âm thầm lấn tới giành quyền thống trị biển Đông và lưu vực sông Mekong. Cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam chắc chắn đang nghiên cứu những bài học cần rút ra từ việc Trung Quốc khuất phục Hồng Kông và chiến dịch hăm dọa Đài Loan của họ.

Giờ đây, chắc chắn rằng Hà Nội cũng đang suy ngẫm về giá trị của việc tái liên kết không chính thức. Trong các chuyến thăm Việt Nam vào mùa hè năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris, Washington đã báo hiệu rằng, nước Mỹ rất sẳn sàng cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn và rộng hơn. Vượt ra các quan niệm thông thường về an ninh, ý kiến của Washington bao gồm cả hợp tác rộng rãi, thích ứng với môi trường, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu an ninh khác của con người.

Khi xem xét tất cả những điều này, các lãnh đạo Việt Nam có thể chắc chắn một điều: Công dân Việt Nam rất hăm hở, thật ra có thể nói là hăm hở một cách liều lĩnh, trong việc đối đầu với Trung Quốc. Quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu tình hình an ninh trở nên tồi tệ, Hà Nội gần như không thể tự tin như dân của họ rằng Washington sẽ hậu thuẫn Việt Nam đầy đủ.

Về mặt tích cực, trong 25 nam qua, các quan chức cấp cao của Việt Nam đã xây dựng quan hệ hiệu quả với các đối tác ở Washington, Tokyo, Canberra và các nước khác. Thế nhưng, nhiệm kỳ Trump đã phá vỡ quá trình xây dựng lòng tin đó. Các nhà ngoại giao và chiến lược của Việt Nam, cũng như những người đứng đầu Đảng mà họ phải tường trình đến, đã học được rằng rốt cuộc thì Hoa Kỳ không dễ đoán được.

Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam hiện phải vật lộn với viễn cảnh rằng trong một cuộc khủng hoảng, Washington có thể lưỡng lự giao tranh với Trung Quốc ở quá gần bờ biển của họ. Và họ phải xem xét khả năng người kế nhiệm tổng thống Joe Biden có thể sẵn lòng nhường quyền làm chủ khu vực lân cận của Việt Nam cho một “Trung Quốc đang trỗi dậy”.

Đó là một phép tính không dễ dàng đối với Hà Nội chút nào.

______

David Brown là một cây viết tự do về Việt Nam đương đại, gồm các bài viết về đời sống chính trị và kinh tế, quan hệ quốc tế, văn hóa truyền thông và những thách thức về môi trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.