Phản biện
28-8-2021
Thằng con tôi hỏi phản biện là gì, tôi bảo tao không hơi đâu giải thích tỉ mỉ được, bởi nếu dùng lý luận cao siêu như “người ta” thì có giảng giải, giáo hóa cho mày cả ngày cũng không thủng óc. Vả lại cũng khó, người thì bảo phản biện là góp ý xây dựng, người thì phán là phản động chống đối, chả biết đâu mà lần.
Tôi chỉ dùi đục chấm mắm cáy cho nó dễ hiểu, phản biện nghĩa là có những thứ người ta khen thì mình chê bởi thấy đáng chê, người ta chê thì mình khen bởi đáng khen.
Lấy ví dụ: Thiên hạ nức nở khen ông tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khi ông tuyên bố “trong thời gian dịch, nếu để một người dân đói tôi sẽ từ chức”, rằng bản lĩnh, tư cách, tử tế, dứt khoát… Khen cũng đáng. Nhưng chính ông Lĩnh và những người khen ổng không hiểu rằng trong cái guồng máy cai trị này, ai cho phép ông từ chức, có muốn từ cũng chẳng được. Đầy đứa lấm bê bết từ đầu xuống chân còn bị làm lãnh đạo, huống hồ người tử tế.
Văn hóa từ chức rất xa lạ, thậm chí là chuyện không tưởng với xứ này. Chỉ có cách chức, buộc thôi chức, ngưng chức, xóa cả các chức nguyên… thì người ta mới chứng tỏ được uy quyền. Để ông từ chức dễ thế, khác gì ông nhổ vào mặt người ta, coi tổ chức không là cái đinh gì. Cứ nhất nhất phải theo nguyên tắc “bắt cởi trần phải cởi trần/cho may ô mới được phần may ô”. Trong thể chế này, đừng tưởng nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt mà được ủng hộ.
Ở xứ dân chủ văn minh, cây cầu bị sập, bộ trưởng giao thông dù không dính trực tiếp nhưng do nó thuộc lĩnh vực mình quản lý nên từ chức ngay, chính phủ duyệt ngay. Còn xứ ta, đường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm ườn dạng háng ra đấy mười mấy năm rồi, BOT trấn lột mọc như mụn ghẻ lở khắp nơi, nhưng không có đứa bộ trưởng giao thông nào, hoặc cao hơn, từ chức.
Đơn giản là thể chế không đàng hoàng, cán bộ thiếu tư cách. Phải có đủ cả hai điều kiện tiên quyết ấy thì mới văn hóa văn minh được, chứ mới chỉ một thứ như ông Lĩnh cũng chả đi đến đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.