Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Không phải chỉ Duy Tân

 

Không phải chỉ Duy Tân

Thái Hạo

11-8-2021

Vụ “xử” cô giáo Thơ ở đại học Duy Tân không nên làm chúng ta quá bất ngờ vì thực ra như tôi đã nêu lên trong bài “Đâu mới là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam” trên báo Văn Nghệ, tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng vốn đã tồn tại một cách phổ biến từ lâu trong môi trường giáo dục và ngày càng trầm trọng.

Vì thiếu một cơ chế quyền lực cân đối và có tính kiểm soát nên các quan giáo dục, lãnh chúa giáo dục đang dùng quyền uy và ý chí cá nhân để đàn áp không những suy nghĩ mà cả tình cảm lành mạnh của con người. Một nam giáo viên đi tập gym, cởi trần và post hình lên facebook cá nhân cũng bị đưa ra hội đồng chỉ trích, công khai cấm giáo viên nói chuyện vui buồn trên mạng, nếu đăng thì “viết đơn đi”. Phê bình, đấu tố, hăm dọa, sỉ nhục công khai cả một tập thể và bắt tất cả phải cúi đầu. Đó mới chỉ là những “chuyện vặt”, còn các vấn đề giáo dục hay xã hội thì gần như trở thành cấm kỵ tuyệt đối.

Bản thân tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự: Khi tôi viết nhiều bài về văn học, về giáo dục đăng tải trên trang cá nhân thì lập tức bị theo dõi và nhắc nhở; tôi nói rằng, hầu hết các bài ấy được báo chí chính thống “xin” và đã xuất bản, thậm chí còn trao giải thưởng cho tôi; nhưng họ vẫn không thể nào chịu được vì tôi nói đến những “vấn nạn” về khai giảng, về nạn cửa quyền, về lối dạy học nhồi nhét, về lạm thu và tận thu… Đều là những thứ “chạm nọc” những kẻ “có tật giật mình”. Khi không có cơ sở để buộc tôi im miệng thì họ mang công việc ra buộc tôi phải lựa chọn. Tất nhiên là tôi chọn “mở mồm” chứ không cúi xuống cái đĩa thức ăn (thực ra tôi muốn dùng từ khác hơn).

Nói thế nhưng tôi vẫn không có lý do để tự mình chối bỏ nghề nghiệp của mình dù tôi không phải bám lấy nó để mưu sinh. Tôi không tự nguyện nghỉ việc như cô Thơ mà yêu cầu họ phải ra quyết định đuổi việc tôi. Và tất nhiên là họ cũng không có cớ gì để làm việc ấy cả, và đành đợi cho đến hết hợp đồng.

Bóng gió xa xôi, dằn mặt nắn gân, đe dọa và phao tin bôi nhọ, bịa đặt đủ điều; kéo cả hệ thống vào để để trù dập, thậm chí cả học sinh cũng bị lợi dụng cho những mục đích xấu xa ấy. Đó là cùng kiệt của sự tán tận lương tâm.

Các bạn hãy hiểu tại sao họ làm vậy. Thực ra không/chưa có áp lực nào từ trên cả, là do họ tự “mẫn cán” đấy thôi, cái này y như Duy Tân; khi mà người ta leo lên bằng con đường bất minh, và gây ra sai quấy rẫy đầy trong chính cơ sở giáo dục do họ cai quản thì điều mà họ sợ nhất chính là sự thật, là những cá nhân có chính kiến. “Kẻ nào không đi với ta chính là kẻ thù ta”. Thêm nữa, với tâm thế của những ông vua và lãnh chúa, họ chỉ muốn thấy sự cúi đầu, bất cứ một ai đứng thẳng thì đều trở thành cái gai phải nhổ bỏ.

Những sự đàn áp trong giáo dục và trong những ngành khác cũng cùng một “cơ chế” như vậy: bắt đầu từ dưới chứ không phải từ trên.

Chừng nào mà quản lý hành chính về giáo dục chưa thay đổi, chừng nào mà tất cả quyền lực còn tập trung vào tay một người, chừng nào cả quyền và tiền đều còn do một người nắm chừng nào mà…, thì khi đó mọi cải cách, đổi mới đều không thể đưa đến kết quả.

Bộ Giáo dục cần bắt đầu từ đây, ngay chỗ này, phải gỡ bằng được nút thắt quyền lực trong trường học, ở những cấp cao hơn thì cũng phải như thế, chỉ khi đó mọi sự thay đổi khác mới có thể mang màu hi vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.