Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 xuống phía nam Tư Chính

 

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 xuống phía nam Tư Chính

Đặng Sơn Duân

31-8-2021

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc đang có những di chuyển đáng ngờ ở khu vực phía nam Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Rạng sáng 30.8, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc đã đến khu vực phía nam Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam, theo tín hiệu AIS trên trang Vessel Finder.

Đây là diễn biến đáng chú ý và có khả năng châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới bởi hoạt động của tàu này có thể liên quan đến việc thăm dò dầu khí ở khu vực.

Hành trình của tàu Hải Dương Địa Chất 10 xuống phía nam Tư Chính. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Cụ thể, tàu Hải Dương Địa Chất 10 đến vị trí cách Bãi Tư Chính khoảng 40 hải lý về phía nam vào lúc 0 giờ 50, giờ Việt Nam. Sau một thời gian thả trôi, tàu này bắt đầu di chuyển với tốc độ 9,7 hải lý theo hướng ngang.

Hiện chưa rõ ý đồ của tàu Hải Dương Địa Chất 10 và cần phải tiếp tục theo dõi nhưng những di chuyển của nó cho đến sáng nay gần như khớp bên trong phạm vi của cái gọi là Lô dầu khí Vạn An Bắc 21 (Wanan Bei 21) mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Vì thế, có khả năng cao là sự xuất hiện của tàu Hải Dương Địa Chất 10 lần này có liên hệ với cái gọi là “Vạn An Bắc 21”.

Hải Dương Địa Chất 10 di chuyển gần như khớp với phạm vi cái gọi là “Vạn An Bắc 21”. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Vị trí này cũng chính là Lô 136/03 ở Nam Côn Sơn của Việt Nam mà hãng Repsol của Tây Ban Nha từng ngưng dự án vào năm 2017.

Diễn biến này xảy ra không lâu sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Trước đó, tín hiệu AIS trên trang Vessel Finder cho thấy tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 đi vào vùng biển Việt Nam từ sáng 29.8, sau khi rời Quảng Châu từ ngày 27.8.

Tín hiệu của tàu Hải Dương Địa Chất 10 trên trang Vessel Finder

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 là tàu khảo sát địa chất tổng hợp, được biên chế cho Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu vào cuối năm 2017. Nó dài 75,8 mét, có lượng giãn nước 3.400 tấn, có thể hoạt động liên tục 8.000 hải lý, chở theo 58 thủy thủ.

Cùng với Hải Dương Địa Chất 8 và Hải Dương Địa Chất 9, Hải Dương Địa Chất 10 là một trong ba con tàu khảo sát địa chất thế hệ mới của Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu. Đặc biệt tàu Hải Dương Địa Chất 10 được trang bị một giàn khoan.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Trung Quốc triển khai tàu khảo sát đến khu vực phía nam Bãi Tư Chính và hoạt động trong cái gọi là Lô “Vạn An Bắc 21”.

Trong nửa cuối năm 2019, Trung Quốc đã triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành khảo sát phi pháp ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của tàu này khi đó chỉ nằm trong 9 lô dầu khí mà Trung Quốc gọi thầu phi pháp vào năm 2012.

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 được trang bị một giàn khoan. Ảnh trên mạng

Khu vực lô “Vạn An Bắc 21” và lô 136/03 ở phía nam Bãi Tư Chính đáng chú ý bởi nó từng chứng kiến nhiều lần đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ, trong đó có cả những lần đe dọa sử dụng vũ lực.

Cụ thể, sau khi được Trung Quốc “cấp quyền” thăm dò ở khu vực “Vạn An Bắc 21”, tập đoàn Crestone từng đưa tàu khảo sát đến đây vào năm 1994 nhưng buộc phải rút lui trước phản ứng quyết liệt từ phía Việt Nam.

Vào năm 2017, một số tường thuật từ nước ngoài cho rằng Bắc Kinh đã đe dọa và gây sức ép buộc hãng Repsol phải ngưng dự án ở khu vực này.

Việc Trung Quốc có động thái xới lại vấn đề Bãi Tư Chính trong lúc này là một diễn biến đáng lo ngại. Ngoài thăm dò dầu khí, không loại trừ một khả năng khác nữa là tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang khảo sát tìm vị trí lắp đặt công trình phi pháp ở khu vực.

Một ý đồ khác cũng có thể nghĩ đến là Trung Quốc đang muốn tạo cớ châm ngòi cho một cuộc đối đầu ở phía nam Biển Đông.

Tín hiệu AIS cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 10 chỉ di chuyển một mình nhưng không loại trừ khả năng có các tàu hộ tống đi cùng nhưng tắt tín hiệu.

Trong nhiều ngày qua, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc là tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) cũng liên tục hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa.

***

Hải Dương Địa Chất 8

Trong vài ngày qua, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vào khoảng trưa ngày 30.8, tàu này đã di chuyển đến vị trí cách bờ biển đảo Palawan khoảng 54 hải lý trước khi quay ngược đầu.

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 di chuyển trong EEZ Philippines. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Tốc độ di chuyển của tàu Hải Dương Địa Chất 8 là 4 hải lý/giờ. Đây là tốc độ di chuyển thường thấy của tàu này mỗi khi nó tiến hành hoạt động khảo sát, như thường thấy trong các đợt xâm nhập vùng biển Việt Nam vào năm 2019.

Hiện Philippines vẫn chưa có phản ứng đối với động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào sáng nay một số tàu tuần duyên và tàu hải quân của Philippine có dấu hiệu chuyển động.

Cụ thể, tàu hải quân BRP Ramon Alcaraz (PS-16) từ Palawan di chuyển về hướng tàu Hải Dương Địa Chất 8. Trong khi đó, 3 tàu tuần duyên BRP Gabriela Silang (OPV-8301), BRP Capones (MRRV-4404), BRP Sindangan (MRRV-4407) và một tàu của Cục Ngư nghiệp MV DA BFAR MMOV5001 đang tập trung tại một vị trí bên ngoài vịnh Manila.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.