Đôi lời cùng ông Thái Hạo
Nguyễn Đình Cống
23-8-2021
Hôm qua, Tiếng Dân có đăng bài của Thái Hạo “Dân nào thì nhà nước ấy”. Tôi đã đọc, xin có đôi lời cùng tác giả và các vị quan tâm.
Ông Thái Hạo nhận xét rằng: “Mối quan hệ của một dân chúng với sự ra đời một nhà nước không có gì giống với chuyện quả trứng và con gà cả”. Ấy thế mà tôi lại thấy trong cái khác nhau có chỗ giống nhau. Giống ở cái vòng lặp.
Với gà thì: Gà nào sinh ra trứng đó, trứng nào nở ra gà đó. Với dân và nhà nước thì: Dân nào (tự do/ nô lệ) thì tạo ra nhà nước ấy (dân chủ/ độc tài). Nhà nước nào thì sinh ra dân đó.
Thái Hạo đã viết vế thứ nhất “Dân chúng nào thì nhà nước ấy”, nhưng lại bỏ qua vế thứ hai “Nhà nước nào thì sinh ra dân đó”.
Dân và Nhà nước tạo thành các chu kỳ, như một vòng vô hình. Các vòng nối tiếp nhau, chồng xếp lên nhau, chúng có thể giữ nguyên kích thước, thu hẹp (xấu đi) hoặc mở rộng (tốt lên).
Khi một dân tộc đang lâm vào vòng chu kỳ bị thu hẹp, làm sao để dừng lại và thoát ra. Đó là sự đổi thay nhằm chấn hưng hoặc dân chủ hóa đất nước. Việc này cần bắt đầu từ một hoặc vài điểm trên vòng chu kỳ. Điểm đó có thể thuộc phần Nhà nước hoặc thuộc phần Dân.
Dân chủ hóa bắt đầu ở điểm thuộc phần Nhà nước là từ trên xuống, nó xảy ra khi trong tầng lớp trên của chính quyền xuất hiện một hoặc vài người có thiện chí. Khả năng này tuy bé nhưng đã từng xảy ra ở một số nước.
Dân chủ hóa bắt đầu ở điểm thuộc phần Dân là từ dưới lên. Trước hết phải từ nhận thức của tầng lớp tinh hoa, họ sẽ thức tỉnh quần chúng nhân dân bằng “khai dân trí”. Điều này đã được Thái Hạo đánh giá đúng và cho rằng cần kiên trì khi viết: “Một tâm thế nhẫn nại trường viễn gắn với những hoạt động thích đáng và hữu ích có lẽ là điều hệ trọng nhất cần xác lập trong bất cứ ai đang và sẽ có khát vọng về một sự đổi thay. Tất nhiên là cũng cần phải ghim vào đó cả cái tinh thần rằng, nó có thể chỉ đến sau khi thế hệ chúng ta đã qua đời”.
Sẽ là tốt đẹp và là điều đáng mong ước khi có được sự kết hợp giữa hai nguồn trên. Có lẽ vì thế mà khá nhiều người viết hết thư góp ý này, đến kiến nghị nọ, gửi lãnh đạo.
Điều sau đây chắc ông Thái Hạo và nhiều người khác đã biết, nhưng tôi xin viết ra để cảnh báo. Từ mệnh đề “Nhà nước nào thì sinh ra dân đó”, thấy rõ rằng nhà nước độc tài chỉ muốn làm ngu dân để dễ biến họ thành nô lệ. Nhưng nếu có ai vạch ra chuyện này thì lập tức bị quy chụp là “thế lực thù địch”, bị đàn áp, bị khủng bố.
Chính quyền độc tài vẫn dõng dạc tuyên bố là họ rất quan tâm đến nâng cao dân trí. Ở đây có một vấn đề cần làm rõ.
Dân trí có ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là những kiến thức về khoa học, về tự nhiên. Thứ hai là kiến thức về con người và xã hội. Thứ ba là kiến thức về chính trị, tạm gọi là dân trí chính trị.
Dân trí chính trị là những hiểu biết chung, cơ bản về nhân quyền, về tổ chức bộ máy nhà nước, về thể chế chính trị, về hiến pháp và các luật lệ, về nghĩa vụ và quyền của người dân, về các quan hệ giữa dân và chính quyền, về các đảng chính trị, là sự quan tâm của người dân đến các vấn đề xã hội.
Việc khai dân trí như cụ Phan Chu Trinh chủ trương, việc chính quyền độc tài bị lên án làm ngu dân chính là thuộc lĩnh vực dân trí chính trị.
Chính quyền độc tài quan tâm đến nâng cao dân trí là thuộc khoa học và xã hội, còn về dân trí chính trị thì họ tẩy não, họ nhồi sọ những thứ họ tôn thờ, họ cho rằng như thế là làm cho dân có giác ngộ cao, có lý luận vững, nhưng thực chất là làm ngu dân vì những thứ họ tôn thờ đã trở nên lạc hậu và phản lại tiến bộ của nhân loại.
Như vậy việc khai dân trí cần làm đồng thời với việc lên án chính quyền độc tài làm ngu dân. Về việc này Thái Hạo viết:
“Việc phê phán chính quyền không những là quyền mà còn là trách nhiệm… Việc chửi bới theo kiểu tôm cá không những là không cần thiết mà còn là không nên nếu ta còn muốn có tham vọng ‘giáo dục’ dân chúng… sẽ chẳng có mấy ích lợi cho một văn hóa tương lai, mà nếu có được chút ít chăng nữa thì nó sẽ luôn kèm theo nhiều di chứng nặng hơn là điều đã đạt được. Ở đây, hai chữ ‘phê phán’ theo đúng nghĩa khoa học và tiến bộ của nó phải được dùng thay thế cho những chữ khác trong tần suất cao nhất có thể”. (Có bỏ bớt vài chữ, thay vào dấu …)
Chữ khác mà Thái Hạo viết ở đây phải chăng là “Chỉ trích”. Có lẽ ông muốn người phê phán bọn độc tài tránh chỉ trích mà nên theo kiểu “Đắc nhân tâm”. Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này và thấy rằng “Đắc nhân tâm” chủ yếu dùng với người có thiện chí, giữa chốn bạn bè, còn với bọn độc tài, đầy kiêu ngạo, lại xem người phê phán như thù địch, thì chủ yếu vẫn nên dùng biện pháp chỉ trích.
Trong lúc tập trung chống đại dịch mà Thái Hạo bàn về dân và nhà nước chắc rằng có thấy cái gì đó. Tôi xin bàn thêm vài điều, mong được chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.