Covid: Chính trị gia Đức bị rọi đèn vì các vụ liên quan đến khẩu trang
- Lê Mạnh Hùng
- Gửi tới BBC từ Berlin, Đức
Sáu tháng trước bầu cử Quốc hội, báo chí Đức liên tục rọi đèn các chính trị gia vì các vụ liên quan đến chống dịch và khẩu trang.
Tại quốc gia từng có tiếng là "kỷ luật cao, tổ chức tốt", tình trạng chống dịch và tiêm chủng chậm khiến đài Deutsche Welle của chính phủ phải nói là "hình ảnh Đức là biểu tượng của toàn bộ bộ máy chính trị yếu kém".
Và chuyện kiện cáo nhau từ các vụ việc năm ngoái tiếp thêm "dầu vào lửa".
Ông Walter Kohl - con trai cựu Thủ tướng Đức Helmuth Kohl (đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU) vừa kiện Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, người cũng của đảng CDU ra tòa ở Cologne, vì chưa chịu thanh toán gần 5,5 triệu euro hàng khẩu trang từ tháng 5 năm ngoái.
Mọi thủ tục mua bán giữa Bộ Y tế Đức và các doanh nghiệp diễn ra theo đúng luật định, nhưng theo ông Walter Kohl, không rõ vì sao tới nay Bộ trưởng Y tế Spahn vẫn chưa chỉ đạo thanh toán cho công ty Kohl Consult số tiền trên, với giá 4,5 euro một chiếc khẩu trang.
Báo Đức cũng nhắc đến việc còn nhiều hợp đồng mua khẩu trang khác nữa vẫn chưa được Bộ Y tế thanh toán.
Không chỉ cá nhân Bộ trưởng Y tế Spahn mà cả Liên minh đảng CDU-CSU đang cầm quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel dường như đang oằn mình hứng chịu búa rìu của truyền thông và dư luận từ ngày đầu dịch Covid-19.
Các vấn đề chống dịch, khẩu trangđều đang trở thành chủ đề để báo chí giám sát chính trị gia:
Bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn: gương mặt quen thuộc, luôn tỏ ra vững chãi trong hầu hết các cuộc họp báo của chính phủ về công việc chống Covid, từng được coi có tiềm năng ứng cử chức Thủ tướng Đức.
Từ 12/2020 báo chí quan tâm đến việc đầu tư cá nhân vào lĩnh vực bất động sản của ông Spahn (41 tuổi), và căn biệt thự triệu euro ông mua cùng người chồng đồng tính ở Berlin ngay mùa dịch.
Vì tham gia vào hội đồng quản trị của một nhà băng, có chân trong một số công ty dịch vụ cố vấn, môi giới liên quan đến lĩnh vực y tế công, ông Spahn cũng vấp phải chỉ trích của truyền thông, các chính trị gia khác, kể cả Tổ chức minh bạch quốc tế của Đức (Transparency International Deutschland e.V.)
Trang T-Online ghi nhận số người được thăm dò dư luận có 50% chống và 50% số người hỏi không phản đối việc các chính trị gia kiêm hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen:Người được coi như 'giám đốc' quản lý khủng hoảng Covid-19 của EU.
Vào ngày 16/04/2020 bà đã phải lên tiếng xin lỗi về việc đã để nước Ý 'bơ vơ' trong cơn hoạn nạn, không nhận được sự trợ giúp hữu hiệu của EU trong giai đoạn bùng nổ đại dịch đầu tiên đầu năm 2020.
Nữ chính trị gia như 'em gái' của bà Angela Merkel và từng làm Bộ trưởng Quốc phòng Đức bị phê phán kịch liệt lần nữa trong cuộc chạy đua mua vaccine về cho cả khối EU vào đầu năm 2021.
"Quá muộn, quá nửa vời" là bình luận phê phán của Đài ARD, kênh truyền hình số 1 của Đức hôm 05/02/2021.
Thay vì tính toán chiến lược, chỉ đạo sản xuất vaccine trong EU, thì lãnh đạo EU lại chỉ chú tâm lo việc đàm phán để mua sản phẩm này với giá ưu đãi nhất để rồi không nhận được đủ lượng cung ứng.
Hãng BioNTechs phụ thuộc vào đối tác Pfizer có trụ sở bên Mỹ.
BioNTechs/Pfizer chú trọng vào thị trường Mỹ và ưu tiên cũng cấp vaccine cho nước Mỹ trước hết.
Các cơ sở sản xuất vaccine của Đức tại Marburg, Halle và Frankfurt không thể cứu vãn được uy tín chính trị của bà Ursula von der Leyen, cho dù bà đã lại một lần nữa lên tiếng nhận lỗi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị phê phán.Bà vốn nổi tiếng về phong cách lãnh đạo tỉnh táo, tư duy khoa học, cầm lái nước Đức thành công trong giai đoạn đầu chống dịch, duy trì được những giá trị căn bản của phương Tây, thể chế liên bang của Đức.
Nhưng có vẻ như càng gần thời điểm kết thúc sự nghiệp chính trị của mình vào tháng 09/2021, bà Merkel càng gặp khó khăn nhiều hơn.
Trang "Deutschlandfunkkultur.de" hôm 05/03/2021 thậm chí có bài giật tít "Hỗn loạn Corona và thiếu vaccine. Thể chế liên bang bị coi là một cái cớ rẻ tiền".
'Người bạn tốt của Việt Nam' Mark Hauptmann: Nghị sĩ của Đảng CDU tại Quốc hội Liên bang Đức đã phải từ bỏ mọi chức vụ chính trị vào đầu tháng 03/2021 và tự tuyên bố ra khỏi đảng hôm 26/03/2021 bởi liên quan đến vụ "bê bối khẩu trang".
Ông bị cho là ăn tiền hoa hồng gần 1 triệu euro từ một công ty trả cho thương vụ mua bán khẩu trang trị giá 7,5 triệu euro mà ông có công môi giới, theo phóng sự ngày 25/3/2021 của tờ Der Spiegel.
Cựu nghị sĩ 36 tuổi Mark Hauptmann bị báo chí Đức phanh phui có mối quan hệ khá đặc biệt với Việt Nam ở vị trí người sáng lập và Chủ tịch Hội Nhịp cầu Châu Á (Asienbrücke e.V.)
Tờ báo Đức "inSüdthüringen.de" số ra ngày 18/03/2021 có bài kể chi tiết về mối quan hệ này.
Theo nguồn tin đó thì các quan hệ đó kéo dài từ 3/2018, khi Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho đăng trên tờ báo địa phương "Südthüringen-Kurier" của ông Hauptmann bài báo "Những động lực mới cho quan hệ kinh tế Việt-Đức", với hình quảng cáo Vịnh Hạ Long của Việt Nam.
Đây là thời điểm ngoại giao giữa Đức và Việt Nam đang băng giá, ngay sau vụ mà toà án Đức nói là an ninh Việt Nam đưa người qua Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tháng 07/2017.
Chính phủ Đức đã thỏa thuận với chính quyền tất cả các tiểu bang 'cấm vận ngoại giao' Việt Nam cho tới tháng 11/2018.
Đại sứ Việt Nam không được mời đến nhiều lễ lạt. Bộ Ngoại giao Đức do đảng SPD lãnh đạo đã xóa các thông tin liên lạc của Việt Nam ra khỏi tất cả các danh sách. Thủ hiến Bodo Ramelow của tiểu bang Thüringen cũng đã hoãn chuyến đi dự kiến đến Việt Nam.
Nhưng nghị sĩ Hauptmann thì đi ngược trào lưu đó. Vào tháng 5/2018, đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng được mời đến thăm ông Hauptmann tại khu vực bầu cử Nam Thüringen của ông và hai người cùng nhau đi trượt tuyết, thăm văn phòng thiết kế các dự án quảng cáo gửi tới Phòng Công nghiệp và Thương mại IHK cho các chuyên gia và thực tập sinh từ Việt Nam
Năm 2019 khi cấm vận ngoại giao kết thúc, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Peter Altmaier (CDU) thăm Việt Nam cùng với một đoàn doanh nghiệp, ông Hauptmann đã có mặt trong đoàn tùy tùng.
Năm 2020, ông Hauptmann đã đến thăm đại sứ quán Việt Nam tại Berlin như người bắc cầu nối giữa hai nước.
Tân đại sứ Nguyễn Minh Vũ đăng bài trên "Südthüringen-Kurier" và bài báo sau đó được đưa lên trang web của đại sứ quán với bản dịch tiếng Việt cùng với một bức ảnh chụp chung Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, ông Hauptmann và người phụ trách "Ngôi nhà Đức" ở TPHCM.
Vào tháng 10/2020, ông Hauptmann mời Đại sứ Nguyễn Minh Vũ tới thăm khu vực bầu cử của mình, tham quan một nhà máy sản xuất thịt ở Schmalkalden, nơi tuyển dụng người Việt Nam học việc.
Nay thì ông Hauptmann đã 'rớt đài' và phía Việt Nam không chỉ mất đi 'một người bạn' mà còn bị báo chí nhắm tới vì quan hệ thân hữu với một nhân vật bê bối.
Sẽ còn nhiều chuyện trước bầu cử
Bầu cử Quốc hội Đức vào 26/09/2021đang tới gần. Điều dễ thấy trên truyền thông là những ồn ào về chiến dịch chống Covid kém hiệu quả của chính phủ, những sai lầm của các chính trị gia.
Tính thêm vụ "bê bối khẩu trang" đã khiến ba nghị sĩ của Liên minh CDU-CSU Mark Hauptmann, Georg Nüßlein và Nikolas Löbel phải từ chức, bức tranh toàn cảnh ảm đạm của Liên minh CDU-CSU đã được phản ánh rõ nét qua kết quả thăm dò ý kiến cử tri
Hôm 26/03/2021 thăm dò của đài ZDF nói nếu bầu cử Quốc hội diễn ra ngay bấy giờ thì chỉ còn có 28% số người được hỏi ý kiến ủng hộ cho liên minh CDU-CSU, tụt xuống từ 39% vào thời điểm thành tích chống Covid của chính phủ được khen ngợi vào tháng 07/2020.
Từ này tới cuộc bầu cử Quốc hội Đức còn gần sáu tháng, chính trường Đức chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi quan trọng.
Xét cho cùng, báo chí truyền thông Đức vẫn cứ làm đúng chức năng của mình, soi rọi vào mọi hoạt động của cả xã hội, không để chừa một vùng cấm nào.
Bài thể hiện quan điểm của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, hiện sống ở Berlin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.