Bộ tranh “History” của họa sĩ Lê Hào: Khích lệ người xem ngược dòng lịch sử
- Đinh Thương
- Viết từ Sài Gòn
Là nghệ sĩ đương đại Việt Nam, những tác phẩm từ tranh giá vẽ, sắp đặt đến video art của Lê Hào cho thấy khả năng biến hiện thực cuộc sống thành chất liệu thiết kế tác phẩm trong tinh thần giễu nhại mang tính cá nhân nhưng thuyết phục và lôi cuốn người xem.
Bộ tranh "History" thuộc tinh thần đó, với ý gởi mở người xem ngược dòng lịch sử nhằm truy tìm sự thật.
Tháng 4/2020, Lê Hào thuộc một trong 6 nghệ sĩ đến từ Đức/Hong Kong, Hungary, Việt Nam và Nhật Bản có tác phẩm sắp đặt mang tên "My temple" (Ngôi đền) trưng bày trong triển lãm "Reflection" tại Art Space MoritakaYa (Iwaki, Fukushima, Nhật Bản). Thoạt đầu, ta thấy đây giống như một căn phòng ngủ, hay nói như nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi, "một phòng ngủ trong lăng tẩm vĩnh cửu". "Ngôi đền" của Lê Hào là gợi tưởng về dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận và sự tác động của nó đến đời sống, nền văn hóa Chăm bản địa, nơi hình tượng tháp Chăm và đền thờ Chăm được chọn làm biểu tượng. Dưới một tác phẩm nghệ thuật, "My temple" giúp chúng ta phản chiếu, ngẫm ngợi và tự vấn về điện hạt nhân - một trong những bi kịch lớn của thời đại. Hơn thế nữa, tác phẩm sắp đặt này còn khái quát được bản chất của sự sống con người trong sự truy vấn và gợi ý.
Nhiều người biết đến Lê Hào như một nghệ sĩ đương đại với các tác phẩm sắp đặt như "My temple" hay video art, nhưng anh xuất thân là họa sĩ tranh giá vẽ với hơn 8 năm sinh viên khoa sơn dầu (trung cấp và cử nhân) của Đại học Mỹ thuật Tp.HCM. Với tranh giá vẽ, anh theo đuổi dòng tranh sáng tác theo chủ đề.
Họa sĩ chia sẻ: "Tôi muốn các tác phẩm của mình tự kể câu chuyện của chính nó. Câu chuyện ấy phải có sự giễu nhại ngầm bên trong như bản chất tất yếu của sự việc dù chúng cũng có vẻ nghiêm túc."
Như vậy, tinh thần truy vấn, gợi ý và giễu nhại là đặc trưng riêng trong phong cách sáng tác của Lê Hào. Tinh thần ấy đã được biểu hiện một cách sâu sắc thông qua bộ tranh "History" (Lịch sử) bao gồm 34 tác phẩm mà anh dành hơn 6 năm để nghiên cứu và sáng tác.
Khích lệ người xem ngược dòng lịch sử
Lê Hào sinh năm 1980, tuổi 28, anh từng dùng nghệ thuật trình diễn và phương tiện video art để khảo sát mối quan hệ giữa mình và cha (sống ở miền Nam trước năm 1975) ở Quỹ Đan Mạch, Hà Nội. Sự thật lịch sử của một giai đoạn phức tạp ẩn hiện trong hàng loạt biến cố của một gia đình nhỏ.
Sinh ra ở miền Nam 5 năm sau khi nước Việt Nam thống nhất, chứng kiến nhiều cảnh đời hậu bao cấp đành chấp nhận kiếp tha hương, Lê Hào luôn ám ảnh trong việc truy tìm nguồn gốc lịch sử.
Nói về series "History", Lê Hào chia sẻ: "Dường như nhiều người trong chúng ta, qua các thế hệ, đã tình cờ nhìn thấy, cố tâm ngắm nghía, hoặc vô tình đọc thoáng qua đâu đó. Trong quá khứ, tôi cũng từng tiếp cận với những sử liệu trên với thái độ, tâm trạng gần giống như vậy. Nhưng hơn 6 năm gần đây, tôi đã chắt lọc để đưa chúng đến với giá vẽ, có thể gọi là tranh, hoặc chỉ là tái tạo - làm mới những hình ảnh gắn bó với sử liệu, tư liệu báo chí thời chiến tranh Việt Nam."
Với một cách nhìn, một quan điểm có tính chất quyến dụ, Lê Hào khích lệ người xem ngược dòng lịch sử. Đặc biệt với những ai sinh sau cuộc chiến, chúng ta đều có quyền và nên hoài ghi tất cả, chứ không thể lệ thuộc, tin tưởng một chiều vào sách vở phi hư cấu và hư cấu. Khi tiếp cận nhiều nguồn thông tin và tư liệu đa chiều, tập nhìn với tâm thế đa diện, khách quan, có độ lùi với sự kiện, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá thêm về các sự thật, các câu chuyện đích thực của chiến tranh Việt Nam là gì.
Thật vậy, với những thế hệ của Lê Hào thì không nói, nhưng thế hệ 9x trở về sau, khi Việt Nam đã thống nhất hai miền, không còn nhiều người nói về hòa bình hay chiến tranh, thì họ dễ dàng bỏ quên sự thật lịch sử, thậm chí xem lịch sử là lĩnh vực/môn học khô khan và thuộc về dĩ vãng không nhất thiết đào bới. Người ta chỉ đơn thuần hướng đến việc làm giàu, nhưng lại thật sự thờ ơ với nơi mình sống ra sao và sự thật của chiến tranh như thế nào.
Không ít người lo ngại giáo dục lịch sử tại Việt Nam đang biến thế hệ Z và Millenial thành những con vẹt chứ không giúp họ phát triển khả năng tư duy hay bảo vệ chính kiến. Chính cách thức dạy học mang tính công thức khiến thế hệ trẻ bị mê hoặc trong lòng tự hào tự tôn dân tộc nhưng lại thực sự không hiểu tự do là gì. Nếu các phong trào như mùa xuân Ả Rập, biểu tình phản đối sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh tại Hong Kong, biểu tình Myanmar 2021,… có điểm chung là do những người trẻ lãnh đạo và là hương vị mới thì ở Việt Nam, người ta không thấy những tinh thần như thế, đặc biệt là ở người trẻ.
Không thể để văn minh và tự do chỉ còn là ký ức
34 tác phẩm trong series "History" bao gồm những câu chuyện được gia đình Lê Hào kể lại, sau khi di dân vào Nam phần, lúc đất nước chia đôi Nam - Bắc; có những hiện vật và hình ảnh cụ thể từ các cuộc di chuyển đó, anh lần mò và được tiếp cận tường tận hơn về Cuộc di cư 1954 (Operation Passage to Freedom: Chiến dịch con đường đến tự do) của gần một triệu người Việt từ Bắc Việt Nam - hành trình đến nơi thịnh vượng hơn, đến với Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng đồng thời đến với đỉnh điểm của cuộc nội chiến toàn Việt Nam. Khi chiến tranh khép lại thì những hình ảnh và giá trị cũ chỉ còn trong quá khứ, trong lịch sử mập mờ và luôn thay đổi, nên có thể một nền văn minh, một xã hội đa văn hóa ấy chỉ còn trong ký ức nhiều thế hệ sống sau này.
Không là nhà ghi chép sử thi, học giả, nhà nghiên cứu… nhằm tái tạo, bổ túc hoặc chỉnh sửa lại lịch sử, Lê Hào chỉ tạm mượn giá vẽ để gìn giữ cho chính mình đôi phần cảm nhận về một nền văn hóa, địa lý một thành phố, một quốc gia từng tồn tại. Nên hầu như, anh chỉ vẽ những hình ảnh thuộc miền Nam trong giai đoạn nội chiến, vì anh sinh ra và lớn lên với phần ảnh hưởng từ nền văn hóa được cho là tàn dư ấy.
Chính vì vậy, những bức tranh anh vẽ như kể chuyện bằng màu sắc, với tạo hình thật gần gũi bức ảnh gốc, để không đánh mất sự hiện hữu của bức ảnh đó, nhằm tạo sự liên tưởng khái quát về đời sống con người, xã hội trong thời kỳ chiến tranh, những trận đánh, những chiến dịch… Thậm chí, những cuộc thảm sát, những ngụy biện từ hình ảnh báo chí thời bấy giờ và có thể là sinh hoạt của quân nhân trong vùng quân sự, đến sự di cư lần thứ hai. Mượn sự va chạm có yếu tố lịch sử, khi lồng ghép vị trí hoán đổi hình ảnh thật thành một giá trị riêng tư, một giá trị trái chiều, anh muốn làm nhẹ sự mất mát, nên pha trộn các yếu tố vui tươi, các biểu hình có tính suy ngẫm.
Họa sĩ thẳng thắn: "Tôi không thách thức đúng sai, mà chỉ dựa vào hình ảnh tư liệu trên truyền thông ngày nay để khảo sát, để kể chuyện, và đôi phần, để truy xét một phần lịch sử."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.