Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Cần những biện pháp có tính cách tân để nhanh chóng hỗ trợ người dân gặp khó khăn

 

Cần những biện pháp có tính cách tân để nhanh chóng hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Trần Văn Thọ

GS danh dự, Đại học Waseda (Tokyo, Nhật bản)

GS Trần Văn Thọ: Biện pháp cách tân nhanh chóng hỗ trợ người dân gặp khó - 1


Ý tưởng gặp nhau. Gói cứu trợ toàn dân mà tôi đã đề xuất rất giống với gói giải cứu mà anh Tran Van Tho nêu ra. Với bối cảnh dịch bệnh hiện tại, việc có một gói tổng thể là hết sức cần thiết. Việc này có lẽ cần bàn thảo ngay từ bây giờ (hợp lý nhất là từ Quốc hội) để có thể triển khai sớm . Điểm rơi đạt hiệu quả tốt nếu gói này được đưa ra khi tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng (có thể nghiêm trọng hơn).

Huỳnh Thế Du

Trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng, mục tiêu khẩn cấp hiện nay là phải ngăn chặn lây lan, giữ ổn định cuộc sống của người dân, giữ cho dây chuyền cung cấp các sản phẩm thiết yếu không bị đứt gãy và khẩn cấp tăng lượng cung vắc xin. 

Bộ máy hành chính tại nhiều nơi bị nghi ngờ về hiệu suất, khó có thể cải thiện ngay nên cần thêm những biện pháp có tính cách tân để ứng phó với tình hình rất khẩn trương hiện nay.

“Mục tiêu kép” với nội dung mới

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, cần tiếp tục cải thiện việc quản lý của chính quyền các cấp về việc cách ly, việc chống dịch và ổn định cuộc sống của dân. Mục tiêu của việc quản lý này là ngăn chặn được lây lan, tránh tình trạng quá tải của hệ thống y tế và ổn định, khôi phục sản xuất, lưu thông các hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế.

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoài ra, ưu tiên tiếp theo trong việc duy trì sản xuất là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và một số nước Âu châu tương đối đã ngăn chặn được dịch bệnh, kinh tế đang trên đường phục hồi. Như vậy, chúng ta vừa giữ được thị trường, vừa duy trì công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động. 

Từ quan điểm này, ta thấy tuy hiện nay chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và sau đó là hồi phục xuất khẩu. Mục tiêu kép năm ngoái là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Còn bây giờ mục tiêu kép có nội dung mới, phát triển kinh tế giới hạn một số lĩnh vực như đã nêu. 

Khẩn cấp tăng cung cấp và đẩy mạnh việc tiêm vắc xin

Nhấn để phóng to ảnh

Kinh nghiệm tại các nước đạt tiến độ nhanh chóng trong việc tiêm chủng đã xác nhận hiệu quả miễn dịch của tiêm vắc xin. Chẳng hạn, khảo sát khuynh hướng lây lan ở Tokyo mấy ngày gần đây cho thấy so với kỳ bùng phát lây lan lần trước vào đầu năm nay, tỷ lệ người cao tuổi bị nhiễm giảm mạnh. 

Và trong tổng số người bị nhiễm, số người bị nhiễm nặng giảm hẳn, phần lớn là những người dưới 60 tuổi. Trong kỳ bùng phát lần trước, người nhiễm nặng chủ yếu là người cao tuổi. 

Đây là hiệu quả của việc tiêm vắc xin. Trong tổng số người cao tuổi trên 65 tuổi tại Nhật Bản, số người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã đạt gần 80%. Nhờ vậy, dù dịch bệnh đang bùng phát trở lại, số người cao tuổi bị nhiễm cũng như người cao tuổi bị nhiễm nặng giảm đáng kể.

Nhấn để phóng to ảnh

Ở Việt Nam, tỷ lệ người được tiêm chủng trên tổng dân số còn thấp. Vào cuối tháng 7, số người đã được tiêm đủ 2 mũi chỉ mới khoảng 0,5% dân số, trong khi Thái Lan đã đạt 5%, Indonesia 8%, Trung Quốc 15%. 

Bây giờ, Nhà nước phải khẩn cấp động viên mọi nguồn lực, kể cả ngoại giao ở cấp lãnh đạo cao nhất để nhanh chóng tăng lượng cung vắc xin. Được biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã rất nỗ lực trong việc này và đã có kế hoạch để từ nay đến tháng 3 sang năm mua, tiếp nhận 150 triệu liều vắc xin. 

Vấn đề là phải tiếp tục nỗ lực để việc cung cấp vắc xin được bảo đảm và thực hiện nhanh hơn. Các dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng có thể hoãn lại để ưu tiên ngân sách cho việc mua vắc xin. 

Với lượng cung cấp vắc xin còn hạn chế và chỉ tăng dần, Chính phủ cần đặt ra thứ tự ưu tiên các đối tượng được tiêm. Thứ nhất là những người phục vụ ở các cơ sở y tế và những cán bộ nhân viên phụ trách những việc phải tiếp xúc với dân.

Ưu tiên tiếp theo là công nhân viên, lao động trong sản xuất và lưu thông các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của dân. Thứ ba là người cao tuổi, người có bệnh nền và công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho xuất khẩu, duy trì mạng lưới cung ứng.

Cần những biện pháp sáng tạo, có tính cách tân để hỗ trợ người dân gặp khó khăn 

Nhấn để phóng to ảnh

Do đại dịch lan rộng nhanh, số lao động tự do, phi chính thức tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp về giảm thu nhập, mất việc làm. Ngoài ra, lao động chính thức ở các doanh nghiệp bị ngừng hoạt động cũng thất nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 66,4% bị giảm thu nhập vốn đã rất thấp.

Để tiền hỗ trợ đến ngay được người dân gặp khó khăn, cần có những biện pháp thực hiện mới. Từ nhiều năm nay, bộ máy hành chính các cấp đã không ngừng cải cách nhưng tiến triển cần nhanh chóng hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu khẩn cấp. 

Do đó, tôi đề nghị 2 biện pháp mới:

Thứ nhất, chính quyền các cấp nên cùng các cá nhân, tổ chức thiện nguyện triển khai hoạt động hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Rất mừng là các cá nhân, tổ chức thiện nguyện xuất hiện kịp thời và đã có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người khó khăn. 

Nhưng nguồn lực của họ có giới hạn, không thể kéo dài qua nhiều tháng. Một mặt, Chính phủ cần tạo điều kiện để những cá nhân, tổ chức ấy hoạt động có hiệu quả và mặt khác trực tiếp phân bổ một phần ngân sách hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức từ thiện này. 

Thứ hai, việc phân định đối tượng người dân được trợ giúp rất mất thời gian trong khi họ cần được giúp đỡ ngay. Do đó việc hỗ trợ ban đầu nên áp dụng ngay cho mọi người dân, không phân biệt người cần được hỗ trợ hay không. Chẳng hạn trong vòng 2 hay 3 tháng tới, cung cấp ngay cho toàn dân mỗi người một số tiền đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu, đủ cho việc mua sắm thực phẩm và các hàng thiết yếu khác. Cách làm này có khuyết điểm là những người không cần giúp đỡ cũng nhận hỗ trợ nên số tiền dành cho người cần hỗ trợ ít hơn so với trường hợp chính sách chỉ áp dụng cho riêng họ, nhưng có ưu điểm là tất cả mọi người cần giúp đỡ đều được hỗ trợ ngay. 

Nhấn để phóng to ảnh

Có thể hạn chế khuyết điểm trên qua một số biện pháp bổ sung như sau:

Một là, ở đô thị có nhiều khu phố của người có thu nhập cao nên ngay từ đầu có thể loại trừ khỏi đối tượng được giúp đỡ.

Hai là, tại những khu vực áp dụng chính sách hỗ trợ đại trà này có thể kêu gọi những người có thu nhập cao hoặc người không thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ hoặc họ dùng tiền nhận hỗ trợ góp trở lại vào quỹ an sinh xã hội để giúp người khó khăn ở các giai đoạn sau.

Ba là, việc hỗ trợ đại trà này chỉ áp dụng trong 2 hoặc 3 tháng, trong thời gian đó phân định đối tượng khó khăn cần được tiếp tục hỗ trợ ở giai đoạn sau. 

Cụ thể hơn, với cách làm này, ta phân loại dân số gần 100 triệu thành 3 thành phần:

(1) Với những người lao động phi chính thức ở các thành phố lớn, Nhà nước thông qua các cá nhân và tổ chức thiện nguyện cấp cho mỗi người 500.000 đồng/tháng. Nếu dân số nhóm này ước tính 10 triệu người, ngân sách sẽ cần 15.000 tỷ đồng trong 3 tháng. 

(2) Đối với dân cư sống ở nông thôn, thông qua hệ thống phường, xã, cấp cho mỗi người 500.000 đồng/tháng. Dân số nông thôn ước tính 60 triệu, ngân sách dành cho họ trong 3 tháng là 90.000 tỷ đồng. 

(3) Đối với dân cư ở đô thị, thông qua hệ thống phường, cấp cho mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Dân số nhóm này ước tính 30 triệu, ngân sách trong 3 tháng sẽ cần 90.000 tỷ đồng. 

Tính một cách khái quát như trên, ngân sách dành cho việc an dân trong 3 tháng sẽ lên tới 195.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2021. Nếu trừ đi những khu vực của những người có thu nhập cao và những người không cần hỗ trợ sống ở các khu vực khác, số tiền ngân sách cần chi có thể chỉ còn khoảng 2,5% GDP hoặc thấp hơn.

Đây là con số không nhỏ nhưng khả thi. Theo một nghiên cứu mới đây, cho đến nay Nhà nước mới chỉ dành 1,4% GDP cho việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, rất ít so với trung bình 4% tại các nền kinh tế mới nổi. 

Đặc biệt, trong 1,4% đó chỉ có 0,2% GDP dành cho người dân gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ có thể tăng thêm hỗ trợ dành cho an sinh xã hội thêm nhiều lần mà vẫn giữ được sự bền vững, ổn định của tài chính công. 

Con số 2,5% GDP cho 3 tháng (nếu thực hiện trong 2 tháng khoảng 1,7% GDP) xem như là giải pháp khẩn cấp và cần thiết. 

Từ Tokyo, Nhật Bản

T.V.T.

Nguồn: dantri.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.