Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Khổ thân Lưu Quang Vũ

 

Khổ thân Lưu Quang Vũ

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp/ Báo QĐND

Cách đây 3 năm, nhân 70 năm ngày sinh Lưu Quang Vũ, nhiều người chia sẻ lại bài thơ “Những điều sỉ nhục và căm giận” để phong thánh Lưu Quang Vũ. 

Hàng trăm, hàng ngàn bình luận phong thánh cho Lưu Quang Vũ khi nói rằng Vũ là nhà tư tưởng lớn, nhà tiên tri thời cuộc, dám vạch trần những điều xấu xa bỉ ổi nhất của miền Bắc XHCN. Có người còn xem Lưu Quang Vũ không chỉ là nhà viết kịch vĩ đại mà còn là nhà cách tân thi ca trong cái dàn đồng ca của thi ca ngoài Bắc.

Mới đọc đoạn đầu, tôi đã nhận ra ngay, bài thơ không thể nào mang nội dung tố cáo chế độ XHCN ở miền Bắc. Những câu như: “nhà tù lớn hơn trường học/ một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới/ có những cái đinh để đóng vào ngón tay/ có những người Việt Nam/biết mổ bụng ăn gan người Việt…” chỉ có thể nói về miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bởi những hình ảnh ấy nhan nhản trong sách giáo khoa thời tôi đi học, kể cả trên báo chí và thơ ca tuyên truyền ngoài Bắc.

Để không phải nghi ngờ, tôi lật quyển Di cảo thơ Lưu Quang Vũ ra tra. Thì ra người ta đã cố tình cắt đoạn đầu:

những điều sỉ nhục và căm giận

một dân tộc đã sinh ra

Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống

Hoàng Cao Khải, Nguyễn Văn Thiệu…

Tôi đưa nguyên văn bài thơ ra cho mọi người xem và bình: “Ôi, sao người ta có thể mượn Lưu Quang Vũ với bài thơ này để chống Cộng nhỉ?” Và tôi cũng nói luôn, cả bài thơ không khác dàn đồng ca của thi ca ngoài Bắc. Cứ đọc lại Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… thời đó xem sao? So với các nhà thơ kia, Vũ trút căm thù một cách dễ dãi bằng ngôn từ khẩu hiệu, bài thơ không tứ, chỉ có liệt kê tội ác của giặc bên giới tuyến, hình ảnh toàn cóp nhặt từ báo chí tuyên truyền…

Cuối bài thơ ghi rõ: Di cảo 1972-1975, thời điểm Vũ vừa xuất ngũ làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích cổ động tuyên truyền. Vũ chỉ bức xúc với thời cuộc vào những năm 1980. Các vở kịch trước đó, khi làm biên tập viên cho Tạp chí sân khấu vẫn là tuyên truyền: Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa… Kể cả Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta… cũng chỉ là những trăn trở về xây dựng chủ nghĩa xã hội, về cái nghịch lý giữa con người cá nhân và làm chủ tập thể. Vũ không chống Cộng. Mà chống Cộng với lời thơ như vậy thì chắc gì đã lớn? Miền Bắc XHCN thời ấy làm gì có gái điếm mà bịa ra “nhiều gái điếm nhất thế giới”?

Tôi không đánh giá thấp Lưu Quang Vũ, nhưng cũng không xem ông là Thánh. Khổ thân ông khi cái gì của ông còn lại cũng thành “hạt ngọc”! Nói thật, nếu xét về nghệ thuật, tôi chỉ đánh giá cao Hồn Trương Ba da hàng thịt. Đây mới là tác phẩm để đời…

Chu Mộng Long

———–

Nguyên bài thơ Những điều sỉ nhục và căm giận:

những điều sỉ nhục và căm giận

một dân tộc đã sinh ra

Trần Ích Tắc Lê Chiêu Thống

Hoàng Cao Khải Nguyễn Văn Thiệu…

những điều sỉ nhục và căm giận

một đất nước luôn có kẻ dẫn đường

cho người ngoài kéo đến xâm lăng

cho những cuộc chiến tranh

đẩy con em ra trận

những điều sỉ nhục và căm giận

một xứ sở

nhà tù lớn hơn trường học

một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới

có những cái đinh để đóng vào ngón tay

có những người Việt Nam

biết mổ bụng ăn gan người Việt

một đất nước

đến bây giờ vẫn đói

không có nhà để ở

không đủ áo để mặc

ốm không có thuốc

vẫn còn những người run rẩy xin ăn

nỗi sỉ nhục buốt lòng

khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng

phải làm việc mệt nhoài dưới nắng

khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng

khi người mình yêu

nói vào mặt mình những lời ti tiện

khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch

bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn

khinh mọi người và tự khinh mình

như chính tay ta đã gây ra mọi việc

và tất cả không cách nào cứu vãn

nỗi sỉ nhục ngập tràn trái đất

khi lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh

những nền văn minh chạy theo dục vọng

những guồng máy xấu xa chà đạp con người

đi suốt một ngày

giữa rác rưởi và chết chóc

luôn thấy bị ném bùn lên mặt

nói làm sao được nữa những lời yêu

nghĩ về cha, con sẽ chẳng tự hào

nỗi tủi nhục làm cha nghẹn thở

nỗi tức giận làm mặt cha méo mó

trong hận thù không thể có niềm vui

nhưng không thể sống yên, không thể được nữa rồi

nỗi tủi nhục đen sì mỗi cành cây

nỗi tủi nhục của đứa trẻ chạy trốn

nỗi tục nhục trên mỗi bậc thang lười biếng

trong cốc nước đưa lên môi lạnh ngắt

trên mỗi dòng tin mỗi ống quần là phẳng

mỗi chiếc hôn ướt át thì thầm

mỗi nấm mồ bị vùi dập lãng quên

trên bàn tay đưa ra trên mỗi bức tường

nỗi tủi nhục tội lỗi nỗi tủi nhục kinh hoàng

trên vệt máu bầm đen trên nụ cười thoả mãn

cha chẳng có gì để lại cho con

ngoài một cửa sổ trống trơn

ngoài một tấm lòng tủi nhục và căm giận

ngoài kỷ niệm về những năm tàn khốc

cho một ngày con được sống thương yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.