Phản biện và chính thể
21-8-2021
Chắc chắn rằng không ai có thể tin cậy được vào những kết quả nghiên cứu hay những nhận định hay những kết luận khoa học của một khóa luận, một luận văn, một luận án hay một đề tài nghiên cứu nào đó nếu nó được bảo vệ mà không có người phản biện.
Ấy vậy mà khi có một ý kiến phản biện hay ý kiến phê bình nào đó sắc xảo hay đáng chú ý về một chính sách hay một quyết định nào đó của một cơ quan Nhà nước nào đó được đưa lên mạng xã hội, thì không ít người nhao lên phản đối phi lập luận, thậm chí qui chụp này nọ đối với người phản biện hay người góp ý, trong khi không thèm xem xét tới động cơ của người phản biện hay người phê bình.
Hơn nữa, nhiều người còn đòi hỏi người phản biện hay người phê bình trên mạng xã hội phải đưa ra giải pháp cho vấn đề được phản biện hay phê bình, trong khi đó họ sợ hãi người phản biện trong hội đồng đánh giá khóa luận, luận văn, luận án hay đề tài nghiên cứu của họ. Người phản biện không làm thay cho người được phản biện- đó là nguyên tắc.
Vậy có mấy câu hỏi đặt ra là:
Phản biện là gì và có vai trò gì trong xã hội loài người?
Nhà nước có được tổ chức để bảo đảm vai trò của phản biện hay không?
+ Trước hết phải nói, hiện nay Đảng đang đề cao vai trò của phản biện xã hội đối với các quyết sách của Nhà nước. Tuy nhiên các tổ chức có trách niệm không thực sự tổ chức được hoạt động phản biện xã hội và không bảo đảm được sự chú ý của Nhà nước tới phản biện xã hội cũng như các ý kiến của phản biện xã hội.
Nói một cách đơn giản, phản biện là một hoạt động nhằm đưa ra những lập luận, những nhận xét hay những thông tin, kiến thức để đánh giá sự đáng tin cậy hay đáng làm theo của những quyết sách, những giải pháp, những nhận định hay những kết luận trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó.
Trong xã hội loài người có khá nhiều nghề nghiệp luôn luôn đòi hỏi phải có phản biện, ví dụ như nghề luật, giáo dục, tài chính, nghiên cứu…
Nếu Nhà nước cho phép một hãng dược phẩm đưa vaccine mình tạo ra vào tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân mà không cần phải đưa qua hội đồng đạo đức, thì liệu chúng ta có dám tiêm?
Nếu không có luật sư phản biện lại công tố trước tòa, thì “củi khô”, “củi tươi” nghĩ sao? Nếu không có cấp xét xử phúc thẩm, thì các quan tham bị đưa ra xét xử thấy thế nào?
Nếu không có xét duyệt, kiểm tra tử tế thì các dự án đầu tư công sẽ mất bao lâu để đánh sập ngân sách nhà nước?
Nói tóm lại: Bất cứ lĩnh vực nào mà đòi hỏi khai thác các thông tin một cách khách quan không có định kiến hay phân tích hoàn cảnh hay tình huống tự nhiên, xã hội hay đòi hỏi sự sáng tạo hoặc đưa ra các giải pháp đều cần tới phản biện. Nếu thiếu sự phản biện thì sẽ thiếu sự tin cậy và đôi khi bị xem là độc đoán.
Phản biện giúp cho người đưa ra quyết sách, nhận định, giải pháp hay kết luận có cái nhìn khách quan hơn, kín cạnh hơn, phù hợp hơn, khả thi hơn và có hiệu quả thực hơn…
+ Chính thể cũng tổ chức theo phản biện.
Có bốn loại chính thể căn bản: Chính thể đại nghị, chính thể tổng thống, chính thể quốc hội và chính thể hội đồng. Chính thể hội đồng thường tìm thấy ở những nước mới lật đổ chính quyền cũ, ví dụ hiện tại ở Afghanistan.
Từ ba chính thể còn lại, người ta tạo ra những hình thức chính thể lai tạp khác.
Chính thể đại nghị (mô hình Westminster ở Anh hiện nay là điển hình) và chính thể quốc hội (ở Thụy Sỹ hiện nay là điển hình) không theo tam quyền phân lập (không theo Montesquieu). Vậy ai nói cứ tư sản là theo tam quyền phân lập là người thiếu nghiên cứu. Nhật Bản, Úc, Thái Lan và rất nhiều nước khác theo chính thể đại nghị.
Trong các chính thể căn bản nêu trên, chỉ có chính thể tổng thống (mô hình Washington, điển hình là ở Mỹ hiện nay) theo học thuyết tam quyền phân lập (mà gọi chính xác là phân chia quyền lực). Ở Châu Á ta có nhiều nước theo chính thể này, ví dụ như Hàn Quốc, Phillipines. Ngay Việt Nam Cộng hòa trước kia cũng không theo chính thể này mà theo chính thể lai tạp gần gũi với Pháp.
Lưu ý rằng chính thể tổng thống không phải phát huy tác dụng tốt ở bất cứ đâu. Nó rất tốt ở Mỹ, ở Hàn Quốc nhưng nó lại không phát huy tác dụng được đáng kể ở Philippines và nhiều nước Nam Mỹ.
Dù chính thể nào thì tư pháp luôn là một ngành quyền lực độc lập. Người ta phân loại chính thể như trên dựa vào mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp, chứ không dựa vào mối quan hệ giữa các ngành quyền lực đó với tư pháp.
Trong mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp thì lập pháp luôn có bản chất là giới hạn quyền lực của hành pháp.
Vì vậy dù ở chính thể hiện đại nào thì lập pháp luôn có ba chức năng chủ yếu là: (1) đặt ra các giới hạn đối với hành pháp (bằng cách làm luật và quyết định ngân sách; ở Mỹ nếu Quốc hội mà không cho tiền thì Tổng thống Mỹ cũng chỉ chào cờ suốt ngày thôi); (2) giám sát hành pháp đề buộc hành pháp phải tuân theo các giới hạn đã lập ra; và (3) phản biện cho các chính sách của hành pháp.
Lưu ý hành pháp luôn là hạt nhân của chính quyền vì nó nắm quyền tác động trực tiếp tới xã hội bằng bạo lực. Vì vậy lập pháp sinh ra để thực hiện các chức năng đó.
Nói ở khía cạnh ta đang bàn ở đây, Quốc hội phải phản biện chính phủ. Quốc hội và chính phủ được xem như hai mặt đối lập trong qui luật đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập. Vì vậy nói quốc hội đồng hành với chính phủ là không thật hiểu về lẽ ra đời của quốc hội. Hai định chế chính trị này thống nhất ở mục tiêu chung của toàn dân tộc do nhân dân đặt ra thông qua Hiến pháp.
Lưu ý: Chính thể của ta hiện nay là chính thể tập quyền nghiêng về lập pháp theo truyền thống Xô Viết. Nên Quốc hội của ta có vai trò cực lớn về mặt lý thuyết.
Những mong Quốc hội ta làm tốt vai trò phản biện trong cơ cấu quyền lực nhà nước, còn dân ta làm tốt vai trò phản biện xã hội.
Mạng xã hội là một phương tiện không gì tốt hơn cho các phản biện xã hội có mục đích xây dựng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.