Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Nên nhường hay nên chiến!?

 

Nên nhường hay nên chiến!?

Lê Minh Nguyên

3-4-2021

Hôm Thứ Sáu 2/4 bộ trưởng ngoại giao Phi, ông Teodore Locsin, gặp người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh, để thuyết phục Bắc Kinh rút hơn 200 tàu ra khỏi khu vực Đá Ba Đầu.

Trong khi đó, Trung Quốc theo chiến lược gặm nhấm, các tàu này là khởi đầu của việc xác lập sự hiện diện liên tục của dân quân biển Trung Quốc, dẫn đến việc chiếm hữu lâu dài.

Trong địa ốc, sự chiếm ngang (adverse possession) hay còn gọi là quyền của người chiếm đất (squatter’s right) là một nguyên tắc pháp lý, theo đó một người không có quyền sở hữu hợp pháp một tài sản nào đó không thuộc của mình, thường là bất động sản, sẽ được quyền sở hữu hợp pháp nó, dựa trên việc sở hữu hoặc chiếm giữ liên tục tài sản này NẾU chủ hợp pháp không chính thức phản đối trong một khoảng thời gian nhất định được ghi trong luật.

Việc Phi mạnh mẽ lên tiếng phản đối làm cho việc Trung Quốc muốn chiếm ngang này không có hiệu lực pháp lý, dù là chiếm giữ liên tục. Nhưng nếu Việt Nam không mạnh mẽ lên tiếng phản đối thì sau này VN bị mất quyền pháp lý.

***

Đá Ba Đầu (phải) nằm trong cụm đảo Sinh Tồn. Ảnh trên mạng

Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi. TQ đã làm tương tự với Đá Vành Khăn vào năm 1995 và Scarborough năm 2012.

Theo một vị giáo sư của Đại Học Luật Phi, Trung Quốc muốn vụ này được giải quyết nhanh chóng để không tổn hại đến hình ảnh mà Trung Quốc muốn chứng tỏ, đó là hình ảnh một đối tác đáng tin cậy và hữu ích trong khu vực.

Trung Quốc muốn Phi bảo đảm là vấn đề sẽ được giải quyết càng nhanh chóng và càng êm thắm càng tốt, tức nhượng bộ Trung Quốc, đừng dựa vào Mỹ mà cương cứng với Trung Quốc. Bù lại, Trung Quốc sẽ giúp vaccine Covid-19, mua hàng… Cho nên việc ông Locsin muốn Trung Quốc rút tàu đi khó mà xảy ra.

Đá Ba Đầu nằm trong cụm Sinh Tồn (Union Banks) và Trung Quốc muốn chiếm cả cụm này. Sau chuyến bay tuần tra của quân đội Phi ngày 30/3 để giám sát các tàu Trung Quốc, hôm 1/4 họ cho biết Trung Quốc đã xây thêm những cấu trúc nhân tạo trái phép trên cụm Sinh Tồn gần Đá Ba Đầu.

Cũng trong đợt tuần tra này, Phi phát hiện 4 tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại Đá Vành Khăn, mà 3 trong số 4 tàu này là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022. Các chỉ dấu này cho thấy, Trung Quốc đang tiên lễ hậu binh với Phi.

Trước khi lên đường đi Bắc Kinh, ông Locsin đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc bắn rơi máy bay Phi trong khu vực Đá Ba Đầu và theo ông, trong trường hợp đó, “Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra hoặc là uy tín của Mỹ sẽ tiêu tan“. Điều này cho thấy, Phi đang dựa vào sự bảo vệ của Mỹ để cứng rắn với Trung Quốc. Quân đội và các nhà ngoại giao Phi giờ đây công khai tố cáo các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, sau nhiều năm không lên tiếng chỉ trích.

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư 31/3 giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và đồng nhiệm Phi Esperon, về diễn biến mới nhất ở Biển Đông, hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục “phối hợp chặt chẽ” và Mỹ tái khẳng định hiệp ước phòng thủ chung giữa hai quốc gia “sẽ được áp dụng” trong trường hợp Phi bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.

Phi hiện trong tình thế khó xử: Hành động kiên quyết chống lại đội tàu Trung Quốc thì có nguy cơ làm bùng nổ xung đột, nhưng nếu không hành động thì có nguy cơ dân Phi phẫn nộ và cụm Sinh Tồn sẽ vào tay Trung Quốc.

Xem ra xung đột vũ trang trên biển giữa Trung Quốc và Phi rất là khó tránh. Mỹ không thể nhất hoá tam (Vành Khăn, Scarborough, cụm Sinh Tồn) nhượng bộ Trung Quốc mãi để không còn ai tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.