Mỹ tung đòn đầu tiên với Campuchia do căn cứ quân sự nghi có "bàn tay" Trung Quốc?
Nam Anh
Lính hải quân Campuchia trên một chiếc tàu chiến ở căn cứ hải quân Ream. Ảnh: AP
Động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào Campuchia có thể liên quan đến những tranh cãi gay gắt quanh "yếu tố Trung Quốc" ở căn cứ quân sự Ream.
00:12 / 00:20
Mỹ hôm 17/6 đã tuyên bố sẽ sớm ngưng chương trình tài trợ bảo vệ rừng hàng đầu của họ, trị giá lên đến 21 triệu USD, cho Campuchia.
Theo tờ Nikkei Asia của Nhật Bản, trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ ngừng tài trợ cho dự án mang tên "Greening Prey Lang".
Lý do Mỹ đưa ra là gì?
Lý do đi đến quyết định, theo tuyên bố của đại sứ quán, là vì chính phủ Campuchia đã không làm đủ để ngăn chặn nạn phá rừng trong các khu bảo tồn. "Thay vào đó, tình hình đang "trở nên tồi tệ hơn", đại sứ quán cho biết.
Đại sứ quán Mỹ lưu ý, Prey Lang - khu vực tiếp giáp rừng xanh và nửa xanh khô hạn lớn nhất còn lại ở lục địa Đông Nam - đã mất khoảng 38.000 ha rừng - tương đương 9% diện tích rừng khu vực này, kể từ năm 2016 đến nay.
"Việc khai thác gỗ bất hợp pháp đã được báo cáo rõ ràng và vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh Khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia đã không truy tố đầy đủ các tội phạm về động vật hoang dã hoặc ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp này" - Đại sứ quán Mỹ nêu rõ.
Cũng theo tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ cho rằng, "chính phủ Campuchia tiếp tục im lặng và nhắm mục tiêu vào các cộng đồng địa phương và các đối tác xã hội dân sự của họ, những người luôn lo ngại chính đáng về việc mất tài nguyên thiên nhiên".
Đội kiểm lâm tuần tra rừng Prey Lang. Ảnh: Peter Guest.
Đại sứ quán cho biết thêm, nguồn tài trợ sẽ được chuyển hướng sang hỗ trợ xã hội dân sự, khu vực tư nhân và mở rộng nông nghiệp vốn nhạy cảm với khí hậu.
Tuyên bố thông báo kết thúc chương trình Prey Lang diễn ra sau cuộc họp giữa Đại sứ Mỹ Patrick Murphy và Bộ trưởng Môi trường Campuchia Say Sam Al vào hôm thứ 16/6. Hiện Bộ nay cũng như Bộ trưởng Say Sam Al vẫn chưa có bất kỳ bình luận gì về vụ việc này.
Theo Nikkei Asia, ông Sam Al, 41 tuổi, là một trong những bộ trưởng trẻ nhất của Campuchia khi đảm nhiệm chức vụ này vào năm 2013. Ông là con trai của một thành viên cấp cao của Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền.
Vào thời điểm đó, có nhiều hy vọng, vị chính trị gia trẻ tuổi được đào tạo nghiên cứu ở Úc về sẽ giúp thúc đẩy các cải cách để chống lại nạn khai thác gỗ trái phép đang khuấy đảo Campuchia. Theo các nguồn tin, những ông trùm khai thác gỗ, vốn có mối liên hệ chính trị đáng gờm, đã tàn phá những khu rừng rộng lớn ở nước này.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng, tình hình giờ đây lại trở nên tồi tệ hơn. Một số nhà vận động môi trường đã bị bắt giữ vì tội "kích động", bao gồm cả những người hoạt động trong khu bảo tồn Prey Lang.
Nhóm giám sát Global Forest Watch ước tính, từ năm 2001- 2018, Campuchia đã mất 557.000 ha cây che phủ trong các khu bảo tồn, 11% các khu vực giới hạn ngoài rìa.
Dữ liệu vệ tinh do Đại học Maryland (Mỹ) phân tích cũng cho thấy, rừng ở khu bảo tồn đã bị mất đi nhanh chóng trong 2 năm qua. Một báo cáo của Sáng kiến Toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được công bố hồi tháng 3 cho thấy, có ít nhất 54 khu vực khai thác gỗ đang hoạt động trong Prey Lang.
Cũng theo báo cáo, những ông trùm có mối liên hệ chính trị với công ty Angkor Plywood, đứng sau những công ty này. Đây là những "tác nhân có ảnh hưởng lớn trong thị trường gỗ Campuchia". Các quan chức Campuchia đã nhiều lần tuyên bố đã chấm dứt các hoạt động khai thác gỗ quy mô lớn ở nước này.
Tuy nhiên, một bằng chứng gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Các nhân viên hải quan Hồng Kông vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã thu giữ 211 tấn gỗ cứng nhiệt đới có nguy cơ "tuyệt chủng" – trong vụ buôn lậu gỗ nhiều nhất bị thu giữ ở Hồng Kông trong 5 năm qua. Lô hàng trị giá 1,1 triệu USD này, được đóng trong 7 container, đến từ Campuchia.
Với những thông tin báo cáo này, rõ ràng, cũng dễ hiểu khi nguyên nhân mà Mỹ đưa ra cho quyết định bất ngờ lần này là vì chính phủ Campuchia đã hành động không đủ mạnh để ngăn chặn nạn phá rừng trong các khu bảo tồn khiến mọi việc đang diễn biến tồi tệ hơn.
Đồn đoán liên quan tới căn cứ Ream
Nhưng giới phân tích cho rằng, nguyên nhân có thể không phải tuyên bố của Washington. Vậy nguyên nhân thật sự cho động thái mạnh tay này của Mỹ là gì?
Nhiều chuyên gia cho rằng, rõ ràng, việc chấm dứt chương trình hỗ trợ USAID đánh dấu mối quan hệ Washington - Phnom Penh ngày càng xấu đi, vốn đã leo thang căng thẳng trong những năm gần đây khi Thủ tướng Hun Sen ngày càng đi sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Vì vậy, theo các nguồn tin, nó có thể liên quan đến những tranh cãi gay gắt quanh yếu tố Trung Quốc ở căn cứ quân sự Ream và được xem là đòn đầu tiên của Mỹ nhắm vào Campuchia. Trên thực tế, quyết định này cũng được đưa ra chỉ chưa đến 1 tuần sau những lùm xùm quanh việc thị sát căn cứ quân sự Ream giữa hai nước.
Hôm 11/6, ông Marcus Ferrara - Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia - đã đột ngột kết thúc chuyến tham quan căn cứ quân sự này sau khi bị từ chối cho tiếp cận toàn bộ căn cứ, nơi mà Washington nghi là Bắc Kinh đang nhúng tay xây dựng nhiều cơ sở ở đây.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà mà Mỹ giúp Campuchia xây dựng đã bị phá hủy. Ảnh: CSIS
Căn cứ Ream đóng tại tỉnh Sihanoukville - thuộc khu vực vịnh Thái Lan tức phía nam Biển Đông hiện đang là trung tâm tranh cãi giữa Mỹ và Campuchia sau khi Washington cáo buộc Phnom Penh đã cho phép Trung Quốc tiếp cận và xây dựng cũng như quản lý căn cứ này.
Campuchia bác bỏ và sau đó đồng ý cho Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia đến tiếp cận kiểm tra, nhưng cuối cùng vụ việc lại diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Chuyến đi của ông Marcus Ferrara diễn ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, trong chuyến thăm Phnom Penh vào ngày 1/6, đã thẳng thừng nói với Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng, Washington "nghiêm túc quan ngại" về "sự hiện diện quân sự" của Trung Quốc tại căn cứ Ream.
Các nhà lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận có kế hoạch lưu trữ các khí tài quân sự của Bắc Kinh tại căn cứ quân sự vốn nằm trên Vịnh Thái Lan này. Sau khi chuyến thăm bị hủy, Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc Mỹ "bóp méo sự thật".
Phnom Penh còn cho rằng, Tùy viên quân sự Ferrara đã đến thăm căn cứ này trong 3 giờ nhưng sau đó bất ngờ yêu cầu đi vào một địa điểm "không có trong danh sách yêu cầu ban đầu". Tuy nhiên, Campuchia không nói rõ địa điểm không được phép vào này là gì trong khi phía Mỹ cùng từ chối bình luận thêm.
Lo ngại của Mỹ về căn cứ này bùng nổ khi mới đây, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy, các cơ sở cũ do Mỹ tài trợ đã bị phá hủy, trong khi các cơ sở mới do Trung Quốc hỗ trợ lại được mọc lên nhanh chóng.
N.A.
Nguồn: SOHA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.