Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Phục hồi một nền văn học?

 

Phục hồi một nền văn học?

Thận Nhiên

21-4-2021

Ảnh trên mạng

Từ sau 1975, khi nói đến nền văn học của miền Nam, thì các cây bút của hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản luôn cho rằng nó là tàn dư văn hóa phản động, mang hai tính chất chủ yếu là phản động và đồi trụy.

Nền văn học này được giới chính thống mô tả với các tính từ như nô dịch, đồi trụy, lai căng, khiêu dâm, phản động, phản quốc… và sẽ trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm quy định cấm phổ biến nó của nhà nước…

Những năm sau này, một số người muốn phục hồi và giới thiệu nền văn học miền Nam vì nhận ra những giá trị nhất định của nó, và cho rằng nó cũng là một phần thuộc về tài sản tinh thần của dân tộc, và phải kể luôn đến lợi nhuận do nó mang lại. Từ ý tưởng đó, họ rụt rè bắt đầu với việc giới thiệu, in lại những tác phẩm của miền Nam trước 1975, đưa một số tác phẩm và tác giả vào những sự kiện văn hóa như ngày hội thơ hằng năm được tổ chức ở Văn Miếu Hà Nội, và tổ chức hội thảo giới thiệu các tác giả. Nền văn học miền Nam được đặt lại tên là Văn Học Đô Thị Miền Nam.

Ý thức và những hoạt động này được cho là vượt qua định kiến, thiên kiến, tỉnh táo chọn lọc những tác phẩm có yếu tố dân tộc, tinh thần nhân đạo, dân chủ, yêu nước và tiến bộ, có giá trị cách tân.

Tôi nghĩ đó là một ý tốt, và cấp tiến, so với cách nghĩ thiển cận, hằn học, và đầy tính phân biệt trước đây. Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ “chọn lọc”. Thực chất của việc chọn lọc là kiểm duyệt, loại bỏ, và định hướng.

Trước hết cần phải minh định lại vấn đề một cách thẳng thắn và trung thực, chứ không thể thực hiện việc này với cái nhìn kẻ cả, chiếu cố của kẻ thắng với người thua.

Văn học phản động là cách gọi ban đầu của những người làm văn hoá của miền Bắc, rồi về sau trở nên phổ biến với người dân khắp nước, chứ thật ra nó là ý thức “chống Cộng” của văn học miền Nam, khởi đầu từ những người có trải nghiệm với Cộng sản, thậm chí từng theo kháng chiến, và rời bỏ, như đa số những người gốc Bắc di cư vào Nam. Ý thức chống Cộng gần như là ý thức chủ đạo và tự giác của từng cá nhân người viết.

Cách gọi văn học đồi trụy cũng như vậy, thật ra nó là ý thức tự do, khai phóng ở mặt tính dục, nữ quyền, phản ánh mặt trái của xã hội, hơn là cổ suý sự sa đọa đạo đức.

Do đó, khi giới thiệu và phục hồi nền văn học miền Nam- cái đã bị chế độ miệt mài bức tử nhưng không chết – thì phải chấp nhận và định danh nó một cách khoa học và công bằng, nó là Văn Học Miền Nam, chứ không thể tiếp tục gọi nó theo cách gọi của tuyên huấn trước đây (Văn Học Vùng Tạm Chiếm?) hay là Văn Học Đô Thị Miền Nam như hiện nay, và loại bỏ hai yếu tố kể trên, chỉ chọn lọc những tác giả, tác phẩm phù hợp với quan điểm an toàn, thậm chí có lợi cho tuyên truyền của thể chế. Nếu không thì một nền văn học phong phú chỉ còn là một thực thể tàn tật chứ không như nó đã là.

Phục hồi một nền văn học thì hẳn khác với công việc của các loại trường trại lâu nay được cho là phục hồi nhân phẩm.

_____

*Mời đọc thêm: “Văn học miền Nam hay văn học đô thị miền Nam?” (VOA).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.