Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Một kiểu có đuôi man rợ

 

Một kiểu có đuôi man rợ

Nguyễn Thông

16-11-2020

Xe và người chen chúc tại khu đón khách trong nhà để xe. Ảnh: Báo Người lao động

Kể từ hôm 14.11 tây vừa rồi, đám quản lý ga sân bay Tân Sơn Nhất đã chính thức áp dụng quy định do chúng đặt ra, và tất nhiên được các cấp liên quan như Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), Sở GTVT TP.HCM, Cục Hàng không, Bộ GTVT, thậm chí cả chính phủ, phê duyệt đồng ý. Quy định rằng xe nào được vào chỗ nào để đón khách, trong lãnh địa có tên chữ là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Điều thấy rất rõ, các quan sân bay lấy lý do đảm bảo an toàn, giảm ùn ứ ùn tắc xe cộ trong khu vực các làn đường trước sảnh nhà ga nên chấn chỉnh lại. Lâu nay, nhà chức việc xứ này làm điều gì mà chả có lý do chính đáng, vì nọ vì kia. Điều họ cố ỉm đi không nói ra: vì chính họ và vì túi tiền, từ cái thói lăng loàn, độc quyền, ích kỷ, coi thường dân chúng của họ. Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như rất nhiều cơ sở vật chất hạ tầng ở nước này, là tài sản quốc gia, công cộng, của chung toàn dân, của cộng đồng chứ không phải riêng ai. Chính người dân đã đổ máu, “anh gục xuống đường băng Tân Sơn Nhất”, đã còng lưng đóng thuế nộp vào ngân sách để có sân bay, để củng cố cho nó tồn tại. Nó được giao cho đơn vị này nọ, người này người kia chỉ để họ quản lý, duy trì sự hoạt động phục vụ đất nước, xã hội, dân chúng, chứ không phải bị biến thành của riêng, độc quyền, muốn làm gì thì làm, dùng thế nào thì dùng, biến nó thành công cụ hành dân.

Ở nước này, chế độ này, có những lãnh địa được nhà cai trị ngầm bật đèn xanh cho bọn lãnh chúa tự tung tự tác, rồi trên dưới ăn chia với nhau. Chỉ có nước và dân là thiệt. Ngành dầu khí là một ví dụ. Dầu khí là tài nguyên, tài sản quốc gia. Nhà nước bỏ ngân sách đầu tư vào đó, khai thác, hút lên đem bán nhưng tiền thì người trong ngành dầu khí hưởng trước, hưởng nhiều, dân chúng chả được bao nhiêu. Suốt mấy chục năm ròng, dầu khí đã tạo nên tầng lớp lắm tiền nhiều của, trong khi dân chúng vẫn tả tơi đói rách kéo dài. Nhà cai trị biết tỏng điều ấy nhưng lơ đi, bởi ông thầy ăn một bà cốt ăn hai, nó chết thì mình cũng băng hà.

Sân bay cũng là loại dầu khí trên cạn. Lãnh địa này, chỉ có con vua cháu chúa, dòng giống quan lại mới chen vào được. Tôi từng tận tai nghe, để được làm trong sân bay, tiền chi cửa này cửa nọ chất cao có khi bằng người. Lãnh địa màu mỡ béo bở luôn được khai thác đủ cách, mà việc cho phép xe ra vào là một ví dụ.

Các ngài chính phủ, bộ giao thông, bộ tài chính và những ông bà tai to mặt lớn đang ở đâu, ra đây cho tôi hỏi: ai cho phép đám quản lý sân bay, quản lý nhà ga được quy định xe này vào, xe kia không. Sân bay, đường sá là của chung, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân đều đóng thuế để nuôi nó, cớ sao phân biệt đối xử. Đã có một thời, dư luận kịch liệt phản đối việc chỉ cho xe taxi hãng độc quyền được chạy vào, hãng khác thì không. Nay cũng vậy, trắng trợn tạo điều kiện cho những doanh nghiệp vận tải đã đăng ký kinh doanh nhượng quyền với cảng hàng không. Tức là có tiền, bỏ tiền ra mua quyền thì tao cho vào, còn không thì bán xới, đi chỗ khác. Ai đã cho phép chúng biến tài sản quốc gia thành thứ mua bán đổi chác?

Điều cũng dễ nhận ra, vụ phân làn này chúng cố ý đánh vào xe công nghệ, như xe Grab, Gojek. Với những xe 4.0 ấy chúng không kiếm được xơ múi gì ngoài tiền phí ra vào cổng lâu nay. Giờ thì gạt ra cho biết tay, hành cho bõ, bắt phải chen chúc, chầu chực, vất vả, xa xôi, chưa kể diệt nó mà vẫn thu thêm được 25.000 đồng mỗi lần làm ơn cho vào chầu chực. Chính phủ kêu gào cách mạng 4.0, chứ ở nhà ga sân bay này, 4.0 hay 0.4, nói thật, chả là cái chó gì.

Bảo để đường trước sảnh thông thoáng, chống ùn tắc, vớ vẩn. Ùn tắc nơi ấy đáng bao nhiêu so với ùn tắc bên ngoài sân bay, so với đường băng chật hẹp ít ỏi bắt máy bay phải đợi. Chỗ cần chống lại chả chống. Nói đâu xa, thu ngay cái sân golf chình ình ngứa mắt là giải quyết tận gốc vấn đề, thậm chí chưa cần phải triển khai dự án Long Thành long thiếc.

Nhưng ác nhất là cái quy định dã man kia đánh vào chính người dân, đối tượng mà nhà cai trị lúc nào cũng leo lẻo “vì dân do dân”. Họ không thèm đếm xỉa gì tới sự vất vả, nỗi khổ của dân. Trước khi có cái quyết định vô lối này, người dân đi tàu bay, trong đó rất nhiều người già, trẻ em, bé con phải bồng bế, người lỉnh kỉnh hành lý, tay xách nách mang… chỉ cần ra sảnh, đứng cạnh làn A, xe tới đón cũng tối đa dừng 1 – 2 phút là tếch. Giờ thì vẫn đối tượng cần lao đó, phải khốn nạn lếch thếch qua tít đằng nhà xe, làn D, mà nào có yên, lại lếch lếch dắt díu bồng bế nhau leo tuốt lên lầu 3 lầu 4 lầu 5 đông đúc chật chội để tìm chiếc xe đón mình.

Tất nhiên cũng lại đối tượng dân, móc túi trả thêm 25 nghìn đồng ngoài tiền xe để tài xế cúng cho các quan cai quản sân bay. Tiền từ túi dân nghèo chảy vào hầu bao không đáy của đám vô nhân bạc nghĩa.

Ngày xưa, cụ Ức Trai Nguyễn Trãi viết về ách bóc lột của bọn cai trị nhà Minh “thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán/nay xây nhà, mai đắp đất, tay chân nào phục dịch cho vừa”, giờ thì hậu nhà Minh, sau hơn 600 năm, vẫn y như thế, cả quan lẫn dân, cả thể chế lẫn số phận con người.

Sao họ không nghĩ, mới thời chưa xa, cha anh họ hoặc chính họ còn chui bờ ngủ bụi, nằm hầm, chém vè… lăn lóc với dân, chia bùi sẻ ngọt, một tấc không rời. Nay hành dân, bắt buộc, đe nẹt, tính toán với dân từng li từng tí, trong khi chính họ tự đặt cho mình thứ đặc quyền đặc lợi. Đi máy bay, xe đưa rước phải tận nơi, hạt bụi cũng không có quyền bám vào giày. Thậm chí cả vợ chồng con cái cũng xe công ghé tận cầu thang máy bay cho vênh vang ông nọ bà kia.

Hỡi những ông bà quan chức lên ngựa xuống xe đặc lợi, có nhìn thấy nỗi khổ của người dân lương thiện trong vụ phân chia làn xe cực kỳ bất nhân này.

Xứ người ta, làm kinh tế thị trường, phát triển tư bản, luôn lấy quyền lợi con người, người lao động, dân chúng bình thường đặt lên hàng đầu, còn các ông bà cách mạng vô sản cứ ra rả chửi họ là bóc lột. Nay các ông bà thực hiện kinh tế thị trường có đuôi, phần hay đâu chửa thấy, chỉ thấy tòi ra thứ chủ nghĩa tư bản man rợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.