Cuộc chiến tranh trong giáo dục
Không chỉ cuộc thi sáng tạo KHKT đang đầy tai tiếng. Hầu hết các cuộc thi trong môi trường giáo dục VN đều có vấn đề, từ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh, thành phố đến cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Chúng bất thường và ngày càng kỳ dị từ khâu “luyện thi” mà ngày nay nhiều giáo viên gọi là “luyện gà”, và không ngần ngại gọi gà của cô A, thầy B, gà của trường XYZ…; đến khâu làm đề, chấm thi, và rất nhiều hậu quả sau khi công bố giải.
Ở đó bộc lộ ra một cuộc chạy đua mù quáng mà khốc liệt và đau khổ. Học sinh, giáo viên bị biến thành công cụ. Giáo dục bị biến thành chiến trường. Và thương trường. Ở đó có cả những ân huệ lẫn trừng phạt và hạ nhục; có cả những sướng vui thở phào vì đã an toàn lẫn những nhục nhã dài lâu, không ít gv và hs đã bị / tự nhận chìm sau khi có kết quả của kỳ thi.
Cả một nền giáo dục đang sống trong tình trạng chiến tranh. Một cuộc chiến thực sự, cuộc chiến trên quy mô quốc gia mà ở đó những đứa trẻ buộc phải trở thành chiến binh và thầy cô của chúng là những kẻ “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Lâu dần người ta quên, cả giáo viên và học sinh từ chỗ bị xua ra chiến trường, đã dần “xung phong đi bộ đội”.
Trước và sau mỗi cuộc thi bạn sẽ nghe thấy thứ diễn ngôn của chiến tranh trong các nhà trường: “Lính của tao, ra quân, đi đánh, thằng ấy chết rồi, suýt nữa thì toi, thất bại, thua trận, thắng lớn…” Rồi tổng kết năm học, người ta sẽ phong các danh hiệu cho giáo viên như chiến sĩ thi đua, chiến sĩ thi đua các cấp, anh hùng lao động, huân chương lao động…
Không chỉ các kỳ thi học sinh giỏi, mọi cuộc thi khác cũng thảm khốc và bi hài không kém, từ thi giáo viên giỏi, thi hội khỏe phù đổng, hội thao quốc phòng, thi robocon, thi thanh lịch, thi báo tường…, đến các loại thi đua.
Có một nền giáo dục lấy thi làm lẽ sống và kết quả thi làm lý do để tồn tại. Đó là một nền giáo dục đau khổ đã hiện diện bằng cách tự ăn mình.
Không thể xóa bỏ hay làm lành mạnh các kỳ thi kiểu này trong GDVN chỉ bằng các mệnh lệnh hành chính, điều ấy vô ích, khi giáo dục chưa có được một mục đích rõ ràng, nhân văn, tiến bộ và chưa có được một hệ thống quản trị thật sự khoa học.
Trước khi các “nhà lãnh đạo” có được những giải pháp căn cơ, thiết nghĩ, việc tạm bỏ chúng ra khỏi môi trường giáo dục là việc làm có ý nghĩa nhất lúc này để ít ra đoàn tàu giáo dục ấy có thể dừng lại được trước mép vực sâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.