Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Chống người thi hành công vụ: Nguyên nhân và giải pháp

 

Chống người thi hành công vụ: Nguyên nhân và giải pháp

Ngô Huy Cương

30-8-2021

Suốt nhiều năm nay, chống người thi hành công vụ xảy ra liên tục và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Trong đợt chống dịch này, tình trạng đang ở một đỉnh điểm.

Sự bất tuân và chống người thi hành công vụ đang đe dọa nghiêm trọng tới hiệu lực của quản lý nhà nước và đời sống xã hội.

Hiện nước ta đang cần báo động khẩn cấp để tìm ra giải pháp tức thời và lâu dài kiểm soát tình trạng nhức nhối này.

Muốn tìm được các giải pháp có hiệu quả thực sự và kiểm soát được loại tội phạm này thì trước hết chúng ta phải tìm cho ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bất tuân trong xã hội của chúng ta hiện nay.

Trước kia thật đơn giản, chúng ta đổ hết cho sự chống đối của tàn dư giai cấp bóc lột với chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vậy nay có như vậy không hay có sự đảo ngược của sự chống đối giai cấp?

Nguyên nhân cần phải được tìm kiếm từ phía “người bị quản lý” và “người quản lý” thì mới có thể chuẩn xác.

Theo tôi, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau từ hai phía dẫn đến sự bất tuân trong xã hội ta hiện nay.

+ Về phía “người bị quản lý”:

– Dân trí ngày càng được nâng cao, người dân ngày càng ý thức được “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của chính mình. Do đó họ không ngần ngại đòi hỏi các quyền đó. Nhưng sự đòi hỏi thái quá và nhiều khi gặp phải một hoàn cảnh gây khó chịu đẩy lên thành bất tuân và chống đối tức thời để khẳng định cái tôi của mình. Vì vậy cần phải có giải pháp để giúp mọi người hiểu rằng: các quyền cơ bản, phổ biến và tuyệt đối nói trên chỉ có giá trị thực với con người khi con người sống trong cộng đồng. Với Robinson Crusoe sống một mình ngoài hoang đảo thì những quyền đó trở nên vô nghĩa. Vì vậy xây dựng cho cộng đồng của mình chính là mình bảo vệ nền tảng cho việc thực hiện các quyền đó.

– Sự bất tuân cũng có thể đến với người dân khi họ thiếu sự tin tưởng hay coi thường Nhà nước. Giải pháp lấy lại lòng tin phải tìm lại từ phía Nhà nước chứ không từ phía nhân dân.

+ Về phía “người quản lý”:

– Quá nhiều quan điểm ỷ vào việc ta đã có chính quyền và pháp luật trong tay nên ta cứ đúng như vậy mà làm. Nếu xét đơn thuần ở cái gọi là “pháp chế xã hội chủ nghĩa” thì quan điểm này không sai. Nhưng nó sẽ là sai khi ta suy xét rằng: pháp luật sẽ chỉ là mấy chữ trên giấy nếu như Nhà nước không có quyền uy để thi hành chúng.

Quyền uy của chúng ta đang suy kiệt dần do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: “dụng nhân cận huyết thống”; “tham nhũng”; “thủ tiêu phê bình và tự phê bình”; “phe nhóm trong nội bộ”; “cục bộ địa phương”…

Nhưng có một thứ làm suy giảm quyền uy nghiêm trọng mà chúng ta không chú ý tới- Đó là: Nhà nước thiếu gương mẫu nghiêm trọng trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp 2013 cho tới giờ vẫn chưa được thực hiện nhiều điều khoản liên quan tới lợi ích của nhân dân. Ví dụ: cơ chế bảo hiến; lập hội; biểu tình chưa được luật qui định. Điều này cho thấy đội ngũ tham mưu cho Nhà nước quá kém. Nói thật nhé! Có luật và thi hành được luật là cả một khoảng cách lớn vì còn cực nhiều rào cản kỹ thuật. Vậy tại sao chúng ta không thi hành Hiến pháp đến nơi đến chốn để là gương cho người dân?

– Nhiều cán bộ, công chức, người thi hành công vụ thiếu đạo đức, vi phạm qui tắc hay làm bừa, làm ẩu… nên gây bức xúc cho dân cũng là một nguyên nhân đáng kể dẫn tới sự bất tuân.

Tóm lại: bất tuân và chống người thi hành công vụ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà cần phải có những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn. Tuy nhiên với các nguyên nhân chủ yếu như trên, Quốc hội cần có những lưu ý đặc biệt và nên có một nghị quyết về vấn đề nóng bỏng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.