chống tham nhũng trong Đảng
BBC tiếng Việt - 9 tháng 8 2021
Tại phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 5/8/2021, TBT ĐCSVN ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị nghiên cứu mở rộng quyền hạn của Ban này.
Chụp lại hình ảnh: Hàng chục vụ án trọng điểm và nhiều quan chức cấp cao của ĐCSVN đã và đang được đưa ra xử lý từ mấy năm qua tại Việt Nam
Tên mới của cơ quan này sẽ là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng lúc, truyền thông của Đảng CS ở Việt Nam cũng thừa nhận chỉ số cảm nhận tham nhũng còn rất thấp so với chuẩn quốc tế của quốc gia này, và cam kết sẽ làm tốt hơn.
Tuy thế, có câu hỏi là việc thêm chức năng vào một cơ quan của Đảng CS có làm thay đổi bản chất vấn đề chống tham nhũng mang tính cơ chế hay không.
BBC News Tiếng Việt ghi nhận ý kiến một số nhà quan sát thời sự Việt Nam:
"Với đề nghị của ông Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng muốn mở rộng nhiệm vụ quyền hạn của ban này thì tôi thấy có vẻ như ông Trọng muốn có quyền lớn hơn để xử lý hoặc răn đe (nói nôm na là cho vào lò) một số đối thủ mới, phe phái mới, có thể còn ở các chức vị cao hơn ông Đinh La Thăng chăng, chẳng hạn", từ Hà Nội, hôm 09/8, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.
"Động thái này cho thấy kết quả khá tốt của công cuộc chống tham nhũng, nên bây giờ theo tôi, ông Tổng Bí thư muốn mở rộng ra", luật gia, nhà báo độc lập Trần Đình Thu nói với BBC từ Sài Gòn.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên biên tập viên Tạp chí Sự thật của ĐCSVN, đưa ra bình luận:
"Tôi thấy rằng mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực là bình thường. Nhưng mở rộng trên cơ sở đặt vấn đề tiêu cực là gốc của tham nhũng là không đúng, không hợp lý. Trước đây đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực là đúng, tiêu cực là hệ quả của tham nhũng, chứ không phải là gốc của tham nhũng".
Tiêu cực và tham nhũng 'gắn bó' thế nào?
Còn từ Nha Trang, nhà báo tự do Võ Văn Tạo nêu quan điểm:
"Việc đổi tên 'Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng' thành 'Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực' có chút thay đổi nhất định, nhưng theo tôi là không căn bản, không tạo bước đột phá.
"Từ lâu, ai cũng biết, tham nhũng và tiêu cực luôn song hành. Không tham nhũng thì lấy gì để tiêu cực? Đã tiêu cực, không thể không do tham nhũng. Ví dụ: quan chức được đại gia bao ăn chơi phủ phê, trụy lạc, có nguyên nhân từ lạm quyền (tham nhũng quyền lực), ban phát tài nguyên quốc gia, ưu ái độc quyền, hoặc quảng cáo trá hình... Chẳng qua, tham nhũng là hành vi kín đáo hơn, khó phát hiện hơn. Tiêu cực thì nó lồ lộ ra".
Khi được hỏi việc bổ sung nội dung chống tiêu cực bên cạnh nội dung có sẵn là chống tham nhũng và đề cao tôn chỉ "Lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa" có thể giúp giải quyết được gốc rễ vấn đề mà ĐCSVN đang quan tâm trong lĩnh vực chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng, chấn chỉnh đảng viên, cán bộ lãnh đạo do đảng quản lý hay không, các nhà quan sát nêu góc nhìn của mình:
Bà Nguyễn Nguyên Bình nói:
"Việc bổ sung thêm nội dung "chống tiêu cực" bên cạnh các nội dung có sẵn, tôi nghĩ rằng có thể là đã có những cá nhân hoặc thế lực nào đó họ đang không hăng hái tích cực hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh xử lý các vụ tham nhũng ở địa phương hoặc trong các bộ ngành thuộc phạm vi của họ? Có những sự trì trệ như ở TP. Hồ Chí Minh mà mấy năm qua dư luận vẫn nói là ông Trọng chưa đánh bật được cụm Lê Thanh Hải, người đã bị Đảng kỷ luật, chẳng hạn".
Ông Trần Đình Thu nói:
"Ông Nguyễn Phú Trọng là một người tin tưởng chân thành vào Đảng Cộng sản, ông ấy muốn chỉnh đốn đảng của ông ấy để cho mạnh lên. Có thể ông ấy sẽ làm được một số điều nhưng không thể diệt tận gốc tham nhũng tiêu cực trong hàng ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo của đảng ông ấy đâu. Tuy vậy những việc ông ấy làm cũng có lợi cho quốc gia nói chung".
Ông Võ Văn Tạo nói:
"Tôi xin gián tiếp trả lời thế này chỉ cần nhìn vào lối sống xa hoa, phung phí của giới chức, ai cũng biết họ tham nhũng, vì mức lương, phụ cấp của cán bộ, công chức không thể đủ cho họ mức mua sắm ăn xài xa xỉ như vậy.
Chụp lại hình ảnh: Đầu tư công. Các dự án đấu thầu và xây cất, mua sắm dùng ngân quỹ quốc gia được dư luận chú ý nhiều vì các vụ thất thoát, biển thủ, hoặc ăn tiền công trắng trợn.
"Hiện tượng tiêu cực của quan chức ngày càng ngang nhiên, trắng trợn, mà chưa được đưa vào thành điều luật hình sự để răn đe ngăn chặn, trừng phạt, làm quốc nạn tham nhũng ngày càng nặng nề, nếu không xử nghiêm theo luật của nhà nước mà chỉ xử châm chước lý theo nội quy của đảng, theo tôi là chưa khả thi và chưa thỏa đáng.
"Tôi lấy ví dụ, mấy năm trước, báo chí nhà nước rộ lên phanh phui phó tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh với tài sản khổng lồ, gồm nhà, đất, cổ phiếu... và việc ông cản trở tiến trình thanh tra sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm, nhưng đến nay, vụ ông Khánh kể như chìm xuồng.
"Rồi vụ hai ông nguyên bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, một ví dụ khác, ăn hối lộ của Phạm Nhật Vũ - Cty AVG đến mấy triệu USD, suýt làm ngân sách thất thoát 7-8 nghìn tỷ đồng, nếu ở Hàn Quốc hay Nhật Bản và các nước dân chủ văn minh, chắc tù mọt gông, nhưng chỉ bị tòa án Việt Nam kết án tù vài ba năm, xử lý như thế thì chống tham nhũng của đảng có thực chất thế nào?".
Ông Nguyễn Vũ Bình bình luận:
"Tham nhũng theo tôi có nguồn gốc do cơ chế, đó là mức lương không đủ sống (cấu trúc chế độ cộng sản gồm nhiều hệ thống với một lượng nhân lực khổng lồ, 100 triệu dân các nước chỉ có 2-3 triệu công chức, còn các chế độ cộng sản gấp 10, vì vậy lương của quan chức và công chức không đủ sống) và do đảng cộng sản không có bất kỳ một sự đối trọng, đối lập hay giám sát nào. Quyền lực của đảng không bị kiểm soát, giám sát là quyền lực tuyệt đối, dẫn tới tha hóa tuyệt đối. Tham nhũng là phương thức tự tồn tại của những người có điều kiện tham nhũng doc mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan bán tước.
"Tiêu cực được đề cập có hai nội dung chính, tiêu cực trong lĩnh vực tư tưởng chính trị và tiêu cực trong đạo đức, lối sống. Tuyệt đại bộ phận quan chức cộng sản tham nhũng không có tiêu cực trong tư tưởng chính trị, tức là tuyệt đối theo đường lối quan điểm của đảng.
"Họ chỉ có tiêu cực trong đạo đức, lối sống. Và chỉ khi tham nhũng, mới có tiền để sống xa hoa, từ đó xa rời người dân. Vậy nên, tiêu cực là hệ quả của tham nhũng chứ không phải nguồn gốc của tham nhũng. Đặt vấn đề sai, gốc rễ sai thì theo tôi không thể giải quyết được gốc rễ, là do cơ chế, do chế độ".
Liệu 'giai đoạn mới' sẽ thành công?
Truyền thông Việt Nam cũng tường thuật về công cuộc chống tham nhũng của ĐCSVN qua hội nghị mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và cho rằng công cuộc này đã 'bước sang giai đoạn mới'. Trước câu hỏi giai đoạn mới này sẽ thành công hay không và có chỉ báo nào cho thấy trước điều đó, các ý kiến từ giới bình luận thời sự từ Việt Nam tiếp tục nêu quan điểm với BBC:
Bà Nguyễn Nguyên Bình nói:
"Truyền thông nói sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng bước sang giai đoạn mới: có thể là sẽ tăng tốc và quyết liệt hơn thật. Vì có vấn đề thời gian và sức khỏe của người đứng đầu đòi hỏi.
Chụp lại hình ảnh: Nhiều quan chức công an, quân đội cũng bị xử lý trong chiến dịch 'đốt lò' chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua
"Cũng có thể có hiệu quả hơn, đưa ra xử lý nhiều quan tham hơn, như báo cáo tại cuộc họp lần thứ 20 của Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng nói rằng chỉ 6 tháng đã thi hành kỷ luật 70 tổ chức Đảng, trên 8.000 đảng viên, trong đó gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
"Uỷ ban còn kiến nghị xử lý kỷ luật một số tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước… Và một khía cạnh "hiệu quả" khác về mặt xã hội: để dân chúng một lần nữa nhận thấy sự suy thoái đáng kể của các tổ chức đảng và đảng viên và hệ luỵ tất yếu… Và nếu có cái mới thì ở chỗ nhấn mạnh hơn việc thu các tài sản khủng của quan tham để sung công quỹ, và nếu không có điều này thì theo tôi chống tham nhũng chỉ là "bỏ bóng đá người, rõ ràng là hiệu quả kém mà thôi".
Ông Trần Đình Thu thì nêu ý kiến:
"Thực tế lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy chưa có một lãnh đạo nào xử lý mạnh tay cán bộ tham nhũng như ông Nguyễn Phú Trọng. Ngay cả ông Hồ Chí Minh khi xưa cũng không mạnh tay bằng. Ông Hồ chỉ xử tử một ông cục trưởng để làm gương chứ không bỏ tù hàng loạt cán bộ cao cấp như ông Trọng. Tôi nghĩ có thể sắp tới mức độ mạnh tay sẽ tăng cao hơn nữa".
Còn ông Võ Văn Tạo nói:
"Báo chí Việt Nam có đưa tin và bình luận rằng sự kiện đổi tên của Ban Chỉ đạo TW sẽ cho phép công cuộc chống tham nhũng bước sang giai đoạn mới, nhưng theo tôi đây chỉ là tập quán tô hồng, tán dương lâu nay của hệ thống tuyên truyền.
"Muốn tạo ra đột phá, giảm đáng kể nạn tham nhũng, cần thay đổi căn bản trong thiết chế chính trị như chấp nhận đa nguyên chính trị, chấp nhận đa đảng, đề cao tự do báo chí, tự do ngôn luận... để quyền lực bị kiểm soát một cách thực chất".
Ông Nguyễn Vũ Bình nêu quan điểm:
"Theo tôi giai đoạn mới này ngay từ đầu đã dựa trên quan niệm sai, quan niệm rằng tiêu cực đẻ ra tham nhũng là không đúng, nên chắc chắn không có hiệu quả. Tôi cho rằng cơ chế đẻ ra tham nhũng, tham nhũng đẻ ra tiêu cực. Giai đoạn mới này do đó nên tập trung giải quyết cơ chế, xóa bỏ độc tài sẽ xóa bỏ tham nhũng".
Chống tham nhũng 'ở giai đoạn mới'
Báo Việt Nam đưa tin về phiên họp mới nhất của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, nói chống tham nhũng ở nước này bước sang giai đoạn mới.
"Có thể nói tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nên phòng chống tiêu cực cũng chính là ngăn chặn từ xa mầm mống của tham nhũng", báo mạng VietnamNet viết hôm 09/08.
"Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng Ban.
"Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên trong suốt quá trình phát triển, đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta chống lại thói hư tật xấu của quyền lực", theo báo mạng VietnamNet.
Trang Nội chính của Trung ương ĐCS Việt Nam nay cũng ghi nhận Chỉ số cảm nhận tham nhũng ở nước này mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International-TI) nêu ra.
Trong một bài hồi tháng 2/2021, trang web này viết:
"Theo xếp hạng CPI năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104 /180 với 36 điểm, tăng 5 điểm và 15 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, so với năm 2019, CPI của Việt Nam bị giảm 1 điểm và 8 bậc, đồng thời vẫn nằm trong số 2/3 các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50".
Nguồn: bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.