Đại biểu Quốc Hội nịnh, chỉ là chuyện nhỏ!
Gió Bấc
31-3-2021
Dư luận vừa qua dậy sóng dè bỉu phát biểu nịnh nọt của đại biểu Quốc Hội Nguyễn Anh Trí ‘Cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang‘. Thật là oan, ông Trí đâu phải cán bộ đầu tiên nịnh chân thành, lộ liễu. Vấn đề là tại sao người ta thích nịnh? Hãy nhìn số phận của người nịnh và những người không biết nịnh và thử nghĩ ai là ông tổ nịnh!
Sáng 29.3, trong phiên họp Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư (Hà Nội) đã long trọng bày tỏ sự cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc.
Nịnh không chút liêm sỉ
Nhiệm kỳ vừa qua, đất nước đang chìm trong những thảm họa của nhân tai: Trung Cộng vây lấn biển Đông, Việt Nam phải ba lần hủy hợp đồng khai thác dầu khí với đối tác nước ngoài, thảm họa do chất thải Formosa giết chết vùng biển 5 tỉnh miền trung, nhiệt điện Vĩnh Tân phủ bụi cả vùng ven biển Bình Thuận Ninh Thuận, ô nhiễm không khí Hà Nội và TP. HCM lên trên mức báo động, mưa lũ nhấn chìm các tỉnh Bình Trị Thiên, Đồng Bằng sông Cửu Long chết khát trong hạn mặn… những oan án, cướp đất ở Đồng Tâm, Văn Giang, …
Thế nhưng trong mắt ông Trí, nhiệm kỳ qua, việc làm của nhiều bộ, ban, ngành đã làm cho nhân dân cảm kích: Một Bộ Nông nghiệp “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Một Bộ Y tế kiên cường chống dịch. Một Bộ LĐ-TB-XH luôn quan tâm đến đời sống an sinh của nhân dân. Bộ Công an kiên quyết, khôn khéo bảo vệ sự bình an cho đất nước. Bộ Quốc phòng đã làm hết sức mình để đất nước hòa bình.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương đã mở ra được những đại lý khai thông cho Việt Nam hội nhập hiệu quả. Bộ Tài nguyên – Môi trường trăn trở, lăn lộn với môi trường, với rừng núi. Bộ VH-TT-DL với sự tiến bộ vượt bậc về thể thao, về bóng đá, sự thăng hạng liên tục của du lịch Việt Nam… (1)
Miệng quan trôn trẻ, không riêng ông Trí mà cả hệ thống chính trị của đảng đã cùng lên đồng mê sảng tâng bốc nhau mà đặc biệt là tâng bốc lãnh tụ lên tận mây xanh.
Phát biểu nịnh nọt của ông Trí không chỉ được truyền tải trên báo Thanh Niên mà còn được trích dẫn trên hầu hết 700 tờ báo lề phải và đã được dàn dựng, chuẩn bị từ một kịch bản liên hoàn trước đó.
Nịnh theo kịch bản nhiều tập
Trước đó, ngày 3-3 báo Thanh Niên cũng đưa tin: “Nhân dân vỡ òa cảm xúc khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước tái đắc cử” khi tường thuật màn kịch các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Diễn viên cử tri Đặng Thị Mai Hòa, P.Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình, bày tỏ ”Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, qua đó cho thấy niềm tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào sự phát triển của đất nước….” (2)
Ở Việt Nam, nịnh là hành vi phổ biến đến mức được nâng lên thành học thuật tới cấp luận văn Tiến sĩ và được khuyến khích phát triển thành sách “Hành vi nịnh trong tiếng Việt là luận án khá hay, có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, tôi đang khuyến khích tác giả công bố nghiên cứu thành sách“, Viện trưởng Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp nói (3)
Để mị dân, Bộ Nội Vụ Việt Nam từng có đề nghị cần ra quy định cấm cán bộ viên chức có hành vi nịnh. Nhưng đó chỉ là đề nghị cho vui chứ đến nay chưa bao giờ việc cấm này được luật hóa hoặc nếu có cấm cũng chỉ để cho vui chứ không bao giờ được thực thi.
Vì sao như vậy? Hãy nhìn lại số phận của những người nịnh và không nịnh trong Quốc Hội khóa vừa qua, sẽ thấy ngay. Những đại biểu mạnh ăn mạnh nói như Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc, H Brao …kỳ này đã không có cơ cấu tái ứng cử. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì được cơ cấu vào loại tự ứng cử.
Ngược lại một trường hợp khác lẽ ra phải là củi cho vào lò nhưng được thăng tiến lọt vào nhà đỏ làm Ủy viên BCH TƯ và được giời thiệu ứng cử vào Quốc Hội khóa mới. Đó là Nguyễn Hồng Diên, nguyên Bí Thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong suốt thời kỳ trùm giang hồ Đường Nhuệ tác yêu tác quái ở tỉnh này. Thành tích nịnh của Nguyễn Hồng Diên cũng được báo chí lề phải đồng loạt đưa tin tuyên truyền dự báo và hỗ trợ cho Nguyễn Phú Trọng tái cử tại đại hội 13 của đảng.
Được ân thưởng, thăng tiến
Tại hội nghị báo cáo viên TƯ thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành TƯ, về phương hướng công tác nhân sự khoá 13, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Hồng Diên đã mớm mồi:
“Trong khóa 12 này, một số đồng chí được xem là trường hợp đặc biệt được Ban chấp hành TƯ khóa 11 giới thiệu tại Đại hội 12 đã quyết định thì thấy hầu hết các đồng chí thể hiện rất xuất sắc trong công việc.
Đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc. Đồng chí là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành TƯ để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên chúng ta đã gặt hái được những thành quả như vậy”. (4)
Trong thời điểm ấy, TƯ chỉ bàn về cơ cấu nhân sự chung chung, phải qua ba hội nghị nữa mới bàn đến tiêu chuẩn, cơ cấu Bộ Chính Trị và tứ trụ, phát biểu của Diên rõ ràng là cầm đèn chạy trước ô tô, trái với quy định bí mật của đảng, ấy thế mà Diên không bị kỷ luật ngược lại được cơ cấu vào BCH và ngày 11-3, Ban Tuyên giáo T.Ư giới thiệu danh sách nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 gồm 2 ông: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư. (5)
Nịnh được lợi như thế ai không thích nịnh. Làm sao có thể cấm nịnh khi những người lãnh đạo tối cao thích nịnh và cần được nịnh.
Ai là ông tổ nịnh?
Những tên gian nịnh như Nguyễn Anh Trí, Nguyễn Hồng Diên đáng trách, đáng khinh một, thì những kẻ thích nịnh, hậu đãi, ban thưởng cho nịnh thần như Nguyễn Phú Trọng đáng khinh, đáng trách đến mười lần.
Nhưng Nguyễn Phu Trọng cũng không phải là kẻ đầu tiên thích nịnh, thích giả vờ khiêm tốn. Người khởi đầu công cuộc này chính là “vị cha già kính yêu của dân tộc”. Ngay khi còn sống, vị này đã để cho văn nghệ sĩ suy tôn mình như thánh. Đặc biệt, cao cơ hơn, lố bịch hơn, vị cha này còn giả danh Trần Dân Tiên viết sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” tự khoe, tự nịnh chính mình.
Nịnh bản thân chưa đủ, vị cha còn đào tạo một lớp, một thế hệ những văn nghệ sĩ, những lãnh tụ nịnh. Không chỉ nịnh lãnh tụ cộng sản Việt Nam mà còn nịnh cả những lãnh tụ cộng sản, những tên độc tài, những đồ tể tàn sát hàng triệu người Mao Trạch Đông, Stalin.
Tố Hữu từng viết:
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”
Tiếp theo Tố Hữu là nhiều thế hệ bồi bút.
Chế Lan Viên viết: “Bác Mao nào ở đâu xa. Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”.
Tế Hanh viết: “Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng/ Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao”.
Phạm Tuyên, người con quên mối thù giết cha, hăng hái viết “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được hưởng bao đặc quyền đặc lợi, ân thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh. Văn Cao, tác giả Quốc Ca bị vùi dập xóa nhòa tên tuổi hàng chục năm trời, sau 1975 lại tiếp tục bị vùi dập vì lời bạch chân thành trong bài Mùa Xuân đầu tiên “… Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người ….”
Trong chế độ cộng sản, những diễn viên sắm vai đại biểu Quốc hội không nịnh thì mới là chuyện lạ!
_____
3- https://vnexpress.net/tac-gia-luan-an-ninh-trong-tieng-viet-duoc-khuyen-khich-viet-sach-3391487.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.