Bản tin ngày 20-4-2021
BTV Tiếng Dân
Hôm nay, một số báo “lề phải” bắt đầu “soi” vụ cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa ở tỉnh Gia Lai, vào những ngày đầu tháng 4, lúc ông còn ngồi ghế Thủ tướng trong những ngày cuối. Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Vì sao phê duyệt đầu tư dự án sân golf Đak Đoa? Người trực tiếp ký duyệt làm dự án sân golf là Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhưng hồ sơ dự án trước đó đã được trình Thủ tướng xem xét.
Tin cho biết, sân golf Đak Đoa ở tỉnh Gia Lai do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, với quy mô 174,01ha, trong đó “chuyển mục đích sử dụng trên 155,9ha rừng sản xuất sang mục đích khác” để phá rừng, làm dự án. Nhưng các bộ, ngành có liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đều khẳng định, đã “nghiên cứu”, “thẩm định” kỹ lưỡng, trước khi ủng hộ dự án.
VTC có bài: Báo Chính phủ lên tiếng dự án sân golf FLC ở Gia Lai được phê duyệt. Công luận đã có ý kiến hoài nghi vụ ông Phúc đứng sau phê duyệt dự án phá rừng làm sân golf khi ông ở cuối nhiệm kỳ Thủ tướng “kiến tạo”. Nhằm trấn an công luận, báo Chính Phủ lên tiếng khẳng định, dự án không phá rừng, nhấn mạnh thông tin ông Trịnh Đình Dũng mới là người trực tiếp ký duyệt.
Bài báo của VTC lưu ý, cuối năm 2020, khi một số tờ báo “lề phải” phản ánh ý kiến do các chuyên gia cảnh báo, dự án sân golf Đak Đoa ở Gia Lai sẽ phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông ba lá, khiến thảm thực vật tại đây có “nguy cơ” biến mất, sẽ ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, không như mấy lời trấn an từ phía Chính phủ.
Trang Save Tam Đảo có bài: Có thật là không có chuyện phá rừng? Bài có đoạn: “Trong bài báo nói khá chi tiết về quy trình trước khi ký chuyển giao 156 ha rừng thông cho FLC làm dự án. Tuy nhiên trước khi máy móc vào xới ủi thì mọi thứ đều rất đúng, rất hoành tráng và rất thuần khiết, đó là khi chúng ta chưa nhìn lại các đại dự án Vinashin, Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hay gần hơn nữa là VQG Phú Quốc, Bà Nà, Tam Đảo đang tanh bành“.
BBC đặt câu hỏi: Cựu TT Nguyễn Xuân Phúc không liên quan việc xây sân golf ở Đak Đoa? Dù một số tờ báo “lề phải” đã tìm cách đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang người trực tiếp ký duyệt là ông Trịnh Đình Dũng, BBC lưu ý: “Việc cho phép FLC làm sân golf ở rừng thông Đak Đoa là chủ trương của Chính phủ. Ông Phúc, khi đang làm thủ tướng, đã đồng ý chủ trương này”.
Trang Save Tam Đảo bình luận: “Với bản đồ quy hoạch như công bố của FLC thì tuyệt nhiên đây không phải là du lịch sinh thái. Không có nơi đâu du lịch sinh thái lại nhân tạo toàn bộ một cánh rừng để biến nó thành sân golf, biệt thự cả”. Còn nhà hoạt động môi trường Jang Kều lưu ý, ở VN hiện có 75 sân golf thì riêng FLC đã sở hữu 30 sân.
RFA có bài: Ý kiến trái chiều về tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Nhà hoạt động Võ Văn Tạo khẳng định, cậu cả nhà Ba Dũng hoàn toàn không phải là người tài giỏi, có trình độ, đạo đức tốt như truyền thông nhà nước bơm thổi. Ông Tạo bình luận:
“Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Nghị làm Bộ trưởng Bộ xây dựng nói chung là không tốt cho đất nước, cho xã hội Việt Nam hiện nay vì xét về khả năng, đạo đức, đối chiếu trên cả cái truyền thống nhà ông tức là ông Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng thì thất thoát tài sản nhà nước rất nhiều”.
Mời đọc thêm: Xung quanh việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai (VnEconomy). – Chuyển mục đích sử dụng 156ha đất rừng để FLC làm sân golf ở Gia Lai: ‘Không có chuyện phá rừng’ (VNF). Mời đọc lại: Gia Lai sắp có sân golf hơn 1.140 tỷ đồng (VNE). – Chuyển mục đích gần 156ha rừng thông cổ thụ để làm sân golf Đak Đoa (TT).
Vụ án Gang thép Thái Nguyên
Chiều nay, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án vụ vi phạm tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO): Nguyên Tổng Giám đốc TISCO bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù. Nhận định của HĐXX đúng như cáo trạng buộc tội của VKS, cho rằng các lãnh đạo TISCO, VNS phải chịu trách nhiệm chính trong vụ sai phạm dự án gang thép Thái Nguyên, như thể họ có khả năng qua mặt cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để tự thỏa thuận với nhà thầu TQ.
Các mức án nặng nhất gồm: Án 9 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng GĐ TISCO; án 8 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT TISCO và 6 năm tù đối với bị cáo Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT VNS. Các bản án có dấu hiệu “giơ cao đánh khẽ”, vì bị cáo Mừng từng bị đề nghị án 10 – 11 năm tù.
Diễn biến mới vụ Gang thép Thái Nguyên: Kiến nghị khởi tố một số cán bộ thuộc VINAINCON, theo báo Tiền Phong. Dù chỉ là nhà thầu phụ của vụ án, nhưng Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp VN (VINAINCON) có nguy cơ bị điều tra bởi sự hiện diện của doanh nghiệp này trong dự án gang thép Thái Nguyên. Còn nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim TQ, thì hệ thống tư pháp/ hệ thống công quyền VN không dám đụng tới, nên đành lôi nhà thầu phụ ra điều tra.
Mời đọc thêm: Tuyên án 19 bị cáo trong vụ án tại TISCO gây thiệt hại 830 tỷ đồng(HNM). – Vụ Gang thép Thái Nguyên thiệt hại 830 tỉ đồng: Phạt kẻ chủ mưu 9,5 năm tù, bồi thường 130 tỉ đồng (NLĐ). – Xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên: Kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương (Tin Tức). – Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Cựu lãnh đạo xin lỗi nhân viên ngành thép(GDTĐ).
Tin nhân quyền
Diễn biến mới sau vụ bắt giữ nhà báo Trương Châu Hữu Danh: Ba nhà báo độc lập bị khởi tố và bắt giam, RFA đưa tin. Chiều nay, 3 nhà báo độc lập là các ông Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo, đều là đồng đội của ông Hữu Danh trong nhóm Báo Sạch, đã bị công an TP Cần Thơ khởi tố và bắt giam.
Tin cho biết, các nhà báo Thanh Nhã, Kiên Giang, Trung Bảo bị bắt và khám nhà do liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền/lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại TP Cần Thơ, nhắm vào nhà báo Hữu Danh và một số người liên quan.
Phía công an vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về lý do bắt giữ 4 nhân vật cốt cán của Báo Sạch, nhưng có thông tin cho rằng, một trong những nguyên nhân là, nhóm này nhắm vào hàng loạt sai phạm tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải. Một trong các lãnh đạo cấp cao dính đến vụ sai phạm này là Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Sau Đại hội 13, ông Bình được vào Bộ Chính Trị, nên khả năng ông ta bắt đầu tính sổ với những nhà báo này.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, các nhà báo này bị bắt là vì họ dám cả gan thành lập tờ Báo Sạch, chẳng khác nào nói rằng tất cả các tờ báo quốc doanh là đều là rác rưởi. Báo Sạch đã tiết lộ nhiều vụ việc liên quan đến các nhân cao cấp, ngoài nhân vật Nguyễn Hòa Bình, các nhà báo này còn đụng tới “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường và nhiều nhân vật khác…
Sau đại hội 13, chẳng những Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính Trị, mà Bùi Văn Cường còn được ra Trung ương, nhảy lên chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nên các nhà báo này bị lôi ra “tính sổ”, kể ra cũng không có gì lạ.
Sau khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt, trang Facebook Báo Sạch đã biến mất, nhưng kênh Youtube Báo Sạch vẫn còn. Hầu hết các video trên kênh này đều không còn, hiện chỉ còn một video ngày 24/8/2020 còn sót lại: Vụ án Hồ Duy Hải – những bút lục bị rút bỏ.
BBC đưa tin: Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư sắp hầu tòa. Bà Đỗ Thị Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết, LS bào chữa vừa đi thăm bà Thêu và ông Tư trong trại giam tỉnh Hòa Bình. Bà Thu kể: “Mẹ tôi và Tư vẫn khỏe mạnh. Tinh thần vững vàng, chuẩn bị cho phiên tòa hôm 5/5 sắp tới”.
Bà Thu kể thêm: “Trước đây có thời gian Trịnh Bá Tư từng tuyệt thực 20 ngày để phản đối trại giam ngược đãi Tư và các tù nhân khác. Nay khi luật sư vào thăm thì tình hình đã được cải thiện. Thời gian Tư tuyệt thực, mẹ tôi có hay tin. Mẹ kể lại là khi đó đã nhỏ xuống hai giọt nước mắt mà mẹ nói ‘như giọt máu’. Mẹ đã rất lo lắng. Nhưng nay tinh thần mẹ tốt lên rất nhiều”.
Bài thứ nhất trong loạt bài trên RFA về phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 1): Bóng ma FULRO và niềm tin tôn giáo. Bài báo đề cập đến tổ chức FULRO, là Mặt trận Thống nhất Đấu Tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, gồm dân tộc Ê Đê, Gia Rai và Khmer Krom, ra đời vào năm 1961, đòi quyền tự trị. Khi tiến vào miền Nam, CS Bắc Việt đã thực hiện các cuộc thanh trừng khốc liệt, nhắm vào các nhóm vũ trang ở Tây Nguyên. Nhưng trải qua hơn 45 năm, FULRO vẫn còn là nỗi ám ảnh với chế độ đảng trị.
Một cựu thành viên FULRO đang sống ở Mỹ cho biết: “Vì người Thượng đã từng chiến đấu sát cánh với quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống Cộng sản miền Bắc cho nên đây là một cơ hội rất tốt và quan trọng cho họ (ĐCSVN) để trả thù. Nên họ tìm bất cứ cách nào để có lý do tiêu diệt đồng bào Thượng. Họ quy trách nhiệm, chụp mũ rằng đồng bào Thượng là FULRO muốn lật đổ chính phủ. Mà thực ra không có gì hết”.
Luật Khoa có bài: Sống ở Việt Nam muốn biết chuyện Việt Nam? Thử đọc báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ. Báo cáo dài hơn 40 trang của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền VN, cho thấy, chế độ đảng trị tiếp tục có các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhất là các vụ tùy tiện bắt giam người với thời gian lâu hơn quy định, tra tấn và bức cung, ép cung trong quá trình tạm giam. Các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến với đầy sai phạm tố tụng vẫn ngang nhiên diễn ra.
Mời đọc thêm: Tô Lâm gấp rút chỉ đạo: “phản bác các luận điệu sai trái về bầu cử”!— Việt Nam tiếp tục xếp cuối bảng về Chỉ số Tự Do Báo chí Thế giới (RFA). – Cần Thơ: Bắt thêm 3 đối tượng liên quan vụ án Trương Châu Hữu Danh (NLĐ). – Vụ án Trương Châu Hữu Danh: Bắt thêm Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo (TN). – CSVN sắp đưa mẹ con bà Cấn Thị Thêu ra tòa sơ thẩm (NV).
Cập nhật tình hình Miến Điện
Diễn biến mới vụ đảo chính Miến Điện: Liên Âu ban hành thêm lệnh trừng phạt, RFI đưa tin. Liên minh châu Âu (EU) vừa bổ sung vào danh sách đen 10 nhân vật có liên quan đến chế độ quân phiệt Miến Điện và 2 doanh nghiệp là nguồn cung tài chính cho quân đội, vì có liên quan đến các vụ đàn áp biểu tình phản đối đảo chính. Hai công ty mới bị trừng phạt là Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC).
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, cổ vũ các thành viên LHQ “có những biện pháp tức thời, mang tính quyết định và hiệu quả” để buộc các tướng lĩnh Miến Điện chấm dứt đàn áp người dân. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi ASEAN hãy nhân dịp hội nghị thượng đỉnh tại Indonesia vào thứ Bảy tuần này “có những hành động phối hợp tức khắc” nhằm tìm ra lối thoát cho Miến Điện.
VTC đưa tin: Nhà báo Nhật Bản ở Myanmar bị cầm tù. Đại sứ quán Nhật Bản tại Miến Điện xác nhận, nhà báo tự do Yuki Kitazumi, từng làm việc tại cho báo Nikkei, đã bị lực lượng an ninh Miến Điện bắt giữ ở TP Yangon. Ông Kitazumi bị lực lượng an ninh Miến bắt giữ ngày 18/4 vì cáo buộc lan truyền tin giả, sau một thời gian đưa tin về tình hình đàn áp biểu tình.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo, đại sứ quán nước này đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ bắt giữ. Ông Suga nói: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo vệ công dân Nhật Bản tại Myanmar”. Còn ông Katsunobu Kato, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, khẳng định, đang kêu gọi chính quyền quân phiệt thả nhà báo Nhật càng sớm càng tốt.
Mời đọc thêm: Tổng Thư ký LHQ nêu bật vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Myanmar (Tin Tức). – EU công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar(ANTĐ). – EU tiếp tục siết chặt nguồn tài chính của quân đội Myanmar (DNVN). – Myanmar từ chối đề nghị tới thăm của cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (GT). – Tình hình Myanmar: Một nhà báo Nhật Bản bị đưa vào tù, Thủ tướng Suga lên tiếng(TG&VN). – Nhật Bản yêu cầu Myanmar nhanh chóng thả nhà báo bị bắt (TĐ).
***
Thêm một số tin: Câu chuyện cải lương, câu chuyện Việt Nam Cộng hòa (LK). – Có hay không việc đảng viên, công chức tham gia hoạt động mê tín dị đoan? (VOV). – Đường sắt đang tụt hậu (VNE). – Xôn xao tượng nữ thần tự do phiên bản ‘đột biến’: Sa Pa lập đoàn kiểm tra (VTC). – 1 cơn dông, 16 trụ điện đổ gục, Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định trồng đúng kỹ thuật (TT). – Chỉ số tia cực tím từ Bắc đến Nam đa số ở mức gây hại rất cao (Tin Tức). – Tương lai nào cho Cuba sau 62 năm dưới chế độ Castro? — Để “răn đe” Ấn Độ, Trung Quốc triển khai tên lửa tầm xa ở vùng tranh chấp biên giới(RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.