Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Bàn về quan hệ Việt – Mỹ qua chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris

 

Bàn về quan hệ Việt – Mỹ qua chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris

Trương Nhân Tuấn

31-8-2021

Chuyến công du VN của bà phó tổng thống Mỹ Kamala Harris báo chí VN trong nước cũng như hải ngoại, từ mấy ngày qua đã nói rất nhiều. Các ý kiến của chuyên gia quốc tế, chuyên gia quốc nội đã được đăng tải nhiều ngày trên các trang mạng truyền thông chính thống. Lại còn có thêm các trang mạng phi chính thống như facebook hay các trang blog cá nhân. Chuyến công du của bà Harris trở thành một hiện tượng “trăm hoa đua nở”.

Điều này cho ta thấy tầm quan trọng của chuyến đi này. VN và Singapore trở thành trọng tâm trong chiến lược xoay trục, từ Afghanistan, Trung đông sang Đông Nam Á, nói rộng ra là trong cái nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.

Ta thấy bà Harris đã bỏ qua các đồng minh truyền thống trong khu vực như Thái Lan hay Philippines. Đây là hai đồng minh có ký hiệp ước an ninh hỗ tương với Mỹ. Indonesia, quốc gia lớn nhứt Đông nam Á, cũng bị bỏ qua. Quốc gia chủ tịch ASEAN hiện nay là Brunei cũng không được nhắc tới.

Chuyến đi của bà Kamala Harris, với tư cách Phó Tổng thống, trong tình trạng Tổng thống Biden lớn tuổi có những trở ngại riêng.

Trong thời điểm mà quân Mỹ rút ở Afghanistan. Lúc bà Harris có mặt tại VN ngày 25 tháng tám, Tòa Bạch ốc công bố một văn bản có tựa đề Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Nội dung văn bản, ta có thể đọc ở các báo chí VN, bao gồm một số vấn đề liên quan đến VN. Thứ nhứt là vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu. Trong mục này có đề cập đến một vấn đề quan trọng là bảo vệ đồng bằng SCL. Thứ hai là Mỹ hỗ trợ cho VN Phát triển và tiếp cận thị trường. Thứ ba là vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự. Thứ tư là việc giải quyết di sản chiến tranh. Thứ năm là vấn đề an ninh. Trong phần này dĩ nhiên bao gồm việc giúp đỡ VN tăng cường khả năng thực thi pháp luật và an ninh hàng hải. Thứ sáu là đầu tư vào quan hệ song phương. Việc này được thể hiện qua việc xây dựng lại Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà nội cũng như việc thành lập Tổ chức Hòa bình VN. Tổ chức Hòa bình VN là thành quả của cuộc thương thuyết kéo dài 17 năm. Thứ bẩy là hai bên VN và Mỹ đồng thuận về các vấn đề hoạt động không gian. Thứ tám là hỗ trợ giáo dục đại học.

Theo tôi mục đích chuyến đi của bà Harris, ngoài những cam kết còn có một thông điệp. Các cam kết là “1/ Mỹ tiếp tục ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. 2/ Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực và gia tăng sức để Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của họ”.

Thông điệp đó là “hai bên xem xét làm những gì có thể để nâng cấp mối quan hệ của chúng ta thành đối tác chiến lược”. Đây là một thông điệp quan trọng của tổng thống và nhân dân Mỹ đến với nhân dân VN.

Thế nào là quan hệ “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược”? Quan niệm của VN ra sao và quan niệm của Mỹ ra sao?

Quan điểm của VN là trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia gồm bốn cấp độ. Thấp nhứt là Đối tác (partnership). Cấp thứ hai là đối tác toàn diện (comprehensive partnership), tức là mức độ hiện nay trong quan hệ giữa Mỹ và VN. Cao hơn là cấp thứ ba, đối tác chiến lược (strategic partnership) và cao nhứt là đối tác chiến lược toàn diện (comprehensively strategic partnership).

Theo định nghĩa của VN quan hệ đối tác chiến lược là thuật ngữ chỉ mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ này gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi có thể bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự.

Tức là ngay cả khi quan hệ giữa VN và Mỹ được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược”, như thông điệp của bà Kamala Harris, thì quan hệ này vẫn chưa sâu sắc và bao quát lắm, vì đứng dưới cấp “đối tác chiến lược toàn diện”, là quan hệ hiện tại giữa VN và TQ.

Trong khi quan điểm của Mỹ, “quan hệ chiến lược” ngoài các mục tiêu kinh tế, môi trường, y tế, văn hóa giáo dục… lâu dài mà hai bên cần có những hiệp ước ký kết kèm theo. Quan hệ chiến lược còn bao gồm luôn các vấn đề an ninh và quốc phòng. Hai quốc gia chỉ có thể ký kết hiệp ước về an ninh và quốc phòng nếu hai bên cùng có chung tầm nhìn, có chung một mối lo ngại về các đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ.

Ta thấy chuyến đi của bà Harris, tại Singapour bà đã ký các thỏa thuận gồm an ninh mạng, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề chia sẻ thông tin tình báo dịch bệnh và hợp tác kinh tế.

Còn trong chuyến đi VN, không có hiệp ước nào được ký, ngoài “biên bản ghi nhớ – MOU” nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của VN, mở rộng thị trường cho các công ty Mỹ và củng cố chính sách môi trường của VN. Câu hỏi đặt ra là VN trả lời ra sao trước sự đề cập thẳng thắn của bà Phó Tổng thống Kamala Harris?

Rõ ràng là sự im lặng. Hay ít nhứt là không có sự trả lời rõ rệt từ phía VN. Nhân vật có tư cách và thẩm quyền để trả lời là Chủ tịch nước. Ta biết là buổi họp giữa phó tổng thống Harris và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cuộc họp “kín”, phóng viên báo chí được mời ra ngoài.

Nhưng nếu ta đọc bản tường thuật buổi tiếp đón Phó Tổng thống Kamala Harris từ phủ chủ tịch của Thông tấn xã VN, thì “thấy vậy mà không phải vậy”.

Những dòng đầu tiên bài tường thuật ngày 25 tháng tám 2021 được ghi như sau: “Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước đánh giá cao quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong hơn 25 năm qua được hai bên nỗ lực vun đắp thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu, và mong muốn của nhân dân hai nước, phù hợp với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong thư gửi Tổng thống Truman cách đây 75 năm”.

Thế nào là “tâm nguyện của chủ tịch HCM” trong thư gới TT Truman? Tâm nguyện đó là gì?

Nếu ta có đọc những lá thư của ông Hồ gởi TT Truman từ năm 1945, 1946 ta biết tâm nguyện của ông Hồ là “yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi… Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ.”…

Tức tâm nguyện của ông Hồ là: muốn được Mỹ đối đãi với VN như là đối với Philippines. Mỹ nhìn nhận độc lập của VN và VN hợp tác toàn diện với Mỹ.

Nếu ta đối chiếu tâm nguyện của ông Hồ với tình trạng hiện nay, ta thấy tâm nguyện của ông Hồ tương đương với quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, tương ứng với các mối quan hệ đồng minh hiệp ước trên cái nhìn của Mỹ (như là Nam hàn, Nhật, Phi, Thái lan v.v…)

Tâm nguyện của ông Hồ đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Vì sao chuyện này chưa thực hiện được? Theo tôi có nhiều lý do, có nhiều trở ngại, nội tại cũng như ngoại tại.

Lý do ngoại tại là TQ. Thái độ của TQ đối với chuyến công du của bà Harris cho ta thấy tầm quan trọng của VN đối với Mỹ. TQ sẽ tìm đủ mọi cách để cản trở VN có quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

Ta thấy thái độ phải nói là “hốt hoảng” của TQ, trước chuyến đi của bà Kamala Harris, TQ lo ngại VN sẽ vuột khỏi quĩ đạo của TQ. Ta nên biết là chuyến công du VN của bà Kamala Harris đã gặp trở ngại ngay từ lúc đầu. Chuyến bay Từ Singapore đến Hà nội của bà Harris chiều ngày 24 tháng 8 phải trễ lại đến 3 giờ đồng hồ. Bà Harris đến VN vào lúc 10 giờ đêm. Lý do phía Mỹ đưa ra là Mỹ đang điều tra về khả năng “hội chứng Havana” có thể hiện hữu ở VN.

Mọi người đều biết đàng sau của “hội chứng Havana” là ông đại sứ TQ ở VN là Hùng Ba. Trong buổi chiều 24 tháng 8, thủ tướng VN phải tiếp đón đại sứ Hùng Ba. Ông thủ tướng VN phải trấn an TQ bằng những cam kết như:

“Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam;…

Để ý câu “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.” Đây là sự lựa chọn của đảng CSVN, vì lợi ích của đảng này. Không hề là sự lựa chọn hay là ưu tiên của dân VN.

Nhưng trong diễn văn của thủ tướng VN cũng có chêm câu:

“Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác.”

Tức là khi VN khẳng định việc kiên trì “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ” thì không có điều gì có thể cấm cản VN, ngay cả TQ, nếu VN mở rộng quan hệ với các quốc gia khác, nếu quan hệ đó có lợi cho VN.

Ta thấy chính sách “quốc phòng 4 không”, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Ta thấy chủ trương này là nhằm trấn an TQ.

Tuyên bố như vậy VN đã tự mâu thuẫn. Vì nếu khẳng định ngoại giao độc lập tự chủ thì không cần phải cam kết 4 không này kia với TQ. Cam kết như vậy cho thấy VN đã lệ thuộc vào TQ, VN mất độc lập, không còn tự chủ.

Theo tôi, VN chỉ cần cam kết tôn trọng Hiến chương LHQ là đủ. Và đây cũng là một lối thoát cho VN không bị TQ lên án là “bội ước”, hay bị ràng buộc vì những tuyên bố của mình.

Hiến chương LHQ không chủ trương quốc gia này liên kết với một quốc gia kia để chống một quốc gia khác. Hiến chương LHQ không khuyến khích việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng hiến chương LHQ không cấm một quốc gia có thể liên kết với một hay nhiều quốc gia khác với mục đích tự vệ đa phương. Hiến chương LHQ cũng không cấm việc một hay nhiều quốc gia có thể sử dụng vũ lực để chống lại một đe dọa đến từ một hay nhiều quốc gia khác.

Tức là VN có thể “liên minh quân sự” với một (hay nhiều) quốc gia khác, như Hoa kỳ, nhằm mục đích “tự vệ”. VN cũng có thể cho phép một hay nhiều quốc gia khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, dĩ nhiên cũng với mục tiêu “tự vệ”… mà TQ không thể phê phán điều gì.

Lý do nội tại, đối với VN, là vấn đề nhân quyền. VN hiện thời sẽ không chấp nhận bất kỳ một nhượng bộ nào về “nhân quyền”, đặc biệt các quyền tự do về “chính trị”. Bà Harris đã không tiếp xúc với bất kỳ nhà tranh đấu nào của VN trong chuyến công du này. Mặc dầu bà có buổi tiếp xúc với đại diện VN trong giới xã hội dân sự như giới đồng tính, bình đẳng giới v.v… Điều này có thể giải thích, bà Harris có thể không muốn làm phật lòng đảng CSVN, trong lúc nước Mỹ cần một quan hệ khăng khít “chiến lược” với VN để chống lại sự “trỗi dậy không hòa bình của TQ”.

Lý do trên có vẻ “thiếu thuyết phục”, vì mục tiêu chống lại sự “trỗi dậy không hòa bình của TQ” của Mỹ trùng hợp với tầm nhìn dài hạn của VN. Tham vọng của TQ không chỉ thôn tính Biển Đông mà còn đưa các “chư hầu cũ” vào vòng ảnh hưởng của “Thiên triều”, như tiền bán thế kỷ 19. Các chư hầu cũ của TQ bao gồm VN và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. VN ngả về phía Mỹ là điều tự nhiên. Không người VN nào muốn VN lại trở thành chư hầu của TQ thêm một lần nữa. Dĩ nhiên loại trừ thành phần thân TQ. Thành phần này phải dựa vào TQ để giữ quyền lực (và quyền lợi).

Có nhiều phương cách để Mỹ đạt mục tiêu, mà phương cách đầu tiên là phương cách “hòa bình”. Ta thường nghe các nhà ngoại giao Mỹ lặp đi lặp lại nhiều lần, là yêu cầu TQ phải “tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Mà “luật quốc tế” là gì nếu không phải là “sự đồng thuận” của nhiều quốc gia? Luật quốc tế hiện thời, cũng như nền hòa bình hiện thời, “pax americana”, do Mỹ và Đồng minh thiết lập từ sau Thê chiến thứ II.

TQ muốn lôi kéo các quốc gia khác theo mình, bằng các phương tiện đầu tư kinh tế và mua chuộc tài chánh, mục đích “áp đặt lại luật chơi”. Phe nào được nhiều quốc gia ủng hộ, “luật lệ quốc tế” sẽ do phe đó áp đặt.

VN không theo Mỹ trở thành điều “bất bình thường”. Không quốc gia nào theo phe gây thiệt hại cho lợi ích cho đất nước mình hết cả.

Lãnh đạo CSVN có thể chưa nhìn thấy, nếu phương pháp “hòa bình” của Mỹ thất bại. Nếu VN quyết định theo phe TQ, Mỹ còn có “plan B”, phương pháp bỏ VN và Biển Đông cho TQ.

Trên phương diện “địa lý chiến lược”, nếu có cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và TQ, nếu VN ngả về phía TQ cán cân lực lượng sẽ không thay đổi. Mỹ chỉ cần phong tỏa các eo biển (Malacca, Sunda, Bashi…) và củng cố “chuỗi đảo thứ nhứt” thì TQ (và cả VN) sẽ “chết ngộp” ở Biển Đông. Lúc đó TQ bị “dồn vào chân tường” chắc chắn sẽ “nổ súng” để phá vòng vây. Ở điểm này, khoa học quốc phòng, TQ phải mất ít ra 30 năm nữa mới đuổi theo kịp Mỹ.

Ghi thêm điều này là để cho những người còn “nghi ngại” khi đi với Mỹ. Ta phải biết là “thời cơ” đến là chỉ đến một lần và thời cơ không ở đó chờ mình suy nghĩ. Đi với Mỹ là lưa chọn giải pháp “hòa bình”. Quay lưng với Mỹ là thúc đẩy Mỹ lựa chọn “plan B”, phương pháp không hòa bình. Điều lo sợ nhứt của mọi lãnh đạo cũng như mọi người dân Mỹ họ thấy TQ qua mặt nước Mỹ. Đại đa số dân Mỹ có thể ủng hộ chiến tranh để giữ vũng vị trí số một của quốc gia mình.

Trở lại vấn đề vì sao bà Harris không gặp gỡ vị đại diện nào của phe đấu tranh “dân chủ, nhân quyền”. Theo tôi, lý do là đa số các nhà tranh đấu “dân chủ và nhân quyền” có tiếng tăm ở VN ủng hộ ông Trump.

Có lẽ các nhà tranh đấu VN không quen với tập quán dân chủ của Tây phương cũng như chưa thấu đáo hết ý nghĩa về “dân chủ và nhân quyền”. Ở các xứ Âu, Mỹ, một chính trị gia chỉ cần đứng chung chụp hình, bắt tay, hay biểu lộ ý kiến “ủng hộ” một người như Trump, sự nghiệp chính trị người đó xem như tiêu tan. Anh (chị) không còn là “nhà dân chủ” khi anh ủng hộ một người có thiên hướng độc tài (như Trump). Anh (chị) không còn là một “nhà dân chủ, nhà tranh đấu cho nhân quyền” đúng nghĩa khi anh chị ủng hộ một người bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật, sử dụng mọi phương tiện “bá đạo”, gây chia rẽ bằng sự phỉ báng cá nhân, gây kích thích thù hận da màu… (như Trump) để đặt được mục tiêu.

Đứng chụp hình, bắt tay, hay ủng hộ bằng mọi hình thức… một người mà cả đời thắng được là nhờ thủ đoạn và nói láo, một người phi đạo đức, có thiên hướng “độc tài”, ủng hộ chủ nghĩa “da trắng ưu việt”… sự nghiệp chính trị người đó sẽ “cháy”. Bà Harris có nguy cơ “cháy bài” khi bà ngồi chung, hay yểm trợ, những thành phần ủng hộ các chủ trương “phi dân chủ, phản nhân quyền của Trump”.

Lý do nội tại khác, về phía Mỹ, là vấn đề “di sản chiến tranh”. Ta thấy trước đây quan hệ VN và Mỹ bế tắt vì VN đòi “bồi thường chiến tranh”. Điều này kéo dài đến 20 năm sau cuộc chiến (1975-1995).

Hiện thời cũng có trí thức VN, thuộc thành phần thiên tả ngày xưa, cũng yêu cầu Mỹ phải “xin lỗi” VN, vì những tội ác mà Mỹ đã gây ra ở VN.

Yêu sách điều này sẽ đặt lại mọi thứ, từ danh nghĩa cuộc chiến, ai là phía xâm lăng ai là phía tự vệ, ai là nạn nhân ai là thủ phạm. Tội ác của các bên gây ra trong chiến tranh nếu viết cho đủ thì phải hai ba cuốn sách. Đã đành lịch sử sẽ được viết bởi phía chiến thắng.

Nhưng lẽ phải, chân lý không dễ dàng bị bóp chết bởi sức mạnh.

Đòi Mỹ “bồi thường chiến tranh”, vì “tội ác” của họ gây ra cho VN. Nên nhớ VN ở đây là Việt Nam Cộng Hòa. Hôm trước báo chí nước ngoài so sánh Afghanistan hôm nay giống với VNCN 1975. Phía ngoại giao VN có lời phản đối dữ dội. Lấy “ánh sáng lịch sử” soi xét thì CSVN và MTGPMN ngày xưa có khác gì Taliban hôm nay? Nhứt là về mặt “dã man, khát máu, hiếu chiến…”

Vì vậy theo tôi, các trí thức chủ trương vụ đòi “Mỹ phải xin lỗi” và đòi “bồi thường chiến tranh”, coi chừng cây gậy đập ngược vô đầu mình. Đảng CSVN trên thực tế mới là phía cần phải xin lỗi dân tộc VN. Vì họ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân (trong đó có nguyên nhân ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô cho TQ”), gây tang thương và đổ nát cho đất nước và dân tộc VN.

Trở lại vấn đề quan hệ Mỹ-Việt.

Theo tôi thì, vì lợi ích của nhân dân và đất nước, đảng CSVN cần phải thay đổi. Ta thấy là dư luận người dân trong nước phải nói là 90% ủng hộ Mỹ, theo Mỹ chớ không theo TQ. Qua các vấn đề như du học sinh hay vắc-xin. Ta thấy rõ rệt là hầu như tất cả dân VN, kể cả cán bộ CS cao cấp, đều muốn cho con cái mình đi học ở Mỹ, hay muốn được chích vắc-xin của Mỹ. Nếu bây giờ có cuộc trưng cầu dân ý, hỏi là VN nên theo Mỹ hay theo TQ, ta có thể kết luận là 90% dân chúng theo Mỹ. Rõ ràng thời gian đã làm thay đổi. Trăng TQ bây giờ không thể tròn bằng trăng nước Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.