Đọc bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, lại nghĩ đến câu “Uy vũ bất năng khuất”
Nguyễn Văn Nghệ
23-4-2021
Bài viết “Đọc bài ‘Tụng Lỗ Tấn’ của Phan Khôi lại nghĩ đến cái xấu ở Việt Nam hiện nay” của tôi đăng trên trang Tiếng Dân ngày 16/4/2021, sau đó được trang web Nghiên cứu Lịch sử đăng vào sáng thứ Hai ngày 19/4/2021. Sau khi bài viết được đăng, vào lúc 7:19 sáng 19/4/2021 có phản hồi của độc giả Độ Vân, như sau:
“Nguyễn Văn Nghệ chỉ cần nhớ một điều:
“Dưới chế độ do ĐCS đứng đầu thì giọng điệu trước 1945 và sau 1945 phải đổi khác 180 độ, nếu còn muốn sống.
“Không những Phan Khôi, mà Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân… đều như vậy. Phải rất lâu về sau, những người dũng cảm nhất mới dám thể hiện: Tôi vẫn là tôi.
“Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”.
Ông Phan Khôi từng xuất thân trong cái lò đào tạo Nho học, chắc hẳn ông không bao giờ quên cái câu “Uy vũ bất năng khuất” trong sách Mạnh tử, thiên Đằng Văn công hạ chứ!
Độc giả Độ Vân nêu tên một số nhà thơ, nhà văn “nếu còn muốn sống” thì tất cả “đều như vậy”. Không biết độc giả Độ Vân dựa vào đâu mà dám khẳng định như đinh đóng cột: “Nếu còn muốn sống… đều như vậy”.
Kìa, hãy nhìn xem ông Phùng Quán sinh năm 1932, nhỏ hơn ông Phan Khôi 45 tuổi, cũng thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm, vào năm 1957 ông có làm bài thơ “Lời mẹ dặn”. Đây chính là tuyên ngôn về nhân cách sống của ông Phùng Quán. Lời mẹ dặn năm xưa ông vẫn còn khắc ghi trong lòng:
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Ông Phùng Quán chẳng những “muốn sống” và còn muốn sống “chân thật trọn đời”, ông đâu cần “phải đổi khác 180 độ”!
Nếu cho rằng ông Phan Khôi bị ép buộc phục vụ cộng sản, sao ông không học gương của Từ Thứ: “Về Tào miệng ngậm như bình kín” (Họa Từ Thứ quy Tào của Phan Văn Trị).
Độc giả Độ Vân có ý lên án tôi: “Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn hạ. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”. Sự thật thì những người hiểu biết không phải văn nô, bồi bút thì không ai “mỉa mai” ông Phan Khôi cả! Những điều nêu ra là để hậu thế rút ra bài học cho cuộc sống mà thôi.
Một thân hữu, sau khi đọc bài viết của tôi, vào lúc 7:41 Chúa nhật 18/4/2021 đã gởi ý kiến vào email của tôi: “Phan Khôi trả giá xứng đáng cho niềm tin của mình. Con chó chết rồi còn bị đánh tơi bời”.
Vào lúc 2:03 sáng ngày 20/4/2021 lại có thêm phản hồi của độc giả Phat, công kích độc giả Độ Vân về việc “mỉa mai tiền nhân”: “Thế thì đừng ca ngợi tiền nhân luôn vì tiền nhân không sống lại để giải thích huyền thoại của mình đâu?? Chắc chỉ được ca ngợi tiền nhân, không được chê tiền nhân chứ gì?? Kẻ không dám nói gì chỉ vì cái danh tiền nhân thì mới đúng là hèn hạ, sai thì sửa đúng thì nói cái gì mà tiền nhân với không tiền nhân thực nực cười, họ cũng là người cũng như ta, cũng có sai lầm có công không phải thánh không thể mỉa mai” [*]
Người xưa nói: “Cái quan định luận”, nên hư công luận phê bình. Có như vậy mới biết tư cách ông Phan Khôi như thế nào? Tư cách ông Phùng Quán như thế nào?
Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.