Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi hai
Nửa đêm hôm qua trằn trọc không ngủ được, lại thấy đói bụng liền xuống bếp nấu gói mì ăn. Dù hôm qua đọc tin thấy Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho rằng, trong mì gói của hãng Acecook Việt Nam có chứa chất Ethylene Oxide có hại cho sức khoẻ. Ối dào! Dân Việt ta một ngày ăn biết bao nhiêu gói mì, ăn năm này qua năm khác lâu rồi, thời giãn cách lại càng ăn bạo. Chẳng sao cả dù biết mì gói chả bổ béo gì, toàn bột, ít đạm, lại có chất béo không tốt cho sức khoẻ nếu sử dụng lâu dài.
Trong khi chờ thêm các thông tin về chuyện này, thôi kệ, cứ an tâm ăn cho khỏi đói cái đã. Hiện giờ có biết bao lý do để chết tức thì, nên chuyện ăn nhiều ethylen oxide mới gây nguy hiểm thì cũng chẳng ngại ngùng chi.
Ngày hôm qua có nhiều chuyện đáng lưu tâm hơn cái chuyện mì gói. Đầu tiên là chuyện mèo lại hoàn mèo. Đó là chuyện lưu thông, phân phối hàng hoá. Lúc đầu là giao quân đội mua hàng hộ dân. Rầm rộ lắm, nhiều hình ảnh, bài viết lắm nhưng rồi bắt tay vào mới thấy không dễ như ngồi bàn giấy mà bàn. Lúng túng trong việc mua bán, giao hàng. Siêu thị, cửa hàng không kịp cung ứng và chuẩn bị. Hàng hoá giao không đúng yêu cầu, trễ giờ… Nói chung đây là khâu cần phải có tính chuyên nghiệp, nó không phải giống như qua nhờ bà hàng xóm đi chợ mua giúp mấy món, mà là cả một tổ, một phường, quận và cả thành phố nữa.
Hơn nữa, người lính được dạy cầm súng chiến đấu, bảo vệ an ninh chứ đâu được huấn luyện để đi chợ, đi giao hàng. Nhìn các cháu lúng ta lúng túng mà thương. Không biết làm nhưng “quân lệnh như sơn”, giao việc là phải thực hiện thôi. Thế là kế hoạch ấy không xong, Sở Công thương bèn vội vàng thành lập đội shipper tình nguyện có trả lương. Nhưng rồi cũng chẳng ổn, đành lại phải nhờ đội ngũ chuyên nghiệp của Grab, của Be… Ngày 28.8, Sở Công Thương có văn bản đề gửi ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP, xuất giải pháp để shipper tham gia vận chuyển hàng hóa trong thời gian thành phố siết chặt giãn cách xã hội.
Theo đó, Sở Công Thương đề xuất chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng dịch từ ngày 13.8 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.
Ngày 28.8, Be Group đã gửi văn bản đề xuất với Sở Công Thương được sử dụng tài xế có sẵn để “đi chợ hộ” giúp người dân trong thời gian siết chặt giãn cách.
Be sẽ tận dụng tài xế có sẵn (khoảng 3.000 tài xế xe máy) của đơn vị để “đi chợ hộ” trong nội quận. Theo Be, việc tận dụng đội ngũ tài xế đông đảo sẵn có và chuyên nghiệp giúp chương trình triển khai liền mạch, tránh các rủi ro về nhân lực. Thiết nghĩ, những kiến nghị hợp lý này sẽ được chấp thuận ngay thôi.
Sáng 28.8, Sở Công thương và TP. Thủ Đức đã phối hợp với Grab để mua hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội. Việc Grab hỗ trợ người dân đi chợ hộ sẽ bắt đầu triển khai từ 17 giờ ngày 28.8. Người mua cần cài đặt ứng dụng Grab, đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú, sau đó đại diện UBND phường chịu trách nhiệm giao hàng đến tận nhà cho người dân.
Thế là mèo lại hoàn mèo. Chạy loanh quanh như đèn cù vừa mất thời gian, tốn công sức, tiền của mà chẳng đạt yêu cầu. Ngay từ đầu, nhiều người đã thấy không xong, đã đề nghị tận dụng lực lượng shipper có sẵn, tổ chức lại, xét nghiệm, tiêm chủng đàng hoàng và nhờ có app và kinh nghiệm, họ sẽ hoàn thành công việc một cách dễ dàng. Một shipper mỗi ngày chạy hai ba chục đơn là bình thường, trong khi đó một quân nhân làm được chục đơn là đã hụt hơi.
Không những giải quyết được lưu thông hàng hoá mà ta còn giúp cho hàng ngàn shipper có công ăn việc làm trong thời giãn cách. Đội ngũ này cũng toàn là người khó khăn trong đời sống, gia tài chỉ có được chiếc xe gắn máy chạy kiếm cơm nuôi sống gia đình. Giới nghiêm, cấm chạy, họ trở thành người thất nghiệp sống nhờ cơm từ thiện. Chính những chỉ thị bất nhất đã khiến cho cuộc sống của họ lao đao, họ bị tước mất cơm áo hàng ngày.
Ngày hôm nay 29.8, thành phố áp dụng lại khai báo ‘di chuyển nội địa’ tức “Di biến động dân cư” hôm trước giờ được đổi tên. Hôm nay cũng là ngày thứ 5 áp dụng giấy đi đường mẫu mới tại tất cả các chốt nội thành. Do nhiều người đến chốt mới khai báo nên việc kiểm tra lâu hơn tuy không gây ùn ứ như cũ nhưng cũng khiến cho việc di chuyển cũng gặp chút trở ngại.
Thiển nghĩ tại sao nhà nước không tạo một cái App thống nhất trong đó có tên tuổi, vài nét về lý lịch cá nhân, tình trạng tiêm chủng, sức khỏe, hành trình tương tự như một ID công dân ở nước ngoài vậy. Chỉ cần một mã QR của người dân, bộ phận kiểm tra có thể nắm và ghi nhận được tất cả. Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Sổ Sức khoẻ điện tử nhưng hoạt động không hoàn chỉnh. Anh bạn tôi mới chích ngừa một mũi, App lại báo đã chích đủ hai mũi. Rất nhiều người đã chích nhưng sổ sức khoẻ chẳng có dấu hiệu gì.
Cậu con trai của tôi vừa chích xong mũi một, sổ báo ngay nhưng mấy hôm sau thì lại báo chưa chích mũi nào. Vợ của anh bạn là bác sĩ, chích đủ hai mũi nhưng sổ báo đã chích một mũi. Nhìn chung là báo loạn cào cào, không chính xác cũng chẳng cập nhật. Hay như App Bluezone, ngoại trừ báo hàng ngày về tình hình dịch trên cả nước, App này chẳng hoạt động như tính năng cơ bản của nó là báo động chung quanh có thể có người đã nhiễm dịch. Thành ra nó vô ích, chẳng giúp được gì, chỉ làm nặng máy.
Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, lại xuất hiện rất nhiều tin nhắn dồn dập gởi đến cho nhiều người. Không cần biết giả thật, cũng chẳng cần suy nghĩ, rất nhiều người cứ nhận tin là phát tán thêm cho nhiều người, khiến tin giả càng lan rộng. Ví dụ như hai hôm nay có một tin nhắn rất nhiều người nhận với nội dung: “Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; Nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, và điện thoại bị chặn, và thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán stk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển.
Mọi người cẩn thận nha. Nhanh tay chuyển đến cho nhiều người cùng biết. Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó là trong 3 giây nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hoá điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển. Khi nó rút tiền ngân hàng nó nhắn mã OPT vào số đt của mình nhưng nó nhận đc, máy mình vô hiệu hoá“.
Thứ nhất, nếu tin này là có thật, chắc chắn báo chí hay trên các đài truyền thông của nhà nước đã cảnh giác đến nhân dân.
Thứ hai là nếu bấm vào một con số, cũng có thể hacker chiếm dụng quyền điều khiển điện thoại của mình, tôi nói có thể thôi, chứ việc này cũng khó. Nhưng không có số tài khoản, không mật khẩu, không có số bảo vệ của thẻ thì làm sao hacker có thể xâm nhập và rút tiền trong tài khoản của mình. Và không có những thứ ấy, ngân hàng làm sao có thể gởi OPT.
Chỉ cần suy nghĩ như thế đã thấy tin nhắn này tào lao rồi. Thế mà tin cứ được gởi từ người này sang người khác như vết dầu loang. Nghĩ lại, dân mình cũng dễ tin thật! Ai nói gì cũng tin, ai chỉ gì cũng làm theo. Và rất nhiều người khi đưa tin đi cứ tự xưng mình là người trong cuộc.
***
Thành phố lâm vào cơn dịch đang tìm lối thoát, cho nên mọi chú ý đều tập trung vào virus. Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều căn bệnh giết người khác lúc nào cũng sẵn để xuất hiện. Biết bao bệnh nhân ung thư, bệnh mãn tính. Biết bao người lên cơn đau tim, đột quỵ. Biết bao tai nạn xảy ra trong một ngày. Con số tử vong vì những căn bệnh này cũng không phải là ít trong một ngày. Thế nhưng trong mùa dịch, những bệnh nhân này ít được quan tâm chăm sóc như bình thường.
Thiếu phương tiện để được cấp cứu. Cũng khó có chỗ nằm trong bệnh viện mùa dịch. Tất cả điều đó nên bệnh nhân dễ tử vong hơn trong những ngày thường. Và cũng mang lại bất hạnh cho nhiều gia đình. Nói chung bệnh phải vào bệnh viện lúc này dễ đưa đến nguy hiểm hơn ngày bình thường nên nếu tránh được thì tốt. Một người bạn của tôi là anh Lưu Bá Khoan, giáo viên dạy chung trường với tôi từ sau 1975 ở Củ Chi, sau đó chuyển về trường Nguyễn Trãi, quận tư, cũng vừa qua đời vì virus Vũ Hán sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh. Vĩnh biệt anh, người bạn hiền lành và rất tận tâm với học trò.
***
Khi ông Chủ tịch thành phố rời ghế ra trung ương, người ta lại nhớ đến Tổ Tư vấn chống dịch do ông thành lập, quy tụ mấy ông Tiến sĩ chẳng liên quan gì đến y tế. Trước đó vào ngày 1.7 khi dịch đã bùng phát, Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo đến đầu tháng 8.2021, dịch ở thành phố chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10.
Sau đó, Tổ Tư vấn do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được UBND TP thành lập và giao ông này làm trưởng nhóm. Tổ này đã lập một bản báo cáo và thành phố đã dựa vào đấy để đưa các kịch bản chống dịch. Một nghiên cứu không đúng với thực tế diễn ra và đưa đến những hậu quả đáng tiếc cho thành phố như hôm nay. Thực tế cho thấy, tổ tư vấn này sai bét nhè. Thế thì họ có trách nhiệm gì không?
Có thể truy cứu trách nhiệm của họ không? Lỗi ở người lãnh đạo nhưng một phần cũng lỗi của những ông thầy dùi ăn ốc đoán mò. Họ cũng phải có tội chứ! Ít nhất cũng phải lên tiếng để nhận lỗi của mình. Đằng này im thin thít. Không phải lãnh vực chuyên môn của mình mà dám nhận và đưa ra quyết sách, đúng là một nhóm mù sờ voi, ếch ngồi đáy giếng.
Cho đến nay, sau hai năm xuất hiện và tàn phá, đe doạ khắp thế giới, người ta vẫn chưa hiểu hết về con virus Vũ Hán này. Nó càng ngày càng mạnh hơn, giết người nhanh hơn, lan truyền lẹ hơn và cũng lắm biến thể. Đã có vaccine, nhưng rồi tiêm vaccine vẫn nhiễm dịch và kháng thể càng lúc càng giảm. Lúc đầu người ta chích hai mũi Pfizer hay Moderna, Astra Zeneca. Giờ người ta cho rằng phải chích ba mũi thì mới hiệu nghiệm.
Ban đầu các nhà khoa học bảo rằng 10 hay 15 phút tiếp xúc với người bệnh mới có thể lây. Giờ thì bảo chỉ cần 5 giây. Trước thì bảo tránh xa nhau 2 mét, giờ lại nói nước bọt có vi khuẩn có thể bắn xa 5 mét và thời gian sống của chúng lâu hơn, sức chịu đựng nhiệt độ cao hơn.
Mỹ, Do Thái đã chích ngừa rất nhiều vẫn càng ngày càng tăng người nhiễm. Sau nhiều tháng tìm hiểu, nghiên cứu xuất xứ của virus, tình báo Mỹ và cả thế giới nữa cũng chẳng trả lời được con virus này bắt nguồn từ đâu và nguyên nhân xuất hiện của nó. Nói tóm lại, cho đến bây giờ, thế giới cũng chẳng biết gì thêm về nó ngoại trừ nó đã giết chết gần 5 triệu người. Chỉ thế thôi.
Ngoài vaccine, các nhà khoa học trên thế giới và các hãng bào chế đang cố gắng tìm ra một loại thuốc để có thể chữa căn bệnh này. Đã có nhiều tìm tòi, sáng chế được đưa ra nhưng vẫn còn chờ thời gian để trả lời. Hôm qua trên báo chí nước ngoài lại rộ lên tin tác dụng chữa virus Vũ Hán bất ngờ của loại thuốc chống trầm cảm rẻ tiền fluvoxamine có thể đưa đến kết quả đáng phấn khởi. Đa số thuốc điều trị đã được thử nghiệm đều chưa có kết quả tốt, nhưng nghiên cứu mới có quy mô lớn chỉ ra rằng thuốc fluvoxamine có thể có kết quả khác biệt. Nghiên cứu TOGETHER được thực hiện trên 3.000 bệnh nhân, trong đó 800 người sử dụng fluvoxamine, đã ủng hộ và củng cố các kết quả hứa hẹn của các nghiên cứu trước đó.
Fluvoxamine là một loại thuốc chống trầm cảm mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã công nhận là an toàn và thông dụng. Nhân loại đang mong chờ tin này là sự thật để có thể khống chế dịch bệnh đang đe doạ khắp nơi trên thế giới.
***
Con số tử vong cao cũng như việc nhiễm dịch không biết đâu mà lường, khiến con người đành tìm đến đức tin. Lấy đức tin làm năng lượng tích cực trong cơn hiểm nghèo. Virus đang mang đến loài người một cuộc chiến tranh nhưng hoàn toàn không giống các cuộc chiến tranh từ trước đến nay. Nó vô ảnh, vô hình. Nó thầm lặng giết người từ trong không khí loài người đang thở. Và người nhiễm bệnh nặng lại cần có hơi thở để sống.
Chiến tranh bom đạn còn có chỗ để ẩn nấp, để trốn chạy. Còn với con virus này, con người khó có chỗ ẩn thân. Có người mang bệnh nhưng chẳng sao, như một cơn cúm bình thường nhưng cũng có người dính vào một thời gian là hết cứu. Chính vì khó lý giải nên người ta đành tìm cho mình một đức tin rồi dựa vào đấy để sống bởi họ chẳng còn tin vào ai, tin vào cái gì nữa. Khi xác chết xếp hàng trong từng dãy xe lạnh, khi các lò thiêu quá tải, khi con người bất lực trước cái chết thì chỉ còn đức tin để khẩn cầu tai qua nạn khỏi mà thôi.
Chết vì dịch và ngã quỵ vì đói, cả hai đe doạ con người, nhất là những người nghèo không còn phương sinh kế. Dù chính quyền đã hết sức nỗ lực, nhưng vẫn còn đó những tiếng kêu than của nhân dân lao động nghèo đang đói ăn. Trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều tiếng kêu than đó. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có thêm nhiều người chết vì thiếu ăn và thiếu thuốc chữa bệnh. Thiếu ăn, sức đề kháng kém, F0 đầy trong cộng đồng nên virus dễ xâm nhập và đánh gục họ. Tính đến hôm nay, thành phố đã lấy được 1.436.922 mẫu test nhanh, phát hiện 54.498 ca dương tính. Tỉ lệ ca dương tính trên tổng số mẫu lấy gần 3,8%. Một tỷ lệ khá cao làm nhiều người lo lắng.
Tự mỗi người bảo vệ lấy mình, cùng gia đình dặn dò bảo vệ nhau. Thôi bớt những sân si, hờn giận. Bớt những tranh đua vô bổ. Hãy tập yêu thương. Cùng tìm cho mình một niềm tin, cố lạc quan mà sống cho qua cơn đại dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.