Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Phân vùng “Lãnh thổ kháng dịch”: Xanh – Vàng – Cam – Đỏ?

 

Phân vùng “Lãnh thổ kháng dịch”: Xanh – Vàng – Cam – Đỏ?

Mai Bá Kiếm

19-8-2021

Bản đồ ca nhiễm ở Mỹ từ 18/7 đến 24/7. Nguồn: Daily Yonder

Từ 26/6 đến hết tháng 7, TP.HCM cho lấy mẫu xét nghiệm trong khu dân cư (cao điểm 500.000 mẫu/ngày) nên số ca nhiễm mới tăng dần đến đỉnh là ngày 27/7 với 6.318 ca. Sau đó, việc lấy mẫu giảm dần để tăng cường tiêm chủng tại cộng đồng. Số ca dương tính giảm dần ngày 4/8 là 3.257, ngày 10/8: còn 2490 ca.

Ngày 15/8, TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn, với mục tiêu đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ tiến tới kiểm soát dịch, gồm 3 giai đoạn:

– Từ 15/8 đến 22/8, thực hiện “giải phóng vùng sạch” và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.

– Từ 23/8 đến 31/8, thực hiện “tách nguồn lây nhiễm” mạnh.

– Từ 1/9 đến 15/9, duy trì và “kiểm soát lây nhiễm” trong cộng đồng.

Các tổ dân phố trên 14 ngày không có ca F0 mới được xác định là “vùng xanh”. Tổ dân phố có mức nguy cơ rất cao “vùng đỏ” khi trong vòng 7 ngày có từ 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên.

Vì tăng lấy mẫu xét nghiệm, số ca nhiễm mới tăng lại. Thí dụ, ngày 17/8, TP lấy 15.124 mẫu phát hiện 3.540 ca, trong đó có 2.568 ca cộng đồng.

Vì thế, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) cho rằng, số ca dương tính là con số “nhân tạo”, hễ xét nghiệm nhiều người thì số dương tính tăng và ngược lại. Cho nên để biết tình trạng dịch tăng hay giảm, phải xét đến số lượng ca dương tính trở nặng buộc phải nhập viện; số ca dương tính tử vong; tỷ lệ lây lan và tỷ lệ phủ vaccine trong cộng đồng.

Sau khi TP.HCM xét nghiệm ở cộng đồng để phân vùng xanh, vàng, cam, đỏ, BS Trương Hữu Khanh (chuyên gia về bệnh nhiễm) viết trên trang cá nhân của ông:

Nếu cho rằng dùng Xét nghiệm quét ào ào như những lần trước rồi phân vùng xanh LÀ chưa hiểu chủng delta. Mục tiêu bây giờ là bằng mọi cách bảo vệ nhóm nguy cơ”.

Cùng mục tiêu đó, BS Huỳnh Bá Tản (chuyên gia cấp cứu ngoại viện) viết trên trang của BS: “Mình có một đề nghị “ngu” như vầy, nếu các Sếp chịu thì gật luôn để đỡ khỏi mất công lôi dân ra tổng tấn công phết tỵ hầu nữa ạ: biểu quyết xem như tất cả dân Sài gòn hơn chục triệu người đều (+) hết. Từ đó cho tiêm vaccine toàn bộ, đồng thời gỡ bỏ phong tỏa. Ai có triệu chứng bệnh thì chữa ngoại trú, ai bệnh nặng thì nhập viện, ai không qua khỏi thì hỏa táng tử tế”.

Còn BS Phan Xuân Trung than oán tính mục đích của hàng rào kẽm gai: “Tôi đã nổi điên hét vào mặt một anh phó chủ tịch phường: ‘Các anh muốn giết người à? Hàng rào kiểu này thì xe cấp cứu vào kiểu gì? Xe chữa lửa vào kiểu gì?’. Tôi thật sự không hiểu tác dụng của các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào đâu? Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì? Để cho dân đừng có đi và do vậy sẽ không có lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì người hàng xóm F0 mà không biết phải làm sao? Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị rào kẽm gai.”

BS Đỗ Hữu Dũng định nghĩa: “Tiền tuyến hậu phương”: “Xung phong tham gia chích vaccine cho người dân là đang ở tiền tuyến. Bệnh viện dã chiến và bệnh viện Covid-19 họ mới là ở hậu phương, đây là vấn đề không ai chịu hiểu. Và nó hoàn toàn khác với chiến tranh bom đạn chết ở tiền tuyến, chiến tranh virus nó ngược lại, chết ở hậu phương!

Các nhà chính trị và các nhà chuyện môn hiểu khác nhau từ trong khái niệm! Khổ cho dân chúng tôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.