Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nói chuyến thăm Việt Nam của bà Harris ‘mang tính thăm dò’
21-8-2021
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh nói với VOA rằng chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong tuần tới (từ ngày 24-26/8) sẽ bàn đến “điểm nghẽn” nhân quyền trong quan hệ Mỹ – Việt, điều mà ông cho rằng có thể giúp Washington củng cố việc “thăm dò” khả năng nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiếc lược với Hà Nội trong tương lai.
Sau đây là nội dung chi tiết cuộc phỏng vấn với Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương.
VOA: Xin ông cho biết ý nghĩa chuyến công du Việt Nam sắp tới của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris?
NNC Nguyễn Thế Phương: Chuyến thăm này có nhiều hàm ý, khẳng định mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19. Phía Mỹ muốn đưa ra thông điệp rằng Việt Nam vẫn được Mỹ xem là một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á. Ngoài vấn đề liên quan đến an ninh Biển Đông, còn tập trung vào hai vấn đề khác – Chuỗi cung ứng và nhân quyền.
Chuyến thăm này để thăm dò khả năng trong tương lai khi nào và như thế nào thì Việt Nam và Mỹ sẽ nâng cấp mối quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Quá trình nâng cấp này có điểm nghẽn lớn nhất là dân chủ, nhân quyền, khi mà một số thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ [Hoa Kỳ] đặt điều kiện nâng cấp quan hệ rằng Việt Nam phải làm như thế này, thế kia về nhân quyền.
VOA: Theo ông thì Việt Nam và Mỹ sẽ có những thỏa hiệp nào về nhân quyền trong chuyến thăm này?
NNC Nguyễn Thế Phương: Thật là khó biết được việc này, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng mối quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian hiện tại là mối quan hệ cả hai bên đều rất thực dụng. Mỹ thực dụng trong mối quan hệ với Việt Nam vì Mỹ biết rằng Việt Nam là một trong những mắt xích an ninh rất quan trọng. Việt Nam cũng thực dụng, Việt Nam coi Mỹ như một trong những đối tác lớn nhất để cân bằng cán cân quyền lực với Trung Quốc. Với cái góc nhìn thực dụng như vậy cho nên ở một phần nào đó về mặt dân chủ và nhân quyền cả hai bên sẽ hài hòa với nhau, hai bên nhượng bộ với nhau một chút.
Cái nhượng bộ của Việt Nam trong một số trường hợp cụ thể, tối đa là thả người, thả những người bất đồng chính kiến, hoặc Việt Nam thể hiện với Mỹ thông qua một cách thức nào khác… Tuy nhiên, sẽ không có một bước nhảy vọt nào cả vì hai bên nhìn nhau với một cái nhìn rất thực dụng.
Mỹ biết rằng vấn đề dân chủ và nhân quyền là quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng trong trường hợp Việt Nam, họ có thể điều hòa, giảm nhẹ một chút để thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách của mình.
VOA: Ở tầm khu vực, ông nghĩ gì khi chính quyền Biden-Harris chọn hai nước Singapore và Việt Nam trong chuyến đi châu Á đầu tiên của bà Harris?
NNC Nguyễn Thế Phương: Chuyến thăm này cùng với chuyến thăm trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và sự sốt sắng của Mỹ trong các cuộc họp với ASEAN cho thấy rằng Mỹ vẫn coi Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm chính, nếu như không nói là trọng tâm lớn nhất trong chính sách đối ngoại toàn cầu của Mỹ hiện nay. Châu Á – Thái Bình Dương nổi lên như là một trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ, mà trong đó ASEAN, mà đứng đầu là Singapore, Việt Nam, Indonesia… cho thấy tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Rõ ràng ở đây có liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Trong các chính sách đối ngoại của Mỹ, từ chính quyền của Donald Trump đến Joe Biden, vẫn luôn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, và như vậy khu vực này là một khu vực quan trọng.
VOA: Ông kỳ vọng điều gì từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Harris?
NNC Nguyễn Thế Phương: Nhiều người mong muốn một kết quả cụ thể nào đó, nhưng riêng tôi, đây chỉ là một chuyến thăm có hàm ý tương lai. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden hoàn toàn có khả năng rằng sẽ có một chuyến thăm cấp cao, có thể ông Biden sang Việt Nam hay lãnh đạo Việt Nam sang Mỹ để nâng cấp mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược chính thức.
Chuyến thăm của bà Harris không chỉ liên quan đến quốc phòng an ninh, mà còn tập trung vào mảng kinh tế và nhân quyền. Nhân quyền ở đây không chỉ liên quan đến những người chống đối, mà còn liên quan đến quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền cho nhóm yếu thế…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.