“Đốt lò” và chống tham nhũng!
23-4-2021
Dư luận vô cùng phấn khởi với kết quả của công cuộc đốt lò. Thậm chí các số đo có vẻ rất khoa học về cảm nhận chống tham nhũng (như Papi mới được công bố vừa qua) dường như cho thấy ‘việc “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là lĩnh vực cải thiện mạnh mẽ nhất của PAPI 2019. Ở cấp quốc gia và cấp xã, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng có xu hướng giảm cao hơn so với tỷ lệ năm 2018 khoảng 5%.’ [1]
Rồi dư luận rất băn khoăn với việc vào ngày cá tháng Tư 2021 và đúng một tuần, trước khi bị bãi nhiệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký cho FLC làm sân golf trên diện tích 174ha mà dư luận cho là rừng thông 50 tuổi, liệu có phải là tham nhũng “vét” trước khi nghỉ hay không? Chính phủ lên tiếng giải thích [2] không phải, không phải! Bài của Nguyễn Anh Tuấn phản biện lại lời giải thích này rất hay [3].
Không những thế vụ xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vài ngày qua cũng gây ra những ý kiến xôn xao trái chiều nhau (tuyệt vời quá quan to đến mấy cũng không tha; kinh khủng quá, toàn bọn quan to tham nhũng và không biết bà Thoa có “ngoan ngoãn” theo gương Trịnh Xuân Thanh về “đầu thú” hay không;…).
Lại còn cái ông Vũ Nhôm, giám đốc công ty bình phong của Bộ Công An, vừa khai trước toà ông đã đút cho một ông to ở Bộ nửa triệu $ (chỉ bằng 1/6 của 3 triệu $ cho Bộ trưởng Son trong vụ AVG) cho ông N.D.L Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công An[4] làm cho dư luận không thể hiểu ông đốt lò có đốt hết bọn chúng hay không? Đốt lò có hiệu quả không?
Đại loại có 2 cách tiếp cận đến chống tham nhũng:
1) Theo cách CAN THIỆP, tức là điều tra sau khi sự việc đã xảy ra và trừng phạt những kẻ tham nhũng [đả hổ-diệt ruồi hay đốt lò] và:
2) Theo cách quản trị tức là làm NẢN LÒNG các quan chức để bớt tham nhũng, loại bỏ cơ hội tham nhũng. Có thể nói phong trào đốt lò (nhốt quyền lực vào cơ chế; không cần, không dám tham nhũng,…) chủ yếu là cách 1 và một phần cách 2 chủ yếu nhắm vào CÁC CÁ NHÂN.
Đáng tiếc có vô vàn nghiên cứu cho thấy rằng cả cách 1 và cách 2 đều THẤT BẠI trong trường hợp tham nhũng mang tính HỆ THỐNG và TỔ CHỨC.
Vấn đề tham nhũng ở Việt Nam lại chính là tham nhũng mang tính hệ thống và tổ chức, tức là các tổ chức thối nát đẻ ra những cá nhân tham nhũng và làm cho tổ chức càng thối nát hơn và các quan chức trong tổ chức ấy càng tham nhũng hơn. Đấy là một vòng luẩn quẩn, tống một con hổ vào lò tức thời rất được lòng dân (và PAPI đo cảm nhận của người dân thấy đúng như vậy) song ĐÁNG TIẾC nó chỉ là lấy dầu cù là xoa chữa bệnh ung thư mà thôi; hệ thống sinh ra bọn tham nhũng: đốt được một con hổ thì nó sinh thêm 3-4 con mới nhiều kinh nghiệm hơn!
Đối với loại tham nhũng hệ thống và tổ chức này, CÁCH HỮU HIỆU NHẤT là phải phát triển Hệ thống Liêm Chính Quốc gia (NIS-National Integrity System) gồm nhiều trụ cột thể chế [5] mà trong đó 4 thể chế cốt lõi là:
1) Luật trị (rule of law) hay nhà nước pháp quyền hay thượng tôn pháp luật với ý là không ai, không tổ chức nào được ngồi xổm trên pháp luật cả, vi phạm luật đều bị xử nghiêm minh;
2) Tư pháp độc lập [để xử và trừng phạt những kẻ vi phạm luật đảm bảo cho luật trị được thi hành];
3) Nền báo chí tự do;
4) Xã hội dân sự sôi động, lành mạnh.
Tại Việt Nam, xét cả 4 nhân tố này và các nhân tố khác của NIS như Hội đồng Bầu cử (độc lập lo việc tổ chức bầu cử), CÁC ĐẢNG CHÍNH TRỊ, được nêu trong cách tiếp cận toàn diện tại [5], đáng tiếc là THIẾU TẤT CẢ.
Bản thân hệ thống cố ý cản trở các nhân tố này phát triển để ĐẢM BẢO ĐỘC QUYỀN LÃNH ĐẠO của mình!
Thế thì làm sao mà CHỐNG THAM NHŨNG ĐƯỢC!
Dẫu cho việc bôi dầu cù là đó có thể làm cho dân khoái chí, phấn chấn, làm cho các số đo rất có vẻ khoa học và rất quan trọng như PAPI gây phấn khởi (và các vị lãnh đạo thích khoe các thành tích như vậy lắm) nhưng KHÔNG CHỮA ĐƯỢC BỆNH UNG THƯ THAM NHŨNG ĐANG HUỶ HOẠI ĐẤT NƯỚC.
PHẢI XÂY DỰNG HỆ THỐNG LIÊM CHÍNH QUỐC GIA thì mới chống được tham nhũng (nhưng như thế nó đòi ĐCSVN phải thật dũng cảm VÌ DÂN THẬT để sửa hệ thống). Ông Đốt Lò có dám làm không? Đấy mới là câu hỏi sống còn ông ạ.
[1] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/…/kiem-soat-tham-nhung…
[2] https://baochinhphu.vn/…/Xung-quanh-viec-phe…/428819.vgp
[3] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690
[4] https://thanhnien.vn/…/nguoi-bi-cao-buoc-nhan-qua-cua…
[5] https://www.transparency.org/…/NIS_AssessmentToolkit_EN…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.