Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Khối công việc khổng lồ và những khó khăn đang chờ tân Tổng thống Biden

 

Khối công việc khổng lồ và những khó khăn đang chờ tân Tổng thống Biden

Jackhammer Nguyễn

15-11-2020

Công việc của Tân Tổng thống Biden đang đối mặt sau khi tiếp nhận chính quyền sẽ vô cùng nặng nề, một phần là cái mớ “di sản” hỗn độn của Donald Trump, phần lớn là những căn bệnh bên trong của nước Mỹ đã âm ỉ từ rất lâu và bục ra dưới bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump.

Có thể có nhiều người Việt thấy rằng, chính sách đối ngoại sẽ gặp khó khăn sau thời gian dài nước Mỹ đổ vỡ với các đồng minh, tạo điều kiện cho hai đối thủ Nga và Trung Quốc vươn lên trong thời gian qua. Nhưng theo ý chủ quan của tôi, vấn đề đối ngoại lại là vấn đề dễ nhất mà ông Biden phải làm. Nước Mỹ dưới thời Biden chỉ cần quay lại chính sách đối ngoại liên minh với các đồng minh Á – Âu, và họ đang sẵn sàng chờ đón điều này, đúng như lời bà thị trưởng Paris nói hôm ông Biden tuyên bố thắng cử: Hoan nghênh nước Mỹ trở lại.

Công việc vô cùng mệt nhọc của ông Biden là nội trị của nước Mỹ.

Sắc tộc

Bất bình đẳng sắc tộc đã có ở Mỹ từ lâu, đến thời Donald Trump thì bùng phát, qua những cuộc biểu tình lớn sau vụ George Floyd, có nơi dẫn đến bạo động. Các nhóm cực hữu, thượng đẳng da trắng cũng xuất hiện mạnh bạo hơn dưới thời Trump.

Trump đã trả giá rất lớn với khối cử tri người da đen, dù chỉ chiếm hơn 10% dân số, nhưng đủ làm lệch cán cân bầu cử ở những bang quan trọng. Chính đông đảo cử tri người da đen tại ba thành phố lớn: Detroit, Phildelphia và Atlanta của ba tiểu bang Michigan, Pennsylvania và Georgia đã mang thắng lợi cho ông Joseph Biden ở ba bang này.

Có thể nói không ngoa rằng, chính cử tri da đen đã đưa ông Biden đến Tòa Bạch Ốc trong năm 2020.

Ông Biden sẽ làm gì để giúp người da đen? Giải quyết sự bất bình đẳng sắc tộc nói chung, sự kém lợi thế của người da đen nói riêng, là điều không hề dễ dàng.

Nhóm công nhân da trắng miền Rust Belt

Bốn năm trước, những lời mị dân của Donald Trump đã quyến rũ được cử tri công nhân ở các bang Wisconsin, Pennsylvania, Michigan bầu cho ông ta, nhưng sau đó họ đã nhận ra rằng Trump chẳng làm gì được để phục hồi ngành công nghiệp chế tạo của các bang này. Ngược lại chính sách thuế má của ông ta lên hàng nhập khẩu lại đưa đến những dự án dỏm kiểu Foxconn ở Wisconsin.

Tình trạng mất việc làm trong các ngành công nghiệp nặng ở vùng này là hậu quả của toàn cầu hóa, khi giá nhân công ở các quốc gia nghèo rẻ hơn. Giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng, một mặt nước Mỹ không thể bỏ vai trò đứng đầu của nó trong toàn cầu hóa, mặt khác cũng phải tạo dựng việc làm trở lại ở vùng Rust Belt.

Khi vận động tranh cử, ông Biden hứa bỏ ra 700 tỷ đô la, trong đó có 400 tỷ dùng mua sản phẩm sản xuất tại Mỹ, 300 tỷ còn lại để nghiên cứu phát triển công nghệ, tạo việc làm, dựa trên những công việc mới. Nhưng để thực hiện dự án này không hề dễ dàng.

Sự chia rẽ của xã hội Mỹ

Sự chia rẽ của xã hội Mỹ không phải do Donald Trump tạo ra, mà ông ta chỉ đại diện cho sự chia rẽ đó. Thắng lợi năm 2016 của ông ta cũng dựa trên sự chia rẽ đó, khi những người Mỹ bị toàn cầu hóa bỏ rơi phía sau, đặt cược vào ông.

Nhìn bảng đồ bầu cử ở Mỹ, ta thấy rõ các bang giàu có miền Tây và Đông Bắc bầu cho Đảng Dân chủ, các bang nông nghiệp nghèo hơn ở giữa bầu cho Đảng Cộng hòa. Trong cùng một bang, khu vực thành thị cũng có khuynh hướng bầu cho Đảng Dân chủ, miền quê bầu cho Đảng Cộng hòa. Vào năm 2016, sau thất bại của bà Hilary Clinton, một chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ than phiền rằng, đảng này đã trở thành đảng của tầng lớp tinh hoa hai bờ biển.

Từ sự khác biệt về kinh tế, dẫn đến sự khác biệt về suy nghĩ ngày càng trầm trọng, đưa đến những xung đột chính trị ngày càng cao. Vùng bờ biển có khuynh hướng cấp tiến, vùng quê ở giữa của nước Mỹ bảo thủ. Để xóa đi sự khác biệt và xung đột này, ông Biden đã bắt đầu bằng những thông điệp hàn gắn, ông nói rằng ông là tổng thống của tất cả người Mỹ, không có bang Dân chủ hay Cộng hòa, mà chỉ có nước Mỹ.

Nhưng tôi nghĩ rằng công việc này là một công việc rất lâu dài và khó khăn.

Khôi phục niềm tin vào định chế Mỹ

Trong bốn năm cầm quyền, Donald Trump liên tục tấn công vào các định chế Mỹ, từ báo chí đến tòa án, từ Quốc hội cho đến các cơ quan tình báo an ninh liên bang nằm dưới chính sự lãnh đạo của ông ta.

Donald Trump tung hô các thuyết âm mưu, trong đó một nhà nước ngầm đang khống chế toàn bộ nước Mỹ và chỉ có ông ta là người có thể đương đầu lại nó. Theo lời Donald Trump, nhiều người dân Mỹ không còn tin ở những nhà khoa học của một đất nước đứng đầu thế giới về khoa học.

Kết quả là hàng triệu người mất niềm tin vào định chế Mỹ. Người ta tin vào tin vịt từ những website thuyết âm mưu dày đặc trên mạng. Cú phá hoại cuối cùng của Donald Trump là phao tin hệ thống bầu cử ở Mỹ bị gian lận làm ông ta bị thất cử, mà hệ thống này lại nằm dưới sự giám sát của ông ta trong bốn năm qua.

Điều hết sức vô lý đó của Donald Trump lại được không ít người Mỹ tin theo.

Trước mắt có vẻ như thử thách lớn nhất đối với chính quyền Biden sau ngày 20/1/2021 là giải quyết nạn dịch Covid-19, nhưng tôi nghĩ, vấn đề này lại dễ vì ông Biden là người tuân theo các nhà khoa học, và nước Mỹ vẫn còn nhiều nhà khoa học, phương tiện kỹ thuật tối tân để đối phó với đại dịch. Sự tệ hại hiện thời của dịch bệnh ở Mỹ có nguyên nhân từ sự lãnh đạo bất tài của Donald Trump mà thôi.

Công việc khó khăn nhất của Joseph Biden chính là hàn gắn xã hội, khôi phục niềm tin vào định chế Mỹ, vào một biệt lệ Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.