Có gì mà tự hào, lên gân?
23-8-2021
Một khi đã dụng đến binh – tức điều quân đi làm những việc cấp bách, liên quan đến chuyện thường nhật của đời sống thì có gì mà tự hào, mà lên gân, mà rưng rưng nước mắt lên Facebook ngợi ca, lên đồng?!
Dụng đến binh kiểu đó là một minh chứng rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất để phơi bày ra hết những thất bại thảm hại mà một chính phủ do “đảng cử, dân bầu” hay nói cho mỹ miều là chính phủ dân cử trong việc điều hành đất nước.
Khủng hoảng ngày một trầm trọng hơn trong dịch bệnh.
Hậu quả và di chứng của trận đại dịch này sẽ càn quét và nhấn chìm nhiều thành quả phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế… của Việt Nam đã cố gắng đạt được trong mấy thập niên vừa qua.
Mọi thứ có thể xem như quay lại xuất phát điểm của vài ba thập niên thì liệu sức cạnh tranh của Viêt Nam có đủ mạnh để thu hút dòng chảy quay trở lại của các định chế tài chính, công ty đa quốc gia sau khi dịch kết thúc (dự báo sau 2023).
Hơn nữa, với năng lực quản trị rủi ro và xử lý khủng hoảng của Việt Nam đã và đang chứng minh cho thế giới thấy được các chỉ số quan trọng đó đang ở đâu sau khi được chấm điểm thì liệu các chỉ số thấp đó có đủ sức thuyết phục thiên hạ đổ tiền vào nhà?
Chính phủ đang bất lực và bất tài trong điều hành quốc gia, nhất là trong lúc nguy khốn dịch bệnh. Không một chính sách, chiến lược nào được đánh giá điểm cộng về sức mạnh, và đúng thời điểm áp dụng trong suốt đợt bùng dịch lần thứ 4 này được Ba Đình triển khai. Mọi chiến lược cho thấy chỉ lẩn quẩn mà không có thay đổi, có chăng chỉ thay đổi theo tên gọi, theo con số của chỉ thị và theo từng bước đấu đá nội bộ nhằm hạ nhau, tranh giành quyền lực ngay giữa cơn nguy khốn của an ninh quốc gia. Ba Đình liên tiếp lấy cái sai để sửa sai cho những cái sai trước đó. Sai chồng sai, và sai chồng chồng tiếp sai.
Không có gì phải tự hào khi dụng binh trong lúc này cả. Đừng đao to búa lớn “trận đánh này là trận đánh lớn, cuối cùng” để chống dịch. Chống dịch bằng khoa học, bắng kinh nghiệm và bằng sức dân may ra còn có cơ hội từ từ khắc phục hậu quả tàn khốc của đại dịch. Khoa học đang chưa phải là mũi nhọn của Việt Nam lúc này. Kinh nghiệm chống dịch Việt Nam cho thấy họ chưa chịu học hỏi và đúc kết cho họ kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian vừa qua.
Sức dân đã cạn kiệt bởi đã bị nhồi lên, nhấn xuống, bào mỏng bao trận rồi, thì còn sức đâu nữa mà chống mà phải chống đường đua dài marathon hàng năm trường phía trước.
Quan sát những gì Ba Đình đang triển khai “chống dịch trận đánh lớn cuối cùng” này, cho thấy họ vẫn chưa thể nhất trí để “đánh một trận cuối’ thật sự mạnh như một mô hình Vũ Hán cần phải có. Mà cho dù họ đang cố gắng áp dụng mô hình Vũ Hán lúc này thì cũng phải mất hàng tháng trời mới có thể đi đến nơi cần phải đến: kiểm soát dịch và mở cửa trở lại. Vũ Hán đã mất 76 ngày đóng cửa thành phố và dồn tổng lực để đạt được điều đó. Ai có thể bảo đảm Ba Đình sẽ tài cao, đức mạnh, áp dụng mô hình Vũ Hán tốt hơn, hay hơn trong lúc này?
Chúng ta không thể lạc quan đến độ ảo tưởng rằng chúng ta có sức mạnh siêu nhiên và “quyết đánh trận cuối cùng” kiểu một mất một còn, mà chúng ta sẽ chiến thắng. Niềm tin vào chiến thắng là cần phải có để “ra trận”, nhưng đừng tin tưởng đến mức độ ảo tưởng, để rồi lại một lần nữa đi tìm cái sai khác để sửa cho cái sai sắp gặt hái được.
Mà cho dù có thành công được như mô hình Vũ Hán, thì thử hỏi Trung Quốc với khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như khả năng tự sản xuất được các loại vaccine, thuốc điều trị mà cho đến giờ này họ còn chưa dám mở cửa biên giới trở lại thì cũng đủ thấy chặng đường “đi cùng hay chung sống với SARS-CoV-2” phía trước gian nan và không một ai có thể bảo đảm được mọi chuyện sẽ như ý muốn của loài người.
Đại dịch vẫn đang còn diễn ra và tiếp tục diễn ra trong ít nhất 1 năm nữa. Virus vẫn đang cầm lái, dẫn dắt cuộc đua có tên COVID-19 này trước loài người. Nên ghi nhớ, loài người chỉ từng thắng 1 cuộc đua với dịch bệnh trong suốt lịch sử của họ (Smallpox) còn lại là thua đậm, thua đau đớn chỉ để tiếp tục sống và chờ đợi những trận đại dịch tiếp theo từ thiên nhiên.
Cơ hội phục hồi vẫn còn xa lắm, và nhất là đối với các quốc gia đang phát triển, các quốc gia nghèo lại càng xa hơn nữa.
Đã muốn ra trận và mong mỏi chiến thắng thì ít ra trước khi ra trận phải thuộc nằm lòng câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Chưa thắng trận nào, chưa biết hết người (virus) và cả không chịu biết khả năng của ta thì thử hỏi ai sẽ thắng ai trong “trận đánh lớn cuối cùng này”?
Luôn ghi nhớ: không có vùng an toàn trong đại dịch, và không có độ tuổi an toàn trong đại dịch.
Xin nguyện chúc nhau bình an!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.