Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người gây sóng gió chính trường trước đại hội XIII (Phần 1)

 

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người gây sóng gió chính trường trước đại hội XIII (Phần 1)

Thu Hà

15-11-2020

Ngay sau khi Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Nguyễn Văn Bình nhận kỷ luật cảnh cáo, chính thức giã từ sân chơi đại hội XIII, thì một cái tên khác cũng “hot” không kém, được các trang mạng xã hội xướng lên với nhiều đồn đoán: Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Nhưng Nguyễn Thị Thanh Nhàn là ai? Nhàn sinh năm 1969, quê Thuân Thành, Bắc Ninh. Nhàn là con ông Nguyễn Văn Mỹ và bà Nguyễn Thị Hy. Xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, Nhàn quyết tâm phải làm giàu bằng mọi giá, trong đó có quyết định bỏ tấm bằng sư phạm, học để lấy văn bằng thương mại.

Sau khi ra trường, Nhàn làm đủ thứ việc. Đến cuối năm 1999, Nhàn dừng chân tại một đơn vị nhà nước, trở thành người của ngành giao thông vận tải. Nhà được đề bạt là cán bộ phụ trách công việc kinh doanh xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Trung tâm Xây dựng và Thương mại (Traenco) trực thuộc bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong một sự kiện năm 2004. Ảnh trên mạng

Nhàn dẻo miệng, ăn nói lưu loát và có tài mê hoặc đối phương rất nhanh, cộng thêm ngoại hình chỉnh sửa, trở thành vũ khí lợi hại giúp nàng thành danh, “vua biết mặt, chúa biết tên” sau này.

Tháng 9/2002, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng khoá IX, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Bà Ngân là người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, và là người phụ nữ độc nhất nắm quyền điều hành cao nhất tỉnh Hải Dương từ trước đến nay.

Công ty Traenco lúc đó có chi nhánh tại Hải Dương để “cò mồi” xuất khẩu lao động người Hải Dương và vùng phụ cận sang nước ngoài làm thuê. Luồn lách, láu cá và cơ hội, Nhàn nhanh chóng tiếp cận được bà Bí thư tỉnh uỷ. Phụ nữ miền Nam vốn chân thành và cả tin, họ kết nghĩa chị em từ đó.

Traenco ngày ấy gần như độc quyền về xuất khẩu lao động trên cả nước. Thị trường lao động phổ thông các nước từ Đài Loan, Hàn Quốc, châu Phi, Trung Đông như UAE, Ả Rập Saudi, Libi, Iran, Iraq, Oman, Bahrain… là rất lớn. Đơn vị đưa người đi lao động cứ thế mà đếm tiền, họ cướp hàng trăm triệu đồng trên đầu người tham gia, từ khâu thủ tục giấy tờ hợp đồng, đến cả cắt xén lương của công nhân trên đất khách quê người. Trong khi đó lại vô trách nhiệm, phủi tay khi người đi xuất khẩu có tai nạn lao động, bị bạo hành, quỵt lương hoặc ốm đau.

Không biết thời gian ở đâu, học khi nào và làm cách gì, Nhàn có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh do Đại học LaTrober (Australia), rồi tiến sĩ tại Viện IASS ở Nga. Hệ thống hàng trăm tờ báo quốc doanh đã ca tụng theo lời “nổ” của Nhàn, rằng để có kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ngoại ngữ, Nhàn đã phải học rất nhiều, học ở mọi lúc, mọi nơi, những lúc ngồi trên ô tô, trên máy bay… Vì vậy mà Nhàn sử dụng thông thạo 5 thứ tiếng: Anh, Trung, Nga, Hàn và cả tiếng Nhật.

Tháng 10/2005, Traenco được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Dĩ nhiên, Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhảy lên ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc AIC. AIC dưới thời Nhàn điều hành đã xảy ra nhiều vụ bê bối trong xuất khẩu lao động, qua những cáo buộc của khách hàng của họ là “đem con bỏ chợ”.

Chân dung Nguyễn Thị Thanh Nhàn những ngày đầu lập nghiệp

Phần bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi rời Hải Dương hồi đầu năm 2006, bà Ngân lần lượt làm thứ trưởng Bộ Thương mại, bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, rồi Phó chủ tịch Quốc hội. Năm 2011, khi quân đội đảo chính do Gaddafi cầm đầu (sau này lập nên chế độ độc tài, khát máu) chiến sự nổ ra nguy hiểm. Sợ liên luỵ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cầu cứu bà Kim Ngân đã giúp AIC của Nhàn và một số công ty XKLĐ khác, thiết lập cầu hàng không để đưa 10.000 lao động VN từ Libya về nước. Sau vụ này, bà Kim Ngân trở nên nổi tiếng và AIC cũng được ăn theo.

Qua cầu nối từ bà Kim Ngân, Nhàn bắt đầu quen biết và “dắt mũi” hàng loạt Ủy viên Trung ương Đảng để sai khiến, lợi dụng họ, đánh bóng tên tuổi của Nhàn và làm nên những phi vụ kinh thiên, động địa. Những cái tên đình đám dính líu đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn là: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Bình Quân, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Nhân Chiến, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Xuân Thắng, Trần Bình Minh, Châu Văn Minh…

Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Hồ Nghĩa Dũng
Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Trần Bình Minh. Nguồn: VTV7
Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Nguyễn Xuân Thắng

Tháng 2/2015, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gây sửng sốt cho những người quen biết bà ta và làm bất ngờ cả giới học thuật Việt Nam khi được Viện nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga (Viện IASS) trao tặng hai danh hiệu: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski. Đích thân Ủy viên Bộ chính trị khoá XI, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng nhiều quan chức bộ ngành đã đến dự.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận văn bằng “Viện sĩ”

Mặc dù viện này cũng không tiếng tăm gì với quốc tế, nhưng báo Đảng và báo quốc doanh thổi nó thành “Viện hàn lâm nổi tiếng thế giới” và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là “người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á và Việt Nam được Viện hàn lâm IASS trao tặng hai danh hiệu danh giá“.

Với mục tiêu loè bịp thiên hạ, phục vụ cho ý đồ gây thanh thế để dễ kiếm tiền, Nhàn vơ hết tất cả các giải thưởng, từ Sao đỏ, Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất… cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng, huân, huy chương, nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành và địa phương trên cả nước, đến cả… Huân chương lao động và các huy chương danh giá khác.

Có tiền, có chức vụ, mua được học hàm học vị, từ một con buôn, “cò” XKLĐ ăn trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lao động tha phương nơi xứ người, Nguyễn Thanh Nhàn đã trở thành người đàn bà quyền lực, uy danh cả nước, trúng thầu các dự án “khủng”, thu tóm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ các dự án công béo bở. Hiện bà ta là cái tên gây sóng gió, chao đảo chính trường Việt Nam trước thềm đại hội XIII của đảng cộng sản.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.