Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 8)
Minh Phạm
8-4-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7
Sau hiện tượng Donald Trump, niềm tin vào Ngành Tư pháp liên bang Mỹ bị “sứt mẻ” một cách ghê gớm. Kịp đến khi cựu Tổng thống nước Pháp là Nicolas Sarkozy bị Tòa án kết án tù “ngồi”, xem như Bản Hiến pháp Mỹ – theo ý kiến đa chiều – bộc lộ rõ sự yếu kém “không theo kịp thời-đại của nó.
Trước đó, định chế “Tuyển cử đoàn” (Electoral College) áp dụng trong bầu cử chức vụ Tổng thống từng bộc lộ sự bất hợp lý của nó khi mà chính-đảng hoàn toàn khuynh loát tiến trình bầu cử Tổng thống, hơn một trăm năm nay người ta chỉ có thể “bổ sung” những khoảng trống không thể lấp đầy thay vì hủy bỏ hoàn toàn cho dù nó đi ngược lại với mong muốn của những người viết bản Hiến pháp đó.
Tại sao vậy? Có lẽ một phần, định chế Tuyển-cử-đoàn là chiếc phao cứu sinh cho các ứng viên Tổng thống của cả hai đảng đa số, khi ứng viên ấy khả dĩ thua đối thủ ở phiếu phổ thông chăng?
Và trong khi quyền lực của Tổng thống ngày càng “phình to ra”, một hiện tượng đi ngược lại lòng mong muốn của những người viết Hiến pháp Mỹ, thì cội nguồn của quyền lực liên bang ở Điện Capitol ngày càng bị sút giảm vì sự chia rẽ ngay trong nội bộ Quốc Hội vì tính đảng phái. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho Điều khoản Truất quyền bằng thủ tục đặc biệt (thường được biết qua tên gọi “luận tội”, tức Điều II Phần 4 của Hiến pháp), cùng với Điều khoản Hiến-định bổ sung ở Tu chính án thứ 14, hoàn toàn bị vô hiệu hóa.
Và… (lại và) Donald Trump, sau hàng loạt vụ điều tra, kiện cáo, luận tội… vẫn lớn tiếng hô hào, cứ như thể nước Mỹ là “chốn không người” (no-man-land) bằng những “ngôn luận” mà hầu hết là “fake news” từ một đại bản doanh của ông ta ở Florida, mặc cho những vụ điều tra hiện tại có thể khiến cho ông ta “xộ khám”!
***
Cuối tháng 3/2021, một dự luật mang số hiệu H.R. 1405 được Dân biểu Steve Cohen (Dân Chủ, Tennessee) đệ trình ra trước Hạ nghị viện.
Dự luật H.R 1405 chi tiết khoản 3, Tu chính án 14, bằng thủ tục Tố tụng theo thường-luật, thay vì một thủ tục theo Hiến-luật (impeachment) vốn bị lên án là thiếu hiệu quả, để truất phế những viên chức cao cấp liên bang gồm thành viên Quốc Hội liên bang, Tổng thống, Phó Tổng Thống, Thống đốc, thành viên Quốc Hội tiểu bang, Đại cử tri… đặc biệt là tước bỏ danh phận của một CỰU TỔNG THỐNG, nếu những người này bị buộc tội xúi giục khởi loạn.
Tu chính án 14 ra đời sau nội chiến 1865 nhằm trừng phạt tội phạm khởi loạn, gây cảnh “nồi da xáo thịt”; song Quốc Hội liên bang sau đó đã không pháp-điển-hóa (codification, codify) khiến các Điều khoản Hiến định này bị mai một, phần cũng vì loại tội phạm này không còn xảy ra, mãi cho đến thời hành pháp Trump.
Với những sự kiện mới đây gây xáo trộn xã hội Mỹ mà nguyên nhân gián tiếp có liên hệ đến ông Trump như phong trào da trắng cực hữu, phong trào kỳ thị người gốc Châu Á, sự đe dọa an ninh quốc gia, sự tấn công trụ sở Quốc Hội Mỹ… dự luật có thể được xem xét trong khóa Quốc Hội này.
***
Theo dự luật, Tòa án có thẩm quyền xét xử các nhân viên cao cấp liên bang kể trên là tòa án tư pháp thuộc hệ thống tòa án liên bang, tách bạch khỏi sự can thiệp từ Quốc Hội, ngõ hầu tạo ra một phiên tòa “công bằng” (không như phiên tòa Thượng nghị viện hai lần xét xử Donald Trump gần đây); cụ thể, đó là Tòa sơ thẩm liên bang Phân khu Thủ đô, và người giữ quyền công tố là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong phạm vi pháp-điển cho Tu chính án Hiến pháp thứ 14, chế tài cho tội phạm bị kết tội chỉ là bãi miễn chức vụ của đương sự. Hiện chưa rõ người bị kết tội sau đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Điểm đặc biệt của dự luật này là luật có tính cách hồi tố. Nghĩa là nếu trở thành luật, cựu Tổng thống Donald Trump và tất cả những nhân viên liên bang cao cấp, nếu có bằng chứng họ đã dự phần vào vụ khởi loạn ngày 6/1, sẽ bị xét xử bởi dự luật này. Rõ ràng, ý định của nhà lập pháp cho dự luật là nhằm trừng phạt “ông Trump ở hiện tại” và ngăn chặn sự xuất hiện một “ông Trump nào đó” trong tương lai.
Đây là sự kiện mới nhất cho thấy dù sự nghiệp chính trị của Donald Trump đã đi vào dĩ vãng, nhưng hệ lụy “tiêu cực” mà ông ta để lại vẫn có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Mỹ mai hậu.
Dự luật này réo gọi một cái tên, một “oan gia ngõ hẹp” với Donald Trump: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Merrick Galand.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.