Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 7: Hiện tượng Trump

 

Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 7: Hiện tượng Trump

Nguyễn Thọ

16-11-2020

Tiếp theo Phần 1: One China – Phần 2: Bài học Đài Loan – Phần 3: Empire rise and falls – Phần 4: Vài ngộ nhận – Phần 5: Nước Mỹ vĩ đại – Phần 6: Cột mốc mới

Ở bài trước, một số bạn phê tôi: “Chớ vui vội”, hoặc “Hãy đợi đấy”.

Đọc kỹ sẽ thấy tôi không hề vui, mà chỉ lo cho một thế giới đang bị đe dọa. Tôi cũng không vội. Dù biết là Biden thắng cử, tôi nghĩ về một cuộc chuyển giao quyền lực sóng gió.

Những người ủng hộ Trump đang vui mừng thì thầm rằng: Dù thua Dân chủ, nhưng các bang mà Cộng hòa vẫn nắm cả nghị viện lẫn chính quyền sẽ cử các đại cử tri của họ đi bầu và kết quả sau ngày 6.1.2021 sẽ khác. Họ còn mong Trump thao túng được bộ quốc phòng và tạo ra tình trạng chiến tranh để giúp tổng tư lệnh ở lại ít nhất một năm nữa v.v và v.v.

Trump dám làm tất cả, kể cả đốt cháy nước Mỹ để bảo vệ quyền lực. Nhưng tôi tin là hiểu biết về dân chủ và ý thức pháp quyền của những người quanh ông ta cũng như thể chế của Mỹ sẽ không cho phép nổi loạn.

Nguy hiểm ở chỗ: Ai hy vọng vào những hành động điên rồ nói trên, chưa cần hò reo vui mừng, đang hủy hoại nhân cách của mình. Tội ác đến từ trong đầu, chứ không phải ở chân tay. Trước đây vài tháng, đã có nhiều người cầu mong đập Tam Hiệp vỡ để giết chết cả tỷ người Trung Quốc. Xin đừng nghĩ rằng hai cái ác đó không liên quan đến nhau.

Cũng may là số người như vậy chưa nhiều. Trump có tài bẩm sinh là đọc được hơi thở của quần chúng và tìm đúng cách thỏa mãn nguyện vọng của họ.

Một người chưa hề làm chính trị bỗng trở thành chính khách ảnh hưởng nhất hành tinh chính nhờ đọc được nguyện vọng của đám đông. Ngược lại, phong trào ủng hộ Trump luôn tạo ra làn sóng nâng cảm hứng cho những hành động bất thường của ông chống lại trật tự kinh tế và chính trị hiện hành. Sự tương hỗ chưa từng có này đã nhanh chóng đảo lộn nền chính trị của Mỹ và thế giới. Nó sẽ không kết thúc sau ngày 20.1.2021.

Đó là hiện tượng mà người ta gọi là Trumpism trong những ngày gần đây. Theo tôi, Trumpism (Chủ nghĩa Trump) không tồn tại. Chủ nghĩa phải dựa trên một hệ thống lý luận hay một học thuyết. Trump không đưa ra học thuyết nào, chỉ hành động và phát biểu theo theo trực quan. Người ta gọi người ủng hộ ông là Trumpist. Vì không có hệ tư tưởng thì không thể coi Trumpist là người theo đuổi chủ nghĩa Trump, khác với Marxist (người theo chủ nghĩa Marx), Xionist (người theo chủ nghĩa phục hưng Do Thái), hoặc Chauvinist (người theo chủ nghĩa Xô-Vanh) chẳng hạn. Trumpist chỉ là người hâm mộ hoặc yêu mến Trump.

Trump được họ yêu mến vì ông khác hẳn các chính khách “Lịch lãm” xưa nay. Ông bộc lộ “hỷ nộ ái ố” mà không cần kiểm soát.

Một người Việt Nam mà tôi kính trọng viết “Là người nghiên cứu Tâm lý học, quan sát Trump, tôi thấy ông ấy bộc lộ hết những tính xấu nêu trên là có thật. Thêm nữa, ông ta còn có thể láu cá “trốn thuế” và “trốn nghĩa vụ quân sự” một cách hợp pháp”. Có lẽ ông yêu cái tính khí “Cow boy Texas” ở Trump.

Tôi có nhiều bạn bè như vậy. Tôi tôn trọng cảm xúc của họ, chừng nào họ không bị cái ác biến thành kẻ gieo rắc hận thù.

Công bằng mà nói, không phải mọi việc Trump làm đều dở.

Trước việc Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa vị trí siêu cường số một của Mỹ, cũng như để tránh sự quá tải của một nước Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh, Obama tuy không nói “America First”, nhưng đã rút dần quân đội khỏi Iraq, Afghanistan. Tuy không chửi vỗ mặt Trung Quốc, nhưng Obama đã có chiến lược “Châu Á-Thái Bình Dương”. Đã đưa ra vành đai kinh tế TPP để cô lập Trung Quốc. Tuy không chửi các đồng minh NATO, Bush Junior đã đòi họ phải chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Trump đã hành động quyết liệt hơn trong các tiến trình này, đặc biệt là đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch để chặn sự tụt dốc của kinh tế Mỹ và phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc (và với tất cả các đồng minh).

Chúng ta sẽ cãi nhau đến chết để khen hay chê các chính sách kinh tế của Trump. Sự thật là: Thâm hụt thương mại với Trung Quốc chỉ giảm nhẹ, từ 375 tỷ năm 2017 có thể xuống 300 tỷ năm nay. [1].

Kết quả chiến tranh thương mại Mỹ-China cho thấy đây không phải là cuộc chiến dễ ăn. Màu vàng là China xuất sang Mỹ, màu xanh đậm là Mỹ xuất sang China. Màu xanh nhạt là nhập siêu của Mỹ. Nguồn Cơ quan thống kê chính phủ Mỹ.

Có nghĩa là cuộc chiến sẽ phải lâu dài và Trump chỉ có tối đa 8 năm, trong khi Tập còn trẻ hơn và sẽ ngồi suốt đời. Vậy thì chớ biến phe đối lập thành kẻ thù mà phải chia sẻ với họ thì mới hy vọng thắng.

Kết quả khiêm tốn này cũng là hậu quả của toàn cầu hóa. Made in China cũng có thể là in Vietnam, in India hay in Mexico. Vậy thì một mặt trận đồng minh như TTP là điều cần thiết và khiêu chiến thương mại tứ bề là điều dại dột.

Cũng chớ nên ảo tưởng là tweet của tổng thống có thể bắt các nhà máy quay trở lại. Nước Mỹ không phải là Liên Xô. Đổ tội cho các chính quyền trước “để chảy máu” là nhắm mắt trước quy luật bất di bất dịch của CNTB: Lợi nhuận trên hết.

Gần hai năm sau khi Trump lên cầm quyền, tháng 12.2018 Elon Musk, nhà tư bản xuất sắc nhất nước Mỹ đã khởi công xây dựng nhà máy khổng lồ Giga-Shanghai để sản xuất ô-tô điện tại Trung Quốc[2] Trump vô phương.

Nhà máy Gigafactory 3 của Elon Musk xây gần Thượng Hải giũa lúc chiến tranh thương mại xảy ra cuối 2018, bất chấp ý chí của tổng thống. Hiện nay nhà máy đã đi vào sản xuấ và bắt đầu đẻ trứng vàng cho Musk.

Tuy nhiên tôi không phủ nhận tăng trưởng của kinh tế Mỹ cho đến trước Corona. Dù có phê phán việc giảm thuế làm tăng nợ công thì con số 7 triệu việc làm được tạo ra, đa số ở vùng lương thấp đã khiến tỷ lệ người da mầu và da đen bầu cho Trump năm nay tăng (từ 8% 2016) lên 14%. Nhiều người da đen bầu cho Trump vì ủng hộ chính sách nhập cư của ông giúp họ không bị mất việc làm bởi người mới đến.

Ngoài 70 tuổi, nhưng với năng lực thông tin kinh ngạc, Trump đã khuynh đảo nền truyền thông Mỹ. Khi Trump nói dối, họ vô phương, chỉ còn cách cắt tiếng của ông trên sóng. Điều đó khiến họ mất tính thuyết phục đối với fan của ông.

Dưới thời Trump Twitter, Facebook và Instagramm không những chỉ vượt mặt các tờ báo lớn mà còn qua mặt bộ ngoại giao Mỹ để chỉ trong vòng 36 giờ đã tổ chức xong cuộc gặp Kim J. Un tại đường biên Bàn Môn Điếm. Tweet của Trump bỏ qua bộ thương mại để ban bố các mức thuế đánh vào hàng Trung Quốc và qua mặt văn phòng phủ Tổng thống mỗi khi đuổi các cận thần tâm phúc. Fan của Trump rất khoái cách điều hành này, nhưng đó lại chính là con dao hai lưỡi hại ông.

Một ưu điểm nữa của hiện tượng Trump là nó giúp bộc lộ nhiều vấn đề của thời đại. Cả thế giới lúng túng trước sự trỗi dây của đế quốc Trung Hoa, trước các mâu thuẫn của toàn cầu hóa và của thảm họa môi sinh đang sừng sững tiến đến.

Điều oái oăm là Trump đối diện với các vấn đề này hoàn toàn phản khoa học (ông vốn không thích bọn khoa bảng). Tôi thì coi chính sách môi trường của Trump là phản động.

Để chống lại mô hình “Thịnh vượng không cần tự do dân chủ” của Trung Quốc, thay vì phải dùng các giá trị của nhân đạo và tự do thì Trump lại hành xử giống như Tập, Putin, Bolzonaro hay Erdogan, chỉ khác là ầm ỹ hơn.

Hiện tượng Trump còn là chiếc gương giúp chúng ta nhìn thấy rõ những người quanh mình và bản thân mình (ví dụ như hy vọng vào đảo chính của Trump đã nói ở trên).

Trump giúp cho người Mỹ nhìn thấy những bất cập trong thể chế dân chủ già 250 năm của họ. Đã nhiều lần, phổ thông đầu phiếu không nói lên ý nguyện của nhân dân, trong khi quyền hạn của tổng thống lớn đến mức có thể tha bổng cả tội phạm chiến tranh.

Tôi có xem phóng sự về xung đột trong một gia đình trung lưu Mỹ. Con gái phản đối, còn ông bố ủng hộ Trump. Ông không ưa tính khí của Trump, nhưng ghét đảng Dân chủ nên vẫn quyết bầu Trump. Ông nói: Thôi thì bịt mũi bầu cho xong![3] Câu nói của ông chính là sự bế tắc của nền chính tri Mỹ.

Xung đột gia đình. Bố- fan của Trump, con gái cực lực chống Trump. Bố bảo con: Thôi thì bịt mũi lại mà bầu cho xong! Ảnh: internet

Tuy có rất nhiều đảng phái, nhưng người dân Mỹ chỉ có hai lựa chọn: Dân chủ hay Cộng hòa. Quyền lực kèm theo tiền bạc và nhân tài cũng chỉ đổ vào hai cây đại thụ này. Một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây khác nhau, từ cao xuống thấp mới có thể cân bằng sinh thái, mới có tác dụng chống lũ, chống xói mòn. Một mảnh đất chỉ trồng cao su và cà phê thì dù có bao nhiêu cây cũng không có các tác dụng trên.

Sau Trump rất có thể sẽ có đảng mới cấp tiến hơn Biden để cánh tả khỏi phải cãi nhau. Ngược lại, nhiều người cộng hòa sẽ tìm sân chơi mới, vẫn bảo thủ, nhưng không độc hại như Trump để khỏi phải bịt mũi.

Cuối cùng thì Trump đã thất bại một cách rõ ràng qua tranh cử. Dù có bao nhiêu triệu người khóc cho Trump thì số người khóc vì mừng đã thoát khỏi cơn ác mộng mang tên ông ta còn cao hơn nhiều. Trong số gần 79 triệu người bầu cho Biden, rất nhiều người chỉ muốn tống cổ Trump. Dù rất có thiện cảm với con người Biden, tôi đã không nghĩ ông là đối thủ ngang tầm với Trump.

Trump bị thua vì chính những “phẩm chất” được người ta ca ngợi. Ông chỉ nghĩ đến kinh tế, đến tái cử để rồi dấu nhẹm nguy cơ của Covid-19, khiến hơn 251.000 người Mỹ thiệt mạng. Coi thường khoa học, không công nhận biến đổi môi trường, ông đã khiêu khích những nạn nhân thiên tai ở Mỹ ba năm qua. Ông đổ dầu vào lửa mỗi khi có xung đột chủng tộc. Ông đã bỏ qua mọi lời khuyên của các cố vấn tâm phúc để bắt tay với tên độc tài kinh tởm nhất.

Hố chôn tập thể người chết vì Corona tại Mỹ. Ảnh: internet

Người Việt chửi “Truyền thông thổ tả” sao xúm lại hại ông. Nước Mỹ không có ban tuyên huấn và mỗi tờ báo đều có những ông chủ với quyền lợi khác nhau. Chỉ vì không thích nghe phê phán nên cứ ai nói ngược lỗ tai là ông đẩy sang phía Fake News và gọi họ là kẻ thù của nhân dân. Một cuộc nổi dậy của tất cả báo chí, từ cực hữa đến tả, đã khiến ông trùm truyền thông tối mặt.

Thất bại của Trump là thất bại của đạo đức và văn hóa chính trị. Ngay trong ngày tuyên thệ nhậm chức, ông đã cãi nhau với báo chí chỉ vì muốn coi là lễ của ông đông người dự hơn Obama 2012.

Ông gây sự với cả cô bé Thunberg 16 tuổi và ăn thua chữ nghĩa với những người tâm phúc bị ông sa thải. Việc Trump thua cử ở Arizona và Georgia, hai thành trì của đảng cộng hòa không phải là quả báo. Đó là câu trả lời của dân chúng khi ông xúc phạm những người họ ngưỡng mộ: John MCain và John Lewis… Không thể kể hết.

Dù viêc kiện cáo của ông kết quả đến đâu, thì nước Mỹ đã đánh mất uy tín của siêu cường số một. Ông thắng sẽ chứng minh nước Mỹ là một quốc gia tồi tệ. Ông thua thì té ra…

Trong khi nước Mỹ như gà mắc tóc thì hôm thứ tư Trung Quốc đã xóa sổ tiếng nói đối lập cuối cùng ở Nghị viện Hong Kong.

Hôm qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, chỉ có cố vấn an ninh quốc gia O’Brien thay mặt tổng thống (đang đi đánh Golf) nói chuyện với các nguyên thủ khác.

Hôm nay hiệp đinh RECEP do Trung Quốc khởi xướng để chống lại TPP của Mỹ đã được ký kết tại Hà Nội.

Chẳng có đáng hân hoan cả.

(Còn tiếp)

_____

[1] https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5700.html

[2]https://en.wikipedia.org/wiki/Giga_Shanghai

[3] https://www.spiegel.de/politik/ausland/us-wahl-ich-halte-mir-die-nase-zu-und-waehle-ihn-familienstreit-gespraech-ueber-donald-trump-a-74106540-82d2-4625-9d0a-f45e8f5d7ea7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.