Quốc hội cần làm rõ ai là người đứng đầu
11-8-2021
Lẽ thường, văn bản có tính chất pháp lý đòi hỏi phải chắc chắn, chính xác và đúng đắn.
Ấy thế mà cái gọi là “Công văn” số 2562/UBND-KT ngày 7/8/2021 của Hà Nội và “Công văn” sửa sai số 577/TB-UBND ngày 10/8/2021 cũng của Hà Nội lại rất thiếu chắc chắn, rất thiếu chính xác và rất thiếu đúng đắn.
Những cái thiếu sót này không thể đổ lỗi cho việc phải soạn thảo gấp và ban hành vào ban đêm được?
Tôi chỉ xin đề cập tới một trong những cái thiếu sót của những cái gọi là “Công văn” này tại đây.
Tại điểm 2 và điểm 3 của Công văn số 577 nói trên buộc cái gọi là “người đứng đầu” của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức trung ương và địa phương; “người đứng đầu” cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài; và “người đứng đầu” doanh nghiệp trong và ngoài nước phải chịu trách nhiệm về vấn đề “giấy đi đường”.
(1) Nếu hiểu “người đứng đầu” là người có quyền cao nhất về việc ra quyết định của các tổ chức đó, thì chúng tra phải trả lời được ít nhất mấy câu hỏi sau:
+ Ai là người đứng đầu Quốc hội, đứng đầu Hội đồng nhân dân? Ai là cấp trên của Đại biểu Quốc hội? Ai là cấp trên của Đại biểu hội đồng nhân dân? Ai có thẩm quyền cấp giấy đi đường cho Đại biểu Quốc hội, Đại biểu hội đồng nhân dân?
+ Ai là người đứng đầu trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trong khi đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên còn sờ sờ ra đó?
Ở đây cần nhấn mạnh rằng không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được tổ chức theo chế độ thủ trưởng.
(2) Nếu hiểu “người đứng đầu” là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó, thì chúng ta cũng phải trả lời được ít nhất mấy câu hỏi sau:
+ Ai là người đứng đầu công ty hợp danh?
+ Ai là người đứng đầu công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần trong khi công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật?
Tôi nhớ có một lần khi bắt đầu “đổi mới”, Vietnam Airlines ký hợp đồng với một công ty TNHH của Thái Lan mà trong đó có qui định rằng hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi đã được mỗi bên phê duyệt theo đúng điều lệ công ty của mình. Phía ta chắc ăn lắm vì thấy Tổng giám đốc đại diện theo pháp luật của bên bạn tham gia ký hợp đồng. Ấy thế mà đợi dài răng ra mà không thấy hợp đồng được phía bạn phê duyệt. Tìm hiểu kỹ mới biết: Công ty của bạn có tới ba người đại diện theo pháp luật mà với loại hợp đồng giá trị từ 20 nghìn đô la Mỹ trở lên thì phải được 02 trong 03 người đó đồng ý thì hợp đồng mới có giá trị (theo điều lệ).
Ngay đối với một cơ quan thuộc hành pháp có truyền thống thủ trưởng chế mà đôi khi người ta cũng cảm thấy khó trong việc xác định ai là người đứng đầu. Chẳng hạn ở Campuchia, người ta còn có chế độ đồng thủ tướng, đồng bộ trưởng do sự chia sẻ giữa các thế lực chính trị.
Vì thế trong một tổ chức hay một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì pháp luật của hều hết các nước (trừ Việt Nam) thường qui định rằng: (1) mỗi người được coi là đại diện cho toàn bộ các vấn đề của tổ chức hay công ty đó; và (2) không thể lợi dụng việc có nhiều đại diện để chống lại người thứ ba ngay tình.
Điều 12, khoản 2 của Luật Doanh nghiệp 2020 của ta thì qui định rất vô lý rằng trừ trường hợp nếu điều lệ không phân chia rõ về quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của công ty thì “mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba”.
Cần hết sức lưu ý rằng bản chất pháp lý của công ty là một hành vi pháp lý. Công ty nhiều thành có bản chất là một hợp đồng mà hợp đồng có hiệu lực tương đối, có nghĩa là chỉ có hiệu lực giữa các thành viên của công ty đối với nhau. Hiện tượng trưng điều lệ của công ty cổ phần là một hành vi để dụ người khác tham gia vào đó, có nghĩa là giao kết hợp đồng đó cùng các thành viên khác của công ty. Án lệ của các nước trong hệ thống pháp luật Anh- Mỹ cũng đã làm rõ câu chuyện này. Điều lệ công ty phản ánh các điều kiện của hợp đồng chỉ có hiệu lực đối với các thành viên của công ty với nhau. Vì vậy để bảo vệ người thứ ba ngay tình, pháp luật phải có giải pháp khác với điều lệ công ty.
Lưu ý: Luật công ty chính là luật về mối quan hệ nội bộ của công ty. Khi công ty làm ăn với bên ngoài thì có hàng tỷ luật điều tiết tùy từng hành vi là mua bán hàng hóa hay vay nợ hay thuê trụ sở…
Cái này tôi đã viết nhiều bài góp ý trong Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp khi xây dựng Luật doanh nghiệp 2014, nhưng có lẽ Ban soạn thảo không hiểu. Một vị trong Ban soạn thảo đó biết rõ về những góp ý của tôi mà anh vừa được bầu vào làm Đại biểu Quốc hội- Phan Đức Hiếu.
Trước kia ở thời bao cấp, có thành tích thì cá nhân nhận, nhưng có sai lầm thì đổ lỗi cho tập thể, vì vậy nhiều người có vị thế chính trị lớn chủ trương nắm lấy người đứng đầu cơ quan, tổ chức để cá thể hóa trách nhiệm. Sau đó những tay nịnh cứ thể hùa theo thổi phồng lên, bất cần biết cơ quan, tổ chức đó tổ chức theo mô hình nào.
Vừa qua khi họp Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói rõ ràng rằng nội hàm của khái niệm “tiêu cực” chưa được làm rõ, đề nghị mọi người nghiên cứu và giải thích cho rõ. Đồng thời Tổng Bí thư gợi ý nên làm rõ hơn về khía cạnh suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống. Ấy thế mà hôm qua được VTV1 phỏng vấn, mấy đồng chí có tí học hàm, học vị, thậm chí có người đã nghỉ hưu rồi, cứ thế tán tụng theo mỗi gợi ý của Tổng Bí thư. Vậy cần tới trí thức để làm gì? Chẳng thế mà Mao Trạch Đông coi “trí thức là cục phân”.
Nhẽ ra không phải thế! Nhưng nếu trí thức tự thủ tiêu sự nghiên cứu cống hiến theo khả năng thực sự của mình thì đúng thế (!?)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.