Thoát Trung hay thoát ta?
22-4-2021
Trước khi thoát Trung, phải thoát Ta. Ta mới chính là trở ngại lớn nhất với chính ta. Sổ toẹt mọi thứ có gắn với hai chữ “Trung Quốc” là một điều rất nông nổi. Phải thừa nhận cái giỏi của họ, và phải thấy cái dốt của mình, đến khi ấy mới tự mình gột rửa được sự u tối và tiếp thu cái hay của người.
Trung Quốc từng là một trung tâm văn minh của nhân loại trong lịch sử cổ đại. Đến giờ họ đang là nước giàu thứ hai của thế giới, quốc phòng mạnh, ảnh hưởng lớn. Cái xứ đã từng thống trị cõi Á đông này, và bây giờ vẫn còn chi phối thế giới, xứ ấy không thể chỉ có những kẻ trọc phú phàm ăn tục uống; cái xứ đã thống trị văn hóa Đông phương thủa xưa, và ngày nay vẫn có những nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, xứ ấy không thể coi thường.
Trung Quốc, có thể ghét chứ không thể khinh. Những trầm tích văn hóa sâu trong lòng quốc gia cộng sản này đã làm nên một khuôn mặt khác mà nhiều người không biết và cũng không muốn thấy. Não trạng đầy định kiến và cực đoan theo lối “quét sạch” thì không khác gì những gì cs đã làm trên đất nước này. Không ai có thể quét được 80% vốn từ gốc Hán trong tiếng Việt đâu. Mà cũng chẳng quét để làm gì.
Cũng là cộng sản, nhưng bộ máy nhà nước TQ thông minh hơn và quản trị tốt hơn về mọi mặt. Chống cộng mà không rõ địch thì lấy gì mà chống! Nhà triết học thông thái của Anh, J. S. Mill, 150 năm trước đã khai sáng rằng, bài học lớn nhất không phải là từ bằng hữu, mà phải từ kẻ thù. Kẻ nào không học được gì từ đối thủ thì mãi chỉ sống trong thất bại mà tự mãn. Người La Mã học từ Hi Lạp, người Mãn Thanh học từ Hán tộc để trở nên hùng mạnh. Hãy xem Nhật đã học được gì từ kẻ thù Mỹ của họ để làm nên nước Nhật ngày nay.
Thái độ ngạo mạn, mục hạ vô nhân là một lối rất tốt để tự mình giam nhốt mình trong cái nhà tù tối tăm của chính mình. Lối tư duy nhị nguyên thô sơ và hẹp hòi cần bị tẩy trừ khỏi não trạng của nhiều người.
Ngày xưa, Phan Châu Trinh vì muốn thoát Pháp mà đã đề xướng hiểu Pháp và học Pháp. Ngày nay, nếu muốn “thoát Trung” thì cần phải thoát Ta trước đã. Việc nhiều người (tự) gọi là “đấu tranh dân chủ” nhưng mang lối nghĩ và lối hành xử độc đoán, phiến diện, khép kín thực chất không khác gì bản chất của người cộng sản.
Điều ấy thực ra không phải chỉ là sản phẩm của thời này, nó là sản phẩm của đầu óc nô lệ bị thâm nhiễm từ nhiều thế kỷ phải sống trong chuyên chế bạo tàn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.