“Biết nghi ngờ, truy nguồn gốc và tự đánh giá” – Phần 1: Cách kiểm chứng thông tin
15-11-2020
Theo dõi bầu cử Mỹ, sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta không thảo luận tới tình trạng tin giả, tin vịt đang tràn lan. Khi chủ ý đưa tin sai lệch một cách có hệ thống, nó có thể gây ra tác động tai hại đến nhận thức và lý trí cộng đồng. Điều này có thể được thực hiện dễ dàng nếu người đọc không có khả năng kiểm chứng được thông tin thật-giả.
Điều đáng tiếc là, Việt Nam đang lại lún sâu vào các thông tin giả và sai lệch như vậy. Nó gắn liền với “hiện tượng Trump” và bầu cử Mỹ. Trước khi tôi bêu tên các trang mạng và một vài Facebook thuộc “tổ ngàn like” chuyên làm việc này, tôi muốn chia sẽ với các bạn cách thức kiểm tin từ trước đến nay của tôi, với hy vọng giúp cho bạn có phương pháp đối chiếu và so sánh thông tin, tránh rơi vào sự định hướng của truyền thông bất hảo.
1. Kiểm chứng thông tin
Khi còn là sinh viên luật, tôi có thói quen tra cứu các nguồn thông tin, đơn giản vì trong pháp lý luôn đòi hỏi các thông tin đưa ra phải thật sự chính xác. Thông tin từ báo chí có thể mắc sai sót vô tình hoặc chủ ý bởi người viết tin. Vì vậy tôi phải tra cứu và tìm ra “nguồn tin gốc”. Bây giờ nhìn lại, khi làm việc tra cứu này, nó cũng chính là một hoạt động “kiểm chứng thông tin”. Bất kể báo nào, dòng chính hay dòng phụ, chính thống hay ngoài lề, khi tra cứu tìm ra nguồn tin gốc, nó giúp tôi nhận biết được tin thật-giả, nội dung nào là sai sót từ nghiệp vụ báo chí, nội dung nào cố tình bị làm sai lệch.
Và hôm nay, tôi bắt đầu chủ đề này bằng cách thử kiểm chứng 2 thông tin liên quan đến bầu cử Mỹ được dư luận quan tâm. Tin thứ nhất là trên BBC Việt ngữ, và tin thứ 2 là từ các trang “phò Trump”.
Tin thứ 1: Mới đây trên BBC Việt Ngữ tường thuật việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi được hỏi, ông có sẵn sàng hợp tác với nhóm chuyển giao của ứng viên đảng Dân chủ không, thì ông ta nói rằng: “Sẽ có sự chuyển giao êm đẹp sang chính phủ Trump lần hai”.
Tôi chọn tin này để kiểm chứng vì tôi thấy nó “rất bất thường”. Bất thường ở chỗ, câu trả lời của Ngoại trưởng Mỹ rất ngang ngược, cho thấy ông ta thiếu tôn trọng đối với nền dân chủ. Chính vì vậy tôi sẽ tiến hành việc kiểm chứng thực hư thông tin này, bằng cách vào trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tôi tìm thấy nó ở mục họp báo của Ngoại trưởng, trong một văn bản ghi chép lại toàn bộ nội dung của buổi họp báo ngày hôm đó.
Sau khi nắm thông tin gốc và đối chiếu lại thông tin của BBC, có thể khẳng định ông Mike Pompeo có nói như vậy, sự tường thuật của BBC Việt ngữ về vấn đề này là chính xác. Nếu bạn nào đọc thông tin gốc này, bạn có thể hiểu thêm phần nào nguyên do vì sao ông Mike Pompeo lại trả lời phóng viên một cách “giằn mặt” và thiếu chuyên nghiệp như vậy.
Kiểm chứng Tin thứ 2: Hôm qua có rất nhiều trang tin “phò Trump” loan tin với nội dung như sau:
“Hôm 14/11, Hạ nghị sĩ Louie Gohmert chia sẻ trên Newsmax về báo cáo rằng, Scytl – công ty lưu trữ dữ liệu bầu cử Mỹ 2020, đã bị một lực lượng lớn quân đội Mỹ đột kích và máy chủ của họ đã bị chiếm giữ ở Frankfurt. Luật sư của ông Trump đã tweet rằng: “Biden và đồng bọn tội phạm của hắn sẽ không thể ngủ ngon đêm nay”.
Các bài viết đưa tin về vụ việc này cáo buộc công ty Scytl thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho Biden nhằm hạ bệ Trump.
Chưa cần kiểm chứng, đọc qua các thông tin như vậy tôi cũng có thể nhận định ngay đó là thông tin sai sự thật. Bởi ngay nội dung mở đầu có 2 vấn đề “rất không thật”, đó là: Thứ nhất, quân đội Mỹ đột kích vào một nơi ở Frankfurt (Đức). Có bao giờ bạn nghe thấy quân đội Mỹ đột kích bắt tội phạm ở Việt Nam hay một quốc gia nào đó không, hay họ phải đề nghị giới chức chính quyền nước sở tại bắt giùm? Và thứ hai, một câu chuyện nghiêm trọng như vậy lại xuất phát từ một ông Hạ nghị sĩ (còn cả trăm ông Hạ nghị sĩ khác không lẽ không biết, sao chỉ mỗi mình ổng lên tiếng?), và một thông tin động trời như vậy mà ổng lại chia sẽ nó với một trang mạng thuộc dạng lôm côm ở Mỹ.
Giờ tôi đi kiểm chứng nó. Một công việc vô cùng khó khăn, vì tôi thừa biết mình phải đi tìm cái… không có thật.
Từ thông tin trên, điều đầu tiên tôi làm bắt ngay từ khóa “Hạ nghị sĩ Louie Gohmert chia sẻ trên Newsmax”. Việc tra cứu ngay từ đầu đã gặp khó khăn vì bài viết đã không dẫn links Newsmax để giúp độc giả dễ đối chiếu. Tôi vào trang Newsmax tìm kiếm trong vô vọng. Nhưng lại tìm được một video trên Youtube ông Louie Gohmert nói về vấn đề này.
Đó là một buổi thảo luận nhóm trên Facebook, ông Louie Gohmert nói rằng, ông đã nhận được thông tin hôm Chủ nhật từ “một số cựu nhân viên tình báo, rằng có bằng chứng cực kỳ thuyết phục được thu thập từ Scytl”. Đến đây thì không cần tra cứu theo hướng này nữa, không cần tiếp tục chú ý tới Newsmax để kiểm tra nữa, vì ông Louie Gohmert cho biết ông có được tin này từ “một số cựu nhân viên tình báo”- hehe – bí mật kiểu tình báo thì hết đường tra cứu và tin dưới dạng “rỉ tai”, chỉ có trời biết, đất biết và ông ta biết.
Quyết tâm làm rõ sự thật, tôi tra cứu theo hướng ngược lại, truy cập vào trang web của công ty Scytl. Ngay trên trang chính của họ xuất hiện ngay bản tin: “Kiểm tra sự thật về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ: Bóc trần tin tức giả mạo”.
Nội dung bản tin từ Công ty này nói rằng: Sau một số tuyên bố sai sự thật được phát trên phương tiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội, Scytl muốn làm rõ những điều sau:
– Chúng tôi không có máy chủ hoặc văn phòng ở Frankfurt. Quân đội Hoa Kỳ đã không thu giữ bất cứ thứ gì từ Scytl ở Barcelona, Frankfurt hoặc bất kỳ nơi nào khác.
– Các công nghệ được triển khai bởi Scytl ở Hoa Kỳ đều được lưu trữ và quản lý tại Hoa Kỳ, bởi một công ty con địa phương, SOE Software, có trụ sở tại Tampa, Florida.
– Chúng tôi không lập bảng, kiểm đếm hoặc kiểm phiếu ở Hoa Kỳ. Chúng tôi không cung cấp máy bỏ phiếu ở Hoa Kỳ…
Qua thông tin mà Scytl cho biết về các dịch vụ mà họ cung cấp cho kỳ bầu cử ở Hoa Kỳ, cho thấy họ hoàn toàn không có khả năng điều chỉnh hay can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ.
Từ thông tin được đưa ra bởi Công ty Scytl, đối chiếu lại thông tin mà các trang tin “Phò Trump” đã viết, rõ đây là thứ tin tức bịp bợm. Nó được dựng lên từ nghi vấn theo thuyết âm mưu, từ sự “chém gió” của ông Louie Gohmert (là người cuồng Trump theo đảng Cộng Hòa). Người cung cấp tin và người làm tin phối hợp nhịp nhàng, “bên tung bên hứng” để đẩy vấn đề lên như thật, nhằm mục đích định hướng cho người đọc tin rằng, cuộc bầu cử Mỹ đang bị gian lận với quy mô lớn, rằng ông Trump đang bị đánh cắp phiếu bầu.
***
Qua phần 1 của bài viết này, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trong tư cách của một người đọc tin, là nếu bạn muốn đón nhận những thông tin “đọc cho sướng, nghe cho đã hay để thõa mãn tâm thức của mình”, thì chắn chắn sẽ có người “làm ra tin” để phục vụ bạn và làm hài lòng theo nhu cầu đó của bạn. Nhưng điều này có thể dẫn đến hậu quả là tư duy và nhận thức của bạn dễ dàng bị người khác áp đặt và định hướng. Hay xa hơn nữa là bạn có thể ra các quyết định sai lầm trong cuộc sống bởi các thông tin sai sự thật mà bạn liên tục thu nạp vào tâm trí mình.
Nếu bạn không có khả năng kiểm chứng thông tin, muốn đọc những thông tin đáng tin cậy nhưng không bị kiểm duyệt, thì lời khuyên của tôi là bạn nên bám vào các hãng tin có bề dày lịch sử, đã khẳng định được tên tuổi qua thời gian, chẳng hạn như BBC, VOA, RFI, RFA. Theo đánh giá của tôi, bộ “tứ trụ truyền thông” quốc tế có ngôn ngữ tiếng Việt này đang làm khá tốt việc loan tin đến các bạn. Tất nhiên, tôi chỉ nói đến việc loan tin thôi, còn các ý kiến bình luận thường được đưa vào trong một bài báo, chỉ là quan điểm của cá nhân người đó, đón nhận như thế nào là tùy vào nhận định của riêng bạn.
____
Còn tiếp:
Phần 2: Phương pháp đánh giá các vấn đề xã hội gây tranh cãi, khó kiểm chứng thông tin. (Nhìn từ phong trào Black Lives Matter và Antifa)
Phần 3: Cách thức làm ra tin giả, tin vịt, và diễn giải sai lệch bản chất vấn đề nhằm định hướng (bêu tên các trang tin bất hảo và cách thức họ hoạt động).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.